Monday, July 26, 2010

HƯNG VƯỢNG hay SUY ĐỒI ?

Hưng vượng hay suy đồi?

Tiêu Dao

Đăng bởi bvnpost on 26/07/2010

http://boxitvn.wordpress.com/2010/07/26/h%c6%b0ng-v%c6%b0%e1%bb%a3ng-hay-suy-d%e1%bb%93i/

.

Mỗi một đất nước có nhiều con đường để trở nên thịnh vượng, nhưng để suy tàn thì chỉ có một con đường, ấy là khi hôn quân dốt nát, tham lam, sa đọa, triều đình hèn nhát, chia rẽ, sức dân kiệt quệ, lòng người ly tán …

Sự dốt nát, tham lam, sa đọa… của hôn quân và triều đình sẽ đưa muôn dân đến lầm than, tang tóc. Khi người dân bị bần cùng, sẽ không chỉ ly tán về khoảng cách địa lý (lìa xa quê hương để kiếm ăn) mà còn là niềm ai oán xót xa đối với quê hương, bởi rất có thể khi người ta nghĩ đến quê hương là những hình ảnh buồn ập đến.

Trong cái nóng khủng khiếp của Thăng Long năm thứ một ngàn, người dân nghèo Hà Nội ở vào thế của kẻ phải lựa chọn cho mình “một trong ba” ân điển vua ban: dải lụa, chén độc hay lưỡi đao?

Đó là tăng giá xăng dầu (lúc nào cũng tăng, dù TT chính phủ hôm nay nói không tăng ngày mai vẫn tăng như thường).

Đó là giá điện tăng, người ta luôn nói là thấp khi so sánh với giá điện khu vực nhưng không hề so sánh thu nhập của người dân, giá thành sản phẩm hay chất lượng sản phẩm so với khu vực(?).

Ấy là mức học phí bậc mầm non và đại học sẽ tăng (có thể gấp 4, 5 lần hiện tại).

Rồi là giá viện phí cũng sẽ tăng có thể gấp 10 lần, mặc dù vào viện rồi người bệnh thường xuyên chịu cảnh ba, bốn, thậm chí năm người một giường?

Trong khi đó người dân ở vào thế buộc phải sắm phương tiện cá nhân vì phương tiện công cộng và hệ thống giao thông quá kém, không lẽ vì giá xăng mà người ta để xe đắp chiếu còn mình đi bộ?

.

“CNXH là CNCS cộng với điện khí hóa toàn quốc” (Lê-nin), bây giờ trong nhà một người nghèo cũng phải dùng đến tối thiểu là chiếc quạt điện, nồi cơm điện và đèn thắp sáng cho con trẻ học bài, không lẽ không mua điện nữa?

Con cái là tương lai của cha mẹ! Sinh con ra, thôi thì đã ba năm bé ở với ông bà để đỡ tiền cho cha mẹ, sắp đến tuổi vào lớp Một nếu không có “Giấy chứng nhận đã qua mầm non” thì không có cơ hội vào trường công, dù rằng sau này để vào được trường công cũng sẽ là một cuộc chạy đua khác! Dù rằng học phí sẽ tăng theo cấp số nhân nhưng không phải bé cứ muốn đến trường là có chỗ cho bé!

Sau 17, 18 năm còng lưng, nhịn ăn nhịn mặc đổi lấy chén cơm, cái chữ cho con, nay con đỗ đại học không lẽ vì học phí gấp 4, 5 lần mà để con thất học, (nay làm gì còn ruộng mà bảo về đi cày)? Thôi thì, hoặc đứa em phải hy sinh cho anh (chị) nó, hoặc còn cái nhà nát cha mẹ đành bán đi đóng học phí cho con rồi cha mẹ cùng con lên thành phố rửa bát, bán vé số, làm xe ôm… tối đến cả nhà sẽ ngủ vỉa hè, gầm cầu hoặc góc chợ để gắng cho con qua mấy năm đại học!

Những người ốm nặng phải chấp nhận nằm viện phần lớn là người nghèo, không đủ chi phí để mời Bác sĩ đến chữa tại nhà, vậy nên viện phí tăng đến 10 lần thì quả thật việc chăm sóc sức khỏe cho gia đình và bản thân đối với người nghèo là điều không tưởng (người nghèo VN vẫn chiếm đến 80% dân số).

Đó là những hoàn cảnh có thật, hậu quả những của những chính sách liên tục ban hành từ những “đầy tớ, công bộc” đầy sáng suốt của dân, những người tự hào có chỉ số IQ cao, những người bao giờ cũng “có đủ điều kiện đức – tài” để trở thành đầy tớ của dân.

.

Những nghịch lý khi soi vào lịch sử

Những ngày này mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện thông tin đại chúng… người ta nhắc đến chương trình kỷ niệm “ngàn năm Thăng Long – Hà Nội”, với bao nhiêu dự án đốt tiền dân (đúng hơn là cớ để tiêu tiền ngân sách).

Mặc cho trẻ thơ thiếu trường học, mặc cho dân thiếu điện, thiếu nước, mặc cho mỗi kỳ thi đại học là một cuộc hành xác của thí sinh và người nhà. Mặc cho con bệnh quằn quại thoi thóp trong nhiệt độ 40 độ C vẫn phải chen chúc mấy người một giường. Mặc cho trời nắng thì như một công trường khai thác đá, trời mưa thì cả thành phố như sông. Mặc cho người dân bơ phờ mệt mỏi mỗi khi ra đường vì những hố, những ụ, những rãnh, những con trạch… trồi lên, thụt xuống, cộng với những cát đá, gạch, ống nước, dây điện… đổ tràn ra, vứt bừa bãi ra đường, và rồi tùy tiện cắm hoặc không cắm lên cái biển “công trường đang thi công”… khiến cho bao tai nạn thương tâm xảy đến. Người ta vẫn không động lòng quan tâm đến cái khát vọng bình thường của người dân, người ta vẫn không mệt mỏi, miệt mài thiết kế và trình bày những dự án không tưởng cốt làm sao để vay được càng nhiều, chi và thu được càng nhiều càng tốt.

.

Đất nước của vua Lý Thái Tổ ngày nay như một phòng thí nghiệm khổng lồ mà con dân của Người là lũ chuột bạch, nhưng lũ chuột này còn có khả năng kéo cày để cung phụng cho những công trình thí nghiệm của các đầy tớ.

.

Một ngàn năm trước, quan Thân vệ Lý Công Uẩn được lịch sử lựa chọn vì đức độ và tài năng hơn người. Lịch sử đã không nhầm lẫn, người đặt nền móng cho triều đại nhà Lý đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt những trang huy hoàng nhất và cường thịnh đến hơn hai trăm năm.

.

Thiết nghĩ, trách nhiệm của minh quân là an dân để dựng nước, và hơn nữa là bình thiên hạ. Để có thể thực hiện được trách nhiệm ấy, vị minh quân ngoài những phẩm chất hơn người về tài năng, uy dũng… còn cần có một đức nhân sâu sắc. Vâng, phải sâu sắc mới có thể “thương người như thể thương thân”, mới có thể coi khát vọng của con dân là khát vọng của chính mình!

Bắt đầu từ triều đại Lý Thái Tổ, khi Thái tử đủ mười sáu tuổi sẽ được đưa ra sống ngoài thành để gần dân. Thái tử, ngoài danh xưng “Thái tử” sẽ có thêm nhiều đặc quyền khác, hơn hẳn Thái tử của các triều đại trước đó. Đó là quyền có ruộng để tự cấy lấy gạo mà ăn, có quyền tự làm tất cả mọi việc cho mình mà không phải phiền toái bởi kẻ hầu người hạ trong cung. Từ đây, chàng có thể ôn văn luyện võ, cưỡi ngựa bắn cung, chàng có thể dẫn trâu ra đồng, gánh lúa về nhà, giã gạo thổi cơm, chàng sẽ được nếm trải nỗi buồn của một nông dân khi mùa màng thất bát, chàng có thể ốm đau khi trái gió trở trời và chàng cũng có thể làm bạn với thôn nữ chăn tằm, dệt cửi… Nhưng quan trọng hơn cả, chàng được trải nghiệm, được sống như muôn vạn người dân, điều này có nghĩa, mọi chính sách, quyết sách của triều đình ban ra, chàng cũng phải thực hiện và chịu ảnh hưởng như muôn dân. Luật này hơn mọi lời răn dạy, thiên hạ sau này sẽ là của Thái tử, để sau này trị nước được tốt nhất, dứt khoát Thái tử phải sống với dân.

Luật vua ban ra hấp dẫn đến nỗi, các triều vua sau này vẫn luôn lấy đó mà theo mãi, thậm chí cả đến các Hoàng tử, Hoàng tôn, Công chúa cũng lấy việc tự mình cấy cày, chăn tằm, dệt cửi… được gần dân là lẽ đương nhiên.

.

Thì ra, cái cách “thăm dò ý kiến nhân dân” để đưa ra những “quyết sách đúng đắn” và tìm kiếm “sự đồng thuận”… của một ông vua cách nay một ngàn năm sao mà giản dị, hữu hiệu và hợp lòng người đến thế!

Ngày nay, các đầy tớ mong con cái đủ 18 tuổi để chuyển quyền sở hữu tài sản là những biệt thự triệu đô, xe hơi hạng sang, những tài khoản kếch xù… là chuyện không hiếm. Phải chăng, đây chính là thành quả của những dự án “khai thác bô-xit Tây Nguyên”, thành quả của dự án cho thuê đất rừng biên giới, dự án những nhà máy điện phải đắp chiếu không có câu trả lời… Là thành quả của những quyết định tăng thu, tận thu làm kiệt quệ sức dân, làm bần cùng hóa người dân từ vật chất đến tinh thần.

.

Kỷ niệm 1.000 năm, Lý Thái Tổ định đô dựng nghiệp đất Thăng Long, thay vì soi vào lịch sử mà gạn đục khơi trong, lựa chọn lấy những gì là minh triết của người xưa để phục hưng đất nước và để lòng dân thái bình thì những người nắm quyền đang cùng nhau thi đua, đưa ra những chính sách, quyết sách khiến lòng dân chưa hết thất vọng này đã đến thất vọng khác.

.

Minh quân Lý Thái Tổ ngàn năm trước không phải là đầy tớ của dân nhưng là cha mẹ dân, Người thương con dân bằng cách, ngay khi lên ngôi đã hạ chiếu miễn hoàn toàn các loại thuế trong ba năm để khôi phục sức dân, và sau này thỉnh thoảng lại miễn hoặc giảm một số loại thuế trong một khoảng thời gian nào đó tùy theo. Các Thái tử, Hoàng tử, Hoàng tôn, Công chúa sống gần dân để giúp Người tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, tiềm năng hay nguy cơ của xã tắc một cách trung thực nhất! Nhưng, để làm được như Người cần có một trí tuệ anh minh mẫn tiệp với lòng nhân sáng láng chỉ lối đưa đường.

.

Phải chăng, bởi tại trong tư duy “đầy tớ” đã sẵn có thói xấu tắt mắt, giả dối… vốn của kẻ hạ tiện thời nào cũng có, chỉ cốt rình ông chủ sơ hở để chôm đồ, trộm tiền? Nếu vậy, thì người Thăng Long nay lại muốn trở lại làm thân phận con dân để được cha mẹ thương xót chứ không muốn làm ông chủ nữa, khỏi lo phá sản, sạt nghiệp vì đầy tớ!

TD

.

.

.

No comments: