Wednesday, April 28, 2010

NHỮNG BÀ MẸ GIÀ SAU THỜI CHIẾN

Người mẹ già của tử sĩ VNCH trên căn gác tối
Trần Tiến Dũng/Người Việt

Tuesday, April 27, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112069&z=1

Khi D. hướng dẫn tôi đi lên căn gác tối của một ngôi nhà trên đường Thái Phiên - quận 11 - Sài Gòn, tôi đã có ý nghĩ, với một cầu thang gỗ nhỏ hẹp và chực chờ gãy đổ như thế này thì người mẹ một tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi tìm gặp, hẳn sẽ không bao giờ bước xuống khỏi căn gác được. Hẳn từ đây, bà sẽ vĩnh viễn tách biệt với thế giới hiện tại, để sống mãi trong ký ức với đứa con trai duy nhất đã hy sinh vì tổ quốc và lý tưởng dân chủ-tự do.

Chúng tôi bước từng bước thận trọng trên nền lót ván, cái nền này tuy trải miếng nhựa sạch sẽ, nhưng do quá cũ nên lún phập phều như nền đất bùn. Ánh sáng buổi xế chiều yếu ớt làm căn gác nhỏ thêm u tối.

Trước mắt chúng tôi, một bà cụ tóc trắng lưa thưa nằm co ro trên nền căn gác, cạnh cái ghế sô pha cũ rách. Phía trên bà là cái bàn thờ. Và, như mọi cái bàn thờ, vốn được tạm bợ đặt trên chiếc tủ ly, có cả di ảnh người đã khuất bên bình hoa nhựa đầy bụi bặm. Đây là góc riêng của người già buồn tủi thân phận.

Dù không muốn đánh thức cụ, tiếng chân chúng tôi làm căn gác ọp ẹp kêu cót két khiến cụ thức giấc. Thấy có khách, cụ bà ngồi dậy, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lưa thưa trắng như cước. D. lên tiếng thưa cụ, cụ nói: 'Cậu đấy à! Lâu không thấy cậu.' Rồi cụ đưa mấy ngón tay run run, chùi mắt, ngẩng mặt lên nhìn chúng tôi. Cụ bà đối diện với chúng tôi là một người Bắc di cư. Quê cụ ở Thái Bình. Cụ là bác ruột của D.

Cùng ngồi nói chuyện có chị Bích, người con gái duy nhất còn lại của cụ. Chị Bích giả vờ hỏi cụ: 'Phải bà với anh đi tàu há mồm vào không. Chống Tây cho cố vào rồi chạy.' Cụ lắc đầu: 'Tôi đi máy bay từ Phòng vào đấy. Tây nó đưa đón tôi đấy.' Chị Bích quay sang nói với chúng tôi, 'Cụ còn minh mẫn lắm, các anh cứ hỏi chuyện.'

Người lính ấy...

Cụ tên là Nguyễn Thị Lê, năm nay đã 87 tuổi. Khi Nhật đảo chánh Pháp, người chồng đầu của cụ, ông Phạm Đức Thịnh làm ở sở Tây, bị bom chết ở Hòn Gai, một mình cụ nuôi con trong những năm đói khổ khủng khiếp. Năm 1954, trong cơn biến động chia cắt đất nước, cụ tay dắt đứa con trai duy nhất của mình vào Nam. Ở miền Nam để có điều kiện nuôi con, cụ làm vợ kế cho ông Trần Lý, (sau này là bố của chị Bích), cũng là một người Bắc di cư, và là công chức của chế độ miền Nam.
Đứa con trai mồ côi cha, anh Phạm Ngọc Cường, được sự đỡ đầu của người cha kế, năm 10 tuổi thì được vào trường Thiếu Sinh Quân. Cụ Lê nói: 'Năm nó vào trường, nó là đứa bé nhất, tội lắm.' Anh Cường học ở trường Thiếu Sinh Quân cho đến khi tốt nghiệp. Trong bản tướng mạo quân vụ của anh mà cụ Lê còn giữ được đến ngày nay, ghi anh tốt nghiệp trường Thiếu Sinh Quân năm 1964. điểm trung bình 13,81 và thứ hạng tốt nghiệp là 19/123. Chứng chỉ năng lực chuyên môn Bộ Binh 2. Cụ Lê nói: 'Mỗi khi tôi lên trường thăm con, chúng bạn nó đều chạy ra thưa gởi lễ phép lắm, không như người ngày nay.'

Sau này, Anh Phạm Ngọc Cường, người cố sĩ quan tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân, được truy phong cấp bậc thiếu úy đó đã có lần nói với mẹ là anh sẽ không lập gia đình và sẽ sống qua chiến tranh để phụng dưỡng mẹ. Bà Lê kể: 'Anh con tôi hào hoa lắm, những năm, sáu cô theo, nhưng anh không yêu ai. Có một cô tôi còn nhớ tên là Phạm Ngọc Tích, yêu anh ấy lắm. Lúc đám tang anh ấy, cô ngồi bên áo quan như một người vợ. Tôi biết anh con tôi cũng yêu cô. Thương mẹ thì anh nói không lấy vợ nhưng tôi đoán rằng chúng nó chẳng kịp lấy nhau kiếp này anh à.'





Chị Bích, em gái anh kể. 'Lúc anh hy sinh, tôi còn bé lắm. Nhớ bạn lính cùng anh có kể là lúc đánh nhau, anh tôi bị mảnh lựu đạn bị thương nặng ở lưng. Đồng đội chạy đến nói để cõng anh ra. Anh không cho, nói 'Tôi có sống thì cũng tàn phế chỉ làm khổ mẹ, mẹ tôi khổ lắm rồi, tôi có hy sinh thì cũng không làm khổ mẹ.'' Cụ Lê khóc, chị Bích cũng khóc. Cụ đưa tay chùi nước mắt: 'Cô nhớ không đúng, anh bị đạn nát cả cổ cơ mà!'
Anh Phạm Ngọc Cường hy sinh lúc 23 tuổi, tại Củ Chi-Hậu Nghĩa, ngày 1 Tháng Tư, năm 1967.

Hũ cốt đi qua chín ngôi chùa

Cụ Lê kể: 'Tôi chỉ có mỗi anh ấy là con trai. Anh chết, tôi đau một nhưng lúc giải tỏa nghĩa trang quân đội Gò Vấp tôi đau mười. Khổ gì mà khổ thế. Thời Tây, Nhật đánh nhau, nuôi con bằng khoai, bằng cám đầy sạn không khổ bằng.'

Theo lời kể của cụ, sau biến cố 1975, tưởng là hòa bình rồi thì dẫu mất con, dầu là con mình, mình thắp hương cho nó được bình yên là được. Nhưng đến khi có lệnh giải tỏa nghĩa trang quân đội Gò Vấp thì cụ hoảng hốt, từ Pleiku xuống, túi không tiền, chạy khắp nơi mới vay được chút đỉnh để lấy cốt con.

Nói tới đây, cụ mò mẫm vào tủ lấy ra một bức chân dung từng khắc trên bia mộ con trai Phạm Việt Cường. Cụ cầm trên tay, mân mê một lúc rồi trao cho tôi: 'Tôi lấy từ mộ con về rồi giữ đến ngày nay. Anh thấy anh con tôi trẻ không !' Quay sang D., cụ Lê nói: 'Cậu năm nay bao nhiêu rồi nhỉ? Cả chị Bích nữa?' Khi biết D. và chị Bích đều đã đến tuổi năm mươi, cụ Lê nói: 'Thế đấy, các anh các chị đều sắp già cả rồi. Anh Cường thì lại trẻ hoài.' Cụ khóc.

Lúc lấy cốt tử sĩ Phạm Ngọc Cường, cụ Lê muốn đưa vào chùa cho anh nghe kinh Phật. Cụ nói: 'Tôi ôm hũ cốt con đi vào chùa, mà chùa nào cũng không nhận, như bà điên, khóc đến đầu óc lơ mơ, quần áo tả tơi, tôi đi qua cả chín ngôi chùa anh à, nhưng không biết tại sao không thầy nào nhận; khổ thân con tôi.' Chị Bích ngắt lời cụ. 'Chùa họ đòi nhiều tiền nhưng lúc đó mẹ tôi biết lấy đâu ra.' Còn D. thì nói: 'Lúc đó nhiều chùa chưa có phép giữ cốt. Hơn nữa, cốt lính lại càng khó. Nói nhà chùa vì tiền cũng tội! Chắc là cũng tìm lý do để tiện từ chối thôi.' Cụ Lê kể tiếp: 'Tôi đưa anh đến chùa Hưng Quốc trên đường Lạc Long Quân khóc kể với sư thầy. Sư thầy trụ trì nghe chuyện thương lắm, nói: 'Thôi bà để anh lại đây.' Tôi vui khóc cả ngày như lúc sanh ra anh ấy.'

Chúng tôi hỏi, chuyện hũ cốt của anh sau đó có được yên không. Cụ Lê kể: 'Anh ấy yên tới nay. Trước khi đưa anh vào chùa, tôi thường nằm mơ thấy anh về hoài. Từ sau hôm anh vào chùa, tôi chỉ mơ thấy anh về có một lần rồi thôi. Anh về lần đó, mặc áo nhà chùa, hai bàn tay úp lên mặt, gặp tôi anh hé ra, rồi lại úp hai bàn tay lên mặt, mấy lần như vậy nhưng anh vẫn cứ im không nói gì. Tôi bảo anh. Con đi tu rồi thì mẹ yên tâm, đừng lo gì cho mẹ. Người tu thì phải lo tu con ạ, đừng lo gì cho mẹ.' Từ đó đến nay, anh không về nữa.


Những câu nói cuối cùng của người mẹ

Cụ Lê biết và tin mình cũng gần tới lúc đi gặp lại con. Chúng tôi không dám hỏi thêm gì, nhất là hỏi về những việc có liên quan đến lý tưởng mà người lính ấy đã chọn để phụng sự. Gợi lại những câu chuyện thế sự cho ai, vì ai, khi mà toàn bộ những giá trị lớn, tình yêu nước và tự do của dân tộc đã bị đánh bại và đẩy vào bóng tối quên lãng.

Cụ Lê bảo chị Bích mở tủ lấy thêm những giấy tờ liên quan đến tử sĩ Phạm Ngọc Cường. Có lẽ Cụ Lê là người mẹ hiếm hoi còn lưu giữ đầy đủ tất cả di sản đời lính của con trai mình. Cụ nói: 'Sau năm 1975, nhiều người bảo tôi đốt hết đi nhưng tôi không nghe. Chỉ có mỗi cậu em tôi là bảo: 'Anh ấy là con chị, cháu tôi, cũng là người Việt, mình có phải là người xứ khác đâu mà sợ.''

Nhìn những giấy tờ, từ điện thư báo tin, giấy báo tử, giấy tướng mạo quân vụ, cho đến sổ lãnh tiền tuất... Chúng tôi, những người sanh sau đẻ muộn, vừa xúc động vừa cảm nhận được sự chu đáo của những người làm công vụ của một chế độ đã mất.

Những dòng cuối cùng đọc được trong tờ tướng mạo quân vụ của tử sĩ Phạm Ngọc Cường: ...từ ngày 1 Tháng Tư, 1967. Phạm Ngọc Cường được xóa tên trong sổ kiểm danh của đơn vị... Dòng chữ đơn giản, kết lại bổn phận của một người lính, và một sự sống.

Cụ Nguyễn Thị Lê nay đã đến tuổi rất gần bờ bên kia. Và đây, câu nói bình dị của một người mẹ đã phải trải qua cả bao vực thẳm cảm xúc: 'Mấy người này nói là anh hy sinh cho nước nào, không phải nước này. Nói thế thì chẳng còn có gì nói nữa, nói làm gì!'

Ba mươi bốn năm, từ ngày kết thúc chiến tranh, vì sao vẫn còn nguyên đó khối đá đen đè nặng lên mênh mông tình mẹ, tình dân tộc. Và đó là nỗi bất hạnh lớn nhất của đất nước này.

(*) Bài trích từ báo Người Việt Xuân Canh Dần

----------------------

Bà Giảng, và những "trận đánh" thời bình

Nhất Duy

Tuesday, April 27, 2010 6:06:12 PM

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112070&z=1

Bà tên là Giảng, Nguyễn Thị Giảng, ngụ thôn 11, xã Cẩm Duệ, (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).



Tôi đến thăm nhà bà một ngày cuối năm 2009. Điểm bất ngờ đầu tiên, với tôi, chính là những vết hằn xước là lạ trên các cây cột nhà. Hỏi, bà Giảng bảo đó là vết thừng trâu. Toàn bộ khung sườn nhà nguyên là một chuồng trâu. Thấy người ta bán rẻ, bà mua về dựng làm nhà ở. Vậy mà chắc hơn khối nhà trong xóm.' Bà Giảng cười, 'khoe' cái nhà 'chuồng trâu' của mình. Nụ cười vô tình kéo xệch thêm những đường nhăn nhàu nhạu trên khuôn mặt bà mẹ già.

Chín mươi bảy tuổi, vẫn rất tỉnh táo, minh mẫn, bà bảo: 'Nhiều khi cứ muốn hóa điên thay thằng Hợi, ước gì mình bỗng dưng điên cho nó tỉnh.' Ấy là khi nói về người con trai đang sống cùng bà. Nguyễn Văn Hợi, 63 tuổi, nhưng cứ điên điên dại dại, ngây ngây ngô ngô như một đứa trẻ. Ngày trước, Hợi cũng từng đi dân công, sau lâm bệnh, mổ xương chũm tai phải xong thì hóa điên dại ngơ ngẩn đến giờ. Đôi lúc tỉnh, Hợi cố vác cuốc ra vườn, rồi có khi nhúi đầu vào bếp giúp mẹ. Nhưng nghiệt nỗi, tỉnh điên bất chợt, luống rau mẹ trồng mới nhú thì Hợi lại vác cuốc bằm nát, nồi cơm đang nấu lại xúc tro bếp mà đổ vào.

Chưa bao giờ biết đánh con, bà Giảng chỉ lặng im ôm giữ Hợi, rồi khóc. Bà khóc, còn Hợi lại cứ thế cười hê hê.

Lấy chồng từ năm 18. Sinh hạ được chín người con. Nhà thì nghèo, quê thì khổ. Chiến tranh, bệnh tật, khốn khó đã cướp mất của bà Giảng năm đứa con ngay từ lúc chúng còn nhỏ, trước 1945. Đến giờ, bà không còn nhớ được chính xác năm mất của từng đứa. Cũng vì quá khổ, ông đã sớm bỏ bà về với đất, theo năm đứa con.

Anh Dũng hi sinh năm nào? Tôi chỉ tấm bằng 'tổ quốc ghi công' trên bàn thờ. Bà run tay thắp mấy nén nhang, rồi tựa mãi cái cằm gầy guộc lên kệ thờ. 'Thằng này là Nguyễn Tiến Dũng. Năm 72 nó trốn tôi xung phong nhập ngũ vào Nam. Ngày nó đi, tôi nhổ mạ ngoài đồng. Nghe người trong xóm chạy ra báo 'thằng Dũng đi bộ đội.' Vất quang gánh giữa đồng, chạy về thì chỉ kịp nhìn thấy cánh tay nó vẫy vẫy trên xe: 'con đi mẹ nhé, thống nhất đất nước con sẽ về.' Cũng chỉ biết gạt nước mắt rồi vẫy tay chào nó. Có biết đâu đó là lần cuối, nó đi mãi không về.'

'Dũng là đứa lanh lợi. Tôi không tin nó chết. Nghe trên báo về là nó vào chiến trường B được một thời gian, sau hi sinh ở chiến trường K chi chi đó. Chẳng biết B, K chi, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được xác, không biết nó nằm nơi nào. Mấy chục năm hòa bình rồi, vậy mà vẫn có cảm giác chờ nó trở về. Nhiều đêm nằm mơ, nghe tiếng động, choàng tỉnh cầm gậy lọ mọ ra vườn. Tưởng thằng Dũng khoác ba lô về, không dè thằng Hợi mò mẫm dậy lúc nào, ra vườn làm chi rồi ngã xuống nằm ngủ ngay bụi chuối.'

Đêm lại mơ thấy Dũng đạp cửa vào, hô xung phong. Vuốt mặt ngồi dậy mới hay lão Khéo bên xóm. Trước 75 đi lính Cộng Hòa, bị thương trở về vài tháng thì 'giải phóng.' Thương binh 'Ngụy' thì làm gì có trợ cấp. 'Mẹ nó vừa mất vài năm trước, tội nghiệp bả...' Giọng bà Giảng như khiến cả một khoảng trời trước mặt bỗng chùng lặng. Mấy chục năm sau chiến tranh, tối nào Khéo cũng vùng dậy giữa khuya, khua xẻng đập nồi hô 'xung phong,' đánh trận!

Lại có đêm bà mơ Dũng về, khoác một ba lô đầy lá thuốc chữa bệnh cho Hợi. Tỉnh giấc mừng quá, vớ được cây gậy lơ quơ mấy bước thì lại vấp cán chổi ngã nhoài xuống nền nhà. Những đêm như thế bà đã thèm được chết, chết để... giải thoát! Nhưng rồi hình ảnh điên khờ ngây dại của “thằng” Hợi khiến bà khựng lại. Bà không đủ dũng cảm chọn cái chết cho mình để Hợi bơ vơ. Chỉ muốn hóa điên để Hợi được tỉnh. Nhưng đó là điều không thể.

Hai người con khác của bà, một trai một gái, sau một thời gian bỏ xứ vào Nam tìm kế sinh nhai, cũng đã quay về, lập gia đình gần đó. 'Nhưng chúng cũng khó khăn túng quẫn lắm, qua lại giúp đỡ về tinh thần thôi, chứ có được cái chi. Lâu lâu, có mấy đứa cháu chạy sang vui đùa là vui rồi.' Giọng bà Giảng buồn, buồn nhưng thoảng nhẹ như gió.

'Sao bà không xin 'nhà tình nghĩa,' cái này giờ đây nhà nước giúp dân nghèo như bà nhiều lắm mà, nhất là bà lại là mẹ liệt sĩ?'

'Cũng mấy lần định xin, nhưng nghĩ lại thấy còn ối người khổ hơn mình. Được cái nhà xây là mơ ước cả đời. Mình đến lượt, không xin thì nhà nước cũng sẽ xây thôi, chứ thảo đơn xin thấy nó kỳ kỳ. Vả lại, cái 'chuồng trâu' này vẫn ở được mà.'

Ngạc nhiên. Cứ tưởng sẽ nghe được những lời than vãn, cầu xin. Nhưng bà Giảng hoàn toàn khác so với những gì tôi tưởng đoán. Trong khi gia sản của bà, ngoài 'chuồng trâu' này, ngoài tấm bằng 'tổ quốc ghi công' trên vách thờ, cũng chỉ thêm một cái quạt trần cũ, lủng lẳng to bằng cái rá tre, một chiếc tủ ọp ẹp đựng vài chai dầu gió và... hai cỗ quan tài cất trong buồng do con cháu gom góp chuẩn bị trước cho hai mẹ con bà.

'Nếu 'thằng' Hợi không dại thế này, ngày xưa nó cũng sẽ vào bộ đội. Làng này có đứa thanh niên trai tráng nào không vào lính. Nó dại nên'thoát' lính còn được ở nhà với mẹ đến ngày hôm nay. Ở nhà được với mẹ, nhưng lại điên dại, ngơ ngẩn thế này đây, 63 tuổi đầu vẫn hô hê ngơ ngác như thằng bé lên ba!' Bà vừa nói vừa cười. Những nụ cười thật nhẹ, nhưng cứ kéo khuôn mặt trông nhàu nhạu, khắc khổ hơn. Tay thì cầm cái quạt nan vừa quạt, vừa xua những chú ruồi bu trên mặt Hợi.

Mới tối qua, giữa đêm khuya, bà vẫn phải chống gậy tìm lôi Hợi về. Tối tối, thi thoảng Hợi vẫn bẻ cây làm súng, miệng 'bùm bùm' sùi bọt mép, 'đánh trận' với thương binh Khéo. Khéo thì móc đất nặn làm lựu đạn ném bùm bụp đầy người Hợi, hô 'xung phong.' Nhiều đêm, thương hai đứa, bà Giảng ngồi bệt xuống xem chúng 'đánh trận' mỏi miệng rồi mới dắt Hợi về.

Có đêm Hợi dí cả 'khẩu súng' vào đầu mẹ. Đêm mẹ lại hứng trọn một quả 'lựu đạn' bùn đất từ Khéo. Hôm mẹ khóc, hôm lại thấy... vui, chợt cười khi nhận ra đấy là nguồn vui còn lại của Khéo và Hợi. Rồi lặng lẽ ngồi xem, nhiều lúc cũng 'say trận,' hứng khởi hô 'xung phong' theo.

Gần 35 năm rồi, bà Giảng vẫn âm thầm, nhìn xem hai người đàn ông vây quanh cái 'chuồng trâu' của mình mà say sưa 'đánh trận,' những 'trận đánh' thời bình không thắng thua được mất, và cũng không biết đâu là hồi kết!

Chợt nhớ mấy câu đọc nghe nhói lòng của bà Thanh Chung, một phụ nữ Việt đang làm việc cho Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York:

Sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian
Để Ba Mươi Tháng Tư thôi là ngày 'Quốc hận'?
Sẽ cần thêm bao nhiêu tháng năm
Để 'Quốc giỗ' cho những người tử trận
Không phân biệt thắng - thua, được - mất.

Tôi đọc mấy câu này cho bà Giảng nghe. Không phải khóc, nhưng thấy bà vói tay, kéo vạt áo lau mắt, và ôm ghì Hợi vào lòng.


(*) Bài trích từ báo Người Việt Xuân Canh Dần

.

.

.

No comments: