Vì sao chúng tôi phải bị cuốn hút vào cuộc chiến này?
Trần Kinh Kha
18/04/2010 11:25 sáng 1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=19062
Tôi thuộc thế hệ 7X đời cuối.
Gia đình tôi có nhiều người ở cả hai bên chiến tuyến. Anh chị tôi đang làm trong ngành nhà nước, và đương nhiên tôi biết nhờ phong bì, tham nhũng mà họ nhanh chóng giàu có. Tôi từng thăng tiến trong cơ quan nhà nước và rồi bỏ ra đi, vì những thủ đoạn bè phái trong cơ quan. Bạn bè tôi làm trong các cơ quan công quyền cũng vì cái mác nhà nước, tuy đồng lương thì thấp nhưng bổng lộc và thủ đoạn thì nhiều lắm. Tôi thừa hiểu môi trường cơ quan cũng như các quan điểm chính trị, quan điểm quản lý nhà nước…
.
Ai nói chúng tôi không quan tâm đến lịch sử và chính trị là không đúng. Chúng tôi quan tâm cả chính luận lẫn phiếm luận. Nhưng tôi xin chia sẻ 1 vài quan điểm:
1. Nếu quý vị quan sát kỹ, sẽ thấy một bộ phận không nhỏ trí thức trẻ không tham gia vào những sự kiện nóng bỏng hàng ngày. Thay vào đó, chúng tôi lo kiếm tiền, lo định hướng con cái học hành. Bản thân tôi cũng sang một nước ngoài làm việc rồi cố gắng định cư bên đó.
2. Khi một con người rời khỏi Tổ quốc của họ, bỏ lại truyền thống, dân tộc, tổ tiên, thì thường có 2 lý do: 1. Quyết tâm họ rất lớn; và 2. Họ không thể nào sống được ở Tổ quốc đó.
3. Chúng ta cứ lý luận mãi ở Nhà nước pháp quyền, pháp trị, đa đảng v.v… Nhưng ai cũng thừa biết bản chất Nhà nước là Luật pháp và ngược lại. Ba hình thức của Luật pháp gồm: Tập quán pháp, Tiền lệ pháp, và Văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng chúng ta quá thừa hiểu Luật đã không đi kịp cuộc sống, thậm chí dùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm nơi lập ra Pháp lệnh để chữa cháy các văn bản Luật chưa ra đời, cũng đã không theo nổi. Trình độ làm Luật, nhân sự làm Luật thiếu và yếu kém.
4. Quý vị đòi dân chủ, có người phỉ báng quá khứ, có người cấp tiến dựa vào Luật để bẻ Luật như TS Cù Huy Hà Vũ… Nhưng chúng tôi thì không. Chúng tôi không dành thời gian hiến kế giải quyết chuyện ngập đường, kẹt xe cho Việt Nam; chúng tôi cũng không mạnh miệng đòi dân chủ hay đòi đa đảng. Vì chúng tôi tự nhận thức, không lý gì chúng tôi phải hy sinh cho đất nước này khi còn có những thành phần, những con người đứng trên cả Luật pháp.
5. Thay vào đó, chúng tôi dành thời gian kiếm tiền, học cho hết bằng cấp và đến một đất nước bình yên để sống cho thế hệ con chúng tôi. Nếu đất nước Việt Nam này có chết, dân tộc Việt Nam này có lầm than thì đó không phải là lỗi của những người chúng tôi. Chưa một dân tộc nào bi thương như dân tộc Việt, có một cuộc chiến tranh ý thức hệ trước 75, có một đời sống sau 75 nặng nề đến như vậy. Những người từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, dù 2 bên chiến tuyến, dù đúng hay sai, phải là những người có trách nhiệm giải quyết những gì đang tồn tại ngày hôm nay. Chúng tôi không có lỗi gì cả, vì chúng tôi sinh sau 1975. Chúng tôi không có lý do gì phải vướng vào những cuộc tranh luận triền miên về ý thức hệ, hay cách mạng màu, nhung, bạo động đang ngập tràn trên các phương tiện truyền thông.
6. Chúng tôi am hiểu, nghiên cứu về lịch sử dân tộc này. Nhưng chúng tôi đang vô cảm. Đúng. Vì chúng tôi chỉ còn 30 năm nữa để phấn đấu cho đời người. Chúng tôi chỉ tin vào Công lý, Quy luật. Chứ không tin vào Đảng phái hay hình thức Nhà nước. Những thế hệ từng cầm súng 2 đầu chiến tuyến nên minh định rõ điều ấy.
7. Nói ngắn gọn: chúng tôi thuộc về một thành phần trí thức có thu nhập, đang bỏ rơi đất nước này. Quý vị có quyền chỉ trích, phỉ báng quan điểm sống của chúng tôi. Nhưng nếu Quý vị muốn hỏi: Vì sao? Thì câu trả lời này, tôi đã nêu ở điều 2.
© 2010 Trần Kinh Kha
© 2010 talawas
---------------------------------
Phản hồi
.
Trương Đức nói:
“Chúng tôi am hiểu, nghiên cứu về lịch sử dân tộc này. Nhưng chúng tôi đang vô cảm.” (Trần Kinh Kha)
Bạn Trần Kinh Kha,
Trước hết, vì biết chính xác bạn ít tuổi hơn tôi, nên xin được gọi bạn là bạn. Tôi xin có vài lời “tâm sự” với bạn như thế này: Tôi rất hiểu tâm tư của bạn, bởi vì tôi cũng là một kẻ rời Tổ quốc Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment