Sunday, July 18, 2010

CÂU CHUYỆN NHÀ HÀNG XÓM (Câu chuyện kinh tế)

Câu chuyện nhà hàng xóm

PHAN CHÁNH DƯỠNG

Chủ Nhật, 18/07/2010, 16:44 (GMT+7)

http://tuoitre.vn/Kinh-te/390772/Cau-chuyen-nha-hang-xom.html

Qua 25 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta từng bước chuyển từ mô hình quản lý kế hoạch hóa - tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.

Một trong những yếu tố quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm của các nước đi trước, trong đó có nghiên cứu kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của Trung Quốc (vì Trung Quốc cũng chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường). Theo quan điểm này, xin nêu lên một sự kiện mới xuất hiện gần đây ở Trung Quốc để chúng ta cùng suy ngẫm bởi lâu nay không ít vấn đề xảy ra ở Trung Quốc chỉ một thời gian ngắn là xuất hiện ở nước ta, nhất là trên lĩnh vực kinh tế.

.

Trong vài tháng qua, sự việc nổi cộm nhất ở Trung Quốc là tại một nhà máy có khoảng 400 ngàn công nhân của Công ty Foxconn đặt tại thành phố Thâm Quyến (thuộc Tập đoàn Hồng Hải, Đài Loan, chuyên gia công các sản phẩm điện tử kỹ thuật cao như iPhone, iPad), chỉ trong vòng hai tháng, có 12 công nhân trẻ (tuổi từ 19 đến 23 tuổi) đã tự tử, tạo nên sự phẫn nộ trong xã hội. Điều trớ trêu là hằng ngày tại công ty ấy vẫn có hàng ngàn thanh niên sắp hàng chờ phỏng vấn để xin việc vì nơi đây trả lương khá nhất so với các xí nghiệp khác.

Ngay trong ngày vị chủ tịch Tập đoàn Hồng Hải đến thăm công ty thì lại có thêm một công nhân nhảy lầu tự tử. Thế là chủ tịch tập đoàn quyết định tăng lương để làm dịu đi tâm trạng bức xúc của công nhân. Qua ba lần tăng lương liên tiếp (từ ngày 26-5 đến nay), lương cơ bản từ 900 nhân dân tệ đã lên đến 2.000 nhân nhân tệ/tháng, khi có tăng ca thì một giờ tiền công tính gấp đôi.

Khi mức lương tăng lên đến trên 120% thì tình trạng tự tử mới khựng lại. Nhưng một rắc rối xảy ra là đại hội cổ đông của Tập đoàn Hồng Hải phản đối việc tăng lương quá mức đó, vì nó làm cho cổ phiếu của tập đoàn mất giá.

.

Foxconn có nhà máy sản xuất lắp ráp điện tử khắp Trung Quốc với tổng số công nhân lên trên 800 ngàn người. Foxconn hiện đứng trước một vận mệnh phải chọn lựa:

- Chuyển khỏi Trung Quốc, tìm một nước khác để tiếp tục sản xuất với giá lao động thấp để đảm bảo giá thành sản phẩm. Nhưng đâu là nước được chọn, liệu ở đó có lặp lại tình trạng như ở Thâm Quyến.

- Chuyển nhà máy vào các tỉnh vùng phía Tây còn nghèo để có thể tiếp tục khai thác lao động giá rẻ. Nhưng giá rẻ kéo dài được bao lâu, hiệu quả tài chính ra sao?

- Thương lượng nâng giá gia công với các công ty phía trên chuỗi giá trị của sản phẩm (như Apple, Intel, HP, Sony…). Nhưng có lẽ việc đó không dễ và nếu có kết quả thì cũng chỉ nhất thời và chẳng được bao nhiêu.

- Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm mới để tạo ra giá trị cao hơn (suất sinh lợi cao hơn). Tuy nhiên, điều này cũng không dễ vì muốn đầu tư sản phẩm mới hay thay đổi công nghệ thì phải có nguồn vốn mới, phải có thời gian và nhất là nguồn lao động có kỹ năng mới, phù hợp với công nghệ mới.

.

Sau sự kiện Foxconn, công nhân của xí nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng xe hơi Toyota (của Nhật) tại Thâm Quyến lại đình công đòi tăng lương. Thế rồi phong trào đòi tăng lương lan rộng ra không chỉ trong các công ty có vốn nước ngoài, mà đến cả các công ty dân doanh trong nước, cũng như doanh nghiệp nhà nước.

Phong trào tăng lương tăng lên như cơn lũ. Đến nay, hầu hết các xí nghiệp của mọi ngành ở 27/32 tỉnh, thành của Trung Quốc đã có mức tăng lương bình quân từ 20 đến 34%. Cơn lũ lan nhanh, làm cho các chủ doanh nghiệp, giới chức cũng như các nhà kinh tế Trung Quốc trở tay không kịp. Họ chưa có giải pháp nào khác ngoài biện pháp tăng lương để tạm ổn định tình thế.

Theo các nhà kinh tế Trung Quốc cũng như nước ngoài, thời kỳ phát triển kinh tế dựa vào lao động rẻ của Trung Quốc đã đến hồi cáo chung, vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc sẽ chuyển sang nước khác. Một làn sóng di chuyển cơ sở sản xuất (thuộc nguồn FDI và cả của doanh nghiệp Trung Quốc) sẽ hình thành, tạo nên biến động về sự tái phân bổ hệ thống cơ sở sản xuất của nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển.

.

Đối với người lao động Trung Quốc, làn sóng tăng lương đã giúp cho cuộc sống của họ được cải thiện, nhưng nếu vai trò “công xưởng thế giới của Trung Quốc” bị cáo chung, cục diện có thể sẽ là:

- Các xí nghiệp sống nhờ lao động rẻ sẽ phải chuyển đi nơi khác hoặc bị phá sản. Khi đó, công nhân sẽ bị thất nghiệp, cuộc sống họ sẽ ra sao?

- Nếu các xí nghiệp phải thay đổi công nghệ, phải chuyển đổi mặt hàng thì cũng xảy ra tình trạng nan giải là cần trình độ lao động có tay nghề cao hơn hay yêu cầu kỹ năng khác hơn, liệu người lao động còn khả năng đáp ứng? Nếu không đáp ứng được thì họ sẽ bị loại thải, như thế xã hội cũng phải đối mặt với biết bao khó khăn.

.

Như vậy bài toán công ăn việc làm sẽ chuyển sang nguy cơ bất ổn xã hội và nếu chậm được giải quyết, nó sẽ đe dọa an ninh chính trị. Lúc đó mọi việc đều có thể xảy ra.

Theo như một số tin tức trên mạng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tính tới khả năng xảy ra tình trạng phức tạp, nhưng họ không ngờ nó xảy ra quá sớm (dự đoán có thể xảy ra sau năm 2015). Giải pháp là tái cấu trúc lại ngành kinh tế, chuyển từ nền kinh tế gia công sang nền kinh tế sản xuất, sáng tạo (từ made in China sang made by China). Có lẽ đây chỉ là lời trấn an, chứ không phải là một phương án đã có chuẩn bị đối phó chu đáo. Phải có những chính sách rất cụ thể, đồng bộ, thể hiện cụ thể nhất là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo lao động và phải được thực hiện sớm.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nghiêm túc đánh giá mọi nguyên nhân đưa đến cơn lũ tăng lương và rất thận trọng để tình trạng trên không tiếp diễn. Mặt khác, họ đang tìm mọi cách để khuyến khích các nhà đầu tư chuyển các xí nghiệp vào vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh miền Tây Trung Quốc, có vậy nền kinh tế mới ít bị tổn thất hơn, từ đó có thời gian để đề ra những giải pháp tích cực tiếp theo (chẳng hạn cơ cấu lại nền kinh tế). Đây cũng là thời điểm thử thách, một “sự lột xác sống còn” của một con rồng hay tan ra thành nhiều con giun!

.

Việt Nam không thể không nghiêm túc phân tích sự kiện trên vì cả hai nước đều từng có những căn bệnh trong mô hình kinh tế tương tự nhau. Điều này rất hữu ích cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong mười năm tới.

------------------------

Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, hiện nay khu vực châu thổ Trường Giang và Châu Giang đang thiếu khoảng 2 triệu lao động và tình hình được dự báo sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Giám đốc Bành Kiến Tuyển của Công ty may Khải Mậu (Đông Quản) đã ví vấn đề công nhân với tình trạng “bệnh cũ thêm vết đau mới”.

Công ty của Bành Kiến Tuyển đang chịu áp lực sinh tồn của doanh nghiệp ngày càng lớn. Ông cho biết “lợi nhuận ngành may mặc ngày càng giảm sút nhanh, các doanh nghiệp may mặc ở Đông Quản hiện chỉ tính lãi theo phần chục nghìn, đó là chưa tính tới nhân tố rủi ro”.

Mặc dù hoạt động trong nghề lâu năm, có uy tín và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ AustraliaNew Zealand, song Giám đốc Bành vẫn không dám nhận các đơn hàng vì “hễ nhận là lỗ”. Theo Giám đốc Bành, giá nguyên liệu ngành may đã tăng chóng mặt, giá bông từ 8.000 NDT/tấn vào nửa cuối năm ngoái đã tăng lên 20.000 NDT/tấn hiện nay.

Tổng giá nguyên liệu cho một đơn hàng đã tăng khoảng 20 - 30%, nay nếu tăng lương cho công nhân, giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên tiếp, doanh nghiệp không thể trụ được. Bành Kiến Tuyển bắt đầu chú ý đến nguồn lao động giá rẻ hơn của Việt NamIndonesia, có rất nhiều doanh nghiệp cũng có tư tưởng như vậy.

Theo điều tra của Lâm Giang, nếu mức tăng lương vượt quá 5% thì các doanh nghiệp khó lòng chịu được. Trong tình hình như vậy, lương tăng thêm nhiều dường như chỉ là ảo tưởng. Những doanh nghiệp này muốn tăng lương cao, cách duy nhất là yêu cầu khách hàng gánh vác một phần.

Châu thổ Châu Giang nổi tiếng nhờ ngành ngoại thương phát triển, song số liệu ngoại thương trong năm tháng đầu năm 2010 khiến nhà chức trách không khỏi lo lắng, với tổng mức mậu dịch ngoại thương chỉ đạt 34% so với năm ngoái và thấp hơn rất nhiều mức trung bình của Trung Quốc.

Theo PHAN CHÁNH DƯỠNG
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

.

.

.

No comments: