Tuesday, July 20, 2010

TỪ ỐC BƯƠU VÀNG ĐẾN HẢI LY VÀ RÙA TAI ĐỎ

Từ ốc bươu vàng đến hải ly và rùa tai đỏ

Nguyễn Quang A

Lao Động Cuối tuần số 27 Ngày 18/07/2010 Cập nhật: 7:23 AM, 18/07/2010

http://www.laodong.com.vn/Home/Tu-oc-buou-vang-den-hai-ly-va-rua-tai-do/20107/192051.laodong

.

(LĐCT) - Cục Nuôi trồng thuỷ sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cấp phép cho Công ty cổ phần Nhập khẩu thuỷ sản Cần Thơ nhập 40 tấn (24.000 con) rùa tai đỏ từ Mỹ. Đây là loại được liệt trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và nằm trong 100 loại nguy hiểm nhất thế giới.

Rùa tai đỏ đã được nhập về và đang nuôi tại một nơi thuộc Vĩnh Long. Mang hoạ về cho đất nước và bây giờ người ta đôn đáo tìm cách giải quyết.

Không nhẽ các quan chức của Bộ NN&PTNT lại không biết đến loài xâm hại nguy hiểm này? Họ biết chứ, vì theo một quan chức của Bộ, thì “quan điểm của Bộ là không cho phép nhập khẩu loại động vật xâm hại môi trường này vào Việt Nam”. Câu hỏi là: Quan điểm đó thể hiện ở văn bản nào? Nếu có, văn bản đó được ký trước ngày 5-3-2010 khi giấy phép nhập khẩu ấy được ký hay sau đó?

Trong mọi trường hợp đây là trách nhiệm của Bộ NN&PTNN. Nhưng phải rất cụ thể, chứ không thể nói chung chung cả Bộ, tức là không ai cả.

Trước hết là ông Bộ trưởng, sau đến ông Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực này (nếu có), rồi trực tiếp là ông Cục trưởng Cục Nuôi trồng thuỷ sản và người ký (nếu người ký không phải là ông Cục trưởng).

Bộ nên nêu rõ tên các vị này cho các ông chủ của đất nước được biết, nhất là bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long nơi có thể là nạn nhân trực tiếp của tai nạn này nếu rùa tai đỏ sổng ra ngoài và lan ra thành dịch như nạn ốc bươu vàng.

Các quan chức ăn lương của dân, đã không làm tốt việc của mình mà còn tắc trách như vậy nên bị sa thải nếu họ không từ chức. Sa thải họ sẽ có chỗ cho nhiều người có tâm huyết và năng lực thay thế, chứ chẳng phải lo hết quan làm việc, lo không có người làm việc nếu kỷ luật nghiêm.

Bộ cùng chính quyền địa phương nên có kế hoạch ráo riết để xử lý triệt để số rùa tai đỏ này, kế hoạch đó phải được công khai cho nhân dân và nhất là các phương tiện thông tin đại chúng giám sát. Không có sự giám sát, không có áp lực của báo chí và của người dân rùa tai đỏ có thể trở thành tai hoạ như ốc bươu vàng ngày nào mà hậu quả cho đến ngày nay vẫn không thể khắc phục được.

Đã có một ông giáo sư khả kính tuyên truyền cho việc nuôi hải ly. Cũng đã có người nhập về từ Trung Quốc. Nhưng, may thay, do có thảo luận công khai trên báo chí nên các tác hại có thể của loại chuột này mới được lộ ra và cuối cùng chuyện nuôi hải ly như một sản phẩm “mũi nhọn” giúp bà con nông dân làm giàu đã đi vào quyên lãng và không gây ra hậu quả gì.

Lại nhớ đến tai hoạ ốc bươu vàng, được đưa vào Việt Nam năm 1986 rồi bắt đầu nuôi ở quy mô công nghiệp năm 1992. Cũng lại do các cơ quan nhà nước khởi xướng (Bộ Khoa học Môi trường hay Bộ Nông nghiệp?) và nay đã thành tai hoạ cho bà con nông dân và cho môi trường.

Thiệt hại về vụ này có thể ước lượng là con số khổng lồ (riêng cho các chiến dịch diệt ốc bươu vàng đã lên đến hàng trăm tỉ). Nó được nhập về và nuôi trồng cũng với mục đích tốt: xuất khẩu và làm thức ăn. Nhưng hậu quả không lường mới là tai hoạ: Chúng ăn thực vật, hại mùa màng, hại lúa, đặc biệt là mạ dưới 3 tuần có thể bị chúng ăn hết 100%.

Thời đó báo chí còn chưa mấy nói đến (nếu có nói thì là tuyên truyền cho việc nuôi hơn là có những phản biện về những hệ quả có thể xảy ra). Đã không có thảo luận như với trường hợp chuột hải ly, nên hậu quả chúng ta phải gánh không biết bao giờ mới hết, chắc ốc bươu vàng sẽ là vấn nạn mãi mãi vì với quy mô lan ra cả nước, và chắc sang cả các nước lân cận, thì vô cùng khó khắc phục.

Chẳng rõ các quan chức thời đó có ai bị quy trách nhiệm gì không, hay họ đã đều “hạ cánh an toàn”?

Đấy là việc làm vô cùng tắc trách của các quan chức nhà nước. Có thể họ không biết, không hiểu, thế thì là lỗi của cấp trên của họ đã đưa những người không hiểu biết vào chức vị. Từ những việc nhỏ, chưa và có thể sẽ không gây hậu quả như nhập hải ly, rùa tai đỏ cần rút ra bài học nghiêm túc.

Nhân dân đóng thuế nuôi nhà nước là để nhà nước lo những chuyện như vậy, những chuyện mà từng người dân không thể lo nổi. Những người không có năng lực làm việc đó hãy rút lui để có chỗ cho người khác. Chọn quan chức, đánh giá thành tích của họ và cất nhắc họ phải dựa chính vào công việc mà họ được giao. Họ không làm tốt thì phải lo đào tạo cho họ, họ cố tình làm sai hay lạm dụng thì phải sa thải. Ngược lại thì việc làm sai và tắc trách ngày càng nhiều và nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình (thì dân ghét rồi dân cũng phải thay thôi).

Cũng đáng lưu ý là bất cứ chính sách nào, quyết định nào cũng có những hệ quả không lường trước. Để giảm thiểu các hệ quả xấu không lường trước thì chỉ có thảo luận công khai, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến của nhân dân, của chuyên gia, để cho các ý kiến trái nhau va đập nhau và trong quá trình ấy chúng ta sẽ tiệm cận đến sự thật hơn.

Chính vì thế báo chí, người dân, các chuyên gia và các quan chức nên thảo luận công khai về cách xử lý đống rùa tai đỏ này để trách cho đất nước một tai hoạ nữa.

Nguyễn Quang A

.

.

.

No comments: