Thursday, July 8, 2010

ĐẢNG CSVN : CẦN TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ BÁO ĐIỆN TỬ

Vì sao cần tăng cường quản lý báo điện tử?

Nguyễn Công Dũng

Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

(Cập nhật: 7/7/2010)

http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID=7755090

.

TCCSĐT - Sự ra đời và phát triển của mạng thông tin toàn cầu đã làm xuất hiện một loại hình báo mới - báo điện tử. Báo điện tử với những lợi thế đặc thù của mình: thông tin nhanh nhạy, sinh động, hấp dẫn, tích hợp được nhiều loại hình truyền thông trên một phương tiện thông tin, đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, cả về chinh phục, mở rộng độc giả. Sự ra đời của báo điện tử đã làm cho thông tin được chuyển tải khắp thế giới gần như tức thì.

.

Sự phát triển của loại hình báo điện tử ở Việt Nam

Năm 1997, Việt Nam hòa mạng internet quốc tế và từ đó hàng loạt báo điện tử, trang tin điện tử đã ra đời. Kết thúc thế kỷ XX, nước ta có đủ 4 loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. Trong hơn 10 năm qua, làng báo Việt Nam đã chứng kiến sự “bùng nổ” loại hình báo điện tử. Tính đến nay, cả nước có: 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí; 67 đài phát thanh - truyền hình, gồm 3 đài phát thanh truyền hình trung ương (VTV, VTC, VOV) và 64 đài phát thanh - truyền hình ở các địa phương; 34 báo điện tử, 180 trang tin điện tử của các cơ quan tạp chí, báo, đài và hàng ngàn trang thông tin điện tử (1) có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp…

Sự phát triển của loại hình báo điện tử, trang tin điện tử ở Việt Nam đã góp phần đa dạng hóa các nguồn thông tin, phương tiện chuyển tải thông tin đến độc giả. Người dân được tiếp cận gần như ngay lập tức với các sự kiện diễn ra trong nước cũng như trên thế giới; được tiếp cận với kho tri thức khổng lồ của nhân loại được lưu giữ trên mạng internet; đồng thời, báo điện tử cũng góp phần tích cực trong việc giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, làm cho Việt Nam trở nên gần gũi hơn với cộng đồng quốc tế, với những người Việt Nam sống xa Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng phải nhận thấy những khiếm khuyết, những hạn chế của một số báo điện tử, trang tin điện tử ở nước ta hiện nay. Thứ nhất, do việc xuất bản tin, do sức ép cạnh tranh có tin nhanh nhất nên chất lượng thông tin cả về nội dung và hình thức còn sơ suất, nhiều khi thiếu chính xác, thiếu khách quan. Thứ hai, bị chi phối bởi khuynh hướng "thương mại hoá", lợi nhuận kinh tế thuần túy, chạy theo thị hiếu tầm thường, khai thác đời tư cá nhân, những chuyện giật gân, tiêu cực...; ít chú ý đến việc bồi dưỡng những nét đẹp về nhân cách, lối sống, phát hiện, cổ vũ, biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; buông lỏng tính định hướng dư luận, dẫn dắt quần chúng, làm “nóng” lên những vấn đề không đáng “nóng”. Thứ ba, có những tờ báo trang tin điện tử đã xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, xa rời tôn chỉ, mục đích.

Thêm vào đó, các thế lực thù địch, phản động vẫn đang tiếp tục chống phá Đảng và Nhà nước ta dưới nhiều hình thức, cách thức, trong đó, internet được sử dụng như một kênh thông tin hữu hiệu, và báo điện tử là một địa hạt quan trọng được chúng hướng tới.

.

Đã đến lúc cần tăng cường quản lý báo điện tử

Là một loại hình báo chí trong làng báo cách mạng Việt Nam, vì thế, cũng như các loại hình báo chí khác, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi để báo điện tử phát triển, phát huy các ưu thế đặc thù của mình, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, lành mạnh của người dân, Nhà nước cần quản lý hiệu quả hơn nữa sự phát triển của loại hình báo này. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần quy hoạch, định hướng sự phát triển của hệ thống báo điện tử

Đây là giải pháp cơ bản nhất, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc quản lý hệ thống báo điện tử. Giải pháp này được thể hiện cụ thể ở một số khía cạnh sau:

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, quản lý chặt chẽ hệ thống báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng; có văn bản quy định riêng phù hợp với thực tiễn hoạt động của hệ thống báo điện tử, tạo thành hệ thống pháp luật quy định đối với hoạt động của loại hình báo điện tử.

Hai là, quản lý chặt chẽ việc đăng ký, cấp phép hoạt động của hệ thống báo điện tử. Xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên thông tin, quản lý tên miền, bản quyền tên và thiết kế báo, bảo đảm an ninh và an toàn mạng đối với hệ thống báo điện tử. Cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh hợp lý quy hoạch phát triển hệ thống báo mạng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển; xác định tính hợp pháp, sự phù hợp về tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một số tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử, các chuyên đề điện tử… để sắp xếp lại theo đúng quy định của pháp luật và phương châm phát triển phải đi đôi với lãnh đạo, quản lý tốt.

Ba là, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo nói chung, báo điện tử nói riêng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo các báo điện tử, những người trực tiếp quyết định chất lượng của báo điện tử. Nhanh chóng hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên... báo điện tử có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ và kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Bốn là, lãnh đạo, quản lý tốt việc xây dựng và thực hiện quy trình làm báo điện tử một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo chất lượng, tốc độ và độ chính xác của thông tin.

.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp của báo mạng

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng, dù phát triển đến đâu vẫn rất cần bảo đảm tính chuyên môn hóa cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu độc giả của mình.

Sự chuyên môn hóa của hệ thống báo điện tử tập trung ở một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, xác định rõ và tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, cũng như đối tượng độc giả của mình, trên cơ sở đó, xây dựng cơ cấu, hệ thống tổ chức, số lượng chuyên mục, trang chuyên đề, nội dung, lĩnh vực phản ánh, phạm vi phản ánh… cho phù hợp.

Hai là, nâng cao tính chuyên nghiệp của báo điện tử cũng như tính chuyên nghiệp và yêu cầu về các kỹ năng cần có, khả năng tác nghiệp đối với phóng viên, biên tập viên báo điện tử.

Ba là, thực hiện tốt chức năng tương tác xã hội, trở thành diễn đàn, tiếng nói hiệu quả của đối tượng công chúng mà báo đã xác định. Gắn kết sự phát triển về nội dung với sự phát triển về hạ tầng để thu hút đội ngũ bạn đọc ngày càng đông đảo.

Bốn là, quản lý chặt chẽ việc tuân thủ tôn chỉ, mục đích đã xác định của các tờ báo trong quá trình hoạt động, có các biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp đối với các cơ quan báo chí vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, để xảy ra sai phạm…

Năm là, quan tâm phát triển về hạ tầng và kỹ thuật của báo điện tử, cụ thể là: sớm "chuẩn hoá" một số tiêu chí về hạ tầng của hệ thống báo điện tử Việt Nam như: tên miền, hosting, nhà cung cấp, các tiêu chí về mạng nội bộ, phần cứng… đảm bảo cho một tờ báo điện tử hoạt động; trang bị kỹ thuật công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đa dạng hoá khả năng lưu trữ thông tin chính thống của báo điện tử, tạo khả năng liên kết, trao đổi thông tin thuận tiện, dễ dàng.

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với các nước về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật và quản lý báo điện tử.

.

Tóm lại, việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo điện tử là việc làm cấp thiết, quan trọng, cần được nhận thức một cách đầy đủ, bởi những tác động tích cực cũng như tiêu cực của nó đối với độc giả nói riêng và xã hội, nói chung, hoàn toàn không nhỏ./.

----------------------------

Nguồn: Cục Quản lý Phát thanh, Điện tử và Truyền hình

.

.

.

No comments: