Thursday, April 15, 2010

TRUNG QUỐC TRÓI BUỘC LÁNG GIỀNG

Trung Quốc trói buc láng giềng

Nguồn: Walden Bello, Asia Times

Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ

12.04.2010

http://www.x-cafevn.org/node/156

Trong khi cuộc thương thuyết Daho của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đang ở trong tình trạng dang dở, các quốc gia nặng kí trong thương mại quốc tế tham dự vào một cuộc ganh đua để thâu thập những thỏa thuận thương mại với các quốc gia yếu kém hơn. Trong trò chơi này, Trung Quốc là một trong những quốc gia hung hăng nhất, đó là điều được ghi nhận vào mùng 1 tháng 1 năm 2010 khi Khu Vực Tự Do Thương Mại Trung Quốc-ASEAN (China-ASEAN Free-Trade Area, CAFTA) bắt đầu có hiệu lực.

Được quảng cáo như là khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, CAFTA sẽ bao gồm 1.7 tỷ người tiêu thụ với một tổng sản phẩm quốc nội chung 5.9 ngàn tỷ đô la và tổng thương mại trị giá 1.3 ngàn tỷ đô la. Dưới thỏa thuận này, thương mại giữa Trung Quốc và Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan, và Tân Gia Ba sẽ được miễn thuế nhập cảng cho 7.000 món hàng. Vào năm 2015, các quốc gia hội viên mới của ASEAN, bao gồm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, và Miến Điện sẽ gia nhập thỏa thuận miễn thuế quan này.

Những bộ máy tuyên truyền, nhất là ở Bắc Kinh, rống lên là thỏa thuận tự do thương mại này sẽ đem lợi ích chung đến cho Trung Quốc và ASEAN. Ngược lại, các quốc gia ASEAN thì lại im hơi lặng tiếng. Vào năm 2002, năm mà thỏa thuận được ký, Tổng Thống Phi Luật Tân Gloria Macapagal-Arroyo ca ngợi sự thành lập một “hợp tác trong vùng kỳ diệu” mà nó sẽ sánh đôi với Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu. Dường như các lãnh tụ của ASEAN bắt đầu nhìn ra hậu quả của những gì họ đồng ý: đó là trong CAFTA, hầu hết những mối lợi có thể sẽ chảy về phía Trung Quốc.

Nhìn thoáng qua thì dường như mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN trông có vẻ tích cực. Dù sao thì con số cầu của nền kinh tế Trung Quốc đang đi lên ở một mức độ nhanh chóng. Nó là một yếu tố quan trọng trong sự tăng trưởng ở Đông Nam Á bắt đầu vào năm 2003 sau một gian đoạn tăng trưởng chậm vì cơn khủng hoảng tài chính Á Châu trong những năm 1997 và 1998.

Theo một bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc, nói một cách tổng quát về Á Châu trong năm 2003 và đầu năm 2004, “Trung Quốc là một động cơ tăng trưởng quan trọng cho hầu hết các nền kinh tế trong vùng. Quốc gia này nhập cảng nhiều hơn xuất cảng với phần lớn đến từ những nước Châu Á còn lại”. Các chính phủ ASEAN, cũng như Hoa Kỳ, thoát khỏi cơn cùng cực trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay là nhờ vào Trung Quốc - một quốc gia với tỷ lệ tăng trưởng trung bình dự đoán hàng năm sẽ là 10.7 phần trăm cho tam cá nguyệt cuối của năm 2010.

Hình ảnh phức tạp hơn

Nhưng đầu xe lửa Trung Quốc liệu có kéo theo số toa Đông Á còn lại trên con đường hỏa tốc đến thiên đường kinh tế không? Đúng ra, sự tăng trưởng của Trung Quốc xảy ra là có phần nhờ vào Đông Nam Á. Lương thấp đã khiến các hãng sản xuất của người địa phương và ngoại quốc ngừng hoạt động ở Đông Nam Á tương đối có lương cao và chuyển qua Trung Quốc.

Việc Trung Quốc phá giá đồng nguyên vào năm 1994 đã làm chuyển hướng một số đầu tư ngoại quốc trực tiếp ra khỏi Đông Nam Á. Khuynh hướng các quốc gia ASEAN bị Trung Quốc lấn chân tăng nhanh hơn sau cơn khủng hoảng tài chính vào năm 1997. Trong năm 2000, từ 30 phần trăm trong giữa thập niên 1990, đầu tư ngoại quốc trực tiếp vào ASEAN rút lại còn 10 phần trăm của tổng số đầu tư ngoại quốc vào phát triển Á Châu.

Sự thoái hóa tiếp tục cho đến hết thập niên với bản Phúc Trình về Đầu Tư Thế Giới của Liên Hiệp Quốc gán chiều hướng đi xuống một phần cho “cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc”. Vì Nhật Bản là quốc gia đầu tư ngoại quốc linh động nhất trong vùng, những chính phủ của các nước trong ASEAN đều lo ngại khi chính phủ Nhật công bố kết quả của một nghiên cứu cho biết 57 phần trăm các công ty sản xuất xuyên quốc gia của Nhật thấy Trung Quốc rẻ hơn các quốc gia ASEAN-4 (Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, và Phi Luật Tân).

Trở ngại trong quan hệ thương mại

Thương mại là một quan ngại khác và có lẽ còn lớn hơn. Những hàng hoá nhập cảng lậu một cách quy mô từ Trung Quốc đã gây rối loạn hầu hết tất cả các nền kinh tế của ASEAN. Thí dụ điển hình là khoảng 70-80 phần trăm cửa hàng giày dép ở Việt Nam bán hàng hoá lậu từ Trung Quốc và kỹ nghệ sản xuất giày dép ở Việt Nam bị thiệt hại rất nặng nề.

Trong trường hợp Phi Luật Tân, Joseph Francia và Errol Ramos của Hội Tự Do Thương Mại viết một bài mới đây cho rằng kỹ nghệ giày dép trong nước của họ cũng bị điêu đứng vì hàng hoá nhập cảng lậu từ Trung Quốc. Thật ra, các loại hàng hoá bị ảnh hưởng một cách tiêu cực còn nhiều hơn thế nữa, chúng bao gồm thép, giấy, xi măng, sản phẩm hoá học từ dầu thô, nhựa, và gạch lót nhà. Họ viết “Nhiều công ty Phi Luật Tân, ngay cả những công ty có thể cạnh tranh trên toàn thế giới, phải đóng cửa hay giảm mức sản xuất và nhân công vì hàng lậu”.

Vì lý do nhập cảng hàng lậu này, những con số thương mại chính thức mà Trung Quốc phổ biến qua toà đại sứ Trung Quốc ở Manila chứng tỏ Phi Luật Tân đang có một cán cân thương mại dương về hàng hoá sản xuất và kỹ nghệ là điều đáng nghi ngờ.

CAFTA có lẽ chỉ để hợp thức hoá buôn lậu và làm xấu đi những hiệu ứng vốn đã tiêu cực của đồ nhập cảng Trung Quốc trên kỹ nghệ trong ASEAN.

Tai họa “thu hoạch sớm” của Thái Lan

Khi nói về canh nông, các khuynh hướng đi xuống lại càng rõ hơn. Thí dụ, ngay cả lúc chưa có tự do thương mại, Phi Luật Tân đã có 370 triệu đô la thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc. Tôi vừa mới viếng tỉnh Benguet, một vùng sản xuất rau và trái cây quan trọng của Phi Luật Tân. Các nông dân rất nản chí, hầu như họ chấp nhận bị tán gia bại sản bởi hàng hoá Trung Quốc tràn ngập thị trường đương nhiên xảy ra. Một viên chức trong chính phủ khuyến cáo họ rằng cơ hội sống còn duy nhất của họ là dùng đến điều khoản giới hạn thương mại, dựa trên quan ngại là trái cây và rau nhập cảng từ Trung Quốc không hội đủ tiêu chẩn vệ sinh – nhưng đây là một nước cờ nguy hiểm vì có thể gây ra những biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Ông tỉnh trưởng than phiền là họ không biết gì về CAFTA với đa số nông dân không bìết là Phi Luật Tân đã ký thỏa hiệp từ năm 2002.

Những ưu phiền đắng cay tương tự cũng xảy ra ở Thái Lan, nơi mà cái tác hại của thỏa thuận “thu hoạch sớm” với Trung Quốc dưới CAFTA được ghi chép cẩn thận hơn.

Dưới thỏa thuận này, Thái Lan và Trung Quốc đồng ý bãi bỏ ngay lập tức mọi thuế quan cho trên 200 món hàng rau và trái cây. Thái Lan sẽ xuất cảng trái cây xứ nóng sang Trung Quốc, trong khi trái cây mùa đông từ Trung Quốc cũng sẽ hưởng chế độ miễn thuế khi được nhập cảng vào Thái Lan. Tuy nhiên, hy vọng hai bên sẽ hưởng lợi chung bị tan biến sau vài tháng. Thái Lan đằng lưỡi.

Một nhận xét cho là “mặc dù với phạm vi có giới hạn của thỏa thuận thu hoạch sớm giữa Trung Quốc –Thái Lan, thỏa thuận này có một tác động quan trọng trên những vụ mùa liên quan. Cái ‘tác động quan trọng’ này là làm triệt tiêu ngành sản xuất tỏi và hành đỏ ở bắc Thái Lan và làm tê liệt buôn bán trái cây và rau quả vùng ôn đới đến từ những nông trại miền thượng du Thái”. Báo chí Thái đổ lỗi cho các viên chức ở miền nam Trung Quốc từ chối bãi bỏ thuế quan như đã được quy định trước trong thỏa thuận, trong khi chính phủ Thái Lan bỏ hàng rào thuế quan cho hàng hoá Trung Quốc.

Lòng oán hận vì thỏa thuận thu hoạch sớm giữa Trung Quốc –Thái Lan trong số các nhà trồng trọt trái cây và rau Thái đã góp phần vào thất vọng tràn trề với chương trình tự do thương mại rộng lớn hơn của chính phủ Thaksin Shinawatra. Sự chống đối tự do thương mại là một đặc điểm nổi bật của sự trổi dậy của dân chúng mà nó đã kết thúc bằng cuộc đảo chính lật đổ chính phủ vào tháng 9 năm 2006.

Kinh nghiệm thu hoạch sớm của Thái đã gây ra lo âu không những trong Thái Lan mà còn cả khắp Đông Nam Á. Nó chế thêm dầu vào lửa lo sợ là ASEAN sẽ trở thành chỗ tống tháo cho những ngành kỹ nghệ và nông nghiệp vô cùng rẻ mạt của Trung Quốc, và điều này có thể làm hạ giá vì nhân công rẻ ở thành thị Trung Quốc và rẻ hơn thế nữa khi họ đến từ vùng quê. Tuy nhiên, các chính phủ ASEAN bỏ ngoài tai những lo sợ của thợ thuyền vì họ vô cùng đắn đo khi trọc giận Bắc Kinh.

Quan điểm của Trung Quốc

Đối với các quan chức Trung Quốc, những lợi điểm của thỏa thuận tự do thương mại với ASEAN cho Trung Quốc đã rõ ràng. Theo kinh tế gia Trung Quốc, Angang Hu, mục đích của chiến lược này là sát nhập Trung Quốc thêm vào kinh tế hoàn cầu như là “trung tâm kỹ nghệ sản xuất thế giới”. Phần chủ yếu của dự tính này là mở tung thị trường ASEAN cho hàng hoá sản xuất từ Trung Quốc. Vì chỉ thâu nhận khoảng 8 phần trăm hàng hoá xuất cảng từ Trung Quốc, họ xem Đông Nam Á là một thị trường lớn với tiềm năng rất cao để thu nhận hàng hoá càng nhiều, đó là điều thật quan trọng, nhất là khi nói về cảm tính bảo vệ thị trường đang trở nên càng phổ thông ở Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu.

Hu biện luận: chiến lược thương mại của Trung Quốc là một “mô hình mở một nửa. Mở, hoặc tự do thương mại ở bên xuất cảng, và chủ nghĩa bảo hộ ở bên nhập cảng.”

ASEAN là người thụ hưởng?

Cho dù với những câu phát biểu khí khái từ Arroyo và các nhà lãnh đạo ASEAN khác vào năm 2002 khi thỏa hiệp được ký kết, hiện nay không ai biết rõ làm cách nào ASEAN sẽ hưởng lợi từ quan hệ ASEAN – Trung Quốc. Chắc chắn là các lợi ích không đến từ lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động vì Trung Quốc đang có ưu thế lao động rẻ tiền không ai địch lại. Các lợi ích cũng không đến từ công nghệ cao, vì ngay Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đang sợ khả năng đáng kể của Trung Quốc nhanh chóng chuyển sang kỹ nghệ công nghệ cao, ngay cả khi Trung Quốc củng cố ưu thế về sản lượng thâm dụng lao động.

Nền nông nghiệp trong ASEAN cũng sẽ không phải là lĩnh vực thụ hưởng. Như kinh nghiệm thu hoạch sớm của Thái Lan và Phi Luật Tân đã chứng tỏ, rõ ràng là Trung Quốc có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp siêu rẻ, từ các vụ mùa miền ôn đới cho đến rau quả của miền bán nhiệt đới, cũng như chế biến nông phẩm. Việt Nam và Thái Lan có thể kềm giữ sản xuất gạo của họ, Nam Dương và Việt Nam thì cà phê, Phi Luật Tân thì dừa và sản phẩm dừa, nhưng cũng chẳng có nhiều sản phẩm nữa để cho vào danh sách này.

Thêm vào đó, cho dù dưới CAFTA, tỷ dụ ASEAN có lấy lại hay còn giữ sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực sản xuất hay thương mại, Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ cái mà kinh tế gia Trung Quốc, Angang Hu gọi là mô hình “mở một nửa” của thương mại quốc tế. Kinh nghiệm thu hoạch sớm của Thái Lan đã làm sáng tỏ sự hiệu nhiệm của rào cản hành chính được dùng như rào cản cho miễn thuế quan ở Trung Quốc.

Nói về nguyên liệu thô, Nam Dương và Mã Lai có dầu, thứ đang hiếm hoi ở Trung Quốc, Mã Lai có cao su và thiếc, và Phi Luật Tân có dầu cây cọ và kim loại. Tuy nhiên, Trung Quốc hầu như đang lập lại cách phân chia lao động theo lối thực dân ngày xưa, theo đó, họ nhận tài nguyên và sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng thấp và bán lại cho thị trường Đông Nam Á những hàng hoá chế tạo có giá trị gia tăng cao.

Với thương thuyết về thương mại đa phương đang bị tắc nghẽn ở Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, những quốc gia có thương mại lớn đang tham dự vào cuộc thi đua để dành giựt những thỏa thuận thương mại với những quốc gia có thương mại yếu. Trung Quốc chứng tỏ là một nước thành công nhất trong trò chơi này sau khi thành lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới.

Đối với Trung Quốc, những lợi ích thì quá rõ ràng. Đối với những quốc gia thành viên Đông Nam Á, những lợi ích thì không rõ lắm. Thật vậy, với sự xói mòn có thể về kỹ nghệ và nông nghiệp trong nước, Đông Nam Á sẽ phải trả một giá đắt cho một thỏa thuận ám muội.

.

.

.

No comments: