Thursday, July 22, 2010

CUBA PHÁT HUY VƯỢT BẬC TRUYỀN THỐNG "ĐÀO RAU MÁ, PHÁ ĐƯỜNG TÀU" CỦA VN

Cuba phát huy vượt bậc truyền thống “đào rau má, phá đường tàu” của Việt Nam

Lê Diễn Đức

Tháng Bảy 22, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/07/22/cuba-phat-huy-v%c6%b0%e1%bb%a3t-b%e1%ba%adc-truy%e1%bb%81n-th%e1%bb%91ng-%e2%80%9cdao-rau-ma-pha-d%c6%b0%e1%bb%9dng-tau%e2%80%9d-c%e1%bb%a7a-vi%e1%bb%87t-nam/

Trong những năm 70-80 ở miền Bắc phổ biến một bài vè có nội dung giống nhau, nhưng câu chữ đưa ra đôi khi khác nhau chút đỉnh.

Tôi muốn chia sẻ với các bạn người Thanh Hóa rằng, nói tới bài vè tôi không mảy may có bất cứ ý tứ gì khinh thị địa phương, mà chỉ ghi lại ngôn ngữ dân gian truyền miệng để nhắm vào một đề tài khác. Bài vè như sau:

Khu Bốn đẩy ra
Khu Ba đẩy vào
Đẩy qua nước Lào

Lào không dám nhận

Hắn ta tức giận
Lập quốc gia riêng
Thủ đô thiêng liêng
Là huyện Nông Cống
Quốc ca truyền thống:
“Dô tá, dô tà”
Khẩu hiệu tăng gia
Là đào rau má
Nền cơ khí hóa
Là phá đường tàu
Phương tiện đi đâu
Là con trâu cưỡi
Làm lễ cưới hỏi
Ấy củ khoai lang…
Cứ đi lang thang
Là dân… Thanh Hóa

Lớp trẻ sinh ra sau chiến tranh giờ đây khó tin chuyện thật như đùa của một thời đen tối với đói khổ và túng quẫn, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam kịp tỉnh ngộ để tự “Cởi trói” và “Đổi mới” từ Đại hội Đảng lần thứ 6, vào năm 1986.

Sự hài hước không kém bài vè trên khi người ta nói dân Hưng Yên tôi bán “bánh chưng đất”, dân xứ Nghệ ăn “cá gỗ” hay Thái Bình là “nhà máy cháo” với dòng thơ châm chọc: “Thái Bình là đất ăn chơi – Tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”…

Vào những ngày giáp hạt hồi đó, có câu chuyện cười ra nước mắt. Gần như cả một làng nọ của tỉnh Thanh Hóa được Ủy ban xã cấp giấy chứng nhận đi ăn xin với mục đích phòng ngừa công an kiểm tra, xua đuổi ở Hà Nội, nhất là khu vực Ga Hàng Cỏ hay các bến xe Kim Liên, Kim Mã, Gia Lâm…

Đói quá, nông dân phải đào củ mài, củ chuối, rau má ăn là chuyện bình thường. Cho nên mới có cái câu “đào rau má, phá đường tàu”.

.

Đảo Cuba

Hơn 30 năm sau ở Cuba người ta phát huy tuyệt vời hơn truyền thống của người Thanh Hóa.

Mới vài ngày nay, tờ “Granma” của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Cuba rung chuông báo động về hiện tượng ăn cắp đường ray, tà vẹt, bu lông. Ở nhiều nơi đã dẫn đến thảm họa trật đường rầy hoặc hàng hóa nguy hiểm bị va đập, ví dụ như tàu chở các bồn đựng dầu. Khi báo Đảng lên tiếng có nghĩa rằng sự việc đã ở mức nghiêm trọng và không thể im lặng nữa.

Bài viết chiếm hai cột báo với tiêu đề “Sự bất lực giáng cú đấm vào kinh tế” không phản ánh hết sự kinh hãi của tình hình. Từ đầu năm đến nay Công tố viện đã khởi xướng ít nhất mười lăm vụ án chống lại ăn cắp có tổ chức đường ray, tà vẹt, bu lông, dây thép, các thanh sắt, và các tất cả những gì thuộc thiết bị đường sắt. Các cuộc trộm cắp ở quy mô lớn làm biến mất nhiều đoạn đường giao thông của xe lửa. Thiệt hại tới hàng ngàn tấn thép.

Trộm cắp tài sản nhà nước lan rộng (tại Cuba Cộng sản gần như mọi tài sản đều thuộc nhà nước) là cách làm truyền thống từ cuộc sống đầy thất vọng của dân Cuba trong tình cảnh khan hiếm hàng hóa. Nhân viên thường xuyên ăn cắp sản phẩm từ các nhà máy cho nhu cầu cần thiết của mình hoặc mang bán ở thị trường đen. Trên đường phố Havana, có thể mua loại xì gà Cohiba tốt nhất trên thế giới với giá 30-50 đô la một hộp, trong khi tại các cửa hàng bán thu ngoại tệ cho khách du lịch giá hơn 350 đô la. Gần đây, báo chí làm ầm ĩ về vấn đề trộm cắp biển chỉ đường, là thứ mà dân Cuba dùng để vá, lợp mái nhà.

Còn đường ray và tà vẹt? Tờ “Granma” viết rằng, “để ăn cắp các thứ của đường sắt không phải dễ dàng và không thể thực hiện trong một vài giờ. Một số lượng lớn bị trộm cắp có nghĩa là kèm theo sự bất cẩn và thiếu sự giám sát. Tại quận Santa Clara, trên một đoạn đã biến mất 26 thanh tà vẹt bê tông. Công sức cần bỏ ra cho một phi vụ như vậy phải mất hơn cả ngày”.

Rõ ràng kẻ ăn cắp không phải là những người Cuba bình thường từ các làng gần đó, mà là các giám đốc công ty đường sắt, công nhân đường sắt, bảo vệ viên, những người có các dụng cụ chuyên dụng để thực hiện và họ bán đồ ăn cắp được cho những ai trả nhiều tiền hơn.

Rất có ý nghĩa để tham gia “cuộc chiến” này. Một thanh tà vẹt bê tông theo giá của nhà nước khoảng 25 đô la, tương đương với mức lương hàng tháng. Một tấn đường ray, đủ để xây dựng một đoạn đường tàu dài 12,5m giá 1.200 đô la. Người Cuba còn lấy nó dùng vào việc xây dựng chuồng trại động vật, hàng rào và thậm chí cả nhà cửa.

Một nửa của sự khổn khổ là đường ray và tà vẹt đang dần biến mất từ các kho đường sắt, nơi chúng nằm đợi vô tận, bởi vì việc sửa chữa đường ray chậm như sên bò. Gần đây, một thủ kho đã xuất 60 thanh tà vẹt cho một nhân viên để “giải quyết điều gì đó”. Người ta không biết nhân viên này đưa cho thủ kho bao nhiêu tiền, nhưng điều tra tiết lộ rằng, anh ta đã bán lại trên thị trường chợ đen 60 đô la mỗi thanh.

Tệ hơn nữa, đường ray và tà vẹt bị lấy đi, gây ra tai nạn. Tờ báo cảnh cáo rằng, trong trường hợp này, tổn thất của nhà nước còn lớn hơn, bởi vì giá trị một đầu máy xe lửa khoảng 1,5 triệu đô la, còn một toa khách khoảng 1 triệu.

Granma” đăng tờ trình của một giám đốc ở tỉnh Cienfuegos, trong đó ông ta xác nhận rằng ở đây bị mất cắp 6 thanh tà vẹt, nhưng đã may mắn không gây ra nguy hiểm và tổn thất cho các tàu. Bởi vì 6 thanh bị gỡ không sát cạnh nhau và cách quãng, cho nên không ảnh hưởng lớn lên cấu trúc của đường ray.

“Làm thế nào mà một giám đốc như vậy lại được phân công chịu trách nhiệm về tài sản của nhà nước? Làm sao ông ta có thể quyết định tương lai doanh nghiệp của mình? Tất cả những điều này nói lên những điểm yếu, bỏ bê trách nhiệm và khoan dung bọn trộm cắp. Phải loại bỏ những người làm ô uế danh dự của ngành đường sắt” – Tờ báo kết luận.

.

Việt Nam vẫn giữ vững truyền thống?

Đầu bài tôi “khen” dân Cuba làm tốt hơn truyền thống “phá đường tàu” của Thanh Hóa trong cái thời đói rách. Nhưng nói như thế không phải hiện nay ở Việt Nam, mặc dù điều kiện kinh tế đỡ hơn nhiều, mà truyền thống ăn cắp tài sản công cộng ngừng phát triển.

Với loạt bài “Hở đâu mất đấy”, báo “An Ninh Thủ Đô” ngày 20/05/2009 viết: “Hàng nghìn đoạn dây xích sắt chạy dọc sông Kim Ngưu, kéo dài từ đường Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) đến Nguyễn Tam Trinh (quận Hoàng Mai), đột ngột “bay hơi” từ hơn 1 năm nay. Hàng trăm, có lẽ tới cả nghìn nắp cống bằng gang trên toàn địa bàn thành phố cũng đã… một đi không trở lại. Mất trộm phụ kiện, thiết bị phục vụ công cộng đang là hiện tượng đáng lo ngại, đáng báo động; trong đó, có cả cái cũng cần “báo động” là ý thức của đơn vị chủ quản các tài sản trên”.

Trong khi đó, tờ “Việt Báo” nói rằng, “tình trạng mất trộm nắp hầm cáp điện thoại đã lan rộng trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt là khu vực dọc tuyến đường xuyên Á thuộc địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, quận Thủ Đức, Sài Gòn. Tính đến giữa tháng 5/2004 đã mất tổng cộng 262 nắp hầm cáp điện thoại thuộc ba đơn vị quản lý: Ban quản lý dự án các công trình thông tin, Công ty điện thoại Đông và Công ty điện thoại Tây”.

Còn tờ “Công An Nhân Dân” và “Thanh Niên”: “Nhiều nắp cống bằng gang có trọng lượng hàng chục kg trên địa bàn phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội thời gian qua đã “không cánh mà bay”, khiến nhiều người tham gia giao thông gặp nguy hiểm, gây bức xúc trong dư luận”. Và, “tại Sài Gòn, tình trạng mất trộm nắp cống diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây đang là nguy cơ rình rập đối với người đi đường”.

Theo tờ “Tiền Phong”, lực lượng trinh sát mai phục bắt quả tang một vụ vận chuyển gần 200 kg phụ kiện đường sắt tháo trộm trên đường sắt Thống Nhất km 259 + 400 đến km 259 + 500 (gồm 2 chiếc lập lách, 51 bộ ô mê ga, 51 căn sắt, 48 đinh suốt, 51 bu lông và mỏ lết, ca bô để hành nghề).

Báo “Công an Nhân Dân” thì than vãn: “Liên tục trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra các vụ trộm cắp thiết bị đường sắt, trộm cắp thông tin liên lạc. Các vụ việc trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân trên địa bàn và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm khác”.

.

Hai anh em trời đất sinh ra

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã từng phát biểu: “Việt Nam, Cuba như là trời đất sinh ra, khi Việt Nam ngủ thì Cuba thức, khi Việt Nam gác thì Cuba nghỉ, hai nước thay nhau canh giữ hòa bình thế giới[1].

Chủ tịch nước nói đúng một phần. Việt Nam và Cuba có nhiều điểm giống hệt nhau. Chỉ có điều là, chính phủ Việt Nam lo cho mấy ngư dân bị bọn giặc Tàu phá đám, bắt giữ, trấn cướp còn chưa xong, nói chi đến “gìn giữ hòa bình thế giới”. Ốc chưa mang nổi mình ốc mà cứ đòi cõng sên là vậy!

Có lẽ nên sửa lại câu nói của Chủ tịch rằng, khi bên anh (Việt Nam) ngủ thì bên em (Cuba) dân chúng đi phá đường tàu; còn khi bên em ngủ, thì bên anh dân tình đi cuỗm nắp cống, giây cáp điện thoại và đôi khi cũng… phá đường tàu luôn!

Người ta hay nói “bần cùng sinh đạo tặc”, “nhà giột từ nóc”, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Trong một xã hội đầy rẫy hiện tượng suy đồi, tham nhũng, ăn cắp tiền bạc nhà nước của giới có quyền, có chức từ trung ương tới địa phương, thì làm sao giáo dục nổi dân đen ý thức trách nhiệm đối với xã hội và lợi ích công cộng!

Nguồn tin: Tin về Cuba lấy từ Nhật báo Gazeta Wyborcza ngày 20/07/2010

.

.

.

No comments: