Friday, July 16, 2010

SỰ THẬT VỀ "XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG" DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN VIỆT NAM (Phần 2)

Sự thật về “xuất khẩu lao động” dưới chế độ cộng sản (Phần 2)

(Mạch Sống trích đăng từ báo Viễn Đông)

Friday, July 16 @ 12:54:49 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1938

.

Thanh Phong/Viễn Đông (ghi lại)
(xem phần 1)

.

* Về nước

Thật sự đến bây giờ em cũng không biết vé máy bay ai lo cho bọn em, em không biết chú Thắng, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng có liên lạc với Bộ Lao Động để lo vé máy bay cho bọn em không, em không rõ. Đến giờ phút này em cũng không biết vé ở đâu ra, nhưng em chắc chắn là có sự lên tiếng của Tiến sĩ Thắng và BPSOS, thì bọn em mới được về nước.
Ngày 24, 25 là chuyến bay đầu tiên, thì Ngọc, Ánh và mấy người ốm về trước. Về đến phi trường bị Công an giữ lại làm khó dễ, người nhà chờ ở ngoài la lối om sòm họ mới thả. Còn em, em đi chuyến gần như sau cùng. Em về vào ngày 27-3 nhưng không về nước.

.

* Phương Anh tìm cách trốn

Ông Trương Xuân Thanh nói với tất cả các bạn của em tại nhà ăn trước khi về nước: Vũ Phương Anh về đến phi trường Hà Nội sẽ bị bắt, vì Phương Anh đứng ra tổ chức đình công; Phương Anh nhận tiền của bọn phi chính phủ, rồi Phương Anh phá hoại tài sản; nghĩa là họ vu cho em đủ thứ tội.

.

* Kêu cứu

Ngay tối hôm đó, em kêu cứu chú Thắng luôn, em nói là bây giờ chú làm cách nào giúp Phương Anh không phải về VN. Lúc đó chú Thắng không có hứa hẹn gì hết, nhưng sau đó chú Thắng đã gửi sang giúp Phương Anh một khoản tiền. Đáng lẽ Phương Anh và một bạn nữa cũng gặp nguy hiểm tính cùng trốn ở lại, nhưng lý do là hai người không về cùng chuyến. Nếu như người đó mà cùng trốn thoát, thì chưa chắc Phương Anh đã trốn được, vì bọn đó sẽ để ý.

.

* Trốn chạy

Cầm được số tiền chú Thắng cho, em nhét vào cạp quần cùng với cái hộ chiếu. Hôm đó nhóm về không đông lắm, bọn nó kèm ra phi trường Jordan. Đáng lẽ em trốn ở phi trường Jordan, nhưng sân bay này nó làm như cái nhà giam ở giữa sân bay luôn, em nghĩ không trốn được. Em lén đi qua một chỗ khác. Em lại điện cho chú Thắng, vì lúc đó đi đâu em cũng có chút tiền rồi. Chú Thắng là người chỉ dẫn cho em từng li từng tí. Chú bảo em xem lại vé máy bay coi vé về Việt Nam ghé đâu. Em dò tìm thì thấy ghi về Bangkok. Chú Thắng nói, vậy là tốt rồi!
Khi về tới phi trường Bangkok, các bạn Phương Anh ngồi đó. Phương Anh rất buồn, không biết các bạn mình cũng như mình từ nay cuộc sống sẽ ra sao! Nhưng lúc đó ý chí rất mạnh, Phương Anh không nghĩ đến ai nữa. Vì ngay từ trước, Phương Anh đã nghĩ, nếu như mình không may bị bắt, bị chúng nó đánh đập, bỏ tù, thì mình chỉ có một thân một mình thì OK, mình hy sinh được; nhưng em không muốn để cho các bạn của em còn con, còn cái, còn hàng trăm lao động, như vậy em không muốn; đó là cái điều em đã xác định ngay từ đầu.
Em đi vào một cái toilet nam, em đứng ở đó. Rất may có một anh Trung quốc và một chị Việt Nam đi bên ngoài, nhưng em lại không dám nhờ chị Việt Nam, vì em sợ. Cứ nhìn thấy người Việt là sợ rồi! Em mới nói với anh Trung quốc bằng tiếng Hoa: “Tôi đang gặp nguy hiểm, anh có thể đưa tôi ra được không?”. Anh nói “Được”. Lúc đó em mặc 2 quần jean, 2 cái áo thì tháo một quần, một áo bỏ đi, sau đó anh ấy khoác vai em cùng đi với một chị Việt Nam nữa. Đi qua cái chỗ để mà ghi Bangkok, thì anh đó ghi ở lại Bangkok một tuần.

.

* Gặp người của BPSOS ra đón

Em đi ra thì gặp một người (do Ts. Thắng cử đến), thấy cầm cái bảng đưa tên em lên. Lúc đó em rất là mừng và chạy ra, anh ấy đưa em lên taxi chạy thẳng vào khách sạn ở luôn. Ở 20 ngày trong khách sạn, hết rất nhiều tiền. Sau đó chú Thắng đã nói với anh đó để giúp đỡ cho em mua quần áo, rồi ăn uống, bởi vì em không có một cái gì, chỉ có mỗi 1 bộ quần áo mặc, một cái hộ chiếu và ít tiền chú Thắng cho. Sau khi mua quần áo và thuê nhà ở bên ngoài xong, lúc đó anh lại đưa em vào văn phòng Liên Hiệp Quốc, bắt đầu làm xin giấy tỵ nạn.

Nhưng mà nó long đong lật đật lắm! Người thông dịch cho em cứ cầm cuốn tự điển mà vừa nói vừa tra như thế này này, thì em thấy là đã không xong rồi, em không muốn như vậy, và hôm đó em trượt tỵ nạn lần đầu tiên. Em nói luôn với ông phỏng vấn rằng: “Tôi không thể trượt được, tôi không thể trượt tỵ nạn được”. Lúc đó em khóc và ra ngoài kêu chú Thắng, chú tìm Luật sư, sau đó mới đậu.

Trong suốt hai năm liền, chú Thắng và tổ chức BPSOS giúp đỡ cho em về cái khoản tiền nhà, tiền ăn, tiền ở, rồi tiền học Anh văn; nói chung, đủ các thứ tiền hết đều do BPSOS giúp đỡ cho em, nhưng mà em học Anh văn có 3 tháng thôi, vì có người không tốt, nghĩa là người ta tung hình của em lên, em không học nữa, và em chỉ học có đúng 3 tháng thôi.

.

* Mong Cộng đồng giúp đưa nạn buôn lao động ra ánh sáng

Em luôn luôn phải đổi chỗ ở, đổi không biết bao nhiêu lần, và cứ hễ có việc gì em lại gọi chú Thắng, bởi vì em không có một người thân nào nên cái gì cũng chỉ biết kêu chú Thắng; chú là ân nhân của em, cũng như các cô chú bác. Em được như ngày hôm nay, em không biết nói gì hơn, chỉ mong rằng chú Thắng và các cô, chú, bác đã giúp đỡ em trong thời gian qua, mong tiếp tục giúp đỡ em đưa vụ lao động Jordan này ra ánh sáng. Em không muốn để cái chính phủ Việt Nam ém nhẹm như thế được!

.

* Theo dõi, dụ dỗ và hăm dọa

Có một người xưng là Nguyễn Xuân Việt, ông ấy gọi điện cho em, xưng tên và nói ông làm ở tòa Đại sứ Việt Nam. Em không biết ông ấy làm ở tòa Đại sứ VN tại Bangkok hay ở đâu, mà khi em gọi lại thì không được, điện thoại không hiện số lên. Ông ấy cứ bảo em là phải về Việt Nam, đất nước VN mình thế này thế kia, mình là người Việt Nam, không nên thế này, thế nọ, không nên nhẹ dạ cả tin đi theo cái bọn phi chính phủ!

Anh, chị hỏi em tại sao họ biết số phôn của em ấy à? Là thế này:
Trong thời gian ở Bangkok, em vẫn liên lạc thường xuyên cho các bạn em ở Việt Nam, chỉ họ làm đơn gửi Ban Thanh Tra, gửi Bộ Lao Động, gửi báo Phụ Nữ Hà Nội và gửi Tòa án Nhân Dân thành phố Hà Nội, báo Công An Nhân Dân Hà Nội, gửi đủ thứ, nhưng hai năm xoay vòng nhau, cứ chỗ này đổ cho chỗ kia, em cũng nhờ chú Thắng và lên diễn đàn Paltalk để xin tiền.

Trong thời gian đó em lấy những hình ảnh quay được và các bài chú Thắng đưa lên nữa, em copy vào một cái đĩa gốc, em nhờ một anh (em không muốn nêu tên), anh này lấy quần áo ở Bangkok mang về VN bán, em nhờ anh đó cầm cái đĩa mang về VN, và em đã xin tiền trên diễn đàn Paltalk được hơn 600 đô la Mỹ, em gửi về cho các chị em sao chép ra, sao ra thành nhiều đĩa gửi ở các tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang, Nam Định là những tỉnh mà đi lao động xuất khẩu nhiều, là cứ đưa free, không lấy tiền, em còn chụp những cái hình đó ra làm thành tờ truyền đơn và đi ném những tờ rơi đó ở Bộ Lao Động. Em nói mấy chị thuê mấy đứa đi xe ôm tới ném ở những nơi đó.

Khi chuyển đĩa thì có một chị ở Ninh Bình bị bắt, nó thu lại mấy chục đĩa và công an nó bắt, nó thu cái điện thoại của chị ta, thì ở trong cái điện thoại lưu lại số điện thoại của em Vũ Phương Anh. Đó, thì em nghĩ như vậy.

Ngoài ra có một người ở Bangkok biết số điện thoại của em, em không muốn nói ra làm gì, người ấy chưa có diện tỵ nạn, tính người đó không được tốt cho lắm.
Trong hai cái đó thì em không biết ai là người đưa số điện thoại của em ra.
Người ta còn biết cả nơi em ở luôn, nên em cứ phải chuyển phòng suốt!

Cho tới một hôm em đang ngồi nói chuyện trên “diễn đàn dân chủ”, em nói về vấn đề lao động xuất khẩu thì ông Việt này lại gọi đến và đe dọa. Khi em biết số đó, em gọi cho chú Thắng và hỏi bây giờ mình không có bằng chứng nó đe dọa, làm sao nói được?

Bấy giờ em cứ alô, alô. Em tắt đi, chạy qua phòng bên cạnh là A Hảo người Trung quốc. Em bảo nó: “Mày cho tao mượn cái điện thoại nhanh lên” (em nói tiếng Hoa). Nó cho em mượn, em tháo cái thẻ “sim” của em ra, cho vào cái điện thoại của nó, xong rồi lấy cái thẻ “sim” của nó cho vào cái điện thoại của em, vì điện thoại của em thâu tốt hơn. Em gọi và ngay lập tức nó (Nguyễn Xuân Việt) gọi lại liền. Đầu tiên em nói rất nhẹ nhàng, sau đó em cố ý nói sao cho nó bộc lộ cái bản chất của nó ra. Nó xưng mày tao với em, và nói bắt được em sẽ băm ra từng mảnh.

Sau khi thâu được, em gửi tràn lan trên net và em bảo: Hôm nay tao cho biết tiếng nói của người xưng danh là người của tòa Đại sứ xem là như thế nào.
Nói chung em gặp rất nhiều gian nan!

Mỗi lần đổi nhà, cái anh mà chú Thắng nhờ lo cho em, anh ấy rất vất vả với em. Thực ra em mang ơn nhiều người, tất cả cô chú bác nhưng em không trả được. Em chỉ muốn, thứ nhất là để cho các bạn mình ở Việt Nam đừng đi lao động nữa; thứ hai cũng để đáp lại cái ơn của những người có lòng tốt, các cô chú bác đã giúp đỡ cho em, và em không có thể trả ơn được. Em không dám hứa gì hết, nhưng em sẽ làm hết sức mình, nếu như có các người như các anh, chị ở báo Viễn Đông và các báo khác thì tiếng nói của em sẽ không bao giờ ngừng được. Khi nào không còn cái vụ đi lao động xuất khẩu nữa mới thôi.

.

* Điều mong ước cuối cùng

Cái điều em mong muốn nhất là làm thế nào nhờ Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và giới truyền thông tung cái vụ lao động xuất khẩu của bọn em ra ánh sáng, chứ em không muốn để bị ém nhẹm, em không chấp nhận được. Em xin tất cả các cô chú bác, các anh chị ở các báo khác cũng ủng hộ em, em mới làm được, chứ bây giờ em cố gắng hết sức mà bên cạnh em không có ai thì em cũng không làm gì được, cho nên em xin kêu gọi các anh chị, các cô chú bác các báo, đài hãy cùng em đứng lên để mà tố cáo cái bọn lừa đảo lao động, và em cũng muốn thay mặt tất cả các nạn nhân mà kêu gọi cô chú bác đưa cái bọn đó ra ánh sáng mới được. Em không mong ước gì ở nước Mỹ này, ngoài cái em đã đến được đất nước tự do, em được quyền nói và tố cáo tội ác chúng nó và em được tiếp xúc với các cô chú bác, anh chị, những người đã từng là nạn nhân của chế độ Cộng sản. Xin cô chú bác, anh chị ủng hộ tinh thần cho lời nói của em được mạnh mẽ và mãi mãi em vẫn không quên ơn. Sau này em muốn được đi học. Đó là điều em mong, còn đạt đến bao nhiêu còn nhờ vào các cô chú bác cùng các anh chị rất là nhiều.

.

.

.

No comments: