Friday, July 23, 2010

HOA KỲ THÚC ĐẨY CHIẾN LƯỢC "QUAY TRỞ LẠI" ĐÔNG NAM Á

MỸ THÚC ĐẨY CHIẾN LƯỢC “QUAY TRỞ LẠI” ĐÔNG NAM Á

Đăng bởi anhbasam on 23/07/2010

http://anhbasam.com/2010/07/23/587-m%e1%bb%b9-thuc-d%e1%ba%a9y-chi%e1%ba%bfn-l%c6%b0%e1%bb%a3c-%e2%80%9cquay-tr%e1%bb%9f-l%e1%ba%a1i%e2%80%9d-dong-nam-a/

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt

Chủ nhật, ngày 18-7-2010

Chủ nhật, ngày 18-7-2010

(Tạp chí “Thế giới đương đại” – Trung Quốc)

Tháng 7/2009, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã tham dự hàng loạt Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 16, bà đã đại diện Chính phủ Mỹ ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” (TAC), và cam kết trong thời gian tới, Mỹ sẽ cử cơ quan ngoại giao thường trực tới Ban thư ký ASEAN ở Giacácta. Việc làm này đã phá vỡ trạng thái tách rời TAC trong khoảng thời gian dài của Mỹ, và đã thay đổi một cách triệt để thái độ lạnh nhạt của Chính quyền Bush đối với ASEAN, đánh dấu bước tiến thực chất trong việc Mỹ tiến hành “tiếp xúc sâu sắc” đối với Đông Nam Á bằng “thực lực khéo léo”. Từ đó, Mỹ điều chỉnh phương thức can dự vào Đông Nam Á, lên tiếng tuyên bố chiến lược “quay trở lại” Đông Nam Á.

.

“Khéo léo” quay trở lại Đông Nam Á, Chính quyền Obama đang hành động

Chính quyền Obama “quay trở lại” Đông Nam Á lần này lấy phương thức “tiếp xúc sâu sắc” như triển khai giao lưu và hợp tác bằng các hình thức làm chủ đạo, muốn can dự sâu vào các công việc của Đông Nam Á bằng phương thức “mềm mỏng”, “linh hoạt”, “khéo léo”. Chính phủ mới lên cầm quyền bắt đầu tiến hành cuộc tấn công lớn nhằm vào Đông Nam Á, chính quyền mới sau khi lên nắm quyền một tháng liền đưa ra chính sách mới châu Á bao gồm việc điều chỉnh chính sách đối với ASEAN. Sau khi nhậm chức Bộ trưởng ngoại giao, Hillary chọn nơi đầu tiên đến thăm là Inđônêxia – “nước đầu tàu” của khu vực ASEAN, và hứa sẽ “tiếp xúc sâu sắc” với ASEAN, thổi vang tiếng kèn “quay trở lại” Đông Nam Á. Chuyến thăm này của bà Hillary đã phá vỡ quy luật thường lệ đến thăm châu Âu hoặc các quốc gia Trung Đông của ngoại trưởng Mỹ khi mới nhậm chức trong gần 50 năm qua, là bằng chứng tốt nhất cho thấy chính phủ mới của Mỹ coi trọng châu Á, coi trọng ASEAN. Hillary xem chuyến thăm châu Á này là “chuyến đi lắng nghe”, tăng cường lắng nghe và mở rộng giao lưu đàm phán với các nước. Bà khẳng định vị trí “dẫn đầu” của Inđônêxia trong khối ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của Inđônêxia đối với Mỹ trong việc duy trì lợi ích chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới Hồi giáo. Bà còn đánh giá cao giá trị chiến lược của ASEAN. Tại Giacácta, bà tỏ rõ “việc Mỹ tăng cường quan hệ với ASEAN là con đường tốt nhất để giải quyết các vấn đề như khủng hoảng kinh tế toàn cầu, an ninh toàn cầu”, “ASEAN là vô cùng quan trọng đối với toàn cầu trong tương lai, Mỹ cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với ASEAN và có sự hiện diện hùng mạnh ở ASEAN”. Trong thời gian thăm Inđônêxia, bà Hillary lần đầu tiên với tư cách ngoại trưởng đã tới thăm trụ sở thư ký ASEAN ở thủ đô Giacácta, và còn bày tỏ ý muốn gia nhập TAC. Trong các nước đối tác, đối thoại của ASEAN, Mỹ là nước đầu tiên cử đại sứ đến ASEAN.

Trong thời kỳ Bush (con) cầm quyền, nhất là thời kỳ cuối cầm quyền của ông, Mỹ ngày càng thể hiện thái độ “thờ ơ” đối với ASEAN. Cựu ngoại trưởng Rice trong 3 năm cầm quyền, 2 lần vắng mặt tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Năm 2007 là tròn 30 năm Mỹ thiết lập quan hệ đối tác, đối thoại với ASEAN, hai bên lên kế hoạch sắp xếp hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN đã lâu nhưng cuối cùng cũng bỏ dở. Lần này, Hillary dẫn đầu đoàn đại biểu tham gia hội nghị ARF, tại sân bay thủ đô Băngcốc, bà hào hứng tuyên bố với thế giới rằng “nước Mỹ đã quay trở lại”, “tôi muốn gửi đến một thông điệp hết sức rõ ràng: Mỹ đang quay trở lại Đông Nam Á, chúng tôi đang hết sức nỗ lực cho mối quan hệ đối tác ở Đông Nam Á”, từ đó hình thành nên sự so sánh rõ ràng với người tiền nhiệm! Sau đó, tại hội nghị, bà còn bày tỏ Chính quyền Obama rất coi trọng Đông Nam Á, sẽ triển khai hợp tác toàn diện với ASEAN, “chủ trương mạnh mẽ của tôi là nước Mỹ nên can dự sâu hơn vào các công việc của châu Á”. ASEAN đề ra, muốn tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cần phải có ba điều kiện cơ bản sau: 1- có quan hệ đối tác, đối thoại toàn diện với ASEAN; 2- đã tham gia “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á”; 3- có quan hệ chính trị và kinh tế thực chất với tổ chức ASEAN. Mỹ trở thành đối tác, đối thoại toàn diện của ASEAN, duy trì mối quan hệ hợp tác chính trị, kinh tế thực chất với ASEAN. Việc Mỹ chủ động gia nhập TAC lần này đã đáp ứng đầy đủ điều kiện cơ bản cuối cùng đó là vươn tới Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, xóa đi những trở ngại trong việc tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, có lợi cho Mỹ cản trở tiến trình hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương, duy trì lợi ích chiến lược của mình ở Đông Nam Á. Trong chuyến thăm này, Hillary còn tổ chức hội nghị với ngoại trưởng các nước Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam để cùng nhau bàn bạc về ý tưởng xây dựng khung hợp tác mới giữa Mỹ với 4 nước hạ lưu sông Mê Công. Mỹ có ý muốn xây dựng khung “hợp tác Mỹ-Mê Công” với 4 quốc gia đó, triển khai hợp tác trong ba lĩnh vực bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, thiết lập mối quan hệ giữa Ủy ban sông Mê Công với ban quản lý sông lớn nhất nước Mỹ – Missisipi. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ còn quyết định sẽ xây dựng cơ quan liên lạc với ASEAN tại thủ đô Giacácta (Inđônêxia). Việc Mỹ tham dự một loạt hội nghị của ASEAN lần này, đánh dấu sự thúc đẩy mang tính thực chất của chiến lược “quay trở lại”.

.

Mỹ muốn gì khi “quay trở lại” bằng “thực lực khéo léo”?

Việc Mỹ thay đổi phương thức quay trở lại Đông Nam Á đã phản ánh phán đoán của Chính quyền Obama đối với các lực lượng chủ yếu trong và ngoài khu vực trong canh bạc của khu vực Đông Nam Á, là sự điều chỉnh chính sách ngoại giao “học thuyết đơn phương” của Chính quyền Bush, cũng là kết quả trực tiếp của việc nỗ lực thúc đẩy ngoại giao bằng “thực lực khéo léo”.

Trước hết, Mỹ ngày càng coi trọng sức mạnh chỉnh thể của ASEAN và vị thế chiến lược của ASEAN ngày càng được nâng lên trong canh bạc giữa các nước lớn. Do nguyên nhân như nội bộ có sự khác biệt lớn, thiếu hạt nhân lãnh đạo, trong suốt khoảng thời gian dài, ASEAN ở vào tình trạng hiệu quả thấp, nhưng gần đây, tiến trình nhất thể hóa ASEAN thực sự được thúc đẩy. Ngày 20/11/2007, Đông Nam Á thông qua “Hiến chương ASEAN”, cố gắng đến năm 2015 xây dựng khối an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội ASEAN. Tháng 12/2008, “Hiến chương ASEAN” chính thức được đưa vào thực thi, Mỹ dần cảm thấy không thể coi nhẹ ảnh hưởng của tiến trình nhất thể hóa ASEAN đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò quan trọng của ASEAN với sức mạnh tổng thể của mình trên trường quốc tế. Điều quan trọng hơn là trong mấy năm gần đây, các cường quốc chủ yếu của thế giới liên tục tăng cường quan hệ với ASEAN, vị thế chiến lược của ASEAN trong cục diện châu Á-Thái Bình Dương không ngừng nâng lên. Nhật Bản liên tục thúc đẩy kế hoạch viện trợ kinh tế cho các nước ASEAN, Hàn Quốc cũng lợi dụng hội nghị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại với ASEAN để xích gần với ASEAN, Ôxtrâylia, Niu Dilân cũng hoàn thành việc ký Hiệp định khu thương mại tự do với ASEAN. Mấy năm gần đây, Trung Quốc thông qua các chương trình hợp tác lớn như nguồn năng lượng, giao thông không ngừng làm vững chắc mối quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, ảnh hưởng “thực lực mềm” đối với các nước Đông Nam Á cũng không ngừng nâng lên. Năm 2008, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt mức 231,1 tỷ USD. Ngày 1/1/2009, sau khi khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN bước đầu được thành lập, hợp tác kinh tế thương mại song phương sẽ chào đón một đỉnh cao mới. Những điều này đã khiến Mỹ vô cùng lo lắng. Giới học thuật Mỹ nhiều lần tổ chức các cuộc nghiên cứu, thảo luận với các chủ đề như “Làm thế nào để đối phó với ‘sự bành trướng’ của Trung Quốc ở Đông Nam Á cũng như vị trí lãnh đạo của Mỹ ở Đông Nam Á và những thách thức đến từ Trung Quốc”. Chính quyền Obama ra sức đầu tư vào ASEAN, ngoài việc phản ánh sự theo đuổi ưu thế cạnh tranh chiến lược, bảo đảm lợi ích phát triển kinh tế, Mỹ càng phải xuất phát từ những tính toán chiến lược ở tầng nấc sâu nhằm cân bằng sức ảnh hưởng của bản thân. Chính quyền Obama lựa ý chiều theo sự mong đợi gia nhập của ASEAN trong nhiều năm qua là gia nhập TAC, với ý đồ thay đổi trạng thái “mất cân bằng chiến lược” mà sức ảnh hưởng của Mỹ có phần hạ xuống trong canh bạc giữa các nước lớn ở Đông Nam Á, theo đuổi việc nắm lại quyền chủ đạo các công việc ở Đông Nam Á, và làm chậm lại xu thế hợp tác thiết thực, sâu sắc giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

Thứ hai, Chính quyền Obama bắt tay vào điều chỉnh chính sách can dự bao vây mà lâu nay không có hiệu quả của Chính quyền Bush đối với Mianma, nâng cao khả năng can dự đối với các nước ASEAN. Trong thời gian cầm quyền, Chính quyền Bush luôn thể hiện sức mạnh đối với Mianma, không ngừng gia tăng trừng phạt kinh tế và gây sức ép đối với Chính quyền quân sự Mianma. Chính quyền Obama ý thức được “sự vô hiệu lực” của Chính quyền Bush đối với chính sách của Mianma, thừa nhận không thể thay đổi hiện trạng trong việc phong tỏa kinh tế đối với Mianma, hy vọng đưa ra một số điều chỉnh đối với những chính sách quá cứng nhắc của Mianma. Tháng 8/2003, Chính quyền Bush tuyên bố thực thi trừng phạt kinh tế đối với Mianma, đến tháng 9/2007 bắt đầu tăng cường các biện pháp trừng phạt, trong đó bao gồm kiểm soát chặt chẽ đối với việc xuất khẩu của Mianma, đóng băng tài sản của các quan chức Chính phủ Mianma tại Mỹ, và cấm các công ty Mỹ hoặc cá nhân tiến hành trao đổi thương mại với những quan chức Mianma bị trừng phạt. Tháng 5/2009, Chính quyền Obama tuyên bố kéo dài 1 năm trừng phạt kinh tế đối với Mianma kể từ ngày 20/5. Có thể thấy, biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Mianma trong thời gian ngắn rất khó xóa bỏ. Nhưng dưới sự chỉ dẫn của lý luận ngoại giao “thực lực khéo léo”, bên cạnh việc tiếp tục thực thi trừng phạt kinh tế đối với Mianma, Mỹ sẽ còn áp dụng những biện pháp linh hoạt như “tiếp xúc”, soạn ra sách lược thực dụng có hiệu quả hơn, tăng cường khả năng can dự vào các công việc của Mianma. Trong những năm gần đây, các nước liên minh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm Nhật Bản đã nhiều lần khuyên Mỹ gia nhập TAC, nhưng Mỹ lại luôn chỉ đứng ngoài nhìn và ngưỡng mộ, nguyên nhân chủ yếu là các nước gia nhập TAC phải cam kết “tôn trọng chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Do muốn bảo đảm chắc chắn quyền phát ngôn về các vấn đề ở Mianma, Campuchia và có thể duy trì sức ép và can thiệp, nên Mỹ chần chừ không muốn gia nhập TAC. Sự thay đổi triệt để thái độ của Chính quyền Obama đối với TAC ở mức độ rất lớn cũng thể hiện ở việc điều chỉnh chính sách của họ đối với Mianma. Đương nhiên, việc Mỹ thay đổi phương thức can thiệp cũng liên quan tới Chính quyền Obama trong việc Triều Tiên phát triển quan hệ hợp tác hạt nhân với Mianma, cũng như việc Mỹ liên kết với ASEAN càng có lợi cho Mỹ “đối phó” với Triều Tiên và Mianma.

Thứ ba, Mỹ coi ASEAN là “nơi thực nghiệm” thúc đẩy ngoại giao “thực lực khéo léo”. Cuối cùng, Mỹ cũng nhượng bộ và tích cực tham gia một loạt hội nghị thượng đỉnh ASEAN, điều này đánh dấu đường lối ngoại giao “thực lực khéo léo” của Chính quyền Obama đối với Đông Nam Á bắt đầu có những bước đi mang tính thực chất. Lâu nay, Mỹ thúc đẩy thương mại với Đông Nam Á, coi nơi đây là cánh sườn quan trọng trong chiến lược châu Á của mình. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ tích cực thu gom các tổ chức liên minh quân sự tại Đông Nam Á. Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Mỹ dường như cũng dần xa rời Đông Nam Á, nhưng trên thực tế Mỹ có nền tảng chiến lược vững chắc tại Đông Nam Á, những liên minh truyền thống là sự hậu thuẫn chắc chắn để Mỹ thúc đẩy chiến lược ngoại giao. Mỹ và các nước ASEAN là những đối tác thương mại quan trọng của nhau, năm 2008 kim ngạch thương mại song phương đạt 178 tỷ USD. Mỹ trước sau luôn coi trọng và tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN trọng điểm có liên quan đến lợi ích chiến lược to lớn của Mỹ như Philippin, Xinhgapo. Philippin, Thái Lan là những nước liên minh quan trọng của Mỹ ở châu Á, Mỹ luôn duy trì giao lưu quân sự mật thiết với Philippin, Thái Lan. Xinhgapo cho phép tàu thuyền Mỹ neo đậu, đồng thời là nơi tu sửa bão dưỡng tàu thuyền của hải quân Mỹ, Mỹ coi Xinhgapo là một mắt xích vô cùng quan trọng trong sợi dây an ninh của mình. Do đó, việc Mỹ “quay trở lại” Đông Nam Á lần này cho thấy sức ảnh hưởng không phải là “từ không đến có”, mà là chỉ sự thay đổi phương thức “thâm nhập sâu và toàn diện” đối với Đông Nam Á của Mỹ. Sự chuyển biến chính trị rõ rệt nhất của Chính quyền Obama là lợi dụng sức ảnh hưởng và thực lực mềm của Mỹ, xây dựng hình ảnh nước Mỹ trên toàn thế giới. Chính phủ mới có khuynh hướng thay đổi triệt để quan niệm của thế giới cho rằng Mỹ thích sử dụng vũ lực, nhấn mạnh “hòa bình lâu dài”. Gần đây, tại Ủy ban quan hệ đối ngoại Mỹ, bà Hillary lần đầu tiên trình bày chiến lược ngoại giao của Chính quyền Obama lấy “thực lực khéo léo” làm tiêu chí, cho rằng “thực lực khéo léo” thể hiện ở đường lối chính sách: đổi mới kênh giao lưu và tăng cường hợp tác với các nước đối tác, theo đuổi và giữ vững việc tiếp xúc có nguyên tắc với các nước bất đồng quan điểm, vận dụng tổng hợp sức mạnh quân sự với dân sự, cũng như lợi dụng đầy đủ tất cả thực lực của Mỹ trong đó bao gồm thực lực kinh tế. Việc Chính quyền Obama điều chỉnh phương thức can dự vào Đông Nam Á lần này, tích cực tham gia các cơ chế đa phương lấy ASEAN làm trung tâm là có ý muốn cho thế giới thấy được những thành quả tích cực của ngoại giao “thực lực khéo léo” của mình, tạo dựng lại hình tượng nước Mỹ trên trường quốc tế.

.

Con đường “quay trở lại” bằng “thực lực khéo léo” dài dằng dặc

Mặc dù Chính quyền Obama cố gắng đẩy nhanh tiến độ “quay trở lại” Đông Nam Á bằng nhiều hình thức, nhưng do chịu nhiều nhân tố hạn chế, nên việc Mỹ thúc đẩy chiến lược “quay trở lại” Đông Nam Á bằng “thực lực khéo léo” là không dễ chút nào.

Thứ nhất, chiến lược “quay trở lại Đông Nam Á” chịu sự hạn chế của những hành động thực chất thể hiện “sự hữu nghị” của Mỹ đối với ASEAN. Không thể phủ nhận việc bà Hillary nhấn mạnh sự “quay trở lại” Đông Nam Á là có phần rùm beng về chính trị, đó là sự thay đổi của Chính quyền Obama đối với chính sách “coi nhẹ châu Á” của chính phủ tiền nhiệm, đồng thời ra sức xoay chuyển hình ảnh quốc tế của Mỹ. Hiện nay, Mỹ ký TAC, tạo được một chút vị thế, nhưng xét thấy Đông Nam Á không hoàn toàn tạo thành lợi ích trọng tâm, nên những hành đông tính thực chất của Mỹ không nhiều. Trên thực tế, TAC chỉ là một tuyên bố có nguyên tắc, không có sự ràng buộc về pháp lý mang tính cưỡng chế đối với các nước tham gia ký kết, cũng không có những biện pháp chính sách cụ thể trừng phạt nước vi phạm, cho dù giữa các nước thành viên ASEAN cũng có những hành vi vi phạm TAC. Các nước ASEAN tuân theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, cũng không ép can dự vào mâu thuẫn và xung đột giữa các nước thành viên. Do đó, TAC có sự ràng buộc nhất định đối với Mỹ, nhưng cũng không phải là tạo thành áp lực quá lớn.

Thứ hai, chiến lược “quay trở lại” gặp phải hạn chế bởi khả năng tiếp nhận của các nước ASEAN. Về căn bản, mục tiêu chiến lược của Mỹ không hoàn toàn giống với ASEAN. Với tư cách là bộ phận tổ thành chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, mục đích căn bản của chiến lược “quay trở lại” Đông Nam Á của Mỹ là tăng cường toàn diện sức ảnh hưởng và sự tồn tại ở Đông Nam Á. Các nước ASEAN khéo léo lợi dụng sự mâu thuẫn của các nước lớn trong canh bạc ở khu vực Đông Nam Á, thực hiện chủ nghĩa khu vực mở cửa, thực thi chính sách ngoại giao “bình đẳng giữa các nước lớn”, theo đuổi tối đa hóa lợi ích an ninh và kinh tế. Một mặt, các nước ASEAN rất muốn nhưng không thể có được chiến lược “quay trở lại” của Mỹ, mặt khác các nước trong khu vực lại có ý thức tự chủ rất mạnh. Xét thấy khó có thể thay đổi tình thế nhất bên trọng, nhất bên khinh của Mỹ đối với các nước ASEAN, nên các nước cũng giữ trạng thái tâm lý mâu thuẫn với sự “quay trở lại” của Mỹ. Đông Nam Á có 200 triệu dân, số Hồi giáo chiếm 1/5 dân số Hồi giáo trên toàn thế giới, phần đông dân số Hồi giáo đều có tinh thần “căm thù Mỹ”, “chống Mỹ” mạnh mẽ, Mỹ và ASEAN rất khó quay trở lại mối quan hệ liên minh thời Chiến tranh Lạnh. Sau khi gia nhập TAC, Mỹ sẽ phải đối mặt với những ràng buộc của các nguyên tắc trong hiệp ước như “thừa nhận và tôn trọng chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình”. Xét thấy Mianma là nước thành viên của ASEAN, Triều Tiên cũng đã ký TAC, nên chính sách của Mỹ đối với Mianma và Triều Tiên sẽ gặp phải những ảnh hưởng và kiềm chế nhất định. Nếu như tại diễn đàn ARF, Mỹ ra sức chủ trương coi vấn đề hạt nhân Triều Tiên và vấn đề Mianma là đề tài chính của diễn đàn, ASEAN sẽ rất khó đồng ý một cách bừa bãi.

Thứ ba, giải quyết như thế nào vấn đề Mianma ảnh hưởng trực tiếp đến việc liệu Mỹ có thể thực hiện thành công chiến lược quay trở lại “khéo léo”? Từ trước đến nay, vấn đề Mianma là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – ASEAN. Trước khi ký TAC không lâu, Hillary vẫn từng kiến nghị với ASEAN rằng nếu như chính quyền quân sự Mianma không thả Tổng thư ký Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi – lãnh đạo phe đối lập, ASEAN phải tính đến trục xuất Mianma ra khỏi tổ chức. Nhiều năm qua, các nước ASEAN luôn giữ thái độ hòa dịu và mềm mỏng trong việc giải quyết các mối quan hệ với Mianma cũng như vấn đề Aung San Suu Kyi, không thể vì Mỹ mà thay đổi thái độ. Từ nay về sau, trong khuôn khổ ASEAN, việc Mỹ đối phó với vấn đề Mianma ra sao đã trở thành một trong những trở ngại lớn nhất và là “hòn đá thử vàng” hiệu quả của việc liệu Mỹ có thể thực hiện thành công triệt để chiến lược “quay trở lại”?

Việc Mỹ thay đổi phương thức can dự vào Đông Nam Á đã đưa ra một đề tài mới cho Trung Quốc về vấn đề ngoại giao khu vực Đông Nam Á, tăng thêm khó khăn cho Trung Quốc trong việc đối phó với vấn đề lớn Đông Nam Á liên quan đến Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc cần phải hết sức tỉnh táo để đối phó với biện pháp “thúc đẩy diễn biến hòa bình” của Mỹ, Nhưng bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không nên thay đổi thái độ, biện pháp và giữ thái độ tiêu cực thời Chiến tranh Lạnh đối với Mỹ, cần lấy thái độ mở cửa, lợi dụng vũ đài đã có để thúc đẩy hiểu biết và giao lưu giữa hai nước, đồng thời tiếp tục thông qua nhiều con đường triển khai hợp tác với các nước Đông Nam Á, tích cực tham gia và lợi dụng cơ chế đa phương lấy ASEAN làm trung tâm, theo đuổi sự phát triển chung Trung Quốc-ASEAN, xây dựng môi trường xung quanh khu vực Đông Nam Á ổn định, phát triển và hài hòa./.

.

.

.

No comments: