Wednesday, July 14, 2010

TRẺ EM VIỆT NAM PHẢI ĐÓNG HỌC PHÍ

Trẻ em Việt Nam phải đóng học phí: Nghịch lý và nỗi đau

Lê Diễn Đức

Tháng Bảy 14, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/07/14/tr%e1%ba%bb-em-vi%e1%bb%87t-nam-ph%e1%ba%a3i-dong-h%e1%bb%8dc-phi-ngh%e1%bb%8bch-ly-va-n%e1%bb%97i-dau/

Tôi đọc tin và một số bài bình luận về “đề án” tăng học phí trong các trường mẫu giáo và phổ thông trung học công của thành phố Hà Nội.

Gây ấn tượng nhất là bài của nhà văn Phạm Viết Đào với tựa đề: “Hà Nội nên bán trụ sở thành phố thay cho tăng học phí”.

Không biết có phải lãnh đạo thành phố Hà Nội làm ăn quá lôm côm, chụp giật, hay là những ý tưởng “lớn” chợt đến bên bàn nhậu hay không, mà suốt mấy tháng nay, đề án nào đưa ra cũng đầy trắc ẩn, bị bà con la lối om sòm.

Từ bắn pháo hoa, bóc vỉa hè, sơn phết nhà mặt tiền, đào Thành Cổ, xây cổng chào, đến chuyện biếu không 25 tỷ đồng cho mấy tờ báo Đảng đưa tin về Lễ hội Ngàn năm Thăng Long… – cái nào cũng bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ và cuối cùng phải đình hoãn hoặc chấm dứt.

Rồi sáng 13/07, vào phút cuối cùng trước phiên khai mạc Hội đồng Nhân dân (HĐND), thành phố Hà Nội lại quyết định rút “đề án” tăng học phí.

Rút lại nhưng là hoãn binh, vì sẽ được đưa ra tại kỳ họp thứ 21 HĐND tới đây và nếu được thông qua sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2010-2011.

Có thể có nhiều nguyên nhân cho quyết định “dừng” của Hà Nội, nhưng chắc không thể bỏ ra ngoài áp lực của công luận.

.

Chất lượng giáo dục

Lãnh đạo Việt Nam ưa đại ngôn, chém gió khi nói đến thế hệ trẻ, tương lai của dân tộc.

Từ hồi còn nhỏ cắp sách tới trường lứa tuổi tôi đã thuộc lòng câu nói của ông Hồ Chí Minh: “Dân tộc Việt Nam có sánh vai được với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần công học tập của các cháu”.

Mấy chục năm sau, năm 2009, trong bài diễn văn trong phiên họp Đại hội đồng lần thứ 35 của UNESCO tại thủ đô Paris, Nguyễn Thiện Nhân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo hùng hồn khẳng định Việt Nam “coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia”.

Trong đại hội Việt Kiều tháng 11/2009, sau khi huênh hoang chuyện góp ý với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là làm “phân hóa nội bộ Mỹ”, ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói rằng, Việt Nam bây giờ cũng “đàng hoàng lắm”, “cũng ngang hàng với người ta”, v.v…

Những mẩu chuyện đầy hài hước này của các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam kể hoài không hết!

Trong bài viết “Đừng để bất ngờ cá chép hóa rồng!” trên tờ “Tuổi Trẻ” ngày 28/04/2004 có đoạn:

Một hội thảo khoa học mới đây ở Hà Nội bàn về chất lượng giáo dục đại học đi đến một nhận định “thống nhất” đáng buồn: chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam đang tụt hậu quá xa so với thế giới! Một kết luận đủ làm giật mình những ai quan tâm đến giáo dục, trước nay vẫn tin giữ niềm tự hào về truyền thống hiếu học của dân tộc...”

Ông Phạm Quốc Trung, nghiên cứu sinh Kinh tế của đại học Kyoto (Nhật Bản), trong bài “Đầu tư vào giáo dục để nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam” ngày 26/04/2010 đưa ra biểu đồ so sánh thứ hạng của các yếu tố trong Năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ năm 1980 đến nay, viết:

Dựa vào biểu đồ này, ta nhận thấy, Năng lực cạnh tranh chung của Việt Nam không thay đổi từ 1980 đến nay không phải do các yếu tố không thay đổi, mà bởi có những yếu tố phát triển đi lên, nhưng đồng thời cũng có những yếu tố tụt hậu đi xuống, khiến cho chỉ số chung không thể tăng như mong muốn.

Vậy yếu tố nào đã kéo Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt lại?Dễ dàng thấy ngay đó chính là yếu tố Giáo dục. Từ thứ hạng 24 năm 1980 đã tụt xuống thứ hạng 46 năm 2008. Ngoài ra, khoa học kỹ thuật của Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá mạnh so với các nước, luôn đứng cuối bảng từ 1990 tới nay”.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, ông Đào Trọng Thi Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã phát biểu với chí:

Từ 1998 – 2009, đã có 312 trường đại học, cao đẳng được thành lập, trong đó có 64 trường được thành lập mới hoàn toàn, còn lại là nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Nhờ đó, 35/63 tỉnh, thành phố có thêm trường đại học, cao đẳng mới”.

Theo ông Thi, sự dễ dãi này là “do quy hoạch chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể. Do vậy, mới xuất hiện phong trào, địa phương nào, bộ ngành nào cũng đăng ký thành lập một trường. Rồi vì những lý do này hay lý do khác, rất ít đề án thành lập trường bị từ chối… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bất cập là quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo và suất đầu tư cho sinh viên cũng rất thấp, trong khi đó là một trong những tiêu chí rất quan trọng”.

Hãy khoan bàn đến chuyện bằng cấp giấy, rởm phổ biến, từ các nhận định nêu trên, đưa ra đề án đào tạo và cấp hơn 20 ngàn bằng tiến sĩ (cho nhau) từ các trường đại học này trong mươi năm tới, quả thực ngành giáo dục XHCN Việt Nam chẳng hề biết hổ thẹn. Mang bằng tiến sĩ loại này ra nước ngoài làm việc hay thi thố chắc chỉ dám chui đầu vào cát.

Người ta bàn đến nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, chất lượng sinh viên đại học không thể nào tốt được khi thế hệ mầm non trên ghế nhà trường phổ thông không được nhà nước ưu đãi, đầu tư đúng mức và lương thiện.

Cũng tờ “Tuổi Trẻ” đã dẫn, viết:

Một cán bộ ở trường đại học nọ sau mấy năm tỉ mẩn giở học bạ phổ thông của những sinh viên trúng tuyển đã rút ra kết luận giật mình: không ít học sinh học rất kém thời phổ thông, thậm chí điểm những môn sẽ thi tuyển đầu vào đại học còn chưa đạt mức trung bình. Vậy mà bất ngờ “cá chép hóa rồng”, họ vẫn xênh xang vào được cổng trường đại học! Vẫn những môn học ấy, vẫn những sĩ tử đội sổ ấy, mà “cơ trời” (hay “cơ chế”) nào đã giúp họ lội ngược dòng ngoạn mục đến như vậy?

.

Học phí? Nghe như chuyện lạ!

Nhiều người Việt trong nước, một mặt không chịu tiếp cận thông tin đa chiều, mặt khác từ lúc còn thơ tới tuổi trường thành, có khi cả cuộc đời, bị bộ máy tuyên truyền của nhà nước nhồi nhét liên tục nên bị bệnh tự kỷ ám thị.

Đội quân của hội chứng tự kỷ ám thị này rất đông, cả trên diễn đàn này cũng thường xuất hiện, mang màu sắc và cường độ bệnh hoạn khác nhau. Kẻ may mắn thì nói như vẹt, tệ hơn thì đã trở thành những “con chó của Pavlov”.

Thấy được tự do nhậu nhẹt, ăn chơi sa đọa, thả sức đua nhau kiếm tiền (bất chấp mọi tiêu chuẩn đạo đức, vì có tiền là có thể giải quyết được mọi chuyện êm xuôi, dù bất chính), được đi du lịch vài nước châu Á, xe gắn máy thay cho xe đạp, nhà cao tầng ở các thành phố mọc lên, dân chúng có vẻ yên phận (mà thực tế chỉ là tấm áo choàng giả tạo)… – họ cho rằng đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (CS) Việt Nam đang hòa bình, ổn định, phát triển, v.v… Làm như Việt Nam là rốn của nhân loại!

Bất kể ai nói khác với Đảng, nếu là ở nước ngoài thì ngay lập tức bị chụp mũ phản động, được Mỹ tài trợ, cho tiền, làm tay sai; còn nếu ở trong nước thì thuộc thành phần bất mãn, già cả, vô tích sự… Cái gì đụng đến Mỹ là tệ hại, xấu xa. Bài ca hay nhất là gợi lại tội ác của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây hơn 35 năm, mặc dù hai bên đã bình thường hóa quan hệ và Mỹ đang đi thẳng vào Việt Nam làm ăn bằng cửa chính.

Đôi khi nghe họ nói tôi vừa thương hại, vừa buồn cười. Giá như nói ra cái xấu của Đảng CS Việt Nam mà được Mỹ cho tiền (như họ nghĩ), giờ này chắc nhiều người giàu to, trong đó có tôi. Thử hỏi xem người nào biết FBI, CIA hay cơ quan nào của Mỹ cho tiền và chỉ dẫn giúp làm sao có thể xin được thì tôi sẵn sàng mua mấy cuốn tập học trò, tôn người đó làm thầy để theo học!

Những gì không được ưa chuộng trong xã hội Mỹ, tùy quan điểm và trải nghiệm mà mỗi người tự đánh giá – Tất nhiên! Tôi chẳng bao giờ quá tự ty, mặc cảm để chỉ nghĩ về sự thua kém của Việt Nam, cũng không ngợp trước đời sống thịnh vượng của các nước tư bản phát triển. Biết người biết ta, tôi khiêm nhường và trung thực nói với người ngoài về những cái hay, cái đẹp của dân tộc mình. Tôi rất ghét những ai đã không biết nhưng lại thích phán gàn, phàm cái gì thuộc Mỹ, thuộc xã hội tư bản là xấu, trong khi cố tình nhắm mắt trước hiện tượng con cái của quan chức cộng sản và lớp trọc phú mới nổi gửi con đi học nhiều nhất tại Hoa Kỳ và Anh…

Hồi Việt Nam còn chiến tranh, nghèo khổ, tôi nhớ mình không phải đóng học phí. Hòa bình, mấy đứa con tôi không “được” học hành trên đất CHXHCN Việt Nam của “Đảng CS Việt Nam quang vinh”, nên khi nghe chuyện học sinh phổ thông ở Việt Nam phải nộp tiền học phí và thành phố Hà Nội sẽ tăng lên gấp hai, ba lần mức hiện tại, tôi thấy làm lạ.

Trong các trường tiểu học, trung học công ở Ba Lan hay ở Mỹ nơi các con tôi theo học không có khái niệm học phí. Các em ở đây đến tuổi mà không tới trường, cha mẹ còn bị pháp luật trừng phạt. Khoản duy nhất phụ huynh chi cho con cái ở trường là tiền ăn trưa với giá bèo, vì được nhà nước trợ cấp. Nếu bố mẹ có khó khăn kinh tế, chỉ cần điền vào mẫu đơn in sẵn, tiền ăn được miễn luôn mà không bị đòi hỏi bất cứ giấy tờ gì chứng minh thu nhập. Ngoài ra tất cả trường công của Mỹ cung cấp phương tiện đón học sinh phổ thông tới trường và đưa về nhà rất chu đáo, an toàn và hoàn toàn miễn phí.

Trong bài “Nước Mỹ 20 năm qua, những cái hay và cái dở” (trên Weblog này) nhận xét “Hoa Kỳ là quốc gia của trẻ em”, nhà báo Ba Lan viết: “Trường học, thậm chí cả những trường không thuộc loại tốt, rất thân thiện. Số lượng thời gian mà cha mẹ bỏ ra cho các hoạt động sau giờ học của trẻ em là không thể tưởng tượng nổi”.

Những ai có con nhỏ đi học ở Mỹ mới cảm nhận hết được sự gần gũi và thân thiện giữa trẻ em và mái trường. Tựa như tác giả Lê Minh Quân viết trên tờ “Tiền Phong”:

Tôi đã được nghe kể một câu chuyện vui về chất lượng giáo dục như sau: “Trong một cuộc họp báo cáo quốc tế về chất lượng giáo dục, có rất nhiều nước – trong đó có Việt Nam – rất tự tin kể về thành tích trong giáo dục của mình là đạt loại Tốt bao nhiêu %, Khá bao nhiêu %, Đạt yêu cầu bao nhiêu %…

Nước chủ nhà lên báo cáo cuối cùng. Họ báo cáo bằng cách kể câu chuyện: Buổi sáng khi cha mẹ đưa con cái đến trường, những đứa trẻ chạy ùa vào vòng tay chào đón của các cô giáo, còn buổi chiều các con lại rời vòng tay ấm áp của cô giáo để về với cha mẹ, đó chính là chất lượng giáo dục”.

.

Lời kết

Hơn ba thập niên sau chiến tranh, đã, đang và sẽ còn thực hiện hàng loạt siêu dự án hàng tỷ, hàng chục tỷ đô la với những ảo tưởng điên rồ, cùng với sự lãng phí, thất thoát kinh khủng, nhưng nhà nước CHXHCN Việt Nam vẫn không bao nổi chuyện học hành của trẻ em.

Trong bài “Chúng ta còn thua kém nhiều dân tộc khác trên thế giới” trên Blog “1nguoiviet”, trước khi kết luận bằng chữ “nếu…” tác giả phân tích:

Tới năm 2007, trong hơn 30 năm qua, Việt kiều gởi về khoảng 70 đến 80 tỷ Mỹ kim, cộng thêm một số tiền đầu tư trực tiếp và gián tiếp của ngoại quốc 100 tỷ Mỹ kim (trong các công trình hợp doanh, phía đầu tư của Viện Nam chỉ chiếm khoảng 10% số này) và viện trợ ODA khoảng 20 tỷ. Với số tiền khổng lồ khoảng 200 tỷ đó chưa kể Tổng sản lượng quốc dân (GDP) khoảng 500 tỷ do người Việt làm ra trong thời gian này”.

Những con số không nói dối! Chỉ cần lấy một phần từ sự tổn thất tiền bạc (mà dư luận xác quyết từ 10 – 30% trên một dự án) của các công trình chuyển cho đầu tư giáo dục thế hệ mầm non, thì các em học sinh Việt Nam vốn đã khổ đủ điều, đâu còn phải gánh thêm tiền học phí!

© Lê Diễn Đức

.

.

.

Chúng ta còn thua kém nhiều dân tộc khác trên thế giới (Psonkhanh)

.

.

.

No comments: