Friday, July 9, 2010

CHẠY ĐUA QUÂN SỰ hay KINH TẾ ?

Chạy đua quân sự hay kinh tế?

Ngô Nhân Dụng

Thursday, July 08, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115741&z=7

Chủ Nhật vừa qua, ngày 4 tháng 7, 2010, nhật báo South China Morning Post ở Hồng Kông loan tin ba tầu ngầm của Mỹ mang theo tổng cộng 452 hỏa tiễn Tomakawk đang cập bến tại ba hải cảng vùng Á Châu. Bị chất vấn, nhân viên chính phủ Mỹ giải thích rằng sự hiện diện của ba tiềm thủy đĩnh cùng một lúc trong một vùng chung quanh nước Trung Hoa này là một sự tình cờ, không có dụng ý nào cả. Phát ngôn viên Tòa Ðại Sứ Trung Quốc tại Washington cũng rất dè dặt, chỉ tuyên bố rằng ông “hy vọng các hành động quân sự của chính phủ Mỹ sẽ mang lại hòa bình, ổn định và an ninh trong vùng, chứ không vì lý do nào khác.”

Những lời lẽ ôn hòa trên không che giấu được mối căng thẳng thường trực trong bang giao giữa hai nước lớn đang tranh giành ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Vì nước Mỹ hiện nay chỉ trang bị hỏa tiễn Tomakawk trên 4 chiếc tầu ngầm, và tháng 6 vừa qua là lần đầu tiên cả 4 chiếc tầu này cùng rời nước Mỹ đi chu du thế giới. Những tầu ngầm này, thuộc loại gọi là Ohio-class, trước đây trong thời chiến tranh lạnh chỉ dùng để mang hỏa tiễn bắn câu vòng (ballistic missile), gắn đầu đạn nguyên tử, thường vẫn chạy dưới nước vòng quanh thế giới, nhắm vào các địa điểm chiến lược của Nga Xô. Ngày nay, nước Mỹ không chờ đợi một cuộc chiến tranh nguyên tử với Nga nữa, cho nên ngoài 14 chiếc tầu ngầm vẫn mang hỏa tiễn nguyên tử còn hoạt động, bom hạch tâm trên 4 chiếc tầu kể trên đã được tháo gỡ. Hiện mỗi chiếc tầu đó được gắn 154 chiếc hỏa tiễn Tomahawk với tầm bắn hơn 1,500 cây số, và trang bị loại loại bom nổ thường, sức nổ khoảng 1,500 tấn. Gọi Tomahawk là một hỏa tiễn cũng không đúng nghĩa. Ðó là những trái bom biết bay, có khả năng tự điều khiển, bay thấp để tránh không bị hỏa tiễn bên địch nhắm bắn phá, vào năm 2001 mỗi chiếc Tomahawk tốn khoảng 600,000 Mỹ kim của người dân Mỹ đóng thuế. Mỹ vẫn đang dùng hỏa tiễn Tomahawk trên các chiến trường Iraq, Afghanistan, trong những cuộc chiến tranh có tính địa phương.

Tuần trước, tiềm thủy đĩnh USS Ohio đã cập bến Vịnh Subic ở Phi Luật Tân, trong lúc chiếc USS Michigan ghé bến Pusan thuộc Nam Hàn và chiếc USS Florida đến bờ đảo Diego Garcia ở Ấn Ðộ Dương. Hải Quân Trung Quốc chắc chắn phải lưu ý tới sự hiện diện bất thường của ba phần tư số hỏa tiễn Tomahawk chở trên tầu ngầm của Mỹ đang đến gần vùng mà họ đang muốn gây ảnh hưởng.

Hai nước Mỹ và Trung Hoa vẫn tiếp tục giao hảo. Mỗi ngày trung bình nước Mỹ nhập cảng một tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc chở sang, bày bán trong các cửa hàng rẻ tiền và hạng trung ở khắp nơi. Với số tiền thu dư được nhờ bán hàng sang Mỹ, Bắc Kinh vẫn tiếp tục mua công trái phiếu của Mỹ, tức là cho chính phủ Mỹ vay nợ; mặc dù gần đây họ đã gia tăng mua công trái của Nhật Bản để tránh để quá nhiều trái trứng vào trong một cái rổ. Tuần qua, Bắc Kinh lại cho phép đồng nhân dân tệ được lên giá tự do hơn, giá đồng Nguyên đã tăng chút đỉnh so với đô la Mỹ, như chính phủ và các đại biểu Quốc Hội Mỹ vẫn liên tiếp yêu cầu từ mấy năm qua.

Nhưng quyền lợi của nước đông dân nhất và nước giầu mạnh nhất thế giới lúc nào cũng có những khác biệt, không tránh được những cuộc chạy đua và tranh giành ảnh hưởng thường xuyên và liên tục; đặc biệt khi Mỹ vẫn là đồng minh bảo vệ Ðài Loan, mà Trung Quốc thì coi đó là một tỉnh ly khai sẽ có ngày phải hợp nhất với lục địa.

Tháng Giêng năm 2010 Mỹ bán hỏa tiễn Patriot cho Ðài Loan, tổng số trị giá gần 6 tỷ rưỡi đô la; với khả năng làm rào cản ngăn chặn hơn 1000 hỏa tiễn mà Trung Quốc đang bầy bên kia bờ biển để đe dọa. Chính phủ Obama cũng như chính phủ Bush trước đó, giải thích họ chỉ bán vũ khí phòng thủ để thi hành Luật Bang Giao với Ðài Loan mà quốc hội Mỹ đã thông qua năm 1979. Sau vụ bán Patriot, chính quyền Trung Cộng chỉ phản đối lấy lệ vì không muốn gây chuyện với cả Mỹ lẫn Ðài Loan trong lúc đang chuẩn bị ký với Ðài Loan một “thương ước” lâu dài. Nhưng ngay sau đó, Bắc Kinh đã loan báo việc thí nghiệm thành công loại hỏa tiễn chống hỏa tiễn của họ; coi như đã ăn miếng trả miếng rồi. Và cuộc chạy đua vẫn tiếp tục như cũ.

Năm 2007, Bắc Kinh đã thí nghiệm phóng hỏa tiễn lên phá hủy được một vệ tinh nhân tạo cũ, cho thấy khả năng chống vệ tinh của họ, không thua kém việc Mỹ đã biết làm từ năm 1985. Năm 2008, Mỹ lại thí nghiệm này lần nữa, nhưng dùng một hỏa tiễn bắn lên từ một chiến hạm đang chạy ngoài khơi chứ không bắn trên mặt đất liền.

Chính phủ Obama đã thay đổi chính sách mua vũ khí, cho thấy họ có vẻ quan tâm đến những cuộc chiến địa phương nhiều hơn là lo về chiến tranh thế giới như thời chiến tranh lạnh. Tổng Thống Obama và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates đều chủ trương giảm bớt không mua những “vũ khí đắt tiền” trong khi đó gia tăng loại vũ khí có thể dùng ở những mặt trận như ở Iraq, Afghanistan. Tháng Năm vừa qua, bộ trưởng Gates đã công bố một chính sách mới, nước Mỹ chỉ sản xuất những loại vũ khí để “sử dụng trong các cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tham dự, chứ không làm những vũ khí tối tân cho những cuộc chiến tranh dự báo trong tương lai. Chính phủ Mỹ đã ngưng mua thêm máy bay “tàng hình” F22, giảm số hàng không mẫu hạm từ 11 xuống 10 chiếc, vân vân, mặc dù các công ty sản xuất vũ khí và nhiều nhà chính trị phản đối. Dù không nói ra, nhưng người ta hiểu các loại vũ khí được chọn sẽ phù hợp với một cuộc đương đầu với Trung Quốc trong vùng Á Châu, hơn là chọi với Nga, một cường quốc có khả năng cao hơn về những vũ khí tối tân.

Việc đưa các tầu ngầm mang hỏa tiễn Tomahawk sang Á Châu cũng biểu thị một chính sách mới khác của chính phủ Mỹ là chuyển địa bàn chiến lược ưu tiên từ Ðại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Tháng trước, Bộ Trưởng Gates mới nhấn mạnh tại một hội nghị an ninh vùng ở Singapore rằng nước Mỹ vẫn có mặt trong vùng Ðông Nam Á để bảo vệ các quyền lợi kinh tế thiết thực. Thứ trưởng quốc phòng Mỹ nhắc lại các lời đó khi đến thăm Hà Nội. Chính phủ Bắc Kinh phản ứng rất dè dặt trước thái độ có vẻ mạnh mẽ này, cho thấy Trung Quốc không muốn gây khó khăn cho cuộc bang giao.

Vì trong việc bang giao quốc tế ngày nay, kinh tế mới là mặt trận chính. Trong lúc phát ngôn viên bộ ngoại giao Bắc Kinh lên tiếng phản đối mỹ bán hỏa tiễn Patriot tối tân cho Ðài Loan thì ở Bắc Kinh hai phái đoàn quốc Cộng đang bàn nhau về một hiệp ước thương mại. Tuần trước, bản Thỏa ước Khung về Hợp tác (ECFA) giữa Ðài Bắc và Bắc Kinh đã được ký kết ở Trùng Khánh, mở đầu một trang sử mới trong việc giao thương giữa hai nước Trung Hoa. Trong hai năm tới, Bắc Kinh sẽ giảm thuế nhập cảng trên 539 loại hàng nhập cảng từ Ðài Loan; trị giá khoảng 14 tỷ đô la được bán sang lục địa mỗi năm, và cho phép doanh nhân Ðài Loan tham dự 11 loại dịch vụ mới trong lục địa, trong đó có dịch vụ ngân hàng. Nhiều sản phẩm nông và ngư nghiệp của Ðài Loan được bán sang Trung Quốc với quan thuế thấp mà Ðài Loan không cần phải đáp lại. Trong khi đó Ðài Loan sẽ chỉ phải giảm thuế trên 267 loại hàng mà Trung Quốc xuất cảng, trị giá mỗi năm chỉ có gần 3 tỷ Mỹ kim.

Tại sao Bắc Kinh lại rộng rãi như vậy đối với một chính quyền ‘thù địch” do Trung Quốc Quốc Dân Ðảng lãnh đạo? Bởi vì họ muốn ủng hộ chính phủ Quốc Dân Ðảng của Tổng Thống Mã Anh Cửu, được giới doanh thương ủng hộ, trong cuộc đối đầu với Ðảng Dân Tiến có khuynh hướng muốn tách Ðài Loan ra làm một nước độc lập. Ðảng Dân Chủ Tiến Bộ đã tổ chức biểu tình trên 30,000 người phản đối thỏa hiệp trên, nhưng sau một năm 2009 mà kinh tế Ðài Loan suy thoái, GDP giảm bớt 2%, thì bất cứ hiệp ước nào gia tăng xuất cảng đều được dân chúng ủng hộ. Mặt khác, sau thỏa hiệp mới với lục địa, chính phủ Ðài Loan hy vọng sẽ dựa vào đó để ký các hiệp ước thương mại song phương với các nước Ðông Nam Á; một điều mà các nước này còn dè dặt vì sợ Trung Cộng phản đối. Năm nay, Trung Hoa lục địa bắt đầu thương mại tự do với khối ASEAN, Ðài Loan không thể chậm chân quá!

Bắc Kinh và Ðài Bắc đều chủ trương chỉ có một nước Trung Hoa, và việc thống nhất sẽ có ngày thực hiện; họ chỉ không nói rõ là trong 50 năm hay 100 năm! Trong khi chờ đợi, phát triển kinh tế là mối ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, không riêng với Ðài Loan, chính sách ngoại giao của Bắc Kinh với Mỹ cũng coi kinh tế là chủ yếu, các liên hệ khác là phụ.

Tháng Tư năm ngoái, chiến hạm U.S.S. Fitzgerald, trọng tải 6,800 tấn, đã tiến vào bến Thanh Ðảo, tham dự lễ kỷ niệm 60 năm Hải Quân Trung Quốc được thành lập vào năm 1949, khi 9 chiến thuyền của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng đào ngũ chạy theo Cộng Sản. Có 14 quốc gia gửi tầu chiến đến tham dự lễ ăn mừng này! Trung Quốc đang chế tạo hàng không mẫu hạm đầu tiên, và đã biến đảo Hải Nam thành một căn cứ hải quân hùng mạnh. Nhưng khi Mỹ đưa 3 tầu ngầm tới các hải cảng chung quanh nước Tầu, giống như để thể hiện những lời của ông Gates nói ở Singapore tháng trước, thì Bắc Kinh không một lời phản đối. Hiển nhiên, trong mối bang giao Mỹ-Trung Quốc, kinh tế mới quan trọng. Hai nước đang giao hảo, còn trên mặt trận quân sự thì vẫn tiếp tục gờm nhau.

Trong cuộc chạy đua vũ khí hiện nay, còn lâu Trung Quốc mới hy vọng theo kịp Mỹ. Hiện nay ngân sách quân sự của Mỹ khoảng 700 tỷ đô la, cao gấp 10 lần con số chính thức của Trung Quốc, và lớn hơn tổng cộng ngân sách quốc phòng của tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại. Tất nhiên, Trung Cộng có thể đã chi gấp hai, ba lần con số công bố chính thức, nhưng dù vậy cũng vẫn còn quá ít so với Mỹ. Cho nên, Bắc Kinh giữ thái độ im lặng và hòa hoãn là phải.

.

.

TÀU NGẦM MỸ BIỂU DƯƠNG SỨC MẠNH QUÂN SỰ (BBC)

.

.

.

No comments: