Trần Hoàng Lan
12/07/2010 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=22147
Bạn xử sự ra sao sau khi có ai đó bỗng dưng làm một việc không tốt gây hại cho mình, đã không xin lỗi lại chọc tức: “làm thử thế thôi!”. Chắc hẳn, nếu mát tính ít nhất bạn cũng phải rủa cho hắn vài câu để bõ tức. Còn nóng tính, kèm thêm việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” là điều không tránh khỏi. Hắn là dân thường, có lẽ bạn sẽ chọn một trong trong các món “đồ” sau: đồ mất dạy, đồ đểu cáng, đồ lưu manh, đồ vô học… để rủa. Nhưng ông ta là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch thành phố, chọn như vậy sẽ ảnh hưởng tới uy tín của cán bộ cấp cao, can tội “xâm hại an ninh quốc gia”. Bạn nên chọn món “đồ”khác.
.
Năm 2010 là năm tổ chức đại lễ 1000 năm Thăng Long. Đây là cơ hội để các lãnh đạo thành phố Hà Nội thi nhau đề xuất rất nhiều dự án nhằm thay đổi bộ mặt của thành phố. Đã có không ít những dự án bị phản đối nhưng vẫn được làm. Dự án lát đá xanh vỉa hè Hồ Gươm nhằm làm đẹp cảnh quan Hà Nội trước khi thực hiện đã được nghe những cảnh báo: nóng, trơn, lắm rêu, không thoát nước, làm hỏng cảnh quan, tốn tiền khi vỉa hè cũ vẫn còn đẹp… Đều là những điều mà ngay cả dân thường cũng rất dễ nhận thấy. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà những “tác giả” của dự án vẫn cố tình không chịu nhìn ra. Để đến nỗi, công việc đang làm dở thì phải dừng lại vì bị dư luận phản đối gay gắt. Đã vậy ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố còn tuyên bố: “thử đến thế thôi…”
Lạ thật!
.
Đá xanh từ Thanh Hóa đã ùn ùn chở ra Hà Nội, nhiều đoạn vỉa hè Hồ Gươm đã bị đào xới nham nhở thế mà ông vẫn nói được là “làm thử”.
Nghe tuyên bố của ông, bất chợt người ta thấy nó hơi “giông giống” hai câu thơ của một thi sĩ ngày xưa:
“Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài”
Hai câu thơ coi sự thật tầm thường là “bị ngã”, đang bị chế giễu, là việc “làm thử” những công việc to lớn, trọng đại là “với trời”, “đo đất”. Một ứng đối thông minh, dí dỏm, khiến kẻ đang chế giễu người bị ngã phải phục tài.
Tuyên bố của ông Chủ tịch thì hoàn toàn trái ngược: coi một công việc nghiêm túc, tốn kém chỉ là việc “làm thử”. Cũng là một ứng đối, nhưng láu cá, ngạo mạn, coi thường dân, cố để vớt vát chút thể diện.
Nếu là thị trưởng thành phố ở một nước khác, chắc rằng sau chủ trương, việc làm đó, câu tuyên bố ngạo mạn của ông dù có được thay bằng một lời xin lỗi, ông bị mất chức là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ông vẫn tại vị, vẫn chuẩn bị để “làm thử thế thôi” nhiều việc lớn khác nữa, vẫn có thể còn leo cao hơn sau Đại hội XI sắp tới.
Tưởng là lạ nhưng cũng chẳng có gì là lạ!
.
Điểm lại bước đường hoạn lộ của ông từ khi làm Phó Chủ tịch ở một tỉnh “tầm tầm”, tới giờ là Chủ tịch của thành phố thủ đô thì thấy: sau mỗi lần “làm thật” hay“làm thử thế thôi” gây bao thiệt hại, ông lại leo lên cao hơn. Xuất thân là kiến trúc sư học ở nước ngoài, trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, được đề bạt làm Phó Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, ông được đánh giá là một nhân vật đầy tài năng, triển vọng. Cũng trong những năm đó, lãnh đạo tỉnh trong đó có ông đã “làm thật” một nhà máy xi măng địa phương với công nghệ lò đứng (vốn là công nghệ cũ kỹ lạc hậu do Trung Quốc thải ra). Kết quả là nhà máy xi măng lò đứng đó đã cho ra lò thứ gọi là “sản phẩm” mà chất lượng còn thua xa vôi khi dùng để xây. Hồi đó, nếu bị chất vấn chắc ông chưa đủ kinh nghiệm để trả lời được ngạo mạn như bây giờ. Vài năm sau ông lại đường hoàng ngồi ở ghế cao hơn: Chủ tịch tỉnh, rồi tiếp đến Bí thư Tỉnh ủy ở tỉnh mới. Trong những năm tại vị, tỉnh Bắc Ninh của ông được mệnh danh là tỉnh đứng hàng đầu trong toàn quốc về che giấu những bê bối, tiêu cực trong nội bộ. Lại sau vài năm, lấy cớ cần một lãnh đạo tài giỏi có chuyên môn kiến trúc để làm thay đổi bộ mặt của Hà Nội đón chào 1000 năm Thăng Long, ông lại được mắt xanh của thượng cấp chọn làm Chủ tịch thành phố. Có dư luận rằng ông chạy chức này mất tới vài chục tỷ đồng. Ở cương vị mới, ông cùng bộ sậu của mình lại có dịp trổ tài qua nhiều việc “làm thật” và “làm thử thế thôi” cho Hà Nội chuẩn bị đón 1000 năm Thăng Long. Và đến giờ, ngày kỷ niệm thì đã cận kề mà Hà Nội vẫn còn ngổn ngang như một công trường. Bụi bặm, đường phố, vỉa hè bị đào xới nham nhở, giao thông ùn tắc là những đặc điểm mà bất kỳ ai cũng nhận thấy dù chỉ một lần tới thủ đô. Hệ thống thoát nước của thành phố sau bao lần cải tiến, nâng cấp chỉ thu được kết quả: hễ cứ mưa là ngập.
.
Ông Thảo chỉ là một đại diện, ngoài ông ra còn có vô số các cán bộ lãnh đạo khác cũng từng có những việc “làm thật”, “làm thử” tương tự. Khác chăng chỉ là họ chưa có một phát ngôn ngạo mạn tầm cỡ như của ông. Lý do duy nhất là cả ông và họ đều là cán bộ lãnh đạo của nhà nước cộng sản vốn đã và đang diễn tấn trò “một mình một chiếu” gần nửa thế kỷ qua.
.
Một chế độ trong đó mỗi lãnh đạo đều tự cho mình là những “đỉnh cao trí tuệ” nên luôn “sáng suốt”, không cần cân nhắc, “làm thử” những việc hệ trọng. Điển hình nhất là việc du nhập học thuyết của chủ nghĩa cộng sản vào Việt
.
Một chế độ mà từ khi thành lập đến nay hầu như mọi việc “làm thử” hay “làm thật” của chính quyền đều là những sai lầm kế tiếp sai lầm. Cải cách Ruộng đất là sai lầm cướp đi sinh mạng của hàng vạn người dân. Cải tạo công thương nghiệp, hợp tác hóa, đưa dân thành thị đi xây dựng khu kinh tế mới sau 1975 là sai lầm khiến cả nước tiêu điều, đói kém, rừng bị chặt phá, hàng triệu người phải rời bỏ tổ quốc, đất nước tụt hậu… Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Đảng và nhà nước coi là một “sáng tạo” trong thời kỳ “Đổi mới” thực chất là một mô hình kinh tế quái gở, sinh ra để bảo vệ cho chế độ độc đảng của Đảng Cộng sản. Xây dựng mô hình này, dù gọi là “làm thử” hay “làm thật”, thì nó cũng chỉ đi tới mục đích là: tiền tài, của cải, tài nguyên đất nước dần chảy vào túi của đội ngũ lãnh đạo Đảng cùng phe cánh. Còn đất nước thì ngày một nghèo, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, nợ nần chồng chất mà các thế hệ tương lai phải gánh chịu hậu quả.
.
Một chế độ mà mọi việc “làm thật” và “làm thử” không có ranh giới rõ ràng. Khi “làm thật” thất bại, người ta thản nhiên nói đó là “làm thử”, bất chấp hậu quả. Việc làm và tuyên bố của ông Thảo là một ví dụ. Có những việc “làm thật” mà như “làm thử”. Những công trình hoành tráng, tốn kém vừa xây xong đã xuống cấp. Cải cách chương trình, thay sách giáo khoa của ngành giáo dục là “làm thật” nhưng lại giống như “làm thử” vì người ta thấy chương trình, sách giáo khoa cứ thay đổi xoành xoạch, tốn kém, không mang lại hiệu quả. Chỉ tội nghiệp cho bao thế hệ học sinh bị đem ra làm vật thí nghiệm. Dự án xây dựng đường sắt cao tốc là một dự án phiêu lưu nhưng người ta vẫn tìm mọi cách để làm bằng được. Rất may là nó không được Quốc hội thông qua, nếu không nó đã được “làm thật” và chưa biết điều gì sẽ xảy ra cho dân tộc khi hoàn thành xong dự án này.
.
Một chế độ mà hầu như mọi việc “làm thật” hay “làm thử” của chính quyền chỉ cần đạt được mục đích là vơ vét thật nhiều của cải, tài nguyên quốc gia, củng cố địa vị, còn dân tộc đất nước ra sao thì mặc kệ. Không sớm thì muộn người dân sẽ phải “làm thật” công việc là đánh đổ nó, xây dựng một chế độ mới tốt đẹp hơn.
7/2010
© 2010 Trần Hoàng Lan
© 2010 talawas
.
.
.
No comments:
Post a Comment