Trung Quốc tăng sức mạnh quân sự buộc châu Á lao vào chạy đua vũ trang
Thứ hai 19 Tháng Bẩy 2010
Diễn đàn khu vực Đông Nam Á, ARF, lần thứ 17 khai mạc vào ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, trong bối cảnh Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh bộ máy quân sự. Điều này đã dấy lên nhiều lo ngại từ phía các nước láng giềng Đông Nam Á và hậu quả là các quốc gia trong khu vực có thể thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang.
Theo ông Hoàng Kính (Huang Jing), chuyên gia về quốc phòng Trung Quốc tại Trường nghiên cứu các chính sách Nhà nước Lý Quang Diệu ở Singapore, được Kyodo trích dẫn, thì « bộ máy quân sự Trung Quốc đã phát triển rất nhanh trong vài năm gần đây, đặc biệt là sức mạnh hải quân ». Ông nhận định, Trung Quốc giờ đây là động lực của toàn vùng, vốn ngày càng hội nhập vào nền kinh tế Trung Quốc. Thế nhưng, trong lĩnh vực an ninh và quân sự, các nước Đông Nam Á lại đang nỗ lực đề phòng Trung Quốc.
Theo số liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stokholm, từ 2005 đến 2009, số lượng vũ khí bán cho các nước Đông Nam Á tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trưóc đó. Cụ thể là số lượng vũ khí chuyển giao cho Malaysia tăng 722%, cho Singapore tăng 146% và đối với Indonesia là 84%.
Singapore đứng hàng thứ tư trong số các quốc gia mua vũ khí tại châu Á trong giai đoạn nói trên, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đảo quốc nhỏ bé phồn thịnh về kinh tế vừa mới mua của Mỹ 8 máy bay tiêm kích F-15 E được trang bị tên lửa hiện đại không đối không và không đối điạ, hai tàu hộ tống La Fayette của Pháp và 40 xe tăng của Đức.
Năm ngoái, Malaysia trang bị máy bay tiêm kích gắn tên lửa hiện đại của Nga, mua những chiếc tàu ngầm đầu tiên của Pháp và Tây Ban Nha, tàu hộ tống của Đức và xe tăng của Ba Lan.
Còn theo trang mạng Asia Sentinel, thì vào cuối năm ngoái, Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 tàu ngầm hạng Kilo và một số máy bay tiêm kích. Có thể diễn giải sự kiện này như là một trong những biện pháp tăng cường quốc phòng của Việt Nam để chống lại Trung Quốc.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng nếu không kể Hoa Kỳ và Nga, thì Trung Quốc gần như là nước mạnh nhất về quân sự trong khu vực, không một quốc gia nào có thể vượt qua được. Cách nay 10 năm, chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là 40 năm, giờ đây, khoảng cách này được rút ngắn, chỉ còn 15 năm.
Vào giữa những năm 90, hải quân Trung Quốc rất lạc hậu, chậm sau hải quân Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản ít nhất là 40 năm. Nay, hải quân Trung Quốc có thể hoạt động ở vùng biển xa lãnh thổ nước này. Năm ngoái, lần đầu tiên, Trung Quốc đưa cả một hạm đội tàu chiến tới vùng Vịnh Aden ngoài khơi Somalia để tham gia chống cướp biển.
Việc Trung Quốc xây dựng ở đảo Hải Nam một căn cứ tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng tên lửa đạn đạo là một dấu hiệu hiển nhiên cho thấy Bắc Kinh có ý định bảo vệ không chỉ những quyền lợi trong khu vực mà còn ở những vùng xa xôi hơn.
Theo Kyodo, tháng ba năm nay, chính phủ Trung Quốc chính thức cho Mỹ biết chính sách mới của mình, theo đó, Bắc Kinh coi biển Nam Hải, tức khu vực biển Đông, là một phần trong cái gọi là « quyền lợi thiết thân » của Trung Quốc gắn liền với vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Qua hành động này, Trung Quốc muốn tỏ rõ quyết tâm bảo vệ các lợi ích của mình tại các vùng biển chiến lược nối liền từ Đông Bắc Á tới Ấn Độ Dương cũng như tại các nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei …
Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã khẳng định là bộ máy quân sự của mình sẽ bảo vệ không chỉ đường biên giới mà còn cả những lợi ích của Trung Quốc. Điều này làm tăng thêm sự lo ngại cho các nước bởi vì vùng mà Trung Quốc cho là phải bảo vệ các « quyền lợi thiết thân » có thể rất rộng lớn, đến tận eo biển Malacca, châu Phi và Trung Đông. Vấn đề cơ bản là nhờ có sức mạnh kinh tế, Bắc Kinh không xác định rõ ràng chiến lược quân sự ở cấp độ quốc gia và khu vực. Trong quá khứ, chiến lược quân sự của Trung Quốc là hướng vào việc bảo đảm an ninh, ổn định trong nước và ngăn chặn Đài Loan độc lập. Hiện nay, quân đội Trung Quốc đủ mạnh để hướng ra bên ngoài, vượt ra cả khu vực châu Á.
Năm 2002, trong nỗ lực xây dựng lòng tin, ASEAN đã ký được với Trung Quốc một tuyên bố mang tên ''bộ luật ứng xử trong khu vực'' nhưng không dễ dàng gì ép buộc được Bắc Kinh thực thi văn bản này.
Mặc dù các bên đã đạt được đồng thuận về một số dự án liên kết hợp tác nhưng vẫn còn nhiều bất đồng về đường hướng chính thực hiện các dự án này. Trung Quốc chống lại việc các nước ASEAN có thể tham khảo, liên kết với nhau trong các cuộc thảo luận, thương lượng với Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh không muốn giải quyết các tranh chấp trong khuôn khổ đa phương mà luôn luôn chủ trương đàm phán song phương, với từng nước ASEAN.
.
.
No comments:
Post a Comment