Wednesday, April 28, 2010

NGƯỜI TRẺ "ĐÓI" THÔNG TIN VỀ BIỂN ĐÔNG

Người trẻ 'đói' thông tin về Biển Đông

Phuong Loan

28/04/2010

http://boxitvn.blogspot.com/2010/04/nguoi-tre-oi-thong-tin-ve-bien-ong.html#more

Nguồn: Bài viết vốn đăng trên Vietnamnet sáng 27-4-2010, nhưng sau 3 tiếng đồng hồ đã bị gỡ xuống. Đây là văn bản do một vài thân hữu của BVN may mắn giữ được.

Lời bình 1:

Tôi đọc trên trang BBC tiếng Việt ngày hôm nay, thấy có cuộc trò chuyện giữa hai ông Dương Danh Dzy và Nguyễn Nhã với sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội. Tôi vôi vã gọi điện tới anh tôi là ông Dzy, định hỏi tin và tìm gặp chào ông Nguyễn Nhã là người tôi thầm kính trọng. Nhưng ông Dzy cho biết ông Nguyễn Nhã đã trở về Sài Gòn. Thật tiếc!
Nhưng sau đó, tôi vào mạng Vietnamnet quen thuộc, và được gặp lại cả anh Dzy tôi lẫn bạn Nguyễn Nhã, người thân thích trên mạng. Chân dung của cả ông Dzy và ông Nhã cùng nhiều sinh viên đã hiển hiện trong bài viết dưới đây.
Vội vàng chép về để bạn đọc BVN tiện chia sẻ. Xin trân trọng giới thiệu và xin nhân dịp này ngỏ lời biết ơn hơn ba trăm tấm lòng ngồi chật hội trường D Đại học Ngoại thương cùng người tôi không biết mặt đã ghi chép lại sự kiện đó.

Phạm Toàn

---------------------------------

Lời bình 2:

Đã 36 năm từ ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam mà nay, theo một sinh viên, "Ngay bây giờ, ở quê, bạn bè và thế hệ cha mẹ em vẫn nghĩ, Việt Nam vẫn còn quần đảo Hoàng Sa". Mà ngay cả tầng lớp sinh viên, niềm hy vọng tương lai của đất nước, cũng không mấy ai biết được sự kiện đau lòng ấy trước khi bước vào đại học; mãi đến nay, đây là “lần đầu [họ] được chính thức cho biết thông tin” để có thể “vui buồn với những thông tin mới mẻ về vấn đề trọng đại của đất nước”. Các nhà sử học nhìn chung không dám nói to; thầy giáo dạy sử có đề cập đến cũng “chỉ ở một phạm vi, mức độ nhất định mà thôi”. Tổ chức cuộc tọa đàm cho sinh viên về chủ quyền biển đảo phải mất một năm chờ đợi mới được chấp nhận. Chỉ cần chấp nhận “nói thẳng nói thật” thôi phải dũng cảm lắm đến mức nhà nghiên cứu Dương Danh Dy phải lên tiếng ca ngợi không dưới 3 lần. Trong khi đó, "Trung Quốc đã chuẩn bị xong cho dư luận về việc sẵn sàng thu phục Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực. 92% của hơn 300 triệu dân mạng Trung Quốc tán thành chủ trương đó".
Chao ôi! “Hưng dân trí, chấn dân khí” như thế nào khi người dân mù tịt thông tin, khi lòng yêu nước muốn được thể hiện, dù hợp pháp, vẫn phải cần có giấy phép?! Nói như TS Nguyễn Nhã: "Bất cứ ai có hành động làm cho dân tộc suy vong, yếu hèn, kẻ đó là có tội với tổ tông, dân tộc".
Cuộc tọa đàm chiều 26/4 là bước đi đúng hướng. Dù muộn. Nhưng còn hơn không.

Anh Hoàng

----------------------------------------

.

"Việt Nam không thể im lặng để chịu cảnh bị lấn lướt trên Biển Đông, cần công khai hóa, cho thế giới được biết những hành động sai trái của bên kia. Và quan trọng hơn, phải công khai với người dân mình trước", nhà nghiên cứu Dương Danh Dy trò chuyện với sinh viên ĐH Ngoại thương.


Chiều 26/4, hội trường nhà D, ĐH Ngoại thương chật cứng sinh viên. Họ đến để thỏa cơn khát thông tin về chủ quyền biển đảo, về số phận của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, về những diễn biến mới nhất xung quanh vấn đề trọng đại này của đất nước.

Gần 300 cánh tay đã cùng giơ lên khi được hỏi, liệu các bạn có biết quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang nằm trong tay Trung Quốc? Và cũng ngần ấy con người ngậm ngùi trước câu hỏi, liệu có ai trong số các bạn biết sự thật đau lòng ấy trước khi vào cổng trường đại học.

Đói thông tin là nỗi niềm chung của sinh viên khi trao đổi với hai vị khách mời, TS sử học Nguyễn Nhã, và nhà nghiên cứu Dương Danh Dy.

Nam sinh viên tên Đức tâm sự. "Ngay bây giờ, ở quê, bạn bè và thế hệ cha mẹ em vẫn nghĩ, Việt Nam vẫn còn quần đảo Hoàng Sa".

Thế nên, trong suốt ba tiếng trao đổi về chủ quyền Biển Đông, phòng hội thảo luôn chật kín, với những khuôn mặt sinh viên háo hức lần đầu được chính thức cho biết thông tin và vui buồn với những thông tin mới mẻ về vấn đề trọng đại của đất nước.

"Chất vấn" trưởng ban tổ chức Hội thảo, Bí thư Đoàn trường Ngoại thương, anh Nguyễn Văn Triệu đang là giảng viên sử, về trách nhiệm của người dạy sử khi sinh viên kêu "đói" thông tin, anh cho hay: "Không thể trách được người dạy sử... Không phải chúng tôi không nói cho sinh viên hay, nhưng chỉ ở một phạm vi, mức độ nhất định mà thôi".

"Đến các nhà nghiên cứu, biết cả đấy, nhưng chia sẻ được hay không, ở mức độ nào là cả một vấn đề", anh trăn trở.

Ngay ý tưởng tổ chức cuộc tọa đàm cho sinh viên về chủ quyền biển đảo đã được Đoàn trưởng ĐH Ngoại thương đưa ra từ năm ngoái, thế nhưng cũng chờ đợi sau một năm mới tổ chức.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy không dưới 3 lần đã nhắc lại sự dũng cảm của Ban lãnh đạo và Đoàn trường Ngoại thương khi đã dám chấp nhận điều kiện "được nói thẳng, nói thật" của ông.

"Thời gian qua, với vấn đề Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta cũng đã làm được nhiều việc: từ chỗ im lặng đến chỗ lên tiếng, từ chỗ phiếm chỉ, chúng ta đã nêu đích danh thủ phạm", ông Dy ghi nhận.

Theo ông Dy, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn điều này. "Phải nói rõ cho nhân dân, cho đảng viên chúng ta biết, vấn đề là thế này, chủ trương của ta như thế này... Người dân Việt Nam chúng ta cần được biết".

Ông Dy cho hay, với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông không chỉ là chuyện bá quyền, nước lớn, mà còn là vấn đề sống còn. Sau mấy chục năm phát triển quá nhanh, Trung Quốc đang đối mặt với sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, hoang hóa đất đai, và họ gửi gắm phần đền bù tài nguyên đó ở Biển Đông.

Vì thế, vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn.

Hơn nữa, dẫn báo chí chính thống Trung Quốc, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho hay, "Trung Quốc đã chuẩn bị xong cho dư luận về việc sẵn sàng thu phục Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực. 92% của hơn 300 triệu dân mạng Trung Quốc tán thành chủ trương đó".

"Việt Nam chúng ta thì sao?", ông Dy đặt câu hỏi. "Rồi mới đây, chính quyền Quảng Đông đã cho phép đấu thầu các hòn đảo không người ở. Nếu một ngày, Quảng Tây cũng sẽ làm như vậy, quần đảo Trường Sa của chúng ta sẽ ra sao?"

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy chỉ rõ "muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, muốn hòa bình, chúng ta phải bàn thảo, và cả thỏa hiệp".

Đồng thời, Việt Nam cũng phải tập trung xây dựng thực lực cho mạnh. Việt Nam không chạy đua vũ trang, không hiếu chiến, nhưng chúng ta phải tự trang bị để bảo vệ mình.

"Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta phải biết nhân nhượng, hòa hợp. Phải gỡ cho được mọi mâu thuẫn có thể gỡ được", ông Dy nói. "Bên nào cũng đòi hết, thì chỉ có cách cầm súng, mà như thế, không ai là người có lợi. Cả Việt Nam, Trung Quốc và các nước liên quan đều phải tính".

Ông nói thêm, Việt Nam muốn ngả ván bài này cũng không dễ, nếu không muốn đối tác nghĩ mình ở thế yếu mà dấn hơn lên. "Phải trí tuệ, bản lĩnh, nghệ thuật mới làm được".

"Trung Quốc sợ đa phương hóa, muốn giải quyết song phương để bẻ từng que đũa cho dễ. Ta càng phải đa phương hóa, tận dụng tối đa đối tác.

Trung Quốc ngại công khai hóa, ta càng phải nêu rõ cái sai của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam, để được sự ủng hộ của quốc tế".

"Việt Nam không thể im lặng mãi để chịu cảnh bị lấn lướt trên Biển Đông, phải công khai hóa, cho thế giới được biết những hành động sai trái của bên kia. Và quan trọng hơn, phải công khai với người dân mình trước".

Các diễn giả cũng nhắn nhủ sinh viên chủ động tìm kiếm và trao đổi thông tin. "Mỗi người góp một tiếng nói, chúng ta sẽ được lắng nghe. Nhìn thực tế sẽ thấy, họ biết và họ có lắng nghe", ông Dy nhắn nhủ.

TS Nguyễn Nhã nói: "Bất cứ ai có hành động làm cho dân tộc suy vong, yếu hèn, kẻ đó là có tội với tổ tông, dân tộc". Làm tốt công việc của mình, đóng góp cho cuộc đấu tranh chủ quyền của Tổ quốc là cách để người trẻ sống có ích và trách nhiệm.

Bởi như một bạn sinh viên ngoại thương phát biểu: "vô cảm với vấn đề Biển Đông cũng đã là có tội với tổ tông".

Và ngược lại, theo anh Nguyễn Văn Triệu, "với những vấn đề hệ trọng của quốc gia dân tộc như Biển Đông, Đảng, Nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin cho người trẻ, thu hút sự quan tâm của họ. Khi quan tâm, biết dân tộc mình đang như thế nào, ở đâu, có khó khăn gì, cơ hội gì, người trẻ sẽ được đánh thức, sẽ biết mình làm gì để góp vào sự vươn lên của đất nước".

PL
.

.

.

No comments: