Thursday, July 1, 2010

MỘT KHÚC QUANH PHẢI ĐẾN (Báo TỔ QUỐC)

Một khúc quanh phải đến

Báo Tổ Quốc số 90, ngày 01/07/2010

http://www.to-quoc.net/


Việc quốc hội biểu quyết bác bỏ dự án đường sắt cao tốc đã được dư luận hoan nghênh như một bước tiến lớn trong tiến trình lành mạnh hóa sinh hoạt chính trị và dân chủ hóa đất nước.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chế độ cộng sản Việt Nam mà quốc hội bác bỏ một nghị quyết của chính phủ.

Phản ứng lạc quan là tự nhiên và có cơ sở, tuy nhiên cần nhìn đúng ý nghĩa của cuộc biểu quyết này. Trước hết nó không chứng tỏ quốc hội đã dám đảm nhiệm vai trò của mình. Nó mới chỉ là một cuộc thảo luận và biểu quyết trên một vấn đề thuần túy kỹ thuật. Cho tới nay vẫn chưa có "đại biểu quốc hội" nào dám bày tỏ một trăn trở nào trước những vụ án chính trị thô bạo bất chấp cả luật pháp, lương tâm và lý luận; cũng không hề có một "đại biểu" nào dám thắc mắc về điều 4 – Hiến pháp hay các điều luật nghiệt ngã và tùy tiện như điều 88 Bộ luật Hình sự. Trong nền tảng quốc hội vẫn chỉ là một dụng cụ ngoan ngoãn của đảng cộng sản.

Dù vậy cuộc biểu quyết ngày 19-6 vẫn có có ý nghĩa đặc biệt và mời gọi nhiều suy nghĩ quan trọng. Nó đã xảy ra vì chính đảng cộng sản đã không có nhất trí trong nội bộ. Đã có bất đồng ý kiến giữa hai khuynh hướng trong đảng, một khuynh hướng chung quanh thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn tiến hành dự án đường sắt cao tốc dù chưa nắm vững các thông số kỹ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong khi một khuynh hướng khác không chấp nhận cách hành động này. Điều nổi bật là ông Trương Tấn Sang, thường trực ban bí thư Trung ương Đảng đã công khai khuyến khích "phản biện" dự án này.

Cho tới nay nguyên tắc của mọi chế độ cộng sản, trong đó có chế độ CSVN, là bộ chính trị quyết định và ban bí thư thi hành thông qua chính phủ. Như vậy ban bí thư có vai trò chỉ đạo chính phủ và chính phủ phải phục tùng ban bí thư. Lần này rõ ràng là chính phủ đã muốn tiến hành một dự án mà ban bí thư chưa nhất trí và hai bên đã lấy quốc hội, một định chế vừa tùy thuộc ban bí thư vừa tùy thuộc chính phủ, làm trọng tài. Cần tránh một hiểu lầm mà cách trình bày giản lược này có thể gây ra: không phải mọi thành viên ban bí thư đều đứng sau lưng ông Trương Tấn Sang, nếu quả như vậy thì dự án đã không được trình quốc hội, ngược lại cũng không phải toàn bộ chính phủ đứng sau lưng ông Nguyễn Tấn Dũng. Điều vừa xảy ra chỉ chứng tỏ là đã có bất đồng ý kiến trong nội bộ đảng.

Dù sao thì cuộc biểu quyết vừa qua cũng đã là một khúc quanh quan trọng và đặt ra một loạt câu hỏi. Tại sao những người cộng sản có quyền bày tỏ những ý kiến khác nhau trong khi đại bộ phận nhân dân Việt Nam lại không có, phải chăng chỉ có những người cộng sản có quyền suy nghĩ?...

Nó cũng buộc đảng cộng sản phải suy nghĩ về tương lai của chính mình vào lúc đại hội đảng lần thứ 11 đã gần kề. Một đảng không thể thực hiện chuyên chính đối với xã hội nếu không chuyên chính ngay trong nội bộ. Nhưng làm sao có thể có chuyên chính nội bộ giữa những con người sàn sàn như nhau trong một bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và dồn dập? Những ý kiến trái ngược nhau là điều tự nhiên phải có, hoặc chúng được thảo luận trong xã hội, hoặc chúng sẽ bùng nổ trong nội bộ đảng cầm quyền.

Đảng cộng sản phải chấp nhận đa đảng, nếu không chính nó sẽ tan vỡ thành nhiều đảng.

Ban biên tập
.

.

.

No comments: