Tuesday, July 20, 2010

ĐIỆP VIÊN YÊU TA (The Spies who loved us)

Điệp viên yêu ta

The Spies Who Loved Us

Thomas L. Friedman

Đinh Từ Thức dịch

20/07/2010 1:00 sáng

http://www.talawas.org/?p=22433

.

Lời người dịch: Có người cho rằng vụ Hoa Kỳ bắt và trao đổi điệp viên với Nga mới đây chỉ là diễn lại vở tuồng cũ từ thời chiến tranh lạnh. Hết chuyện rồi sao mà tái diễn tuồng tích cũ? Nhưng vì trong số điệp viên trao đổi giữa hai bên có vài trường hợp đặc biệt, khiến tuồng cũ vẫn được dư luận bàn tán sôi nổi. Ví dụ Mỹ đổi 11 người, lấy về có 4. Như vậy là tù Mỹ có giá hơn tù Nga, hay Mỹ chịu lép vế?

Ngoài ra, ông Igor Sutyagin là một khoa học gia Nga, làm việc cho công ty Alternative Futures của Mỹ, ông chỉ thu thập các số liệu công khai ở Nga, thế mà bị xử 11 năm tù. Các tổ chức nhân quyền quốc tế coi ông là tù nhân chính trị. Nay ông bị coi là điệp viên, bị tống xuất đi Mỹ, trong khi ông vẫn muốn ở lại Nga. Như vậy là nhân quyền của ông đã bị vi phạm, trước sự chứng kiến và hợp tác của Mỹ.

Trong số 11 điệp viên Nga, có một cô rất nổi tiếng, là con một nhà ngoại giao Nga, đẹp như tài tử, tên Nga là Anna Kuchshenko, 28 tuổi, có chồng Anh, nên được biết nhiều với họ chồng là Anna Chapman. Sau khi nội vụ đổ bể, cô đã mất quốc tịch Anh, nhưng nổi tiếng như sóng cồn tại quê nhà ở Volgograd.

Theo tin BBC ngày 16 tháng 7, cô Anna “Có ngoại hình hấp dẫn, với các chi tiết đời tư đáng chú ý và những bức hình được lọc lựa đăng trên nhiều tờ báo, Anna được ‘phong tặng’ danh hiệu ‘nữ điệp viên sexy nhất của mọi thời đại’, và làm nảy sinh nhiều chuyện đồn thổi, thêu dệt”.

“Trang Infox.ru nói Anna Chapman có tài nhảy múa khỏa thân, rằng cô ta không mặc váy lót, và ‘không ai bằng’ trong chuyện chăn gối”.

“Người ta cũng nói cô ta có hệ số thông minh IQ tới 162 điểm, rằng cô có 5 chiếc điện thoại di động và né tránh bị chụp hình”[1].

Với số IQ cao như vậy, chắc cô phải di chuyển bằng xe lửa cao tốc. Tuy nhiều người chế nhạo vụ giám điệp quốc tế này, nhưng với một nữ điệp viên hấp dẫn như Anna, có số đo “90-60-90”, thì nguy hiểm còn hơn bom hạt nhân. Hãy tưởng tượng Bill Clinton còn đang làm tổng thống.

Nhưng theo tác giả nổi tiếng của New York Times là Thomas L. Friedman thì Nga gửi gián điệp sang Mỹ vào thời buổi này là chuyện tốn kém vô ích. Hình như Việt Nam cũng bắt chước Nga gửi điệp viên sang Mỹ. Nếu vậy, nên đọc bài “The Spies Who Loved Us” sau đây của Friedman, có thể tiết kiệm được khối của.

-----------------------------------------------------

Nguồn tin nói rằng 11 người Nga bị tố cáo là điệp viên nằm vùng do sở mật thám quốc ngoại (SVR) Moscow cài vào nước Mỹ để thu thập tin tình báo từ Hoa Kỳ và tuyển người tiếp cận với những nguồn tin tối mật của chúng ta đã bùng nổ vào lúc tôi đang nghỉ hè. Phản ứng đầu tiên của tôi là: Đây có thể là món quà lớn nhất của nước ngoài cho Hoa Kỳ, kể từ khi nước Pháp tặng chúng ta Tượng thần Tự do. Có người vẫn còn muốn do thám chúng ta! Trong lúc chúng ta cảm thấy bi đát, người Nga xuất hiện và cho chúng ta hay rằng vẫn còn đáng bỏ hàng đống tiền để cấy người vào trong các túi khôn của chúng ta. Khủng hoảng tài chánh hay không, có người nghĩ rằng chúng ta vẫn còn cái hay. Cám ơn ông, Vladimir Putin!

Dầu sao, khi nghĩ lại, tôi thực sự thấy rằng đây đúng là một câu truyện vừa tốt vừa xấu. Tốt là vì có người vẫn còn muốn do thám chúng ta. Xấu vì họ là người Nga.

Coi, nếu bạn bảo tôi rằng chúng ta mới bắt được 11 người Phần Lan do thám trường học của chúng ta, thì tôi thực sự cảm thấy sướng – vì các trường công lập ở Phần Lan luôn luôn đứng đầu bảng giáo dục thế giới. Nếu bạn bảo tôi rằng 11 người Singapore đã bị bắt vì do thám chúng ta về việc làm của chính quyền, thì tôi thực sự cảm thấy sung sướng – vì Singapore có một trong những guồng máy công quyền sạch sẽ nhất, vận chuyển ngon lành nhất trên thế giới và trả lương mỗi tổng trưởng hơn triệu đô một năm. Nếu bạn bảo tôi có 11 người Tàu Hồng Kông đã bị bắt vì nghiên cứu xem chúng ta làm thế nào để điều hành thị trường tài chánh, thì tôi cũng cảm thấy sướng thiệt tình – vì đó là điều Hồng Kông rất tài. Và nếu bạn nói với tôi rằng 11 người Nam Hàn đã bị bắt vì nghiên cứu cách lên mạng tốc độ cao của chúng ta, thì tôi thực sự cảm thấy sung sướng – vì chúng ta chậm hơn họ từ lâu.

Nhưng người Nga? Ai mong được họ do thám?

Nếu không xuất cảng dầu, khí đốt và khoáng sản, nền kinh tế Nga còn co cụm hơn hiện nay. Hàng xuất cảng thông dụng nhất của Nga hiện tại có lẽ là những gì họ có được dưới thời Khrushchev: rượu vodka, búp-bê Matryoshka và súng AK (Kalashnikos). Không, tất cả câu chuyện gián điệp này chỉ có cảm tưởng như là một trận đấu giữa những tay chơi quần vợt cao niên – John McEnroe chống Jimmy Connors, nhiều năm sau thời sung mãn của họ — hoặc có thể là tái đấu giữa Floyd Paterson với Sonny Liston vào tuổi 60. Bạn hầu như không dám nhìn.

Bạn còn muốn nói cùng Putin: Phải chăng ông ngụ ý rằng ông vẫn chưa hiểu?

Tất cả mọi sự người Nga mong có được từ chúng ta – nguồn gốc thực sự của sức mạnh chúng ta – không cần một ổ gián điệp nằm vùng để xâm nhập. Tất cả chỉ cần một tập hướng dẫn du lịch ở Wahington, D.C., thứ có thể mua được với giá dưới 10 đô. Hầu hết những thứ đó nằm ở Thư khố Quốc gia (National Archives): Luật Nhân quyền (Bill of Rights), Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập. Và những gì còn lại nằm trong văn hóa chúng ta và có thể tìm thấy ở mọi nơi từ Silicon Valley tới Đường 128 gần Boston. Đó là sự cam kết bảo vệ tự do cá nhân, thị trường tự do, pháp trị, những viện đại học lớn chuyên nghiên cứu và một nền văn hóa đón nhận di dân và các nhà phát minh.

Bây giờ nếu người Nga khởi sự tìm thấy tất cả và mang về nhà, rồi chúng ta phải khởi sự đối xử với họ một cách nghiêm chỉnh hơn như là một người ganh đua. Nhưng còn ít chỉ dấu về việc này. Thật ra, ông Leon Aron, giám đốc nghiên cứu về Nga tại American Enterprise Institute (một viện nghiên cứu – think tank — của Hoa Kỳ) nêu ra gần đây trong một tham luận rằng, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev mới loan báo kế hoạch xây một “Thành phố Canh tân” (Innovation City) tại Skolkovo, bên ngoài Moscow. “Thành phố kỹ thuật” (technopolis) này được hoạch định như là một vùng xí nghiệp tự do (free-enterprise) để thu hút những người tài nhất trên thế giới.

Nhưng theo ông Aron, chỉ có một vấn đề, đó là: “Nhập cảng tư tưởng và kỹ thuật từ Tây phương đã là yếu tố chính trong việc ‘hiện đại hóa’ (modernizations) nước Nga ít nhất từ thời Peter Đại Đế (Peter the Great) vào đầu thế kỷ 18. … Nhưng Nga đã kiểm soát chặt chẽ những gì nhập cảng: Có máy móc và kỹ sư. Nhưng gần như chắc chắn không có một tinh thần tự do tìm tòi, một sự cam kết đổi mới không bị ràng buộc bởi ‘hướng dẫn’ của chính quyền và, quan trọng hàng đầu, sự khuyến khích của các doanh nhân can đảm, ngay cả bạt mạng, là người có thể tự tin họ sẽ được làm chủ những kết quả công việc của họ. Peter và những người kế vị đã tìm cách sản xuất quả mà không vun trồng rễ. … Chỉ khi nào một người nam hoặc nữ không bị sợ sệt hay bị theo dõi mới có thể xây dựng được một Silicon Valley. Và những người nam và nữ như vậy thì ngày càng khó đến Nga ngày nay. … Ghê tởm và sợ hãi về tình trạng vô luật pháp và tham nhũng tràn lan. … Các doanh nhân Nga đang đầu tư rất ít vào nước họ ngoài việc cho ra những sản phẩm thiết dụng”.

Không, tất cả những gì người Nga nên mong có từ chúng ta là tất cả những gì họ không phải đánh cắp. Đó cũng là những gì chúng ta nên ăn mừng và bảo tồn nhưng gần đây đã không làm như vậy: mở rộng di dân, giáo dục xuất sắc, một nền văn hóa tiến bộ và một hệ thống tài chánh thiết kế để thăng tiến sáng tạo hủy diệt[2], không phải “hủy diệt sáng tạo”, như cách nói của kinh tế gia Jagdish Bhagwati.

Vì thế, vâng, cứ đổi điệp viên của họ với điệp viên của chúng ta. Nhưng cũng cần nhớ rằng ngày nay bị/được do thám bởi người Nga không phải là một vinh dự. Đó chỉ là một thói quen cũ. Vì họ không còn ngang tầm với chúng ta, ngoại trừ về mặt võ khí hạt nhân hầu như chẳng bao giờ dùng đến. Những nước chúng ta cần phải lo ngại là những nơi mà thầy giáo, viên chức, người tiết kiệm, nhà đầu tư và các nhà cải cách – không phải các điệp viên – đang hạ chúng ta giữa ban ngày tại ngay môn chơi của chúng ta.

Nguồn: The Spies Who Loved Us của Thomas L. Friedman, The New York Times, 13.7.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Đinh Từ Thức

Bản tiếng Việt © 2010 talawas


[1]Cựu điệp viên thành ngôi sao ở Nga.”

[2] Sáng tạo hủy diệt (creative destruction): Một quan niệm khá phổ thông về đặc tính của nền kinh tế tư bản: sáng kiến và cạnh tranh hủy diệt kỹ thuật, sản phẩm, và lối làm ăn kiểu cũ, nhường chỗ cho kỹ thuật, sản phẩm và cách làm ăn kiểu mới, tiến bộ hơn. Ví dụ máy hình chụp phim bị thay thế bằng máy kỹ thuật số, sách báo in đang bị thay thế bằng sách báo internet. Quan niệm này cũng có thể áp dụng cho chính trị. Ví dụ Đảng Cộng sản VN vì thiếu sáng tạo hủy diệt nên từ lý thuyết đến thực hành, ngày nay họ vẫn giống hệt 65 năm trước, khiến xã hội mà họ giành độc quyền cai trị không tiến được, trong khi các nước khác vẫn tiến, là giật lùi (chú thích của người dịch).

.

.

.

No comments: