Thursday, July 22, 2010

TS NGUYỄN ĐÌNH THẮNG và NHỮNG CHUYẾN ĐI XUYÊN ĐẠI DƯƠNG

Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng và những chuyến đi xuyên đại dương vì người lao động Việt Nam

Thực hiện: Vũ Ðình Trọng/Việt Herald

(07/21/2010)

http://www.vietherald.com/D_1-2_2-168_4-4507/Tien-Si-Nguyen-Dinh-Thang-va-nhung-chuyen-di-xuyen-dai-duong-vi-nguoi-lao-dong-Viet-Nam.html

.

WESTMINSTER, California (VH): Vào Thứ bảy, 24 Tháng 7 tới đây, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, sẽ có buổi ra mắt tác phẩm “Thông Ðiệp Hy Vọng & Trách Nhiệm: 10 Năm Ðể Chuyển Biến Cộng Ðồng và Thay Ðổi Việt Nam”, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Việt Herald.

Ðược biết, ngoài việc điều hành BPSOS (Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển) đã hoạt động tại Hoa Kỳ từ nhiều năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng còn điều hành dự án CAMSA (Liêm Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Á Châu).

Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng vừa thực hiện một chuyến công tác dài ngày tại 3 quốc gia vùng Ðông Nam Á, nhằm phát triển mạng lưới CAMSA tại đây, đồng thời thực hiện một số công tác khác. Nhân dịp Tiến sĩ Thắng quay trở lại Quận Cam chuẩn bị ra mắt tác phẩm trên, phòng viên Nhật báo Việt Herald đã có cuộc phỏng vấn ông về chuyến công tác vừa qua.

Việt Herald: Trân trọng chào TS. Nguyễn Ðình Thắng, xin tiến sĩ vui lòng cho biết mục đích chuyến đi ba nước vùng Ðông nam Á vừa qua, và thành quả đạt được trong chuyến đi này?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Hai tuần qua thì chúng tôi đi Ðông Nam Á, ba quốc gia là Mã Lai, Thái Lan và Ðài Loan. Tại Mã Lai thì chúng tôi có văn phòng của CAMSA đã hoạt động từ hai năm rồi, và chúng tôi qua kỳ này để tiếp tục phối hợp với các tổ chức địa phương để làm sao đẩy mạnh thêm nữa cái chương trình chống buôn lao động, nhất là sau khi chính phủ Hoa Kỳ đưa VN vào trong danh sách cần theo dõi về vấn đề buôn người, chính yếu là buôn lao động. Cùng với sự phân loại đó, xếp hạng VN vào danh sách cần theo dõi thì chính phủ Hoa Kỳ có đưa ra 12 khuyến cáo và 11 khuyến cáo dính vào vấn đề buôn lao động. Chẳng hạn như là vấn đề ký hợp đồng gian lận, vấn đề nhà nước VN hăm dọa công nhân và những ai đứng lên tố giác vấn đề buôn lao động v.v..

Chúng tôi sang bên đó để phối hợp với nhân viên của CAMSA cũng như các tổ chức khác để làm sao bắt đầu thu thập tất cả những dữ kiện trong 12 tháng tới để xem VN có vi phạm những khuyến cáo này hay không. Nếu VN tiếp tục vi phạm các điều khoản trong khuyến cáo đó rất có thể Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giữ VN ở trong danh sách cần theo dõi thêm một năm. Nếu không cải thiện thì sẽ lập tức xuống hạng 3, mà như thế Việt Nam sẽ bị chế tài của chính phủ Hoa Kỳ.

Thành ra khuyến cáo này rất là quan trọng, nhưng chính phủ Hoa Kỳ lại không có phương tiện để theo dõi chính phủ VN thực thi như thế nào, nhiều khi họ làm một đàng lại báo cáo một nẻo. Trong suốt thời gian qua chúng tôi đã theo dõi và bây giờ tiếp tục theo dõi nữa.

Việt Herald: CAMSA là tự mình đặt cho cái nhiệm vụ đó..?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Vâng, tự chúng tôi đặt ra cái nhiệm vụ đó, vì CAMSA là liên minh bài trừ nô lệ mới ở Á Châu, mà phần lớn từ VN đi. Muốn áp lực VN phải thay đổi thì chỉ có con đường áp lực qua chính phủ Mỹ và Liên Hiệp Quốc, và chính phủ Mỹ có biện pháp chế tài đối với những quốc gia nào vi phạm. Việt Nam từ trước đến giờ họ vi phạm rất nhiều nhưng họ luôn tìm mọi cách để chối cãi. Hoa kỳ thì không có chứng cớ, nên chúng tôi phải lập ra CAMSA để hoạt động tại các quốc gia như Mã Lai, nơi rất nhiều người Việt đi lao động ở đó. Và khi chúng ta chứng minh được rằng có nạn nhân buôn người, buôn lao động ở Mã Lai mà là người VN từ VN sang thì không thể nào VN chối cãi được.

Việt Herald: Những dữ kiện tiến sĩ thu thập được trong thời gian qua nói lên được điều gì?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Có trường hợp 8 công nhân của hãng Spectra Lucas. Họ ký hợp đồng sang làm việc nhưng công ty không trả lương và bỏ đói họ. Ngay cả giấy phép làm việc của họ cũng không được gia hạn bởi chủ, thành ra họ bị cảnh sát bắt ngay tại nơi ở. Chúng tôi nghi rằng chính chủ nhân đã báo cảnh sát để bắt những người này và trục xuất để không phải trả tiền lương thiếu.

Trong thời gian họ đang ở trong tù để chuẩn bị trục xuất thì luật sư của chúng tôi đến và trình bày với tòa án đây là tình trạng buôn người, đây là nạn nhân và chiếu theo luật của Mã Lai chống buôn người thì phải thả ra. Tòa án đồng ý, đồng thời quay trở lại bắt đầu điều tra những thủ phạm. Trong khi đó thì giới chức của Tòa Ðại Sứ VN tại mã Lai lại đến để phối hợp với kẻ buôn người để tìm cách áp lực những công nhân này thú tội của họ để được đưa về VN sớm. Việc làm này nếu thành công thì coi như chúng tôi mất nhân chứng. Luật sư của chúng tôi đã chận được chuyện đó, nhưng rồi nhân viên của Ðại Sứ Quán VN lại tìm cách và lợi dụng vai trò nhân viên Tòa Ðại Sứ đã vào gặp công nhân để ép họ ký cái giấy sẽ không thưa kiện công ty môi giới ở VN sau khi hồi hương.

Tại sao lại làm cái chuyện đó nếu như không có cái sự dính líu vào đường dây buôn người, mà đó là một vi phạm rất rõ ràng một trong 12 cái khuyến cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, là không được can dự vào, không được hăm dọa những nạn nhân mà phải bảo vệ nạn nhân.

Lập tức chúng tôi có ngay chứng cớ VN tiếp tục vi phạm, mà đó là nhân viên của tòa đại sứ VN.

Việt Herald: Những nỗ lực khác trong việc giúp đỡ công nhân ở đây?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Chúng tôi bắt đầu thực hiện những cuộc huấn luyện cho công nhân để họ biết được quyền lợi của họ chiếu theo luật lao động của VN, luật Mã Lai, luật quốc tế. Chúng tôi phối hợp với tổng công đoàn nghiệp đoàn của Mã Lai để thực hiện những cuộc huấn luyện cho hàng trăm công nhân, và thời gian tới đây chúng tôi sẽ hỗ trợ các công nhân muốn tham gia nghiệp đoàn của Mã Lai thì họ được tham gia. Ðiều này rất có lợi cho họ.

Việt Herald: Còn công tác tại Thái Lan?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Ở Thái Lan thì chương trình tập trung nhiều về việc bảo vệ những người đi tỵ nạn, rất nhiều người Việt đã chạy sang tỵ nạn tại Thái Lan trong 3 năm qua vì các cuộc đàn áp ngày càng gia tăng. Chúng tôi vẫn thường xuyên tới lui Thái Lan không hiệu quả, bởi vì đi mỗi chuyến như vậy rất tốn kém. Trong thời gian qua bắt đầu từ ngày 1 tháng 4, chúng tôi đã thành lập văn phòng thường trực ở đó để phối hợp với các tổ chức của Thái Lan hay quốc tế mà đang hoạt động tại Thái Lan để can thiệp về tư cách tỵ nạn của người Việt sang Thái Lan lánh nạn. Hiện nay chúng tôi ước lượng có khoảng 600 người Việt đang lánh nạn thuộc mọi thành phần, từ những thành viên của các đảng phái hay thuộc các tổ chức nhân quyền trong nước, khối 8406 và các tôn giáo khác nhau từ Công Giáo , Phật Giáo, Tin Lành, hòa Hảo, Cao Ðài.. đều có mặt tại Thái Lan.

Việt Herald: Thưa tiến sĩ, với những người này thì CAMSA giúp gì được họ, và đang tiến hành sự giúp đỡ tới đâu?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Ðối với những người này thì không phải dự án của CAMSA, vì nó không thuộc vấn đề buôn người, nhưng nó thuộc sứ mạng của BPSOS. Chúng tôi phối hợp với tổ chức nhân quyền trên thế giới và các tổ chức pháp lý để bảo vệ quyền tỵ nạn của họ. Giúp đỡ họ trong lời khai với cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, vì nhiều khi họ không biết cách khai báo, như có những chuyện quan trọng không nói vào, mà chỉ nói sự ấm ức, trong khi đó không đưa ra những chứng cớ. Thành ra chúng tôi phải ngồi làm việc với từng trường hợp một, lắng nghe lời khai của họ và viết lại những điểm chính mà họ cần trình bày.

Trong một số trường hợp chúng tôi phối hợp với luật sư, rồi soạn những lời khai để nạp cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Mặt khác, chúng tôi phải làm việc trực tiếp với cao ủy tỵ nạn LHQ vì họ không có thông tin. Vì không có thông tin chính xác về hoàn cảnh của người VN nên nghi ngờ lời khai của người tỵ nạn. Họ tưởng ở VN đã thay đổi tốt hơn, tại sao có chuyện này xảy ra được, rất nhiều trường hợp không hiểu nhau vì sự trục trặc kỹ thuật như vậy. Một đàng không biết khai, một đàng không hiểu tình hình VN thành ra rất nhiều người bị từ chối tư cách tỵ nạn, mà khi họ bị từ chối thì họ có thể bị trục xuất về VN.

Việt Herald: Ðược biết, cô Phương Anh, một lao động VN tại Jordan, được CAMSA can thiệp và đã được định cư tại Hoa Kỳ từ ngày 9 Tháng 7. Ngoài cô Phương Anh, có trường hợp nào khác hay không..?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Khá nhiều trường hợp. Chẳng hạn như trường hợp 6 người con của chị Phạm Thị Phượng, là người bị bắt ngược về VN. Chính 6 người con đó cũng bị hăm dọa. Tuần trước, chúng tôi đến Thái Lan thì người con trai đó cho biết luôn bị hai người lạ mặt theo dõi hoài và phải tìm mọi cách để chạy thoát. Chúng tôi đã làm việc với cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, để lập tức di chuyển 6 người con đó đến một nơi an toàn, vì VN đã bắn tiếng cử người sang Thái Lan để bắt cả 6 người con đó về, coi như hăm dọa với bố me. Sau đó lập tức đưa đi định cư sớm, quốc gia thứ ba là Thụy Ðiển có phương thức đưa đi rất nhanh không cần khám sức khỏe, trong vòng vài tuần là họ đi ngay. Nếu qua Mỹ thì phải tốn vài tháng, và 6 người này không thể chờ đợi vì tình trạng rất nguy hiểm. Cách đây vài hôm họ thì đã đến Thụy Ðiển an toàn.

Việt Herald: Ngoài trường hợp đó thì còn trường hợp nào bị đe dọa hay không?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Rất nhiều thưa anh. Có những trường hợp đã được công nhận là tỵ nạn ở bên Cambodge rồi, phải chạy từ Cambodge sang Thái Lan, như mục sư Ngô Ðức Mỹ, ông Nguyễn Phùng Phong là một người đã bươn chải tranh đấu suốt từ năm 75 và cứ phải lẩn trốn mọi nơi; anh Ðỗ Hữu Nga là người sáng lập ra phong trào Trà Đàm Dân Chủ là phong trào tranh đấu đòi giữ đất đai cho dân oan cũng chạy sang Thái Lan, đặc biệt là có một số vị sư người Khmer Krom tức là người Việt Nam lớn lên ở vùng miền Tây, họ gốc Khmer và ba người đã bị bắt ở VN. Một ông sư ở Komsaphom đã trở thành công dân Cambodge nhưng chính quyền Cambodge đã trả ông về VN để rồi cũng bị đi tù. Chúng tôi phối hợp một số giới chức nhân quyền đã đưa được 4 người đó qua đến Thái Lan, nhưng mà do áp lực của chánh quyền Việt Nam, chánh quyền Thái Lan đã bắt ba người đưa giao lại về Cambodge và có sẵn công an Cambodge chờ đón đưa về VN. Chúng tôi lại phải tìm cách đưa ba người này trở lại Thái Lan, gian khó lắm. Cả 4 vị sư trên đã được định cư tại Thụy Ðiển và Na Uy.

Hiện nay 4 vị sư đó đều đang có mặt tại Hoa Kỳ để đi điều trần làm nhân chứng tại Quốc hội Hoa Kỳ, đi nói chuyện với bộ ngoại giao, với ủy hội tự do tôn giáo quốc tế để tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Việt Nam.

Việt Herald: Tại Ðài Loan cũng có rất nhiều người Việt nam sang lao động như làm “osin” (gia nhân), hay lấy chồng bản xứ... Kế hoạch của CAMSA giúp họ như thế nào?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Chúng tôi có mặt tại Ðài Loan từ 5 năm qua. Dưới sự sắp xếp của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, chúng tôi đã hướng dẫn chính phủ Ðài Loan làm sao để đưa ra những biện pháp chống buôn người hiệu quả. Và rất mừng sau 5 năm cố gắng thì Ðài Loan năm nay được Hoa Kỳ thừa nhận là hạng nhất trong vấn đề chống buôn người. Chính phủ Ðài Loan rất là vui mừng. chúng tôi đi đến Ðài Loan kỳ này để thiết lập văn phòng thường trực, thật sự đã hoạt động từ ngày 1 tháng 4 vừa rồi, nhưng chính thức khai trương là tuần rồi. Nơi đó sẽ là môi trường và phương tiện hoạt động chặt chẽ và làm việc với chính phủ Ðài Loan. hơn nữa trong thời gian tới đây tuy rằng được xếp vào hạng nhất và Ðài Loan có nỗ lực nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề còn lại chẳng hạn như, nỗ lực bảo vệ cho người lao động không được áp dụng đối với những người osin tức là đi làm gia nhân, mà ở Ðài Loan có rất nhiều gia nhân và phần đông đến từ Việt Nam. Chúng tôi đang yêu cầu chánh phủ Ðài Loan nới rộng luật chống buôn người để áp dụng luôn cho cả người osin. Hiện nay có 160 ngàn người osin thuộc khắp các quốc gia thì số người Việt Nam phải đến hơn một chục ngàn người.

Trong chuyến đi vừa rồi chúng tôi có tiếp xúc với một số viên chức cao cấp trong chánh phủ Ðài Loan và họ hứa rằng từ đây đến cuối năm họ sẽ đề nghị một đạo luật để bảo vệ người osin. Văn phòng thường trực của CAMSA ở bên Ðài Loan sẽ đóng góp trực tiếp với chính phủ Ðài Loan và các tổ chức tư nhân của Ðài Loan chống buôn người. Trở ngại của Ðài Loan là họ không được LHQ công nhận như một nước độc lập, thành ra Ðài Loan bị thua thiệt nhiều mặt, không có cơ hội tiếp xúc với LHQ, với các tổ chức quốc tế. CAMSA tạo thành một nhịp cầu giữa các tổ chức quốc tế và Ðài Loan.

Việt Herald: Tình trạng buôn người ở Ðài Loan có nặng nề như ở Mã Lai hay không?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Không nặng như ở Mã Lai. Lý do là trong 5 năm qua chính phủ Ðài Loan đã có nhiều nỗ lực. tuy nhiên, nhiều công nhân VN không hiểu họ được sự bảo vệ của luật pháp, và luật chống buôn người ở Ðài Loan chỉ mới được ban hành năm ngoái mà thôi, áp dụng cũng chưa đồng đều và người dân cũng chưa biết. Chúng tôi có tiếp xúc với một số nạn nhân và họ rất sợ, họ nói nếu đứng ra tố giác và không được chuyện gì mà lại bị trục xuất thì chỉ có chết mà thôi. Thành ra đó là cái công tác tư tưởng mà văn phòng chúng tôi phải làm đối với chính người Việt mình để họ yên tâm .

Việt Herald: Sự tuyên truyền như thế, và với chính sách mà CAMSA sẽ theo đuổi thì họ có yên tâm và cung cấp thêm những dữ liệu hay không?

TS. Nguyễn Ðình Thắng: Hiện nay thì họ chưa yên tâm nhưng chúng tôi vẫn có những cách thức để giúp cho họ ngay bây giờ. Chúng tôi dặn họ là cứ ghi chú tất cả số giờ làm việc mỗi ngày là bao nhiêu, tiền lương hàng tháng là trả được bao nhiêu cứ ghi chú xuống, còn nếu có được những mẩu giấy trả lương gì thì cứ giữ lại chứ đừng xé đi. Tôi dặn họ phải giữ lại hết và phải ghi chú lại trong quyển sổ tay của mình, để khi họ cảm thấy yên tâm, họ sẵn sàng đứng ra thì chúng tôi có chứng cớ rồi, hoặc họ chờ tới ngày chót trước khi hồi hương thì đứng ra đòi tiền trả thiếu, vì lúc đó cũng phải hồi hương không sợ gì cả. Ít ra cũng đòi thêm vài ngàn Mỹ kim để về VN có ít vốn liếng, tôi căn dặn họ thì họ hiểu ra ngay.

Cái rất quan trọng là ở Ðài Loan khác hẳn ở Mã Lai cái chỗ là Ðài Loan có 80 ngàn lao động nhưng có 120 ngàn phụ nữ Việt lấy chồng Ðài Loan, họ là một tập thể ở đó lâu dài. Chúng tôi đã tạo được mạng lưới những cô dâu Việt này, nói chuyện với họ về quyền lợi của họ, tạo cho họ năng lực để tự giúp đỡ lẫn nhau, giúp họ nhập tịch Ðài Loan. Chúng tôi rất mừng là sau 5 năm, khoảng 50% cô dâu Việt đã được nhập tịch, một số có cơ sở làm ăn buôn bán. Từ những người thành đạt này, chúng tôi khuyến khích họ giúp những người khác,và đồng thời giúp luôn những công nhân làm việc ở đây.

Việt Herald: Xin cám ơn TS Nguyễn Ðình Thắng về buổi trò chuyện này.

BPSOS

Sứ mạng

Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) phục vụ người Việt tỵ nạn hay di dân trong quá trình tìm kiếm một cuộc sống tự do có giá trị bằng cách tăng khả năng, trang bị cùng sắp xếp cá nhân cũng như cộng đồng tiến đến tự túc, tự cường. BPSOS cũng hoạt động nhắm vào mọi nhu cầu cho người có lợi tức thấp cùng gia đình, người cao niên, người thất nghiệp, nạn nhân của bạo hành, hoặc đồng hương đang tìm sự giúp đỡ bằng cách này hay cách khác.

Hoạt động BPSOS Quận Cam

Chương trình và dịch vụ BPSOS Quận Cam nhằm xây dựng gia đình vui mạnh. Chúng tôi ưu tiên trong việc củng cố và xây dựng gia đình qua các chương trình sau:

1. Mái ấm gia đình: Hướng dẫn các cặp hôn nhân biết những kỹ năng thực dụng trong việc bảo vệ mái ấm gia đình, học kỹ năng đối thoại và giải quyết xung khắc.

2. Hướng dẫn vi tính: Hướng dẫn các vị cao niên và di dân mới kỹ năng sử dụng vi tính.

3. ESL: Cung cấp các lớp Anh văn căn bản và trung cấp để giúp học viên nghe, nói, và viết được tiếng Anh, chuẩn bị cho di dân và tỵ nạn mới đến hướng về một sự học vấn cao hơn.

4. Luyện thi nhập quốc tịch: Chương trình xử dụng tài liệu từ USCIS, tập trung vào bổn phận: nghe, nói, hiểu và viết tiếng Anh. Hướng dẫn điền đơn N-400 và chuẩn bị phỏng vấn.

5. Giáo dục về cá bị nhiễm độc: Tổ chức các buổi nói chuyện với các thành viên cộng đồng về ăn cá tốt cho sức khỏe, để giảm bớt nhiễm độc DT và PCB đang ảnh hưởng đến cộng đồng.

6. CAMSA-OC: Thu hút sự tham gia của giới trẻ trong công việc thiện nguyện bằng cách làm tăng thêm sự hiểu biết về nạn buôn người.

7. Giúp các vị cao niên hưởng những quyền lợi về y tế (HICAP): Hợp tác với cơ quan Council On Aging hướng dẫn về sự giúp đỡ y tế cho những người có lợi tức thấp, sức khỏe yếu kém và những vị cao niên.

CAMSA

Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) là một mạng lưới phối hợp hoạt động của các tổ chức có cùng mục đích chống nạn buôn người ở Á Châu và khắp nơi trên thế giới. CAMSA là chữ viết tắt của tên tiếng Anh Coalition to Abolish Modern-day Slavery in Asia.

CAMSA được thành lập vào tháng Hai năm 2008 và hiện (tháng 2/2009) gồm bốn thành viên Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (Hoa Kỳ), Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (Ðức), Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam–USA (Hoa Kỳ) và Liên Hội Người Việt Canada (Canada).

Mục đích và Sứ mạng

CAMSA chủ trương bài trừ tận gốc nạn buôn người.

Sứ mạng của CAMSA là:

“Bài trừ mọi hình thức buôn người bằng cách cứu nạn nhân và giúp cho họ khả năng tự bảo vệ; bằng cách kết nối và xây dựng năng lực cho các tổ chức phi chính phủ trong hoạt động chống buôn người; và bằng cách thúc đẩy sự dấn thân của cộng đồng quốc tế cũng như các chính phủ qua những vận động về chính sách và thực thi pháp luật.”

Nền tảng pháp lý

CAMSA sử dụng định nghĩa chính thức về buôn người của Liên Hiệp Quốc ở trong Hiệp Ðịnh Thư Palermo (Ðiều 3), là văn bản được đính kèm với Công ước về Tội phạm Có Tổ chức Xuyên quốc gia, như sau:

“Buôn người là hành vi tuyển mộ, chuyên chở, chuyển nhượng, chứa chấp và tiếp nhận con người cho mục đích bóc lột bằng cách hăm doạ hoặc sử dụng bạo lực hay bất cứ hình thức ép buộc nào khác; bằng cách bắt cóc, lường gạt, gian trá; bằng cách lạm dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự yếu đuối hay lợi dụng việc đưa hoặc nhận tiền hoặc lợi ích để đạt được sự đồng ý của một người đang có quyền đối với một người khác. Ít nhất, hành vi bóc lột bao gồm sự lợi dụng hành vi mãi dâm của người khác hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, cũng như bao gồm lao động cưỡng bức hoặc dịch vụ cưỡng bức, việc giữ nô lệ hoặc những hành vi tương tự như hành vi giữ nô lệ, hành vi giữ nông nô hay hành vi lấy bộ phận cơ thể”.

Chương trình Hoạt động

Liên Minh CAMSA phối hợp với các tổ chức chuyên nghiệp để:

- Mở văn phòng hoạt động thường trực ở các quốc gia có đông công nhân Việt để:

- Giúp đỡ và bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người với mục đích bóc lột sức lao động của họ;

- Huấn luyện công nhân về sinh hoạt tương trợ, quyền lao động và nhân quyền;

- Huấn luyện về luật pháp và chính sách chống buôn người bằng cách:

- Gởi chuyên gia đến giúp các cơ quan chính quyền và tổ chức địa phương phát triển năng lực trong hoạt động phòng chống buôn người;

- Tổ chức hội nghị quốc tế hàng năm về phòng chống buôn người;

- Huấn luyện chuyên gia về phòng chống buôn người qua chương trình thực tập dài hạn;

- Phối hợp với các tổ chức luật gia và công đoàn quốc tế để khởi tố chủ nhân vi phạm hợp đồng và luật lao động;

- Hợp tác và hỗ trợ các chính quyền để phá vỡ các đường dây buôn người qua việc:

- Ðóng góp thông tin cho bản phúc trình thường niên của các chính phủ trên thế giới;

- Giám sát việc bài trừ các đường dây buôn người;

- Thiết lập trang mạng www.CAMSA-coalition.org để thông tin bằng Anh ngữ và Việt ngữ;

- Tổ chức gây quỹ tài trợ mạng lưới văn phòng thường trực ở các quốc gia;

- Phát triển thêm tổ chức thành viên.

Một vài thành quả

- 176 nữ công nhân Việt ở Jordan được giải cứu khỏi cảnh bị bóc lột và đánh đập;

- 2,600 công nhân, trong đó có 1,300 người Việt, ở Mã Lai được bồi thường gần 1 triệu Mỹ kim;

- Nhiều gia nhân Việt được cứu thoát khỏi cảnh giam lỏng và bóc lột trong gia đình ở Mã Lai;

- Ðường dây điện thoại nóng toàn quốc ở Mã Lai;

- Hàng trăm trường hợp công nhân Việt gặp khó khăn đã được trợ giúp;

- Trang blog thông tin cho công nhân lao động Việt ở Mã Lai;

- Thiện nguyện viên đến từ các quốc gia khác nhau đứng ra tổ chức các lớp Anh văn, huấn luyện kỹ năng và mở rộng kiến thức đời sống cho công nhân Việt ở Mã Lai;

- Chương trình thực tập sinh tạo cơ hội cho người trẻ ở Hoa Kỳ tham gia phòng chống buôn người.

.

.

.

No comments: