Monday, April 19, 2010

THỰC TRẠNG CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM

Sao lại phải nhập cả ốc, vít?

Tác giả: Thuận Hải

19-4-2010

http://www.tuanvietnam.net/2010-04-18-sao-lai-phai-nhap-ca-oc-vit-

Đến thời điểm này, giá nhân công rẻ...đã không còn là lợi thế của riêng Việt Nam trong thu hút đầu tư nữa và đó cũng không còn là những điều kiện được ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư và cũng như của cả nước khi tiếp nhận đầu tư. Giờ đây, họ đã chuyển hướng nhắm đến những thị trường có thể đáp ứng các sản phẩm cung cấp từ ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT).

.

Chưa làm được cái ốc-vít tiêu chuẩn

Những số liệu công bố về tỷ lệ nội địa hóa khiến người ta có cảm giác Việt Nam sắp sửa tự chế tạo được nguyên dây chuyền đồng bộ. Chẳng hạn như dự án xây dựng một số nhà máy xi măng ở miền Bắc, phần thiết bị chế tạo trong nước được công bố đến 65% (7.000 tấn/11.000 tấn thiết bị).

Tuy nhiên, số tiền chủ đầu tư phải trả để nhập 4.000 tấn thiết bị nước ngoài lại chiếm hơn ba phần tư trong tổng kinh phí đầu tư của dự án. Cách tính tỷ lệ nội địa hóa theo khối lượng này có ý nghĩa cho việc báo cáo thành tích hơn là thước đo để đánh giá sự tiến bộ của ngành cơ khí.

Từ đó, có thể thấy những con số về tỷ lệ nội địa hóa xe gắn máy 85-90% hay 40% đối với xe buýt cũng cần xem lại, khi mà toàn bộ động cơ và những phụ tùng quan trọng vẫn phải nhập khẩu.

Hiện nay, cả nước có trên 230 DN đang sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho các công ty liên doanh lắp ráp xe máy, trong đó hơn 80 DN là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đạt trên 260 triệu USD. Nếu so sánh chất lượng thì sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam kém hơn nhiều so với của Nhật, Thái Lan, Đài Loan. Nhận diện cụ thể một số ngành CNPT của Việt Nam để thấy thực chất

Công nghiệp ô tô: Mặc dù đã có nhiều năm phát triển, nhưng CNPT cho ngành này hiện được đánh giá là kém phát triển nhất hiện nay với tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 5 – 10%. DN mới chỉ cung cấp được vài sản phẩm đơn giản, giá trị thấp như bộ dây điện trong xe, ghế ngồi, một số chi tiết kim loại, nhựa… Công nghiệp đóng tàu cũng tương tự: các nhà máy đóng tàu mới chỉ đảm nhiệm được các khâu cắt tạo hình; hàn nối ghép…mà ngay cả đến que hàn cũng phải nhập ngoại.

Nhựa gia dụng: Có khoảng 200 DN hoạt động trong lĩnh vực đúc nhựa nhưng chủ yếu là sản xuất hàng tiêu dùng thông thường, có rất ít DN có khả năng sản xuất các linh kiện nhựa đúc dùng trong sản phẩm công nghiệp.

Dệt may: Hàng năm, ngành may sử dụng không dưới 500 triệu mét vuông vải để làm hàng xuất khẩu nhưng đến 80% vải cung cấp cho ngành may lại nhập khẩu từ nước ngoài.

Điện tử: Nói về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho Intel, tổng giám đốc Intel Products VN Rick Howarth thẳng thắn: “Các công ty VN không có cửa!”. Ông Tổng giám đốc cũng cho rằng trong vòng 5-10 năm nữa khó có một công ty nào của VN đủ khả năng lao vào lĩnh vực này, chỉ có thể hi vọng những công ty nước ngoài đến mở nhà máy.

Theo cam kết trong khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), Việt Nam sẽ phải miễn thuế nhập khẩu hầu như toàn bộ các sản phẩm nhập từ các nước ASEAN. Riêng đối với ô tô thì lộ trình giảm thuế nhập khẩu xuống 0% là năm 2018. Khi đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, sẽ tự do lựa chọn chiến lược tiếp tục sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu và bán các sản phẩm đã sản xuất tại các nước ASEAN khác.

.

Đã từng có quy hoạch… trên giấy

Ngành điện tử của chúng ta gần như trở về mốc khởi điểm sau khi Sony đóng cửa nhà máy tại VN, thay vào đó là làn sóng thành lập các công ty thương mại chuyên nhập khẩu sản phẩm điện tử. Những thương hiệu của công nghiệp điện tử trong nước như HANEL; BIÊN HÒA; TÂN BÌNH không còn xuất hiện trên thương trường do phụ thuộc hoàn toàn vào phụ kiện của liên doanh mặc dù đã hoạt động nhiều năm.

Trước đó, chúng ta đã có Bản quy hoạch phát triển công nghiệp điện tử VN đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 rất “hoành tráng” với doanh số sản xuất đạt 4-6 tỉ USD, xuất khẩu 3-5 tỉ USD... Nhưng đây chỉ là kế hoạch trên giấy bởi hơn hai năm kể từ khi quy hoạch được phê duyệt, không một kế hoạch hay chương trình hành động nào được đưa ra triển khai. Bài học này vẫn còn tính thời sự đến hôm nay…

Mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Vân Nga, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) khẳng định: “Đã có chương trình hành động” và cho biết thêm: “Trong Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản có một phần nêu phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ phát triển ngành CNPT cho VN. Hai bên cũng đã ký thỏa thuận cho một chương trình hành động cụ thể.”

Theo hiệp định này, phía Nhật Bản có chương trình hỗ trợ về tài chính để DN có thể đổi mới, nâng cấp công nghệ phù hợp với nhu cầu của các DN Nhật Bản. Nhật Bản cũng sẽ cử các chuyên gia sang giúp đào tạo ngay tại điểm sản xuất, đồng thời cử người của DN sang Nhật học tập. Sản phẩm làm ra sẽ được các DN Nhật Bản bao tiêu trong một thời gian nhất định được thể hiện qua các hợp đồng kinh tế, có sự hỗ trợ của hai chính phủ. Ngay trong năm 2010, VCCI cùng với Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tổ chức hai chương trình đào tạo thuộc chương trình hỗ trợ DN ngành CNPT.

Hiện cả nước có khoảng 30 ngành kinh tế kỹ thuật cần đến CNPT, trong đó có một số ngành chủ yếu như dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp, điện tử-tin học... đòi hỏi có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhưng trước hết cần được Nhà nước định vị những sản phẩm để doanh nghiệp có lộ trình đầu tư và tiếp thị cụ thể.

Thiếu sự định vị từ phía Nhà nước, các quy hoạch, kế hoạch và tham vọng phát triển nền CNPT cho sản phẩm xuất khẩu sẽ lại tiếp tục nằm trên giấy. Thời gian bảo hộ cho các sản phẩm công nghiệp không còn nhiều, theo đó thời cơ đang rút ngắn, chúng ta đang ở ngưỡng cuối cùng cho nền CNPT đủ sức tham gia vào chỗi giá trị toàn cầu .

.

.

.

No comments: