Monday, July 19, 2010

ĐÃ LÀ NHÀ THƠ THÌ LÀM GÌ CÓ CẤP TRÊN

Đã là nhà thơ thì làm gì có cấp trên

talawas blog

20/07/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=22471

.

nhận định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài viết trên Tuần Việt Nam về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

.

Ông Nguyễn Khoa Điềm từng giữ các chức vụ Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương cho đến Đại hội Đảng CSVN lần thứ X năm 2006.

.

Gần đây nhất, tập thơ Cõi lặng (2001-2007) của ông được trao giải Văn học Nghệ thuật Cố đô.

Đã có nhiều bài viết về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từ khi ông thôi là nhà chính trị Nguyễn Khoa Điềm, không còn giữ một chức vụ nào trong Đảng và chính quyền, trở về Huế hưu trí. Tác giả Hoàng Minh Tường ngồi “uống rượu với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm“, “nhớ lại mấy vụ sách của Nguyễn Khắc Phục, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải… dưới thời ông Điềm ‘trị vì’” và đặt câu hỏi: “Người xưa nói ‘Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’. Nghỉ hưu rồi, ra khỏi bầu rồi, nhưng chắc ông (Nguyễn Khoa Điềm) vẫn còn chưa đủ thời gian để kịp dài với ống?”

.

Để tham khảo thêm về nhà chính trị Nguyễn Khoa Điềm khi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa, mời độc giả đọc lại hai bài phát biểu chỉ đạo của ông năm 2004:

Về tình hình phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta những năm gần đây

Vươn tới những thành tựu lý luận mang tính khoa học và nhân văn

.

Phản hồi :

.

Nguyễn Việt Thanh nói:

20/07/2010 lúc 3:55 sáng

“Đã là nhà thơ làm gì có cấp trên”.
Nhà thơ nói hay quá! Lời như có cánh!

Nhưng, nhờ Thơ, có kẻ được “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Cũng vì mày, có người bị đày đọa, tan cửa nát nhà, đến chết không thôi, Thơ ơi!

Nên chọn thứ thơ nào? Học thứ văn chương nào?

Xin trích một đoạn trong tác phẩm Giọt Máu của Nguyễn Huy Thiệp về một cách chọn thứ văn chương để theo.

“Ít bữa sau, chọn được ngày tốt, ông Gia dẫn Chiểu tìm đường sang Kẻ Lủ đến nhà ông Bình Chi. […] Khi ông Gia đến, ông Bình Chi đang ngồi bình văn với đám học trò. […] Ông Bình Chi hỏi mục đích học hành của Chiểu. Ông Gia chẳng biết trả lời sao, chỉ nói “ Tôi thấy văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải. Muốn cho cháu học thầy vì thế”. Ông Bình Chi bảo “ Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn”. Ông Gia bảo: “ Tôi hiểu rồi. Tôi làm nghề đồ tể, tôi biết. Cũng như có thịt mông, thịt thủ, thịt sấn, thịt dọi. Nhưng cũng là thịt cả thôi”. Ông Bình Chi bảo “ Đúng đấy! Thế ông định cho cháu học thứ văn chương nào?” Ông Gia bảo: “Tôi suy rằng thịt dọi là thứ vừa phải, nhiều người mua, chẳng bao giờ ế. Vậy có thứ văn chương nào tương tự thế không, chỉ vừa phải, nhiều người theo thì cho cháu học”. Ông Bình Chi bảo: “Tôi hiểu rồi. Đấy là thứ văn chương học để làm quan”. Ông Gia vỗ tay reo: “Phải”.”

.

Nhanviet nói:

20/07/2010 lúc 2:40 sáng

Bài của nhà văn Hoàng Minh Tường rất hay và đáng đọc, mặc dù nó không “hay và đáng đọc” theo cái cách mà tác giả hay những văn sĩ tham gia cuộc rượu có thể hy vọng người đọc đón nhận.

Ý tôi là, đọc bài này, tôi càng cảm nhận rõ cái chất văn nô của các vị nhà văn Việt Nam. Ông Nguyễn Khoa Điềm một thời làm mưa làm gió, đã có lúc mơ lên chức Tổng bí thư nhưng vì bị phốt sao đó mà phải giã từ chính trường. Khi đã về nhà, ông liền ngay lập tức giở giọng quảng đại, ra vẻ rũ bỏ trần tục, làm duyên làm dáng.

Tôi tin rất nhiều nhà văn nhà thơ trong nước hiểu rõ con người ông Điềm và thừa sức chỉ ra cái chất giả tạo trong thơ giai đoạn hưu trí của ông.

Nhưng không, họ vẫn tiếp tục giọng điệu xun xoe, nịnh bợ ông Điềm. Ngày xưa khi ông còn làm quan, thì họ ca ngợi một kiểu. Bây giờ ông đóng vai “người cõi tiên” thì họ cũng xúm vào nịnh một kiểu, tuy rằng sự nịnh bợ lần này có lẽ làm họ bớt áy náy hơn trước đây.

Hoặc thử nói lại lần hai, có thể ở trên tôi cực đoan, là rằng khi đã về hưu, ông Điềm quả thực đã thành ông Tiên, ăn năn hối cải. Rằng thì là ví dụ trong bài của Hoàng Minh Tường, tác giả cũng nhắc đến vài vụ án văn học thời ông làm quan.

Nhưng đọc kỹ lại, thì ta thấy thực chất việc ông Tường nhắc lại mấy vụ trước đây cũng chỉ để làm vì. Giống như một bị can từng vào tù vì gây thương tích cho nhiều người khác, bây giờ ra tù, không thể không nhắc quá khứ đó. Nhưng thay vì nhắc kỹ, thì kẻ dưới chỉ nhắc qua (vì đó là những vụ ai hiểu tình hình đều đã biết, phải nhắc), nhắc cho có. Và ý chính nêu bật vẫn là một nhân sĩ mà theo ông Tường và đám đàn em đi theo cuộc rượu, là đáng trân trọng, coi như chẳng tì vết.

Người ta phải tự hỏi, đến cả một vị cựu Bộ Chính trị giờ đã không còn quyền chức mà hầu như chẳng văn sĩ nào trong nước dám phê bình, vẫn còn mong đi lại sớm hôm, thì còn hy vọng gì họ dám nói lời cứng cỏi với các quan văn nghệ đang đương quyền.

Một nền văn nghệ thỏa hiệp, một lớp trí thức thỏa hiệp rất đúng chất “Việt Nam hậu XHCN”!

.

.

.

No comments: