Wednesday, July 14, 2010

NÊN CẢI CÁCH GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO ?

Nên cải cách giáo dục như thế nào?

Khánh An, phóng viên RFA

2010-07-13

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/cafe-wifi/Wifi-Coffee-28-Teachers-forum-to-reform-vietnamese-education-P5-KAn%20-07132010222329.html

Trong chương trình café wifi kỳ này, mời quý vị và các bạn tái ngộ với nhà giáo Phạm Toàn, thầy Đỗ Việt Khoa, thầy Dương và cô Xuân Mai trong cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề cải cách giáo dục.

Lần trước các tham dự viên đã cùng chia sẻ quan điểm rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang bị đặt lệch trọng tâm, như vậy chúng ta phải xoay nền giáo dục thế nào để nó về lại đúng trọng tâm?

.

Cần đúng trọng tâm

Khánh An: Xin mời quý vị tiếp tục nghe những ý kiến mổ xẻ vấn đề của các giáo viên. Trước tiên là ý kiến của thầy Dương:

Thầy Dương: Bác Toàn, bác có nhận xét gì về sự kiện mà cháu đưa ra nhé. Học sinh của mình nếu có đứa học nhanh quá, ví dụ nó học Lớp 2 mà khả năng của nó học đến cỡ Lớp 5 - Lớp 6 rồi mà vẫn chụp cổ nó nhét vào lại Lớp 2, rồi học hết Lớp 3, Lớp 4, trong khi một đứa mà trình độ chỉ Lớp 2 thôi nhưng lại đẩy nó lên Lớp 9 - Lớp 10. Đó, tình hình đó thì nguyên nhân vì sao, bác biết không?

Nhà giáo Phạm Toàn: Hiện nay tình hình như thế này, ta bị nằm trong một cái khung anh ạ, không những ta, mà trẻ con cũng bị nhốt như ta vào một cái chuồng. Cái chuồng ấy là Bộ Giáo Dục và nó quy định chỉ có thế thôi, thế cho nên không ai được phát triển cả. Bây giờ phải có những cơ quan nghiên cứu để ta phải thử, nếu có những đứa như thế thì nó sẽ tiến như thế nào, phải thử anh ạ. Mình cũng không thể nói trước được.

Thầy Dương: Bây giờ chế độ xã hội chủ nghĩa, đảng cộng sản thuộc về nông dân, công nhân. Công nhân, nông dân thì chúng ta cần gì phải học cho nhiều. Còn những người nào muốn học nhiều, học cho giỏi, tất nhiên là tầng lớp trí thức rồi. Do đó chúng ta hiện giờ không biết nên nghiên cứu dạy cho tầng lớp trí thức hay là dạy cho tầng lớp công nhân, nông dân?

Khánh An: Mình thì không đồng ý với bạn ở một số điểm. Mình nghĩ rằng là ngay cả nông dân, công nhân mà người ta làm việc một cách có phương pháp đó, thì cũng tốt mà, phải không?

Nhà giáo Phạm Toàn: Đúng rồi.

Khánh An: Nếu là khoa học về nông dân, công nhân thì cũng là một điều hay mà.

Nhà giáo Phạm Toàn: Tức là thế này, mình đề nghị sáng kiến của mình nhé. Mình đề nghị thế này, ta phải có một hệ thống giáo dục để thỏa mãn 3 điều như thế này. Thỏa mãn cái thứ nhất, tức là có những người chỉ cần học như thế rồi đi làm công nhân, nông dân thôi. Đó là giai đoạn thứ nhất. Thứ hai là những người học như thế nhưng muốn học thêm tí nữa để thành người nông dân giỏi và người công nhân giỏi, tức là những trường học nghề, nhưng học nghề đúng nghĩa của nó. Loại thứ ba là trường phổ thông, tức là "tôi muốn tập nghiên cứu để thành một nhà nghiên cứu", thế tức là ta phải thỏa mãn được 3 cái kiểu, tôi nói "at least" - ít nhất - đấy là thỏa mãn được 3 kiểu nguyện vọng.

Cho nên tôi có đề nghị thế này, hệ thống 12 năm giáo dục bây giờ phải có giai đoạn 8 năm đầu mà ta gọi là phổ thông cơ sở, học xong 8 năm ấy thì có thể đi làm thợ được, có thể làm nông dân, có thể làm công nhân được. Nó không muốn đi học mà cứ bắt nó phải học để làm cái gì?! Sau đó thì có 4 năm tiếp theo xẻ ra làm đôi, bốn năm bên trái chẳng hạn thì anh đi vào trường học nghề, tức là cao hơn anh nông dân, anh công nhân bình thường; thế còn bên phải này, tôi gọi là cái khoa trung học để mà tập nghiên cứu. Thế thì ta phải định nghĩa như thế, tập nghiên cứu thì lên đại học mới tập độc lập nghiên cứu.

Giờ ra chơi của học sinh trung học ở tỉnh Lâm Đồng. Photo courtesy of lamdong.gov.vn

Trong đề án của tôi, tôi có định nghĩa thế này, bậc phổ thông cơ sở là bậc học phương pháp học, bậc trung học là bậc tập nghiên cứu, bậc đại học là bậc tập độc lập nghiên cứu và bậc trên đại học là bậc độc lập nghiên cứu. Thế thì mình phải định nghĩa các bậc học như thế. Nhưng hiện nay bộ giáo dục như ngậm hột thị, có nói được cái gì đâu. Hỏi bậc học tiểu học là gì, trung học là gì, nó nói sau tiểu học là sau trung học đấy, thế sau trung học là gì, ờ sau trung học là đại học đấy, tức là họ chỉ nhìn được cái bề ngoài thôi, thấy mặc váy thì bảo là đàn bà, thấy mặc quần thì bảo là đàn ông. Nhỡ đàn bà mà người ta mặc quần thì làm sao? Đàn ông người ta mặc váy thì sao? Họ không hiểu bản chất của vấn đề.

Thế nhưng bây giờ thế này, mình cố làm bậc cơ sở đã, cho nên công phu rất ghê, cho nên tôi nói 30 đến 50 năm thì mới chữa được nền giáo dục.

Thầy Dương: Bác Phạm Toàn nói phân chia chương trình ra theo kiểu chẻ ra chỗ Lớp 8 đó thì nếu mà xã hội, nếu Bộ Giáo Dục làm như vậy thì nó sẽ vẫn phân chia ra là nông dân, công nhân, rồi phân chia ra những người nghiên cứu, như vậy thì nó lại không có phù hợp với xã hội chủ nghĩa, bởi vì xã hội chủ nghĩa là công bằng, công bằng.

Nhà giáo Phạm Toàn: Cuộc sống thực là như thế, thế còn thì những cái kia là nói dối.

Cô Xuân Mai: Cái xã hội chủ nghĩa chỉ là lý thuyết thôi mà thầy Dương! Bác Phạm Toàn ơi, cháu xin hỏi bác cái này. Thực tế cháu sống ngay đồng bằng sông Cửu Long, cháu thấy có nhiều người đi bán vé số dạo, cháu thấy thương, thấy tội người ta. Mặc dù nhìn người ta, thấy người ta tội nghiệp, đi lang thang, đi bán vé số, nhưng thu nhập của người ta lại cao hơn một giáo viên, cao hơn giáo viên dạy 6-7 năm rất nhiều, có thể là cao gấp đôi luôn. Điều đó khiến cho cháu cảm thấy có những suy nghĩ, có những bức xúc: mình ăn học nhiều thật nhiều như thế này, mình có kiến thức, nếu nói về triết học mác-lênin thì vật chất và ý thức gì đó bác, thì nếu như mình sống theo triết học mác-lênin thì cháu thấy nó cũng không đúng nữa. Tại sao vật chất quyết định ý thức mà lương của giáo viên tại sao quá thấp, quá rẻ?

Nhà giáo Phạm Toàn: Tôi xin phép lý giải chuyện này như thế này nhé. Đời một nhà giáo hay là đời bất kỳ một ai thì cũng như là cái ông đầu rau, các bạn có biết ông đầu rau không? Cái chân kiềng đấy, phải là 3 chân kiềng, nếu hai thì đổ, một thì không được, phải 3 chân kiềng, 4 thì thừa. Thế 3 chân kiềng đấy, chân kiềng thứ nhất là lương phải càng ngày càng cao lên. Chân kiềng thứ hai là phải giỏi. Lương cao mà dốt thì cũng lại làm khổ dân. Thế nhưng mà như hiện nay không có giáo viên giỏi; sư phạm đào tạo ra không giỏi. Thế là phải chữa cả cái giỏi nhé. Và cái thứ ba là phải có cái đức nữa. Là bởi vì thế này, có nhiều người giỏi nhưng mà không có đức. Thế thì tôi nghĩ rằng nó phải như cái chân kiềng đấy.

Cô Xuân Mai: Theo như nhận thức của cháu là người Việt Nam mình có rất nhiều người tài giỏi, cũng có rất nhiều giáo viên giỏi chứ không phải không có, nhưng mà do cơ chế quản lý của giáo dục không phát huy được năng lực sư phạm thật sự của người ta, chứ không phải là không có giáo viên giỏi. Người tài giỏi không được phát huy chứ không phải là không có người tài giỏi. Người Việt Nam mình có rất nhiều người tài giỏi, giáo viên của mình có rất nhiều giáo viên giỏi, nhưng mà không được phát huy và không được tự do để mà phát triển cái năng lực của họ.

Thầy Đỗ Việt Khoa: Cô Mai nói đúng.

Nhà giáo Phạm Toàn: Do đó phải như cái chân kiềng: tiền này, năng lực này, đức, phải không nào?

.

Dân chủ - khoa học - hiệu quả

Khánh An: Vâng. Nếu mà cần phải đặt lại một vài cái trọng tâm mà nền giáo dục Việt Nam cần phải chú trọng vào thì các anh chị nghĩ rằng là chúng ta nên chú trọng vào vấn đề nào?

Nhà giáo Phạm Toàn: Dân chủ, khoa học, hiệu quả. Trước nhất là phải dân chủ. Dân chủ là cái gì? Là phải có nhiều bộ sách, nhiều cách dạy. Phải dân chủ. Trẻ con học phải có nhiều đường thoát chứ không phải chỉ có mỗi một đường thoát là đi đại học. Thế là phải dân chủ. Các vùng miền phải có cách học khác nhau để cho nó có hiệu quả nhất. Dân chủ là khi đề bạt ông hiệu trưởng là phải đề bạt người tử tế.

Điểm thứ hai là phải khoa học. Tức là anh dân chủ mà anh không khoa học thì anh là vớ vẩn. Thế phải trở lại tôn trọng các nhà sư phạm, tôn trọng những sáng tạo thật sự, tôn trọng những nghiên cứu đích thực, tôn trọng những thực nghiệm có thực, tôn trọng những sự triển khai ra cuộc sống thật.

Thứ ba là phải hiệu quả. Hiệu quả ở chỗ là anh cứ nói anh dân chủ, anh cứ nói anh khoa học nhưng mà hiệu quả không có thì vứt.

Đấy nhé, phải xử lý bằng 3 cái đấy : Dân chủ, khoa học, hiệu quả.

Khánh An: Thế còn ý kiến của thầy Khoa?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Cháu xin có ý kiến với bác Toàn ạ. Cháu đang ở trên lớp, vâng, cháu đang ở trên lớp, cháu đứng dạy ở trên lớp và cháu thấy rằng là theo diễn đạt của bác thì cháu sẽ diễn đạt là dạy học sinh bây giờ cách tự học và quan trọng nhất là dạy cho họ cái đạo đức làm người. Dạy cái đạo đức làm người rồi dạy cách tự học, đấy là cái vô cùng quan trọng. Trên thực tế hiện nay chúng cháu thấy học sinh nói dối kinh khủng bởi vì chúng bắt chước các thầy cô và người thân.

Cô Xuân Mai: Đúng rồi. Học sinh nói dối kinh khủng.

Nhà giáo Phạm Toàn: Vâng. Bố mẹ nói dối làm sao mà nó không nói dối!

Thầy Đỗ Việt Khoa: Thầy cô nói dối nhiều trước chớ bố mẹ nó chưa chắc đã nói dối.

Nhà giáo Phạm Toàn: Cho nên rằng cái đó là vẫn cứ là giải quyết vào những cái mảnh vụn, nhé. Ngay cái ý anh muốn là học sinh tự học đấy thì nó phải dựa trên cái người ta phải đồng ý cho anh dân chủ. Nó không cho dân chủ, nó không cho anh dạy theo cách ấy thì anh hỏng. Bây giờ mình phải đòi dân chủ, phải không nào? Dân chủ tức là cái nền, cái platform, cái background cho tất cả.

Cái thứ hai là phải khoa học. Khoa học là cái động lực. Có cái động lực ấy thì mới có dân chủ, cái platform mới bay lên được, chứ nếu chỉ có dân chủ thôi thì cái platform cứ ì ra theo sức hút của quả đất này, nhưng có khoa học thì nó sẽ vượt được sức hút ấy và nó sẽ bay đi.

Cái thứ ba là hiệu quả, hiệu quả là để thế này, là để không tin vào bọn lang băm. Thế hiện nay bọn lang băm nhiều lắm, cái gì nó cũng bảo của nó là tốt nhất.

Thầy Đỗ Việt Khoa: Cảm ơn bác.

Khánh An: Có lẽ là từ nãy đến giờ nếu chúng ta không nghe ý kiến của chị Mai thì là không công bằng phải không bác Toàn?

Thầy Đỗ Việt Khoa: Vâng. Tôi đồng ý. Thế chị Mai, theo chị thì mấu chốt của giáo dục hiện nay là chỗ nào, theo câu hỏi của chị Khánh An.

Nhà giáo Phạm Toàn: Mai nói đi.

Cô Xuân Mai: Dạ. Theo cháu, cháu thấy nền giáo dục của mình hiện giờ là càng ngày nó càng tụt hậu, càng xuống dốc, càng cải cách thì nó càng dở, đó là cái thực tế qua kinh nghiệm giảng dạy chứ không phải là mình chủ quan đâu và cũng không phải là mình định kiến. Sách giáo khoa người ta soạn ra không phù hợp với chương trình. Rồi có những cái cấp trên người ta biểu thầy cô giáo phải làm những chuyện giả dối làm cho lương tâm mình bị cắn rứt chịu không nổi.

Cháu lấy thí dụ như là ép học trò lên lớp. Học trò nó học dở òm mà vẫn cho lên lớp. Chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước. Cháu thấy bức xúc vấn đề đó, bác Phạm Toàn. Chỉ tiêu cấp trên phóng xuống, thí dụ như năm nay phóng xuống là 70% thì năm tới phải 75%, năm tới nữa 80%, cho nên tụi cháu mới nói vui với nhau là mình lên tới 100% rồi lên tới bao nhiêu nữa?

Nhà giáo Phạm Toàn: Mấy anh mà định ra những chỉ tiêu thì nó vừa mới quy định là nước sôi sắp tới sẽ là 125 độ đấy.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn bác Phạm Toàn, cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia vào chương trình Cafe Wifi. Cũng cầu mong là cho nền giáo dục nước nhà trong tương lai, giống như là bác Toàn đã dùng từ "tập hợp được những cái đầu của những nhà sư phạm lại", thì lúc đó có lẽ cái nền giáo dục của mình mới có thể bay lên được ạ, bay lên để mà còn sánh ngang với các nước khác chứ, cứ ở dưới hoài thì buồn quá, phải không? Vâng. Cảm ơn mọi người rất nhiều đã đến tham gia vào chương trình. À, có một câu bữa trước các bạn sinh viên trong một chương trình nói rằng, để cho nền giáo dục tốt hơn thì phải sống “chính danh”, có nghĩa là thầy phải sống cho ra thầy và trò phải sống cho ra trò.

Nhà giáo Phạm Toàn: Chính danh tức là phải không đổ, không đổ là phải đủ 3 điểm tức là phải no bụng, phải có đủ lương để no bụng: no bụng mình, no bụng chồng, no bụng vợ, no bụng con. Cái thứ hai là phải giỏi và thứ ba là có đức.

Khánh An: Vâng. Cảm ơn bác Phạm Toàn, cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia vào chương trình ngày hôm nay.

.

Theo dòng thời sự:

Giảng viên có nên được sinh viên đánh giá?

Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học

Việt Nam chấn chỉnh giáo dục đại học

Vấn đề giáo dục dưới mắt sinh viên Việt Nam

Nhà giáo, nghề giáo trong xã hội ngày nay

Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?

Quy mô phải đi đôi với chất lượng

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Báo động tình trạng giáo dục xuống cấp

Mặc Lâm, phóng viên RFA

2010-07-13

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-situation-of-education-under-a-Prof-s-point-of-view-MLam-07132010195733.html

Tình trạng giáo dục xuống cấp hiện nay của nền giáo dục Việt Nam đã đến mức báo động cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Từ hiện trạng cán bộ ngành giáo dục thiếu năng lực, kiến thức cho đến ý thức trách nhiệm khiến nhiều điều đáng tiếc đã và đang xảy ra trên lãnh vực giáo dục nước nhà.

Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Hà VănThịnh, hiện giảng dạy tại Đại Học Huế, để biết ý kiến của một người đang đứng trên bục giảng, mời quý vị theo dõi sau đây.

.

Tiền ít mà chấm thi nhanh

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, trước tiên xin cảm ơn Giáo Sư đã nhận trả lời cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa ông, câu hỏi đầu tiên là thông qua những điều mà giáo sư trải nghiệm trong những năm giảng dạy thì nhận xét của ông về việc thi cử hiện nay như thế nào ạ, đặc biệt là khâu chấm bài của giáo viên, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Bây giờ chấm thi một bài thi đại học là 6 ngàn. Đọc 5 phút một trang, chấm. Một bài 6 trang, 8 trang phải mất ba bốn mươi phút. Một ngày chấm thi đại học như vậy nếu làm đúng nguyên tắc và có công tâm thì chỉ thu nhập được khoảng 80 ngàn đến 100 ngàn. Đà Nẵng thì 40 độ cho nên giáo viên chấm ẩu là bình thường. Tôi chứng kiến rất nhiều bài thi mà chấm rất ẩu: 7 điểm cho 2 điểm, 3 điểm cho 8 điểm là bình thường. Những điều đó rõ ràng là một gánh nặng và tôi có đề nghị Bộ Giáo Dục mấy lần mà họ không giải quyết, họ vẫn để thế, để làm sao ít tiền mà chấm cho nhanh, và như vậy ảnh hưởng đến số phận của rất nhiều người.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư, ông có nghĩ rằng sự thật này đã được bộ Giáo Dục và Đào Tạo biết rất rõ nhưng họ không có một nỗ lực nào để thay đổi cả, như vậy giới dạy học biết, dư luận cũng biết và xã hội cũng biết nữa, vậy cần làm gì để thúc đẩy và phá vỡ sức ì này ạ?

GS Hà Văn Thịnh: Tôi vẫn tiếp tục viết, tiếp tục nói, bởi vì cái bài vừa rồi tôi gửi viết là để nhắn gửi tân Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục - Đặng Vũ Luận để cho ông thay đổi, bởi vì trên thực tế là gì : ít nhất 30% dân chấm thi lợi dụng.

Tôi đã dự rất nhiều hội nghị khoa học và khi tôi tranh luận thì họ chẳng ai phát biểu cả, bởi vì ai cũng sai hết. Điều đó chứng tỏ cái gì? Chứng tỏ rằng là kiến thức của họ không có, hoặc là họ không tự tin vào khả năng của họ. Mà nhiều lần như vậy nên điều đó rất là đáng buồn! Một hội thảo khoa học mà các tham dự viên, các giáo sư toàn ngồi im lặng hết thì quả là buồn.

Mặc Lâm: Vâng, chẳng những buồn mà còn cho thấy sự việc này khá mất bình thường nữa... thưa Giáo Sư!

GS Hà Văn Thịnh: Vâng. Bất bình thường!

Mặc Lâm: Dạ. Nhân nhắc tới chức danh và học vị thì chúng tôi muốn quay lại với đề án 20 ngàn tiến sĩ mà ông tân Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo - Phạm Vũ Luận thừa hưởng từ ông Nguyễn Thiện Nhân, Giáo Sư có ý kiến gì về đề án đựơc dư luận xem là quá táo bạo nếu không muốn nói là hoang tưởng này?

GS Hà Văn Thịnh: Nếu muốn nói về chuyện 20 ngàn tiến sĩ hay 23 ngàn tiến sĩ thì tôi cho rằng đó là giấc mơ "vĩ đại" nhất của dân tộc Việt Nam đấy, bởi vì trong vòng 65 năm, kể từ năm 1945 tới nay, tổng tiến sĩ đào tạo được là 15 ngàn, còn bây giờ trong vòng 10 năm đòi 23 ngàn thì tôi thua luôn, bất lực. Nhưng mà chắc chắn rằng Phạm Vũ Luận không dám làm như Nguyễn Thành Nhân đã làm đâu anh, phải thay đổi, đang có dư luận đòi nhất định phải thay đổi, không thể như thế được. Không thể 10 năm mà nhiều tiến sĩ gần gấp đôi gấp rưỡi 65 năm được, bởi vì chạy theo thành tích bằng cấp giả dối như vậy thì sự bịp bợm đó không ai chấp nhận được.

.

Hành xử thiếu giáo dục?

Mặc Lâm: Riêng về mặt đạo đức của những người mang danh là giáo dục nhưng lại hành xử rất thiếu giáo dục, chẳng hạn như vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang, cũng đã góp phần gây mất niềm tin nơi học sinh và phụ huynh rất nhiều trong những năm qua...Nhìn thật kỹ vấn đề này, Giáo Sư cho rằng trách nhiệm này thuộc về ai, thưa ông?

GS Hà Văn Thịnh: Trách nhiệm thuộc lãnh đạo đấy. Lãnh đạo thiếu năng lực, thiếu tâm, thiếu tầm, và lãnh đạo, có thể gọi bằng cái từ gì cho vừa phải, là không biết lãnh đạo, chỉ nghĩ đến mình thôi, không nghĩ gì tới lợi dân ích nước gì hết, không nghĩ gì tới giống nòi gì hết, cho nên mới buông thả như vậy. Tôi ví dụ nhé, cách đây 5 năm tôi có đăng một bài viết trên báo Phụ Nữ, cái đề án cải cách giáo dục đó, số liệu từ Bộ Công An cung cấp, tôi đăng trên báo Phụ Nữ, mà sở dĩ tôi đăng trên báo Phụ Nữ là để cho các bà đọc hầu biết các ông lãnh đạo không chịu đọc báo. Số liệu tôi cung cấp hồi đó là gì? Tiền làm đề án đó, theo Bộ Giáo Dục, mỗi người lương mỗi ngày 11 triệu đồng một ngày. Đấy, 11 triệu đồng tiền lương mỗi ngày, anh ạ. Tôi tính ra như vậy đấy. Đã đăng báo rồi, cả Hà Nội xôn xao đi tìm tôi là ai, người nào mà dám viết như vậy? Vì đó là sự thực thì có vấn đề gì đâu! Những cái dạng như vậy, những cái dạng đề ra dự án, đề ra cải cách này khác để mà ăn tiền của dân, bớt xén này khác, những cái đó bây giờ trở thành một vấn nạn nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Mặc Lâm: Giáo Sư vừa nói đó là do sự thờ ơ của cấp lãnh đạo thì bên cạnh sự thờ ơ này, năng lực của họ có gì đáng bàn hay không, thưa Giáo Sư?

GS Hà Văn Thịnh: Vâng. Năng lực? Đa số lãnh đạo bây giờ năng lực kém. Bây giờ muốn chứng mình thì nhiều lắm, nhiều lắm. Có một bài viết tôi viết cách đây khoảng 2 tháng, viết về Hà Nội, đầu đề của nó là "Lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội thiếu văn hóa", cái thiếu nhất của lãnh đạo ngành văn hóa Hà Nội là văn hóa. Đầu đề là như vậy đấy. Bởi vì cho sơn mới tất cả di tích, cho sơn mới tất cả những nhà cổ thì còn gì là nhà cổ nữa? Nếu mà người Mỹ người ta xây lại rồi thì đã làm lại cái đấu trường Collisé rồi, nhưng tại sao họ không làm? Họ để nguyên vẹn như vậy? Họ để đổ nát như vậy? Vì nó như vậy thì nó mới cổ. Còn Hà Nội lại đem sơn hết vì sao? Vì sơn lại, lát lại vỉa hè thì nó mới kiếm được hàng trăm tỷ, chứ nếu không sơn lại thì nó không kiếm được đồng nào hết.

Mặc Lâm: Trước những vấn nạn mà xã hội đang đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam, thưa ông nếu được hỏi làm cách nào để hạn chế bớt những bất cập mà ông vửa nêu, thì ông sẽ đưa ra đề nghị gì để cải thiện chúng?

GS Hà Văn Thịnh: Tôi có đề xuất 3 ý kiến. Một, phải thay sách giáo khoa và làm nhanh cho 5 vùng của đất nước này 5 bộ sách giáo khoa riêng. Ví dụ Tây Nguyên không thể dùng chung sách giáo khoa với Sài Gòn và Hà Nội được. Ví dụ người Tây-Bắc Thái Mèo không thể học sách chung với Hà Nội và Sài Gòn được. Phải làm lại sách giáo khoa 5 bộ cho 5 vùng. Đó là đề xuất thứ nhất của tôi.

Đề xuất thứ hai là phải rà soát lại tất cả năng lực của các bằng cấp hiện nay: dỏm phải trả lại bằng, không lôi thôi gì hết. Hai năm, ba năm mà tiến sĩ không có bài viết nào thì coi như là chấm dứt. Đó là điều thứ hai.

Điều thứ ba tôi đề nghị là phải tăng lương cho giáo viên, đồng thời thay đổi bộ máy lãnh đạo mới. Cái bài học của Nguyễn Thiện Nhân là gì? Tất cả thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng không thay như tai họa vậy. Lãnh đạo mới mà ê-kíp cũ thì sức ỳ nó lớn, sự chống lại nó lớn. Bây giờ nếu Phạm Vũ Luận muốn làm thì phải đổi mới ê-kíp chứ không thể nào để như vậy được. Đó là 3 đề xuất mà tôi đề nghị.

Mặc Lâm: Xin cám ơn GS Hà Văn Thịnh đã dành thời gian cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: