Monday, April 19, 2010

VƯỢT LÊN TRÊN NGÀY 30 THÁNG 4 (Nguyễn Gia Kiểng)

Vượt lên trên ngày 30 tháng 4

Nguyễn Gia Kiểng
Đăng ngày 19/04/2010 lúc 02:47:55 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4766

Sài Gòn 31-3-1975, trên chiếc xe đưa tôi về bộ. Tôi im lặng và ông tài xế cũng im lặng. Một lúc sau ông nói một cách như xa vắng: "Đà Nẵng mất rồi". Tôi cũng vẫn im lặng. Ông tài xế nói tiếp: "Các ông phải làm gì chứ nếu không thì hỏng hết rồi !". Câu nói của ông như một nhát dao cắt vào ruột tôi. Tôi biết làm gì bây giờ. Tôi cũng đang còn chờ sự sụp đổ của miền Nam như ông.

Câu nói cuối cùng của ông tài xế ngày hôm nay tôi cũng còn nghe rất rõ. Nó vẫn đọng trong tai tôi, bởi vì nó tóm gọn cả một giai đoạn lịch sử và một thảm kịch của dân tộc này. Ông tài xế có một người con trai tử trận trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông là một công chức thâm niên. Ông là một người đại diện rất tiêu biểu cho những người dân thuộc phe quốc gia. Ông chưa bao giờ được hưởng một vinh quang nào, một đặc lợi nào. Nhưng ông đã chấp nhận tất cả. Đã nhịn nhục, đã chịu đựng và đã đặt tin tưởng vào các ông lớn để ngăn chặn không cho cộng sản thôn tính miền Nam. Tôi không biết lý do gì khiến ông chống cộng. Có lẽ ông thuộc nề nếp nho giáo, hay vì ông có cảm tình với một người chống cộng nào đó, hay vì ông ghét một người cộng sản nào đó, hay trong gia đình ông có người đã là nạn nhân cộng sản. Hay chỉ vì lý do giản dị là ông sinh sống ở vùng quốc gia. Nhưng ông chống cộng thực sự và ông đã chấp nhận trả cái giá rất đắt cho sự chọn lựa chính trị đó: một đời sống tăm tối nghèo khổ và một đứa con tử trận.

Nhưng bây giờ đất nước sắp rơi vào tay cộng sản. Những chịu đựng và hy sinh của ông đã trở thành vô ích. Các ông lớn đã phản bội ông. Đối với ông tài xế tôi cũng là một ông lớn, dù là trên thực tế tôi chẳng lớn chút nào. Tôi hổ thẹn như một tên lưu manh bị lật tẩy, như một kẻ quịt nợ. Tôi thương hại cho thế hệ của tôi và cho chính bản thân tôi. Trong số những người ở lứa tuổi 30 chúng tôi có một vài phần tử may mắn đã lên được tới những địa vị tạm gọi là cao nhưng sự thực chưa ai đạt tới một địa vị quyết định để có thể thay đổi được tình thế. Ngay cái địa vị hiện nay, chúng tôi cũng chỉ đã đến vừa đúng lúc để nhận phần hổ nhục, bởi vì dầu sao chúng tôi cũng đã thuộc vào vai cấp lãnh đạo và sự sụp đổ của miền Nam trước hết là do sự phản bội của những người lãnh đạo. Một sự phản bội liên tục từ lâu chứ không phải chỉ bắt đầu với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu.

Thực ra, phe chống cộng không có lãnh đạo mà cũng không có cả một nhân sự chính trị.

Nhân sự chính trị là yếu tố trọng tâm của mọi dân tộc. Nó là hiện thân của chủ quyền quốc gia. Nó là di sản của lịch sử. Nó không thể tự nhiên mà có. Sự hình thành của một giai cấp chính trị chỉ có thể là kết quả của nhiều cố gắng liên tục qua nhiều thế hệ. Nhưng từ một thế kỷ nay chúng ta không có nhân sự chính trị.

Trước đây ta có giai cấp sĩ. Đó dĩ nhiên không phải là giai cấp chính trị đáp ứng mọi tiêu chuẩn cần có của một giai cấp chính trị của thời đại này, nhưng cũng đã đủ cho tới hết nửa đầu thế kỷ 19. Từ nửa sau thế kỷ 19, một thách đố mới xuất hiện. Thách đố này là sự va động với nền văn minh tây phương. Nó đặt lại tất cả mọi vấn đề. Nó đòi hỏi phải thay đổi tất cả, nó đảo lộn tất cả. Nó quan trọng và khó khăn hơn tất cả mọi cuộc thách đố khác mà dân tộc ta đã từng gặp trong quá trình dựng nước và giữ nước. Lúc đó lại chính là lúc chúng ta chưa phục hồi sau hơn 200 năm nội chiến khốc liệt, kế tiếp là những cuộc trả thù báo oán của Gia Long, rồi cuộc ly khai của Lê Văn Duyệt, rồi những vụ giết hại công thần, những thanh toán trong gia tộc nhà Nguyễn, những vụ cấm đạo và giết giáo dân. Chúng ta đã không đủ sức khỏe tinh thần và thân xác để đương đầu với thách đố đó. Chúng ta đã thất bại và mất nước.

Giai cấp sĩ đã thất bại và tệ hơn nữa đã từ nhiệm. Nguyễn Khuyến, người đại diện tiêu biểu nhất của giai cấp sĩ, người đã đậu thủ khoa cả ba kỳ thi lớn và đã có một nhân cách được cả nước kính phục, bỏ về quê làm ruộng. Cùng lúc ấy cô Tư Hồng, một cô gái giang hồ lấy viên thiếu tá quân trấn người Pháp tại Hà Nội và trở thành một mệnh phụ phu nhân kiểu mới. Một giai cấp đã rút lui nhường chỗ cho một giai cấp khác.

Cuộc đô hộ của người Pháp đã kéo dài quá lâu. Con cháu Nguyễn Khuyến mai một đi và tiêu hóa vào quần chúng. Giai cấp sĩ tan rã. Trong khi đó đám con cháu của cô tư Hồng đã tiến lên, đã trở thành giàu có và bề thế, đã đi học, đã đậu cử nhân, tiến sĩ, luật sư, kỹ sư.v.v. Họ đã trở thành một giai cấp thượng lưu mới. Nhưng lớp thượng lưu mới này không phải là một nhân sự chính trị mà chỉ là một công cụ của guồng máy thuộc địa. Họ chỉ là trung gian tiếp tay cho sự thống trị của người Pháp. Họ đứng trong hàng ngũ chống đối với cuộc đấu tranh dành lại chủ quyền dân tộc. Trong đại bộ phận họ là những người đã từ bỏ hoặc phản bội dân tộc.

Nói tóm lại chúng ta không còn giai cấp sĩ và không có một nhân sự chính trị kể từ khi ta mất chủ quyền.

Dĩ nhiên là chúng ta vẫn còn những kẻ sĩ, vẫn còn những con người bất khuất dám liều chết cho nền độc lập dân tộc. Nhưng đó chỉ là những cá nhân chứ không phải là một giai cấp chính trị. Đó là một bất hạnh rất lớn cho chúng ta bởi vì một quốc gia không thể không có một nhân sự chính trị.

Một bất hạnh khác cũng to lớn không kém là chúng ta thiếu hẳn một tư tưởng riêng của dân tộc. Chúng ta không có những triết gia và những nhà tư tưởng. Trong suốt dòng lịch sử trừ một vài trường hợp ngoại lệ như Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, chúng ta đã không chịu đầu tư vào một việc mà bất cứ một dân tộc lớn nào cũng phải làm là tạo cho mình một hệ thống tư tưởng riêng. Về mặt tư tưởng chúng ta đã chỉ luôn luôn rập khuôn theo Trung Hoa và đi sau Trung Hoa một bước. Sang đến thế kỷ 20, một danh sĩ uy tín như Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn cho rằng: "Đạo lý là đạo lý Khổng Mạnh"!

Cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập của ta đã diễn ra trong cái bối cảnh tồi tệ ấy. Thoạt đầu là đám sĩ phu Cần Vương, Văn Thân hoàn toàn lỗi thời, rồi đến lớp thanh niên vừa tới tuổi trưởng thành như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, v.v... Tất cả chỉ nói lên được tinh thần bất khuất của dân tộc ta chứ không đạt được một tầm vóc quy mô nào. Tất cả chỉ tố cáo sự yếu nhược của chúng ta: không có người lãnh đạo mà cũng không có tư tưởng chỉ đạo.

Chính trong hoàn cảnh đó mà chủ nghĩa cộng sản đã được du nhập vào nước ta. Nó đã gặp một hoàn cảnh vô cùng thuận lợi. Ít ra nó đem đến một tư tưởng mới. Dù tư tưởng đó hay hay dở nhưng đã có một tư tưởng chỉ đạo.

Một điều cần phải nhận định ngay là những người lãnh đạo phong trào cộng sản cũng không phải là một giai cấp chính trị mới của dân tộc. Họ cũng ở trong một hoàn cảnh, trên lý thuyết, tương tự như đám quan lại trong chính quyền thuộc địa Pháp. Họ cũng chỉ là trung gian của phong trào cộng sản quốc tế như những người kia là trung gian cho chế độ thuộc địa pháp.

Hồ Chí Minh đã về Việt Nam không phải với tư cách một nhà cách mạng Việt Nam mà với tư cách một người được sự uỷ quyền của đệ tam quốc tế.

Chỉ có điều khác biệt là phong trào cộng sản quốc tế lúc đó đứng về phía các dân tộc bị áp bức và do đó trên thực tế người cộng sản gần với dân tộc Việt Nam hơn là những người làm quan cho Pháp. Sự khác biệt này đã khiến đảng cộng sản ở trong một địa vị hơn hẳn so với những người chống đối họ trong các chính quyền quốc gia sau này.

Mặt khác, vì là thành phần của phong trào cộng sản quốc tế nên không những họ được sự hỗ trợ của cả một liên minh quốc tế mà còn thừa hưởng được những kinh nghiệm đấu tranh rất quí báu. Do đó đảng cộng sản Việt Nam so với các đảng cách mạng thuộc phe quốc gia đã tranh đấu có kỹ thuật hơn, có phương pháp hơn, có đường lối hơn, nói chung là có hiệu năng cao hơn.

Một thí dụ là họ đã biết sử dụng tối đa giai đoạn dễ dãi khi Mặt Trận Nhân Dân [Front Populaire] lên cầm quyền tại Pháp để phối hợp hoạt động tuyên truyền quần chúng công khai với hoạt động xây dựng tổ chức bí mật và đã bành trướng được ảnh hưởng một cách mạnh mẽ. Trong khi đó phe quốc gia từ sau thất bại 1929 đã hoàn toàn rút vào vòng bí mật và chỉ còn vài hoạt động khủng bố lẻ tẻ. Các lãnh tụ phần lớn đã trốn ra nước ngoài, số còn lại thì chỉ lo làm sao thoát được màng lưới mật thám của Pháp. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu cán cân lực lượng đã lệch hẳn về phía người cộng sản.

Một biến cố khác đã có tác dụng làm cho sự thắng thế của đảng cộng sản tở thành tuyệt đối là nạn đói năm 1945. Đảng cộng sản đã lợi dụng được thảm kịch này bởi vì quần chúng sau khi hơn một triệu người chết đói vào tháng ba năm Ất Dậu đã trở thành vô cùng nhạy cảm trước những tiếng gọi vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp, xóa bỏ giàu nghèo, v.v.

Nói tóm lại, vừa có hỗ trợ quốc tế vừa có đường lối rõ rệt, vừa làm việc có phương pháp có kỹ thuật, lại gặp thời cơ thuận lợi nên đảng cộng sản đã nắm được thời cơ năm 1945 sau khi Nhật đầu hàng. Năm 1946, khi các lãnh tụ nòng cốt của phe quốc gia bỏ trốn sang Trung Hoa, lực lượng của phe quốc gia kể như đã bị xóa bỏ. Những phần tử quốc gia còn lại trong nước phần thì ngã theo đảng cộng sản, phần thì bị thủ tiêu, phần thì bỏ cuộc, hòa nhập vào dân chúng. Phe quốc gia không còn nữa.

Người ta đã nói nhiều về Chính Phủ Liên Hiệp Quốc-Cộng năm 1946.

Nhiều người đã kết luận rằng bài học đó cho ta thấy hễ liên hiệp với cộng sản là chết. Sự thực phức tạp hơn nhiều. Khi một người bị cảm sốt thì không phải lỗi tại cái hàn thử biểu. Tại khắp vùng Đông Nam Á, trong các cuộc cạnh tranh và đụng chạm giữa phe quốc gia và phe cộng sản, có những lúc họ hợp tác với nhau và cũng có những lúc họ chống đối nhau, nhưng ở đâu phe cộng sản cũng thất bại, trừ ở Việt Nam. Sự thất bại của phe quốc gia và sự thắng lợi của phe cộng sản ở Việt Nam là một ngoại lệ chứ không phải là một thông lệ. Sự kiện đó là do ở hai nguyên nhân mà ta vừa phân tích. Đó là sự thiếu vắng của một nhân sự chính trị và sự thiếu vắng của một đồng thuận quốc gia.

Các đảng quốc gia đã là nạn nhân của hai sự thiếu vắng đó. Còn đảng cộng sản thì khác. Họ chỉ là một thành phần của đảng cộng sản quốc tế nên sự thiếu vắng một nhân sự chính trị thuần túy dân tộc không những không có hại mà còn có lợi cho họ. Họ đã có chủ nghĩa vô sản quốc tế nên sự thiếu vắng của một tư tưởng dân tộc không những không có hại mà còn có lợi cho họ. Trái lại khi người ta tranh đấu trên lập trường thuần túy dân tộc thì hai yếu tố đó không có không được. Đó là tất cả vấn đề.

Một sự lẫn lộn danh từ đã đưa đến sự đồng hóa phe quốc gia với các chính quyền kế tiếp được Pháp và Mỹ đỡ đầu sau này. Sự thực thì các lực lượng quốc gia đã tan rã từ năm 1946 và không có liên hệ gì với các chính phủ Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, v.v... Khi Bảo Đại được người Pháp đem về đứng đầu chính quyền do họ thành lập để làm công cụ chống đối lại mặt trận Việt Minh, một guồng máy nhà nước được thành lập lấy tên là Quốc Gia Việt Nam. Chữ "quốc gia" ở đây, dịch từ chữ "état" của tiếng Pháp hay "state" của tiếng Anh, có nghĩa là một nước không có đầy đủ chủ quyền, khác với một nước cộng hòa chẳng hạn, chứ không có nghĩa là "lấy đất nước và dân tộc làm trọng" đối chọi với chủ nghĩa vô sản quốc tế. Những người lãnh đạo Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại này hoàn toàn không liên hệ gì với những lực lượng quốc gia trước đây. Có một vài nhân vật thuộc các lực lượng cách mạng của phe quốc gia đã tham gia với chính quyền Bảo Đại, nhưng đó chỉ là những chọn lựa cá nhân mà thôi. Trong đại bộ phận guồng máy nhà nước của Quốc Gia Việt Nam là những tri phủ, tri huyện, đốc phủ sứ, thông phán của guồng máy thực dân cũ. Họ là những người đã đứng về phía ngoại nhân, chống đối lại cuộc tranh đấu giành chủ quyền dân tộc, những người mà ta có thể xem như những đứa cháu nội, cháu ngoại của cô Tư Hồng.

Sự khác biệt này rất quan trọng nhưng cho tới nay ít người nhấn mạnh.

Cho nên cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) không phải là một cuộc đấu tranh quốc - cộng mà chỉ là một cuộc tranh chấp giữa người cộng sản Việt Nam và những người Việt Nam theo Pháp. Trong cả hai hàng ngũ, đều có những người Việt Nam thực sự yêu nước nhưng nói chung ý nghĩa của cuộc tranh chấp là như vậy. Và nói chung chính nghĩa thuộc về phe cộng sản nhiều hơn.

Năm 1954, Ngô Đình Diệm về nước và Quốc Gia Việt Nam trở thành nước Việt Nam Cộng Hòa. Đó đã có thể là một tập hợp dân tộc mới mang một ý nghĩa mới. Nhưng sự thực đã không phải như vậy.

Ngô Đình Diệm cũng không phải là một người của đấu tranh giành độc lập dân tộc, trái lại không ít thì nhiều ông cũng đã tiếp tay đàn áp cuộc đấu tranh này. Ông Diệm cũng không phải là một mẫu người hào kiệt theo truyền thống Việt Nam. Ông học hành tầm thường và cũng không tỏ ra có một thành tích cá nhân nào đáng kể. Ông dựa vào bề thế của thân phụ, đi học trường dành cho con quan rồi ra làm quan ngay từ tuổi niên thiếu. Vì thế Ngô Đình Diệm không có tư cách để làm hình tượng của một đất nước Việt Nam vừa tái sinh. Ông Diệm trên thực tế cũng chỉ là trung gian, mặc dầu là một trung gian có bề thế hơn và có tư cách hơn những người trung gian trước ông, để thi hành chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Khi ông Diệm không còn phù hợp với yêu cầu của người Mỹ, họ đã giết ông.

Ông Diệm chết, một đám tướng tá đã từng là công cụ của Pháp và giờ đây đang là công cụ của Mỹ lên thay thế để tiếp tục vai trò trung gian của những kẻ không bao giờ đặt vấn đề chủ quyền dân tộc.


Với Nguyễn Cao Kỳ, rồi Nguyễn Văn Thiệu miền Nam đã có thể có một hy vọng khác. Thời gian đã trôi qua và những con người cũng đã thay đổi. Thiệu cũng như Kỳ xuất phát từ quần chúng. Họ đã có thể là hạt nhân cho một sự đổi mới nhất là khi sự hiện diện của một lớp người mới, xuất phát từ quần chúng, trong guồng máy chính quyền miền Nam càng ngày càng đông đảo. Nhưng họ quá tầm thường và đã chọn con đường tiếp tục sự nghiệp của những đứa cháu nội, cháu ngoại của cô Tư Hồng thay vì tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước từ ngàn năm trước của ông cha. Miền Nam đã có một hiến pháp dân chủ xứng đáng được sự tán đồng của các dân tộc tiến bộ, nhưng Nguyễn Văn Thiệu bằng trò hề độc diễn năm 1971 đã biến nó thành một mớ giấy lộn. Thiệu đã làm nản lòng những người có thiện chí và làm tê liệt mọi sinh lực quốc gia, gây sự khinh bỉ đối với chế độ trên khắp thế giới và nhất là tại Hoa Kỳ, quốc gia đỡ đầu cho Việt Nam Cộng Hòa.

Kể từ năm 1968 trở đi bất cứ một chính phủ Hoa Kỳ nào cũng chỉ có thể có một chính sách duy nhất là tìm cách rút khỏi Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Có thể nếu không có vụ Watergate và Nixon không bị buộc phải từ chức thì sự thất bại của miền Nam sẽ khác. Nhưng sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa là điều không tránh khỏi.

Hình ảnh vẫn còn rõ rệt trong đầu óc tôi trong những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là một kỷ lục ghê gớm: một bé gái 12 tuổi cõng đứa em 3 tuổi trên lưng chay bộ gần 200 cây số đường rừng từ Pleiku tới Nha Trang giữa bom đạn và cướp bóc. Em bé đó xứng đáng được dân tộc này tạc tượng để làm chứng cho can đảm và tình yêu. Em bé đó giờ đây ra sao? Có thể đã trở thành một người mẹ. Đứa em trai có thể đang làm nghĩa vụ quân sự tại Kampuchia. Tôi ao ước họ sẽ có hạnh phúc, nhưng tôi tin rằng họ đang khổ, và rất khổ.

Ngày 30-4-1975, đoàn quân chiến thắng của cộng sản tiến vào Sài Gòn trong một niềm hân hoan không tả nổi. Sự vinh quang của họ chỉ có thể so sánh được với sự hổ nhục của chúng tôi.

Sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa là một điều nằm trong cái lô gích của lịch sử. Cái gì xảy ra năm 1975 đã chỉ là hậu quả tất yếu của những gì đã xảy ra năm 1946, và cái gì xảy ra năm 1946 đã chỉ là hậu quả của những gì đã xảy ra trước đó. Tất cả qui vào hai nguyên nhân: đất nước chúng ta thiếu một nhân sự chính trị và một cơ sở tư tưởng. Phần còn lại chỉ là chi tiết.

Chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã chết. Nhưng khi đất nước thống nhất người ta đã khám phá ra rằng chế độ Cộng sản tại miền Bắc còn tồi tàn hơn nhiều. Chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã là một chế độ cực kỳ thối nát và đã xứng đáng với cái chết ô nhục của nó. Nhưng ít ra nó đã chứng minh một điều: một chế độ tự do dù tồi tệ tới đâu vẫn còn hơn một chế độ cộng sản.

Vài năm sau, khi tôi ra khỏi vòng lao lý tôi đã khóc rất lâu bền nấm mồ đứa con duy nhất của tôi chết trong lúc tôi ở tù. Con tôi được bốn tháng lúc tôi và vợ tôi bị bắt. Chế độ biết chúng tôi có một con thơ nhưng vẫn giam giữ cả tôi lẫn vợ tôi. Đó chỉ là một chi tiết. Và chế độ cộng sản không quan tâm đến những chi tiết. Bỗng nhiên tôi tự hỏi tại sao tôi lại khóc lâu như vậy và tôi hiểu rằng tôi sẽ khóc cho đứa bé này ngay cả nếu nó không phải là con tôi. Tôi khóc cho một đứa con duy nhất xinh đẹp của một kỹ sư và một bác sĩ. Một đứa bé mà cuộc đời đã hứa cho tất cả, nhưng cuối cùng đã chết như một đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ và đã được chôn cất sơ sài trong cái nghĩa trang tiều tụy này.


Tôi tự hỏi cái gì đã xảy ra? Tại sao tôi lại phải vào tù, tại sao vợ tôi lại phải vào tù? Tại sao các bạn bè tôi lại có người được trả tự do, có người vẫn còn bị giam giữ và tại sao đất nước này bỗng dưng trở thành tiêu điều như ngày hôm nay? Tại sao những người cầm quyền lại dốt nát và đần độn trong khi những người tinh khôn và có kiến thức lại bị gạt ra ngoài lề xã hội? Cái gì đang diễn ra trong đầu óc người sĩ quan cộng sản trên chiếc xe đạp tồi tàn kia? Và tại sao ở nơi đâu trong thành phố này người ta cũng gặp những khẩu hiệu khổng lồ "Đời Đời Nhớ Ơn Chủ Tịch Hồ Chí Minh Vĩ Đại"? Tất cả như không có thực. Tất cả như một câu chuyện bịa đặt. Nhưng tất cả có thực. Bởi vì thân thể tôi còn mang những thương tích của tù đày. Và bởi vì có ngôi mộ nhỏ bằng xi măng này trên đó tôi đang ngồi im lặng với hai dòng nước mắt tuôn tràn.

Tôi bỗng cảm thấy một sự khinh bỉ kim khí thuỷ tinh với những con người chỉ rút được những bài học tồi tệ từ cuộc sống của chính mình. Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, v.v. tất cả đều đã vào tù ra khám. Nhưng những con người tầm thường này đã không học được gì đáng học. Ở tù, họ đã chỉ học được cách tổ chức nhà tù. Bị hành hạ, họ đã chỉ học được kỹ thuật để hành hạ người khác.

Mười ba năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất dưới chế độ cộng sản. Đã có nhiều bài báo và tác phẩm rất giá trị về biến cố này. Nhưng phần đông vì nhìn quá sát biến cố nên có lẽ đã thiếu sự bao quát và không nói lên được cái lô gích của một giai đoạn lịch sử với những bài học cần rút tỉa.

Biến cố 30-4-1975 không phải chỉ có những khía cạnh tiêu cực.

Đất nước đã thống nhất. Dù sự thống nhất đó đã không diễn ra trong những điều kiện thoả mãn được mọi người nhưng Việt Nam cũng đã giải quyết được một vấn đề vẫn còn nhức nhối đối với Đức và Triều Tiên. Nước Việt Nam thống nhất là một quốc gia có tầm vóc và có tiềm năng phát triển quan trọng.

Chiến thắng cộng sản ít ra cũng đã giản dị hóa cục diện đất nước. Trước đây chúng ta vừa có tập đoàn chóp bu cộng sản vừa có tập đoàn tham nhũng của miền Nam, ngày nay chúng ta chỉ còn một đối thủ cần phải loại bỏ. Chúng ta không còn phải làm những chọn lựa miễn cưỡng, đau lòng.

Nó cũng đã cho chúng ta những bài học có thể rất hữu ích cho ngày mai.

Trước hết, là một kẻ đã đứng trong hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa và đã bại trận, tôi không thể nào quên được sự hân hoan của những kẻ chiến thắng ngày 30-04-1975 và sự hổ nhục của chính tôi lúc đó. Tôi đã hiểu bằng da bằng thịt là thà làm người lính trong một đạo quân chiến thắng còn hơn làm tướng trong một đạo quân chiến bại. Sau này nhìn cung cách của một số người tranh đấu tôi nghĩ rằng họ chưa sống hay chưa hiểu ngày 30-4-1975.


Nhưng bài học lịch sử lớn nhất mà ta phải rút ra cho cả một giai đoạn lịch sử dài và đầy đau khổ này là chúng ta không thể không có một nhân sự chính trị và một cơ sở tư tưởng lành mạnh. Chúng ta không làm được gì hết nếu thiếu hai điều kiện đó. Ngày nay nhân sự chính trị của ta rất ít ỏi, vậy thì những con người hiếm hoi đó, dù ở cương vị nào và ở đâu, phải ý thức rằng họ là một sắc tộc thiểu số cần phải nương tựa nhau để sống. Sống đối với họ có nghĩa là thực hiện sự nghiệp cứu nước và đổi dòng lịch sử đang rất bất lợi cho dân tộc. Giữa họ phải có tinh thần anh em, phải có sự kết nghĩa. Phải không gặp mà đã là bạn, phải chưa quen mà đã là chí hữu. Một cơ sở tư tưởng chung chỉ có thể là kết quả của một cuộc thảo luận bộc trực và rộng khắp, trong đó không thể có những ý kiến không được nêu ra mà cũng không thể có những đề tài cấm bàn đến.

Một bài học khác của ngày 30-4-1975 là một thắng lợi hoàn toàn cũng nguy hiểm và độc hại như một thất bại hoàn toàn. Nó làm cho kẻ chiến thắng say sưa tới độ mê sảng và mất trí. Nó che đậy những vấn đề cần phải giải quyết để rồi khi những vấn đề ấy cuối cùng xuất hiện vì không còn che dấu được nữa thì đã quá trầm trọng đến nỗi không còn giải đáp. Những người tranh đấu vì tương lai đất nước cũng phải chối từ cái mộng thắng lợi hoàn toàn như quyết tâm không chấp nhận thất bại.

Một bài học đầy ý nghĩa nữa và có lẽ đáng để cho chúng ta suy nghĩ nhất là thắng lợi chỉ có với những người xứng đáng với thắng lợi. Người cộng sản đã thắng lợi hoàn toàn năm 1975 nhưng rồi thắng lợi đã mau chóng vuột khỏi tầm tay họ. Bởi vì họ không xứng đáng với thắng lợi. Năm 1975, họ được sự ngưỡng mộ của đại đa số nhân dân Việt Nam và của cả thế giới. Chỉ vài năm sau họ trở thành đối tượng thù ghét của cả nhân dân Việt Nam và của hầu hết loài người. Trong số những người chống chính quyền cộng sản ngày hôm nay, rất nhiều người chỉ mơ ước thắng lợi mà không hề chuẩn bị để xứng đáng với thắng lợi. Phải chăng chúng ta vẫn chưa rút được bài học đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta của những đối thủ mà chúng ta muốn đánh bại?

Biến cố 30-4-1975 và những ngày sau đó cũng đã giúp ta suy nghĩ và xác định lại lòng tin của ta ở một định luật chính trị bất di bất dịch và không chấp nhận một ngoại lệ nào. Đó là một chế độ không có chính nghĩa thì nhất định phải sụp đổ. Các vận động tâm lý chiến của các chính quyền quốc gia đã thành công phần nào trong việc làm cho dân chúng ghê sợ cộng sản nhưng nó đã có tác hại trong tâm não nhiều người. Nó làm nhiều người lý luận rằng cộng sản không phải vì có chính nghĩa mà thắng thì cũng không phải vì không có chính nghĩa mà sẽ thua. Sự thực thì trong quá khứ đảng cộng sản đã có vai trò lịch sử và do đó đã có chính nghĩa hơn hẳn những chính quyền đối diện với họ.

Ngày nay đất nước đang bị đặt trước những vấn đề mới trong đó đảng cộng sản không những không phải là giải đáp mà còn là chướng ngại. Đảng cộng sản đang chắn ngang con đường tiến tới của dân tộc, đang bơi ngược dòng thác tiến hóa. Cho nên đảng cộng sản sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Bởi vì bánh xe lịch sử không bao giờ thương hại những kẻ chắn đường nó.

Chế độ cộng sản sẽ sụp đổ không phải vì nó thiếu đảng viên, quân đội, công an mà vì nó thiếu người. Nó sẽ sụp đổ không phải vì nó thiếu vũ khí đạn dược mà vì nó thiếu những tấm lòng. Nó đã mất vai trò lịch sử. Nó đã mất hết chính nghĩa. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam là điều không thể tránh được và không thể đảo ngược được bởi vì chế độ cộng sản đã mang cái thất bại ở ngay trong lòng.

Đến lượt những người khác, đến lượt một lực lượng dân tộc mới đứng lên cung hiến cho đất nước những giải đáp thay thế.

Chúng ta phải vươn lên trên ngày 30-4-1975 và phải đoạn tuyệt với cái lô gích của nó, phải giã từ cái tâm lý bại trận cũng như cái tâm lý đắc thắng. Chúng ta phải chấm dứt với một giai đoạn lịch sử và khởi hành vào một kỷ nguyên mới.

Làm người Việt Nam trong thế kỷ 20 đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong thế kỷ 21 phải là một sự may mắn, một niềm vui và một nguồn hãnh diện. Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của cảnh huynh đệ tương tàn, của óc độc đoán và độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự xây dựng lại trên hoang tàn đổ nát.

Đó có thể là giấc mơ Việt Nam của chúng ta. Đó sẽ là di sản mà thời đại chúng ta để lại cho con cháu. Đó sẽ là dấu ấn của chúng ta trong lịch sử dân tộc cho mãi mãi sau này khi bụi thời gian đã phủ lên những đam mê và dằn vặt của những kiếp người ngắn ngủi.

Nguyễn Gia Kiểng
Thông Luận số 5, tháng 5-1988

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: