Thursday, July 22, 2010

KHẢ NĂNG XUNG ĐỘT QUÂN SỰ TRÊN BIỂN ĐÔNG

KHẢ NĂNG XUNG ĐỘT QUÂN SỰ TRÊN BIỂN ĐÔNG

Đăng bởi anhbasam on 21/07/2010

http://anhbasam.com/2010/07/21/585-kh%e1%ba%a3-nang-xung-d%e1%bb%99t-quan-s%e1%bb%b1-tren-bi%e1%bb%83n-dong/

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Thứ Hai, ngày 5-7-2010

Tờ Global Post ngày 27/6 đăng bài viết của Jonathan Adams về khả năng xung đột quân sự ngày càng tăng trên Biển Đông. Sau đây là nội dung bài viết:

Một vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông với hơn 200 kết cấu san hô, một số nằm dưới mặt nước biển hoặc nhỏ đến mức khó có thể gọi là đảo. Đó chính là Biển Đông, một nơi không mấy nổi bật trên toàn cầu nhưng người ta sẽ nghe nhiều hơn về nó trong những năm tới.

Một số nước châu Á lâu nay có tranh chấp chủ quyền – đôi khi nực cười – đối với nhiều hòn đảo ở đây. Họ cử lực lượng quân đội ít ỏi chiếm đóng những bãi đá khô cằn với chi phí rất lớn với danh nghĩa lòng tự hào dân tộc.

Diễn biến mới chính là những hành động mạnh tay của Trung Quốc mà nếu xu hướng này cứ tiếp tục thì sẽ khiến Biển Đông trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất ở châu Á.

Chất xúc tác làm gia tăng những căng thẳng trên Biển Đông là trữ lượng dầu khí, lợi ích chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc bảo vệ các tuyến đường biển vận chuyển dầu, và nhu cầu của Bắc Kinh muốn phát triển một lực lượng hải quân “nước xanh” có khả năng triển khai sức mạnh ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.

Mỹ đang ngày càng chú ý hơn đến Biển Đông, sau khi được biết Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa công ty năng lượng ExxonMobil của Mỹ nếu công ty này tiếp tục khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam tại các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ. Và năm ngoái, các tàu quân sự Trung Quốc đã sách nhiễu các tàu do thám của Mỹ trên vùng biển này.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates có bài phát biểu được coi là ở cấp cao nhất của Mỹ cho đến nay trước công luận về vấn đề này: “Biển Đông là khu vực với mối quan ngại ngày càng tăng”, ông nói tại một diễn đàn an ninh ở Xinhgapo. “Vùng biển này không chỉ có tầm quan trọng sống còn đối với các nước có bờ biển tiếp giáp, mà còn với tất cả các quốc gia có lợi ích kinh tế và an ninh ở châu Á.”

Bộ trưởng Gates nhắc lại chính sách lâu nay của Mỹ là không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhưng Mỹ cho rằng “việc duy trì ổn định, tự do hàng hải và phát triển kinh tế tự do và không bị cản trở là điều hết sức quan trọng”, và rằng “chúng tôi phản đối bất cứ nỗ lực nào nhằm đe dọa các công ty của Mỹ hoặc của bất cứ quốc gia nào thực hiện các hoạt động kinh tế hợp pháp”.

Dưới đây là mấy điểm cơ bản về vấn đề Biển Đông

1) Vì sao Mỹ quan tâm

Mỹ phản đối bất cứ hành động nào nhằm đe dọa các công ty năng lượng của Mỹ hoạt động ở Biển Đông, kéo dài từ Trung Quốc xuống phía Nam tới Inđônêxia. Mỹ cũng khẳng định phải đảm bảo quyền tự do lưu thông trên các vùng biển quốc tế, được xác định theo luật quốc tế là các vùng nước ngoài phạm vi 12 hải lý từ đường cơ sở của một quốc gia.

Theo Quỹ Heritage, Trung Quốc tuyên bố vùng lãnh hải của nước này rộng 200 hải lý từ đường cơ sở, và tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc cũng nói rằng bất cứ tàu thuyền nào đi lại trên vùng biển này trước hết phải được sự cho phép của Trung Quốc. Nước này lâu nay tỏ ra bất bình về việc thu thập thông tin tình báo của Mỹ bằng các máy bay và tàu do thám hoạt động ngoài bờ biển Trung Quốc.

2) Còn ai khác tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông?

Đài Loan, Việt Nam, Philippin, Malaixia và Brunây cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần Biển Đông. Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), nơi Trung Quốc giành quyền kiểm soát sau một trận chiến năm 1974 với Việt Nam khiến 18 người chết. Bốn nước còn lại cũng như Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ các đảo ở Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) ở phía Nam.

Theo Michael Richarson, nhà nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á, sự chiếm giữ của Trung Quốc ở đây mong manh hơn với một lực lượng ít ỏi chiếm giữ chín hòn đảo nhỏ như dấu chấm, trong khi Đài Loan chiếm giữ đảo lớn nhất là Ba Bình, Việt Nam chiếm 29 đảo, Philippin chiếm 8 đảo, Malaixia chiếm 3 đảo. Hơn 70 thủy thủ Việt Nam đã hy sinh trong cuộc đụng độ quân sự ở Trường Sa với Trung Quốc năm 1988.

3) Điều gì mới trong thái độ của Trung Quốc?

Trung Quốc đã xây dựng sự hiện diện quân sự nhỏ ở Trường Sa. Trung Quốc khiến Việt Nam phẫn nộ vì đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, sau đó bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam không tuân thủ lệnh cấm.

Về lâu dài, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở đảo Hải Nam để từ đó có thể triển khai sức mạnh tới Biển Đông. Căn cứ này sẽ chứa các tàu ngầm mới được trang bị vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, cũng như tàu sân bay đầu tiên của nước này, được dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2012, và nhiều tàu chiến khác.

Các nhà phân tích cho rằng có lẽ quan trọng nhất là việc Trung Quốc gần đây bắt đầu coi tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Cách gọi mới này đặt Biển Đông ngang hàng với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan và Tây Tạng. Nhà nghiên cứu kỳ cựu về Trung Quốc Willy Lam gọi đó là một phần trong “ngoại giao ranh giới đỏ” của Trung Quốc.

Trong một cuộc nói chuyện gần đây ở Đài Bắc, Willy Lam nói: “Các đường ranh giới đỏ này xác định lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang gia tăng các lợi ích cốt lõi. Diễn biến mới nhất là việc Trung Quốc cũng coi Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’ - nước này đang đòi hỏi Mỹ và các quốc gia khác không can thiệp vào ‘các lợi ích cốt lõi’ của mình ở Biển Đông. Trung Quốc đang vạch ra các đường ranh giới đỏ xung quanh toàn bộ vùng biển.”

Wendell Minnick, trưởng đại diện tại châu Á của tờ Tin tức Quốc phòng, viết trong một thư điện tử rằng những phát biểu của Bộ trưởng Gates tại Xinhgapo là một “bất ngờ”.

Minnick nói: “Rõ ràng quyết định của Trung Quốc coi Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’ là một điều gây lo ngại”.

Theo Arthur Ding, một chuyên gia về các vấn đề quân sự có tham dự cuộc hội thảo tại Xinhgapo, các nước Đông Nam Á cũng ngày càng lo ngại. Ông cho biết ông đã nghe thấy những quan ngại ngày càng nhiều từ các quan chức ở Đông Nam Á, đặc biệt là từ Việt Nam và Philippin, về sự “mạnh bạo” ngày càng tăng của Trung Quốc. Và ông Dinh đã nhấn mạnh tới phát biểu của Tướng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên về Biển Đông tại phiên chất vấn ở Xinhgapo. Ông nói:

“Biển Đông đã trở nên bình yên, hoặc ít nhất cũng không phải là vấn đề giống như Eo biển Đài Loan hay bán đảo Triều Tiên. Vì thế, phát biểu của ông Mã thực sự làm tôi bất ngờ.”

4) Các kịch bản xung đột nào dễ xảy ra nhất?

Một mối lo ngại là sẽ xảy ra sự cố trên biển – chẳng hạn như một vụ va chạm giữa tàu do thám của Mỹ với một tàu của quân đội Trung Quốc dẫn đến thiệt hại về người – có thể dẫn đến leo thang do những tính toán sai lầm và thiếu liên lạc giữa hai bên. Một sự cố như vậy đã xảy ra vào năm 2001 giữa một máy bay do thám Mỹ và một máy bay chiến đấu Trung Quốc. Quân đội Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập một đường dây nóng vào năm 2008, nhưng theo thông tin trên báo Tin tức Quốc phòng, Trung Quốc thường không nhấc máy khi họ tức giận.

Nhưng các nước dễ có khả năng xung đột với nhau nhất ở Biển Đông có lẽ là Trung Quốc và Việt Nam. Hà Nội rất tức giận trước cách xử sự của Bắc Kinh với các tàu đánh cá của mình hồi năm ngoái và đã đưa ra phản đối chính thức. Việt Nam tiếp tục coi Hoàng Sa là lãnh thổ của mình bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Chủ nghĩa dân tộc bài Trung Quốc đang dâng lên mạnh mẽ ở Việt Nam và đễ bị thổi bùng. Quân đội hai nước đã có lần đụng độ trên Biển Đông vào năm 1974 và 1988.

Các nhà phân tích cho rằng các động thái của Trung Quốc dường như đã khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Trong một bài bình luận gần đây, học giả Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinhgapo viết: “Một số nước Đông Nam Á đang củng cố lực lượng vũ trang của mình nhằm tự vệ trước sự mạnh bạo ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.”

Minnick của tờ Tin tức Quốc phòng nói rằng Xinhgapo, Malaixia và Việt Nam đã “tham gia vào cuộc chơi tàu ngầm” và “người ta lo ngại về một vụ va chạm tàu ngầm nhiều hơn là một cuộc chiến tranh bất ngờ” ở Biển Đông.

“Nhiều nước đang triển khai tàu ngầm không thông thuộc các quy tắc đi lại ở dưới mặt nước,” Minnick nói. “Có những phân chia rõ ràng về hướng đi và độ sâu mà một số nước thiếu kinh nghiệm không tuân theo. Rồi còn thêm các tàu ngầm của Trung Quốc khiến dưới mặt nước ngày càng đông hơn.”

Trong khi đó, một hiệu ứng phụ từ tuyên bố mới của Trung Quốc là củng cố thêm mối quan hệ đang bắt đầu nảy nở giữa Mỹ với Việt Nam. Minnick nói: “Mỹ đang xích lại gần Việt Nam, và mối quan hệ quân sự tốt đẹp hơn được mong đợi sẽ cải thiện trong năm nay khi Trung Quốc trở nên mang tính đe dọa hơn”.

5) Có nỗ lực nào giải quyết các tranh chấp Biển Đông hay không?

Năm 2002, các nước liên quan đã ký một thỏa thuận “tuyên bố ứng xử” của các bên ở Biển Đông. Nhưng các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chủ yếu là do Trung Quốc. Chuyên gia Authur Ding nói: “Trung Quốc cho rằng Biển Đông là lãnh thổ của mình, vì thế họ nghĩ ‘tại sao tôi lại phải thực hiện tuyên bố ứng xử này?’”

Năm ngoái, Việt Nam và Malaixia đã đệ trình tuyên bố chính thức đối với chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc ngay lập tức phản đối, cho rằng các tuyên bố chủ quyền này không có giá trị, một động thái làm tăng thêm căng thẳng. Vấn đề đã lắng dịu trong vài tháng gần đây, nhưng những bất đồng về lãnh thổ thì vẫn còn lâu mới được giải quyết.

Học giả Richardson của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á viết: “Bằng cách nào đó, phải tìm ra cách thức để ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân sự để không làm đảo lộn hiện trạng vốn đã mong manh ở Biển Đông”./.

.

.

.

No comments: