Nhà văn Võ Thị Hảo nhìn vào các ‘vấn nạn xã hội’
BBC
Cập nhật: 16:28 GMT - thứ ba, 6 tháng 7, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100706_social_issues_vo_thi_hao.shtml
Các cách hành xử sai trái của các quan chức cũng như dân thường Việt Nam trở thành đề tài xuất hiện thường xuyên trên báo chí trong thời gian gần đây.
Truyền thông Việt Nam cũng hay đăng tải những điều mà họ gọi là “bức xúc” của dân chúng trước những vấn đề xã hội còn chưa được giải quyết.
Đó là những vụ chủ tịch tỉnh bị cáo buộc mua dâm ở Hà Giang, hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù mỗi người vì hành hạ một bé trai tại Cà Mau, một nữ sinh cứa cổ người tình, một thanh niên chặt đầu người yêu cũ bên cạnh tệ hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị buôn lậu với giá nhiều khi chỉ một triệu đồng một người.
Nhưng liệu đây có phải là những vấn đề mới hay vẫn là những chuyện thường xảy ra mà trước đây ít được báo chí đưa tin.
Trước câu hỏi này của BBC, nhà văn Võ Thị Hảo, người thường xuyên theo dõi và phản ánh các vấn đề xã hội trong những tác phẩm của bà nói quả thực có những vấn đề trước đây không được báo chí đề cập tới.
Nhưng bà bình luận thêm:
“Rõ ràng là gần đây thì nó rất là nhiều, nó trở nên phổ biến và nó có những hành vi, thủ đoạn hung ác, suy đồi quá.
“Nó tới mức vô đạo quá.
“Tôi nghĩ cái căn nguyên của những vấn đề này là ở chỗ con người ta đã phải giả dối quá lâu.
“Từ khi bắt đầu tiếp xúc với xã hội, từ đứa bé mẫu giáo trở đi đã phải bắt đầu biết giả vờ rồi, từ những bài hát, từ những câu chào… rồi sau đó là cách hành xử sau này bắt chước người lớn chẳng hạn.
“Dần dần nó ăn vào căn cốt quá lâu rồi,” bà Hảo nói.
.
‘Tuyệt vọng’
Đây không phải là lần đầu tiên nhà văn ở Hà Nội này lên án sự dối trá trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Bà nói nhiều người Việt Nam đã mất niềm tin và họ hành xử theo “những tham vọng không bị ngăn chặn” vì không có hình mẫu trong xã hội.
“Cái quan trọng nhất là những tấm gương, những nhà quản lý xã hội, những người lãnh đạo cho đến những người như thầy cô giáo, thầy thuốc… những người ít ra phải sống đàng hoàng, đáng tin cậy, có đạo nghĩa thì thấy là ít người sống như vậy quá.
“Cái cách hiện nay thì sự tham lam là một, sự giả dối là hai và chỉ lo đến bản thân mình thôi, không từ thủ đoạn nào thì đó là cách hành xử đang ca vang, đang chiến thắng.
“Nó làm cho người ta có thể tuyệt vọng, hoặc là những người đang ở ngã ba đường là nên ngả về phía tốt hay phía xấu thì người ta dễ dàng ngả theo cái ác.
.
Dân chủ
Mặc dù một số nhà lãnh đạo Việt Nam đổ lỗi cho cơ chế thị trường và những cái xấu xâm nhập vào Việt Nam từ khi có chính sách mở cửa, bà Hảo nói đây chỉ là sự “ngụy biện”.
Bà nói: “Tất cả những cái xấu là do khả năng quản lý xã hội của những người quản lý và những người chịu trách nhiệm ăn lương của dân để gánh vác những trọng trách đó.
“Cái quan trọng là có một bộ máy khổng lồ và quyền lực để giải quyết việc đó. Nhưng vấn đề là có quan tâm để giải quyết không và có giải quyết đúng gốc của vấn đề không.
“Tôi nghĩ gốc của vấn đề là phải có một xã hội dân chủ, tôn trọng sự thật và có tự do ngôn luận.
“Và phải có cạnh tranh quyền lực, những người đàng hoàng tử tế thì ở lại với quyền lực, những người không có năng lực, không có lương tâm thì phải thôi.
“Tôi nghĩ là phải có đa nguyên tại vì một đảng phái không thể đại diện cho toàn dân được vì không phải toàn dân đều theo một đảng phái.”
Nhà văn cũng nói bà chưa thấy có dấu hiệu các vấn đề lớn trong xã hội đang được giải quyết và nguyên nhân, theo bà, là người ta mới chỉ đang động chạm tới “phần ngọn” của các vấn đề.
NGHE : Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100706_social_issues_vo_thi_hao.shtml
.
.
.
No comments:
Post a Comment