Saturday, July 10, 2010

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI : ÔNG LÀ AI ?

Đại biểu Quốc Hội ! Ông là ai ?

Việt Hoàng

Đăng bởi tinletrai on 05/24/2010

http://1nguoiviet.wordpress.com/2010/05/24/d%e1%ba%a1i-bi%e1%bb%83u-qu%e1%bb%91c-h%e1%bb%99i-ong-la-ai/



Trước khi nói về các vị Đại Biểu Quốc Hội (ĐBQH) chúng ta hãy sơ qua về Quốc hội, nơi làm việc và cống hiến của các vị ĐBQH.

.

Quốc hội.

Quốc hội là một trong ba bộ phận quan trọng để hình thành nên một nhà nước hiện đại, dân chủ và văn minh mà chúng ta vẫn nghe nói đến đó là “tam quyền phân lập” gồm Lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Chính phủ) và Tư Pháp (Tòa án).

Quốc hội vẫn được xem là cơ quan quyền lực cao nhất trong ba cơ quan trên bởi vì Quốc hội (QH) có chức năng quan trọng là Lập pháp, tức là làm ra các bộ luật để chính phủ dựa vào đó mà quản lý và điều hành đất nước. Mọi bộ luật thay đổi liên quan đến cuộc sống của người dân phải bắt đầu và kết thúc ở đây, tức là ở nghị trường. QH viết ra Hiến pháp và đây là bộ luật cao nhất, nhà nước muốn ban hành các bộ luật khác phải dựa và căn cứ vào Hiến pháp. Mọi công dân, từ người ăn mày đến Tổng thống hay Thủ tướng cũng phải tuân thủ Hiến pháp. Mọi bộ luật không tuân thủ hoặc ngược lại với Hiến pháp thì đều vi hiến và không có giá trị.

QH được xem như là cơ quan quyền lực cao nhất là vì QH là nơi phản ánh và tập hợp các ý chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân VN. Mỗi người dân đều là chủ nhân ông của đất nước bởi vì đất nước VN là của chung của 84 triệu người Việt trong nước và cả 3 triệu người Việt ở Hải ngoại. Đất nước VN mãi mãi không bao giờ là của riêng của bất cứ ai hoặc bất cứ một phe nhóm, hay đảng phái nào.

Đây là chân lý mà không ai có thể chối cãi được. Dù vậy, Đảng cộng sản VN vẫn không hiểu hoặc cố tình không hiểu nên thường vẫn cứ tự mình quyết định hết mọi chuyện mà không chịu hỏi ý kiến người dân xem có đồng ý hay không. Một sự ngộ nhận nữa của nhà cầm quyền cũng cần lên tiếng đó là khi nói QH là cơ quan quyền lực nhất thì họ cho rằng QH là nơi tập trung những người có quyền lực nhất vì vậy tất cả các quan chức cao cấp từ trung ương đến địa phương đều “ngồi” cả vào QH. Điều này đã được ông Vũ Minh Trực (Hà Nội) đề cập đến trong một bài viết của mình trên Vietnamnet “ Tôi cảm thấy hình như có những người lãnh đạo vô tình hay cố ý hiểu sai cụm từ Cơ quan quyền lực cao nhất thành ra Cơ quan gồm những người có quyền lực cao nhất! Chắc vì thế nên hầu hết bộ máy lãnh đạo Chính quyền và Nhà nước đều nằm trong QH.” Sự “ngộ nhận” này vẫn đang tiếp diễn trong những kỳ bầu cử khi chúng ta thấy danh sách đề cử các ĐBQH của các cơ quan nhà nước đều gồm các vị đứng đầu sở, ban, ngành…

Tôi đề nghị đảng cộng sản nên thay đổi tư duy này bằng cách “miễn” hoặc “tha” cho những vị quan chức này trở thành ĐBQH, hãy cho họ có thì giờ để có thể làm tốt công việc của họ đang được giao phó. Tôi nghĩ họ cũng không sung sướng gì khi phải nhận thêm một nhiệm vụ nữa là ĐBQH. Nếu cần thì QH chỉ cần 200 ĐBQH là được, theo như ý kiến của TS Nguyễn Quang A.

Nhiệm vụ chính của QH là làm ra các bộ luật, nếu không làm được việc này thì QH chỉ là giả hiệu hay như dân mình vẫn gọi, đó là QH “bù nhìn”. Qua báo chí trong nước chúng ta có thể thấy được là mọi chuyện liên quan đến cuộc bầu cử kỳ này vẫn như cũ, vẫn “đảng cử dân bầu” vẫn “cơ cấu” thành phần đại biểu, vẫn chỉ có 10% ghế dành cho người ngoài đảng, vẫn chỉ dự kiến tăng các đại biểu chuyên trách từ 25% lên 30%…Như vậy, một người không cần đi học ngày nào cũng có thể biết được QH này là của đảng chứ đâu phải là của dân? Mà nếu QH là của đảng thì đảng cứ tự tổ chức và tiến hành! Kêu gọi người dân tham gia làm gì cho tốn kém và vô ích. Ông Vũ Minh Trực rất đúng khi cho rằng “Quyền hạn Quốc hội mỗi nước thể hiện mức độ dân chủ của thể chế nước đó! Một đất nước chỉ cần nhìn vào cuộc bầu cử và vai trò của các ĐBQH trong các cuộc họp và trong đời sống là người ta đánh giá được tính dân chủ của thể chế hiện hành”. Ông cũng khẳng định rằng “Đại biểu của dân phải thực sự từ dân cử lên”.

.

Đại biểu quốc hội.

ĐBQH hay còn gọi là “nghị sỹ” hoặc “dân biểu”…Theo tôi gọi là “nghị sỹ” thì hay nhất vì vừa oai nghiêm, vừa mang nặng trọng trách. Nhưng gọi là “dân biểu” thì gần gũi và chính xác hơn, bởi vì dân biểu tức là người “đại biểu của nhân dân”. Tất nhiên đây là nói về các vị ĐBQH thật sự, các vị đại biểu do “dân cử” và được “dân bầu”, là 10% các vị đại biểu ngoài đảng. Còn 90%, tức là 450 vị ĐBQH còn lại nên gọi là “đảng biểu” vì họ đều do “đảng cử” và “đảng phân công”. Từ “đảng biểu” có hai nghĩa, một là “các đại biểu của đảng” hai là “đảng biểu (bảo) gì thì làm cái đấy”.

Bất cứ một vị ĐBQH nào có lòng tự trọng đều luôn phải đặt câu hỏi “mình đại diện cho ai?” và “mình sẽ phải làm những gì để xứng đáng với sự mong đợi của cử tri?”…Và tất nhiên câu đầu tiên (yêu cầu đầu tiên) mà mỗi vị ĐBQH phải trả lời được trước khi muốn ra tranh cử đó là: Nhiệm vụ của một vị ĐBQH là gì? Tất cả mọi ý kiến đều đồng ý rằng ĐBQH phải là các “chính khách”. Theo luật sư Trần Lâm (Việt Nam) thì “Sứ mạng của các chính khách thật là cao cả. Làm sao dung hoà được quyền lợi cá nhân, quyền lợi phe nhóm, quyền lợi của Đảng, quyền lợi của dân tộc và coi quyền lợi của dân tộc là trên hết”. Ông tiến sĩ Nguyễn Quang A (một người được biết đến như là một doanh nhân thành đạt và là một trí thức lớn của VN đương đại) cũng cho rằng nhiệm vụ của một nghị sỹ là “làm luật” và quan trọng nhất là “người có định hướng chính trị”, họ phải là những nhà hoạch định chính sách, phải có cái nhìn vĩ mô và toàn cảnh. ĐBQH không nhất thiết là người trực tiếp làm luật nhưng phải đưa ra định hướng cho những nhà làm luật. Chỉ đạo làm luật.

Theo tôi thì các vị dân biểu còn phải có “lòng yêu nước” và “thương dân” một cách thật sự. Khi định làm một bộ luật gì đấy thì cũng phải luôn nghĩ trong đầu rằng “bộ luật này có mang lại lợi ích cho đa số dân chúng hay không?” hay khi tham gia đàm phán quốc tế thì phải luôn trăn trở “như thế này có mang lại và đảm bảo quyền lợi cho dân tộc, cho nhân dân mình hay không?”…

Để dung hòa các lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp trong nhân dân đã khó, bởi vì lợi ích giữa các bên liên quan luôn xung đột và trái ngược nhau, bên này được thì bên kia mất…Thế nhưng để bảo vệ được quyền lợi của dân tộc VN trên trường quốc tế thì lại vô vàn khó khăn hơn, VN là nước nhỏ nên nhiều lúc vận mệnh của mình lại nằm trong tay các cường quốc. Làm sao để vượt qua và tranh thủ được sự ủng hộ của các cường quốc là chuyện không hề dễ dàng. Phải luôn luôn trăn trở và phải được dẫn dắt bởi tấm lòng yêu nước thương dân nồng nàn thì các chính khách mới có thể định hướng được cho mình “đường đi, nước bước”.

Để trở thành một ĐBQH đã khó, nhưng để trở thành một chính khách lại càng khó hơn. Một quan chức khi về vườn có thể rơi vào quên lãng nhưng ảnh hưởng và tiếng nói của một vị chính khách thì còn rất lâu dài và để lại dấu ấn trên nhiều thế hệ.

Để trở thành một ĐBQH, hay một chính khách có ảnh hưởng quả là không dễ dàng và con đường của họ thật là gian nan. Nếu không có lòng yêu nước thương dân thì các vị chính khách khó lòng đi hết con đường của mình.

Để kết thúc bài viết này tôi xin có một đề nghị với các vị ĐBQH rằng, làm một nhà chính trị chuyên nghiệp là rất khó, cần một cái “tâm” và một cái “tầm” của thời đại. Nếu cảm thấy không đủ sức hoặc không có thời gian thì nên chủ động từ chối sự “phân công” làm ĐBQH. Hãy làm theo ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch mặt trận tổ quốc VN, xin tự rút lui khỏi danh sách đề cử vào QH khóa tới, đừng để lương tâm mình day dứt thêm làm gì. Hãy dành chổ ngồi trong QH cho những người xứng đáng và có tấm lòng với đất nước, với nhân dân mình.

@toquoc.net

.

.

.

Việt nam: Đảng đã lãnh đạo thì Quốc hội có để làm gì?

http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2010/06/15/vi%e1%bb%87t-nam-d%e1%ba%a3ng-da-lanh-d%e1%ba%a1o-thi-qu%e1%bb%91c-h%e1%bb%99i-co-d%e1%bb%83-lam-gi/

.

Một vài suy nghĩ về sinh hoạt quốc hội

http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Hanh-Dong/Mot_vai_suy_nghi_ve_sinh_hoat_Quoc_hoi/

.

.

.

No comments: