Báo động đỏ về đào tạo khoa học xã hội và nhân văn
PGS.TS ĐOÀN LÊ GIANG (*)
7/13/2010
http://honvietquochoc.com.vn/Giao-duc/Bao-dong-do-ve-dao-tao-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van.aspx
Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) liên quan mật thiết đến lĩnh vực chính trị xã hội, đạo đức nhân cách, tư tưởng, văn hóa của dân tộc cho nên đây là một lĩnh vực rất quan trọng. Chúng ta đều biết, những sai lầm về kinh tế, kỹ thuật để lại hậu quả lớn, nhưng vẫn có thể khắc phục được trong một thời gian nhất định, không quá dài. Thế nhưng những sai lầm thuộc về lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục… tức là KHXH&NV sẽ để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng và lâu dài, có khi mất đến hàng mấy chục, hàng trăm năm mới khắc phục được.
Đấy là chưa nói: kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ dịch vụ càng cao, nên KHXH&NV có thể góp một phần quan trọng tạo ra của cải vật chất. Vì thế ai có cái nhìn coi thường KHXH&NV thì tùy, còn với những người có hiểu biết thì không ai dám nghĩ như thế!
Tình trạng yếu kém và bị coi thường của KHXH&NV, nhất là từ phương diện giáo dục đại học là có thật. Điều ấy làm cho những ai quan tâm đến tương lai đất nước phải hết sức lo ngại.
.
Ở đại học, ngành KHXH&NV là ngành dễ mở nhất. Ai học cũng được, nếu không có điểm sàn thì dễ đến những thí sinh 3 điểm 3 môn hay ít hơn nữa cũng trở thành SV các ngành KHXH&NV.
Ai dạy cũng được, tôi từng biết có những SV tốt nghiệp loại trung bình, thậm chí hệ tại chức, ghi danh, đào tạo từ xa cũng trở thành “giáo sư đại học” ở đại học tỉnh, nhiều người cũng thỉnh giảng, cũng chạy “sô” như ai!
Có người buổi sáng học cao học môn học này của một PGS, buổi chiều dạy ngay chuyên đề ấy cho đại học! Kinh khủng, bát nháo hết chỗ nói! Ai cũng mở trường về KHXH&NV được, vì đầu tư bằng không: không cần giảng đường (vì đi thuê), không cần thư viện (vì có ai thích đọc sách, cần đọc sách đâu), không cần giảng viên (đi thuê nốt).
Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long đến hơn 10 trường đại học mở các ngành KHXH&NV. Thầy cô sống ra sao, giảng dạy ra sao, nghiên cứu ra sao, đều không được quan tâm. Sinh viên ra trường làm đủ thứ nghề, nhiều nhất là những nghề không cần đến chuyên môn đại học, những nghề mà trước kia chỉ cần học hết phổ thông là được.
.
KHXH&NV bị coi thường, giảng viên sống vất vưởng: giảng viên trẻ không đủ tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, học tập, nhiều người phải bỏ nghề; giảng viên lâu năm cũng túng thiếu quanh năm. Ngay như ở những đại học lớn, giá tiền giảng dạy một giờ dành cho giáo sư thỉnh giảng còn thua giá một tô phở!
.
Đại học KHXH&NV bị coi như đại học hạng hai. Điều ấy dẫn đến hậu quả là: rất ít sinh viên giỏi lựa chọn các ngành KHXH&NV, ngay cả những đại học lớn như ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQG TP.HCM.
.
Tôi biết chắc điều này: SV Việt
Thua về nền tảng tri thức, vì chúng ta biết những điều họ không biết, và không biết những điều mà đa số SV các nước biết. Thua về khả năng tư duy, vì hình như chúng ta không tập cho HS, SV của chúng ta tư duy một cách nghiêm túc về những vấn đề KHXH&NV.
Cách học của chúng ta, cách tư duy của chúng ta về KHXH&NV có vẻ dị biệt, không phù hợp với đa số các nền giáo dục phát triển.
Đại học KHXH&NV không có SV giỏi. Ngành KHXH&NV không còn những trí thức giỏi, có tư cách và nhiệt huyết.
.
Chúng ta thử hình dung một ngày kia: không còn có ai phản biện, điều chỉnh những quyết sách liên quan đến tư tưởng, văn hóa, con người nữa; xã hội chỉ toàn những người bụng to, tiền đầy túi mà tâm hồn và đầu óc trống rỗng; nền văn hóa truyền thống không được lưu giữ, tất cả đã được “delete” hết, vì thế hệ sau thấy nó cổ lỗ, khó hiểu, không cần thiết, chỉ trừ mấy cái vỏ đình chùa làm điểm tham quan cho du khách nước ngoài.
Nếu như lâu lâu có những người muốn tìm về văn hiến của dân tộc này, thì phải qua Thượng Hải, Bắc Kinh, Washington, Boston… mà học với sự chú giải của các giáo sư Trung Quốc và Mỹ.
.
Tôi nói vậy hoàn toàn không hù dọa ai hay ngoa ngôn chi hết. Tương lai ấy đang diễn ra mà chúng ta không để ý đấy thôi. Hiện có hàng trăm học giả, nghiên cứu sinh Trung Quốc và ở Trung Quốc đang nghiên cứu và chú giải về Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn…
Họ nghiên cứu văn bản rất kỹ lưỡng, phương pháp rất mới mẻ, chú giải, bình luận rất thuyết phục,… Tôi đoán chắc 100% rằng, gần như tuyệt đại đa số các tiến sĩ KHXH&NV của đại học chúng ta, những người đủ tư cách ngồi hội đồng, không thể phản biện nổi.
Ai không tin tôi, xin chỉ cần đánh máy tên các cụ của chúng ta kể trên (bằng chữ Hán) rồi tìm trên Google, đợi 30 giây thôi sẽ hiểu rằng tôi không ngoa ngôn một chút nào! Tôi nói vậy không nhằm chê ai hết, mà chỉ nhằm đánh động rằng việc đào tạo KHXH&NV của chúng ta đã không đáp ứng được những yêu cầu đặt ra của đất nước, của dân tộc.
.
Tôi xin lỗi tất cả để nói rằng: đào tạo KHXH&NV của chúng ta hiện nay là kém nhất trong lịch sử: thua giáo dục thời phong kiến, thời thực dân Pháp, thua miền Bắc và miền
Chúng ta không có nổi một trường Quốc Tử Giám danh giá bậc nhất Đông Nam Á, một Trường Viễn Đông Bác Cổ mà người Nhật phải khâm phục như ông cha chúng ta đã tạo ra. Chúng ta không đào tạo nổi những Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, hay Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Bửu Cầm… về học vấn cũng như tư cách mà những nền giáo dục quá khứ đã tạo ra.
.
Đã đến lúc phải báo động đỏ về đào tạo KHXH&NV.
Làm thế nào để cứu vãn tình hình trước khi thế hệ sau “delete” và “empty recycle bin” hết tất cả?
Về cơ bản và lâu dài đó là cần thay đổi một cách căn bản: KHXH&NV cần được đặt trên một nền tảng khác, một quan niệm khác và một cách làm khác mới có thể hy vọng vực nó lên, nghĩ đến một tương lai tươi sáng hơn cho nó - một tương lai luôn gắn liền với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước, sự cường thịnh và trường tồn của dân tộc.
.
Trên phương diện giáo dục đại học, người trí thức KHXH phải được coi trọng và tin tưởng. Chúng ta phải tập thói quen nghe những lời nói phải - “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói phải thường khó nghe), vì KHXH có giá trị định hướng, điều chỉnh xã hội và phản biện hết sức quan trọng. Người trí thức KHXH phải được tin tưởng, không bị quy kết, chụp mũ như nhiều trí thức đàn anh của họ.
Người trí thức KHXH phải đủ sống như các đồng nghiệp của họ ở các nước khác. Họ phải được quyền đào tạo một cách bài bản, được tạo điều kiện tham gia các học hội cũng như tham dự các hội thảo khoa học của các đồng nghiệp ở nước ngoài.
.
Chúng ta không thể bỏ mặc KHXH&NV trước cơn lốc thị trường và để mặc thị trường định đoạt. Thặng dư của cải xã hội phải dành một phần đáng kể cho văn hóa và khoa học, đó là thông lệ của tất cả các nước.
Nhà nước phải có chính sách khuyến khích các công ty đầu tư cho văn hóa và khoa học bằng cách miễn thuế những khoản đóng góp ấy. Các giáo sư đại học phải được trả kinh phí nghiên cứu gấp mấy lần lương của họ như Đại học Văn Khoa Sài Gòn đã từng làm để cho họ yên tâm cống hiến. KHXH&NV không dễ định lượng được, nó rất khó thấy, giá trị của nó không chỉ là trước mắt, mà rất lâu dài.
.
Đối với đào tạo đại học KHXH&NV của quốc gia, cần xác định rõ hơn nữa vai trò của KHXH&NV đối với đất nước. Việc lớn nhất cần quan tâm hiện nay là làm sao thu hút được những thanh niên giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất.
Hệ cử nhân tài năng nên tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa. Cần tăng học bổng cho SV hệ này để cho họ đủ sống, đủ tiền mua tài liệu, và để có thể chuyên tâm học tập, nghiên cứu. Tạo điều kiện tối đa cho họ về học ngoại ngữ với một tham vọng rõ ràng: sau khi tốt nghiệp họ phải có đủ điểm du học nước ngoài theo chương trình 322 của Bộ hay các loại học bổng khác.
.
Nếu chúng ta không làm một cách nghiêm túc, có kế hoạch bài bản, không chấp nhận một thách thức có tính thế kỷ: xây dựng những trung tâm đào tạo đại học KHXH&NV có tầm cỡ quốc gia, hướng đến mục tiêu sánh ngang với các đại học trong khu vực như: NUS (Singapore), Nam Kinh, Phúc Đán, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo, Kyoto (Nhật Bản)… thì chúng ta sẽ có lỗi với đất nước và các thế hệ mai sau.
----------------
(*) Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM
.
.
.
No comments:
Post a Comment