Thuỵ Vi
“ Lộ diệc vũ trùng trung chi nhất…”
Con người ta khi đã có một quảng đời dằng dặc khổ đau, mất mát, thương tổn, đáng lẽ không nên ngoái đầu nhìn lại làm gì. Nhưng rồi mỗi năm cứ đến ngày oan trái, những vết thương cũ tưởng lành lại tứa máu…
Nhớ lại, tôi không can đảm đối mặt với nó, nhưng cảm giác về những năm tháng ấy nói không bao giờ hết.
Bị Đuổi Ra Khỏi Ngôi Nhà Của Mình:
Sau khi ủy ban quân quản tịch thu ngôi nhà do chính đồng tiền lương thiện chắt chiu của cả hai vợ chồng, tôi không biết mình đứng chết lặng như cái xác không hồn trong bao lâu, trước khi dắt diú đứa con trai bốn tuổi với một bào thai vừa lớn trong bụng cùng chút tư trang còm cõi để bắt đầu bước vào đời sống vô vọng mịt mù trong mảnh đời còn lại.
Tôi chới với khi bổng dưng bị ném ra ngoài một cách tàn nhẫn trong một xã hội lạ lẫm, ngột ngạt, hận thù. Tôi không biết cầu cứu ai? Chồng tôi bị bắt, cha tôi bị bắt, bà con họ hàng ai ấy hoảng loạn, kẻ còn người mất, người bị bắt, người thoát chạy ra khỏi nước….! Tôi đau đớn vì cảm thấy mình thật trơ trọi. Trong cảnh cùng đường tuyệt vọng này, tôi không còn cách lựa chọn nào khác nên đành phải đưa con về nhà mẹ ruột và ông dượng ghẻ của tôi đang sống tại Cần Thơ.
Những ngày tháng này mới thật kinh khủng, suốt ngày ông dượng ghẻ kiếm chuyện khủng bố tôi bằng cách cứ chửi chó mắng mèo hay tra tấn tinh thần tôi bằng cách đem con tôi ra rầy rà đay nghiến, có khi còn đánh thật tàn nhẫn mặc dù cháu không có lỗi gì quá đáng. Mẹ tôi thương tôi nhưng mẹ tôi bất lực, cho nên chỉ nhìn tôi đau khổ như an ủi, hoặc hai mẹ con chỉ ôm nhau khóc thầm. Người hàng xóm biết ý đồ ông dượng ghẻ, kêu tôi mách nước…Thế là tôi móc hết tiền bạc, tư trang, món lớn món nhỏ, kể cả bông tay nhẫn cưới… nạp hết cho ông. Mong ông tội nghiệp thương tình cho tôi tá túc có nơi ở sinh con và đợi chồng.
Sinh con xong. Chỉ tuần lễ sau là tôi đã trở ra ngồi bán thùng thuốc lá ngay đầu đường để kiếm sống. Tưởng đã yên thân, ai ngờ, đứa con mới sinh chưa đầy ba tháng, ông dượng ghẻ bắt đầu dùng chiến thuật để vòi tiền khủng khiếp hơn, vì lúc nào trong đầu ông cũng đinh ninh là chúng tôi lắm của nhiều tiền nhưng khéo dấu. Bởi với những chức vụ mà ngày xưa chồng tôi đảm nhiệm, nếu không là một sĩ quan thanh liêm, chồng tôi có 1001 cơ hội để làm giàu. Lần này, tôi thật sự không biết phải làm sao, vì hôm trước, hai chị chồng cùng vài bà con có cho chút đỉnh, nhưng tôi đã trang trải tiền bịnh viện, tiền sữa, tiền ăn uống thuốc men nằm cữ hết rồi. Thế là ông dượng ghẻ và mẹ tôi bắt đầu cải cọ cào cấu nhau suốt ngày. Khiến con tôi cứ mếu máo sợ hãi trốn núp trong góc nhà, kẹt cửa. Chịu không nỗi, tôi thu xếp những món cần dùng và ba mẹ con chúng tôi bồng chống ra đi!
Tôi bơ vơ, ôm con đi trên phố như người thất thần, đứa con lớn lẻo đẻo sau lưng. Ba mẹ con thất thểu đi tới đi lui. Giờ phải đi đâu đây? Sống ở đâu đây? Khi tất cả đã mất hết. Nhà cửa không còn, tiền bạc không còn. Còn đường nào nữa đâu, ngoài con đường chết !? Ý tưởng chết vừa manh nha trong đầu và tiếp tục thôi thúc xúi tôi quày quả ra bến phà Cần Thơ.
Cần Thơ lên Sài Gòn phải qua con sông rất rộng, nước chảy xiết dưới những chiếc phà lớn đưa người và xe cộ qua lại. Nhảy ùm xuống đó là an toàn nhất, dễ dàng nhất và chết nhẹ nhàng nhất. Chiếc phà từ từ trôi ra giữa sông. Tay ôm đứa con sơ sinh, tay nắm cứng đứa con lớn, tôi mon men ra phía trước, chổ đường xe lên xuống, không có những hàng lan can chắn giữ. Tôi đứng im hồi lâu nhìn xuống dòng nước bên dưới. Tôi dự định thật nhanh trong đầu là sẽ ôm hai con tôi thật chặc trong ngực rồi lao xuống… Gió lồng lộng. Đứa lớn có vẻ lạnh, sợ, khóc tấm tức, tôi cúi xuống bế con lên nghẹn ngào “ Mẹ con mình cùng chết nghe con?” Đứa bé bốn tuổi hiểu gì đâu, nhưng bỗng nhiên con tôi khóc lớn lên lắc đầu quầy quậy “ Không! Không!” Tiếng la khóc xé lòng của đứa con khiến tôi giật mình, sửng người và tỉnh lại. Tôi vội vàng ôm con dỗ dành, miệng như lập bập trong nước mắt “ Mẹ xin lỗi! Xin lỗi, con ơi! ”
Thoát qua được cái chết trong giây phút ngu muội, tôi cảm thấy mình phải mạnh dạn hơn, can đảm hơn, và sẵn sàng đương đầu với cuộc đời để bảo vệ hai đứa con của mình.
Cuối cùng, một người bạn thân tên Duyên cám cảnh, sẵn sàng đùm bọc mẹ con tôi. Cảm động nghĩa cử này, và không muốn bạn tôi bị phiền phức và có thể bị liên lụy với công an, khu phố vì dám chứa chấp “ vợ ngụy” trong nhà. Tôi thuyết phục bạn tôi cho mẹ con tôi dọn ra cái chòi dùng để chứa củi ở phía sau hè.
Đêm đầu tiên ngủ trên vạt giường đóng từ mấy thân cây tràm, tôi phải lôi hết mền gối quần áo để lót cho con tôi nằm cho đỡ cấn. Nửa đêm trời bỗng đổ mưa, khi gió thổi, mái lá tốc lên, mưa xối qua khe lá tạt xuống, mùng chiếu ướt đẫm, ngọn đèn dầu tù mù một hồi rồi tắt ngấm, tôi lết tìm chổ nào đỡ dột nhất, vừa ôm ấp che chắn vừa quạt muỗi cho hai đứa con bé bỏng bất hạnh của mình. Trong hoàn cảnh này, tôi không còn nước mắt đâu để khóc. Cũng không còn cảm xúc để kêu trời hay gọi đất. Chỉ mong trời mau tạnh mưa, trời mau sáng. Nhưng, như chị Dậu – Tôi cô đơn tê tái nhìn ra bên ngoài trời đen thăm thẳm tối mịt tối mù…
Kiếm Sống
Một tấm ni-lon trải dưới đất ở góc chợ với mớ quần áo cũ để bán, là nghề mới của tôi. Sáng hừng đông, tay bồng tay dắt, ba mẹ con đã có mặt ngoài chợ. Trong khi tôi bận mua bán, hay chạy tới chạy lui lấy hàng thì đứa con trai lớn biết phụ mẹ, trông hàng hay đùa giỡn với đứa em gái nằm quơ tay quơ chân o e cũng vừa tập lật. Khi nào buồn ngủ lắm hay mệt thì cứ nghẻo đầu dựa trên đùi tôi thiu thiu ngủ. Nhiều hôm trời đứng bóng, nắng quá thì tôi kiếm chổ mát, hay kiếm những xe ba bánh trống rồi trải cái khăn, lấy nón lá úp lên mặt là con tôi ngủ ngon lành. Mẹ con tôi sống như vậy vừa nuôi chồng vừa nuôi nhau được nửa năm, thì một hôm chị La Phú Xương, vợ bạn của chồng tôi tình cờ đi ngang, gặp tôi chị mừng, đang cười hỉ hả, đến khi thấy hai con tôi lam lủ bụi đời, thì chị xúc động, xốc hai đứa con tôi lên nói như nghẹn ngào “ Thiếm để tôi giữ mấy đứa nhỏ này trong nhà, chứ phơi nắng tụi nó riết có ngày sinh bệnh mà chết” Thấy chị lẹ làng tốt bụng, tôi không biết nói gì, thầm cảm ơn Trời và khóc.
Một lần nữa, mẹ con tôi bồng chống ra đi trong bịn rịn luyến lưu, từ giã gia đình chị Duyên, chia tay mái chòi dột nát đầy ân tình đến tạm trú nhà chị Xương.
Hoàn cảnh chị Xương có hơn gì tôi đâu? Nếu có hơn là chị còn được cái nhà. Anh Xương đi tù, bốn mẹ con chị bửa đói bửa no. Đến khi đã nạy hết những viên gạch men cuối cùng trong ngôi nhà lam nham lở dở, không còn gì để bán. Chị Xương bắt đầu tập tành đi buôn lậu gạo, thịt từ Cần Thơ lên Sài Gòn. Chuyến nào lọt thì có tiền mua gạo ăn, chuyến nào bị bắt thì hết vốn, Sơn, đứa con trai út thấy chị cực quá, ban đêm ra bến xe, đạp xe đạp ôm phụ mẹ.
Trong mỗi mảnh đời của những người đàn bà có chồng bị tù cải tạo, không có mảnh đời nào sướng hơn mảnh đời nào. Mảnh đời nào cũng chỉ toàn là nước mắt và những năm tháng nhọc nhằn. Khi người đàn bà dang thân ra đứng bán chợ trời thì gặp trăm ngàn cay đắng và người đàn bà đi buôn lậu từng bịch gạo, ký thịt cũng trăm phần cay đắng như nhau. Ngày nào cũng bị “ bạn hàng” chèn ép, nước mắt chảy không thôi, nhưng khi gặp chồng mặt mày tươi tỉnh “ chú đừng lo, ở nhà mấy mẹ con em sống đầy đủ”.
Cũng trong giai đoạn này, những tên lơ xe, tài xế, đứng bến, có dịp o ép những người vợ cùng khổ mới thấy ghê…Giậu đổ thì bìm leo, ai không biết, nhưng trong lúc này, chiến tranh cơm gạo, giành nhau từng ký bo bo, từng ký mì sợi, từng lít nước muối pha màu, khiến người đàn bà khác hẳn, sù lông giương móng để giữ chặt phần ăn cho con mình. Thời thế còn tàn nhẫn biến một người phụ nữ qúy phái, mềm mõng trở nên đanh đá, quyết liệt. Nếu không, không sống được, có khi còn phải tan nát gia đình với bọn tiểu nhân đắc ý.
Ngoài lòng tin có Thượng Đế, tôi còn tin tình người đã giúp cho tôi gặp lại vợ chồng chú Sáng - người tài xế cũ của chồng tôi, để từ đó chấm dứt cuộc sống lang thang như mèo mẹ bơ vơ tha con mình đi cùng khắp.
Năm đó, chú Sáng đang làm tài xế, nhưng bất cẩn để gây ra tai nạn cán chết con trai hai tuổi của ông Nguyễn Thanh Tòng, trưởng ty Cảnh Sát tỉnh Chương Thiện. Buổi sáng đó, như thường lệ, chú đem chiếc Scout đậu trước nhà chờ chồng tôi, thường chú hay nổ máy xe sẵn cho ấm và có lẽ đang loay hoay làm gì đó nên không thấy đứa bé lon ton theo người cậu băng qua đường mua đồ ăn sáng. Bất ngờ, thằng bé không đi tiếp, quay đầu lại rồi chun tọt vô lườn xe ngồi chơi. Chồng tôi từ nhà đi ra, mở cửa xe bước lên. Xe vọt tới, hàng xóm la hoảng, nhưng đã trễ!
Dĩ nhiên chú Sáng phải ra toà. Chúng tôi hết lời trình bày năn nỉ, vợ chồng ông Tòng thông cảm nên bãi nại. Tuy chồng tôi trấn an, và giúp chú, với những gì anh có thể giúp, nhưng chú Sáng có vẽ không yên tâm và nôn nóng bỏ trốn. Trước khi đi, chú có lén đến từ giả tôi và dĩ nhiên tôi giấu chồng, còn dắm dúi chút đỉnh cho chú về quê làm vốn.
Sau năm 75 chú nghe người ta kể những biến cố trong gia đình tôi. Vợ chồng chú thật đau xót và quyết tâm tìm cho ra tung tích vợ con người chỉ huy cũ. Chúng tôi nhìn nhau kể lể khóc cạn khô nước mắt. Rồi cười. Mừng mừng tủi tủi. Như trong gia đình, vợ chồng chú trình bày thiệt hơn, nói tôi đừng ngại, hãy về quê của vợ chồng chú mà sống.
Cảnh dang thân dầm mình giữa chợ đã khiến tôi thấm mệt, Con tôi đã đến tuổi đi học, một chổ yên thân có cái hộ khẩu, con tôi mới được vào trường. Lời đề nghị của vợ chồng chú ngay lúc cần thiết nhất, như cái phao trong tầm tay, tôi hết sức mừng rỡ.
Nghe tôi nhận lời, vợ chồng chú hối hả về quê dựng cho mẹ con tôi mái nhà, sắp đặt đâu đó xong xuôi rồi tức tốc trở xuống Cần Thơ đón mẹ con tôi, như sợ tôi đổi ý. Ngày chia tay, thương nhất là hai đứa con gái chị Xương, thời gian ở chung mến hơi quen tiếng, giờ ra đi mấy đứa nhỏ ôm nhau khóc mùi mẩn, bịn rịn không rời.
Chúng tôi về Vàm Cống, ở trong ngôi nhà tranh kín đáo, cất giữa đồng, nhà chúng tôi có giường cây, bàn cây, ghế cây, tuy chỉ những loại gỗ tạp rẻ tiền nhưng tôi cảm thấy mình thật giàu có và bắt đầu học bài học biết ơn mọi thứ.
Tôi là người sống động, nên cho dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải nếm qua bao khốn khó tủi nhục gì, dù đang ở một nơi thiếu tiện nghi nhất – như vùng quê này, không điện, không nước máy, không TV, nhưng tôi lúc nào cũng tìm một cái gì vui để quên khốn khó, vẫn thêu dệt nhiều mộng đẹp, thí dụ mái chòi tranh tôi đang ở thi vị hoá là “lều thơ” và biến nó thành một nơi ở thơ mộng, là một nơi an toàn cho các con tôi có chổ chạy nhảy nô đùa. Thời gian này, còn có thêm cháu Thủy, con gái vợ chồng chú Sáng ra ở chung quây quần đùm bọc lấy nhau. Sáng sáng tôi lên chợ Long Xuyên bán buôn thì mấy chị em ở nhà, chiều chiều tôi xách gạo, thức ăn về nấu, cả nhà xúm lại ăn với nhau thật vui, tối tối tôi lấy mấy cuốn truyện cũ đọc cho các con tôi nghe, thằng con trai lớn của tôi mê lắm, như cuốn Thủy Hử nó thuộc lòng. Các con tôi không cha là một thiệt thòi rất lớn, nên tôi phải làm tất cả, hết sức mình để bù đắp cho con. Hôm nào có gánh hát, tôi và Thủy đạp hai xe chở hai đứa nhỏ đi coi hát. Tối khuya đạp về giữa cánh đồng lồng lộng gió, tôi thấy lòng mình bình yên và hy vọng đời tôi hết long đong từ đây.
Trong một bài viết nào đó của bà Quỳnh Dao, có một đoạn tôi nhớ bà viết y hệt tâm trạng và hoàn cảnh của tôi lúc này...
“…Cuộc sống đã yên ổn, những ngày tháng sống lang thang đã đi qua. Khi đã yên ổn rồi, tôi mới thấm thiá được cái được, cái mất mà cả đời người phải vật lộn với nó, cuộc đấu tranh để sinh tồn mới thật vô tình, cay đắng và lạnh lùng làm sao! …[ngưng trích]…”
Riêng tôi, trong lúc này, nó còn thêm nỗi quạnh hiu, lẻ loi khi nằm nghe tiếng ếch nhái rền rã như than như thở, thảm thiết chung quanh, cái âm điệu đó ám ảnh tôi cho tận hôm nay, khi tôi đã yên ổn sống trên nước Mỹ, nhiều đêm ngủ giật mình hoảng hốt choàng dậy, lắng nghe…may quá, chỉ là tiếng gió!
Mảnh vườn “ Thượng Uyển” nho nhỏ của tôi trồng bưởi Năm Roi, ổi xá lị, đu đủ, mận Hồng Đào, mỗi thứ một cây đang lớn sơn sởn, sum suê thì trận lụt kinh hồn năm 1978 nhận chìm nghĩm hết. Mấy mẹ con tôi nhờ lối xóm đóng cho cái sàn sát mái nhà để ở. Diện tích cái sàn chật chội, nên bếp núc thật đơn giản - nấu nồi cơm, kho nồi cá ăn mấy ngày. Chú Sáng cẩn thận lắm, đem cái kẻng treo nơi đầu giường để đêm hôm có gì không ổn thì khua kẻng la toáng lên cho hàng xóm biết. Thỉnh thoảng thiếm sáng tiếp tế đồ ăn, bánh trái, có lần thiếm nấu canh chua bắp chuối với xương cá khô, lần đầu tiên ăn, tôi thấy vị lạ, bửa đó tôi ăn thật chậm, húp một miếng canh vô miệng ngậm thật lâu cho thấm rồi mới nuốt. Tuyệt ngon, nhớ suốt đời!
Sống cheo leo giữa bốn bề là nước suốt hơn tháng trường, nhưng các con tôi sởn sơ, cũng lạ ?
THĂM NUÔI
Đời sống trôi qua một cách vật vã. Những ngày tháng tất tả chạy ngược chạy xuôi, thăm nuôi cha, thăm nuôi chồng, nuôi con và nuôi mình, khiến tôi tàn tạ không ngờ, nét bơ phờ cằn cỗi xuất hiện thật nhanh trên mặt tôi. Người vợ “thục nữ yểu điệu” hay “đoá Hồng tinh khôi” mà chồng tôi hay gọi giờ tiều tụy như con ma đói.
Nhà tôi cách phà Vàm Cống đúng hai cây số, mỗi chuyến thăm nuôi chồng, phải đi trở ngược hướng Cần Thơ, tôi phải dậy lúc nửa đêm, hai mẹ con khiêng vác những bao bị giỏ xách khệ nệ đi bộ ra tới bến phà, đập cửa nhà ông thuyền câu, nhờ ông chở qua sông để kịp đón xe tài nhất từ Long Xuyên chạy xuống lúc ba giờ sáng.
Chiếc thuyền câu chúng tôi ngồi qua con sông lớn là một chiếc thuyền thon gọn, chèo tay. Nếu nhìn trong tranh, chụp trong hình thì thật là thơ mộng, nhưng thực tế mẹ con tôi ngồi hồi hộp bấu vào mạn thuyền cho chặc khi thuyền băng ngang dòng nước chảy xiết trên khoảng sông rộng mênh mông trong đêm tối chập chùng. Nhiều lần cứ tưởng những con sóng chồm lên, nhận chiếc thuyền xuống nước.
Trong chuyện Khóc Lặng Thinh, tôi có kể gần tám năm trời tôi và đứa con trai đầu lòng vừa bốn tuổi có rất nhiều kỷ niệm tủi cực trong những chuyến thăm nuôi… Trong những lần đó, mẹ con chúng tôi nhiều đêm phải ngủ ngoài lề đường, hoặc là ngồi bó gối suốt đêm ngoài bến xe, ngủ lăn lóc ngoài bến tàu, ngủ bờ, ngủ bụi… thậm chí tôi cũng thường xuyên tòn ten đeo cửa xe đò trên quảng đường đầy ổ gà dài vài chục cây số. Có một lần xe đò bể bánh, lật nhào, lăn nhiều vòng, tôi ôm chặt lấy con tôi mà tưởng hai mẹ con cùng chết. Khi chiếc xe nặng nề nằm im thôi không lăn nữa và biết mình còn sống, hai mẹ con lóp ngóp run rẩy chen chúc bò ra, tôi vội vàng rờ rẫm khắp cùng mình mẩy con để chắc coi con mình có bị gì không, miệng năn nỉ hỏi coi con đau chổ nào. Biết con không sao, tôi yên tâm rồi thảng thốt đi như người mộng du bươi tìm trong đống ngổn ngang lôi ra bao thức ăn thăm nuôi bẹp rúm rồi kéo lê kéo lết lên bờ đường. Tai nạn tuy không có người chết nhưng chung quanh tôi mọi người kêu réo lao xao. Lúc này tôi mới cảm thấy thân thể tôi rã rời, vừa ôm dỗ đứa con bé bỏng xanh xao nằm thiêm thiếp mệt nhọc trên ngực mà tôi tê tái, buồn đến quặn thắt đau xót ruột gan. Tôi lặng lẽ ôm con mà khóc.
Trại tù Kinh Năm tại xả Hoả Lựu tỉnh Chương Thiện là một tập đoàn ăn hối lộ trắng trợn. Tù muốn đi phép về thăm vợ? muốn đi công tác ngoài tỉnh? muốn vượt biên? Có giá cả hẳn hòi đơn vị tính bằng vàng lá 9999 [ Anh Nguyễn Hoài Ân tùng sự tại Long Xuyên, là bạn tù cùng trại với chồng tôi, một lần anh đi công tác tại trại tạm giam Cần Thơ, gặp tôi bị giam ở đó với tội “cả gan” mắng “ HCM là thằng du đảng!” Sau đó anh vượt biên, tụi cán bộ làm lễ đặc xá [ ? ] thả tù, đọc tên anh Ân hẳn hòi… nhưng anh Ân đang ở…ngoại quốc! ]
Các bà vợ tù muốn ngủ đêm lại với chồng? Ban cán bộ trại Kinh 5 đã cất sẳn vài căn nhà lá nhỏ - Cứ nạp cống bằng một giỏ đồ ăn thật đặc biệt ngon cho vợ chồng tên cán bộ phó trại, là các bà vợ có dịp ở lại tâm sự suốt đêm với chồng mình.
Năm đó, chồng tôi bịnh nặng lắm, nhiều lần tưởng chết, mỗi lần ho, máu ộc ra từng ngụm, nhưng ngày nào cũng phải đi đào đất, móc gốc [ rễ ] cây tràm theo đúng quy định của họ.
Lần đó thăm nuôi, tên Công An lân la gợi ý bắt mối cho biết muốn chồng tôi được lao động nhẹ thì nên đến gặp vợ trưởng trại, nhà ở Phụng Hiệp. Tôi biết mình không thoát, Thế là tôi chạy sất bất sang bang, nhà nào tôi cũng gỏ cửa, cuối cùng gom được hai lượng vàng. Duyên bạn tôi e ngại vợ trưởng trại chê ít, nên chu đáo cho thêm 200 con cá giống Chép, giống Trắm Cỏ, rồi kêu xe cho tôi chở vô nhà vợ của Hai Râu nạp cống.
Khi xe đò bỏ tôi và hai bọc cá lớn đầy nước bơm đầy oxy ở mé lộ thì tôi thật tình lúng túng, may thay có mấy người chăn trâu, è ạch phụ khiêng với tôi đến nhà mụ. Trên đầu nắng đổ ụp như chảo lửa, nhưng tôi không có cảm giác gì hết, chân bước nôn nao lấp xấp sợ nắng quá, cá không chịu nỗi chết thì sao.
Đang tràn trề hy vọng, quẹo vô ngõ, đụng mặt chủ nhà, mặt mụ cán bộ sưng lên khinh khỉnh hất hàm hỏi
“ Bưng gì dzậy?” Tôi khựng lại, cảm thấy nhục, nóng mặt, nhưng cố dằn cái nhục xuống, mềm mõng “ Tôi có ít cá giống tốt tặng, chị thơm thảo nhận dùm” Bà riết róng kiểu nhà quê tiểu nhân đắc ý, môi trề ra, tay như xỉa xói vô bên trong “ Trời! mấy con vợ tá vợ úy tụi ngụy tặng tui xe Honda, tủ lạnh lủ khủ tui còn hông thèm, chị cho chi mấy con cá?!” Tôi tức uất lên, nếu không thể chửi mụ vài câu thì cũng bỏ bịch cá đang lội lờ đờ dưới chân đi thẵng… Nhưng nhớ đến thân hình gầy guộc của chồng, nhớ đến cơn bịnh không biết cướp mạng chồng mình lúc nào. Tôi dằn xuống, tay như run nhẹ trong túi áo khi móc gói vàng ra đưa mụ, tôi nói “ Lần đầu tặng chị làm quen, mai mốt chị muốn gì tôi đem vô… thêm ” Con vợ thằng trưởng trại lấy gói vàng lật ra chăm chú xem rồi nhét vô túi, miệng cười hệch ra thấy ghét. Nhưng lúc đó mụ cũng vừa liếc thấy chiếc vòng cẩm thạch của tôi đeo giấu trong tay áo bà ba, mụ liền nắm tay tôi kéo vô nhà vừa cười mơn vừa vén tay áo của tôi để săm soi chiếc vòng, miệng nói ngọt sớt “ Chèn ơi! Chị em không mà, chiếc dòng xanh dử hén, chắc màu lý, à chồng chị tên gì, cấp bậc gì, trại mấy, nói tui giúp liền” Câu giúp liền của mụ là tôi biết tỏng mụ rồi, nhưng tôi biết làm gì hơn đành phải bấm bụng kêu mụ lấy nước với cục sà bông, mụ mừng lắm, hối mấy đứa con lè lẹ. Nước sà bông đem tới, mụ sà bên tôi vừa bóp vừa thoa vừa cật lực kéo chiếc vòng cho tuột ra. Tôi đau điếng, chịu đựng, ngồi kể lể tình cảnh của chồng mình. Lột được chiếc vòng, tôi thấy hai con mắt mụ sáng rực, không biết mụ có nhớ tôi nhờ gì không? Sợ mụ quên, tôi nhắc tên và cấp bậc, phòng, trại của chồng tôi lần nữa rồi lủi thủi ra về với bàn tay sưng đỏ.
Sau đó chồng tôi được điều vào tổ khác: đôi ngày ngồi cưa củi, lột vỏ tràm, vài ngày dầm mình dưới sông để vớt rong, lục bình về cho tổ rẩy. Công việc này tuy chưa phải là lao động nhẹ, nhưng dù sao cũng đở hơn đi đào đất.
Sau những đợt kiểm kê, nhà nước tịch thu hết thuốc men vải vóc… Bây giờ một viên ABC sổ mủi nhức đầu còn không có mà uống, huống chi các loại trụ sinh! Thăm chồng về, còn sớm, mẹ con tôi đến thăm chị Xương và mấy cháu, tình cờ có người bạn của chị làm trong bịnh viện ghé chơi, biết tôi cần thuốc trị bịnh cho chồng, chị môi giới cho tôi mua số lượng kha khá, mừng quá, tôi suy tính một hồi rồi hẹn đi lấy tiền lát sau trở lại.
Thật ra, tôi có tiền đâu mà lấy? Tôi không muốn phiền bạn nên dắt thằng con ra kêu xe hai mẹ con đi tới bịnh viện. Thủ tục bán máu rất dễ dàng, tôi năn nỉ họ rút dùm thêm bịch nữa để tôi có đủ tiền mua lô thuốc cho chồng. Có lẽ thấy tôi tội nghiệp cho nên rút máu xong, họ tặng thêm cho cái bánh ú. Ra đến cổng tôi thấy mệt muốn chóng mặt, nên ngồi xuống lề đường, hai mẹ con lột cái bánh ra ăn, kêu thêm ly trà đá. Vừa uống hết ly trà, con tôi khều tay chỉ “ Họ múc nước này trong cầu tiêu kìa mẹ” Tôi quay lại thấy mấy người xách xâu đựng ly trên tay, vừa múc nước trong hồ dội cầu để pha trà. Nhưng không hiểu sao, tôi cảm thấy ăn cái bánh này, uống ly nước này thật ngon nhất trong đời, y như ông hoàng tử được ăn “ Cháo bắp, mắm hến” của ông nhà văn nào đó viết.
ĐOÀN TỤ
Sau bảy năm bốn tháng, chồng tôi được tha, vợ chồng gặp nhau, mừng không thể tả, chòm xóm láng giềng dù nghèo, nhưng người này đem gà, nhà kia đem vịt đến ăn mừng thật vui vẻ rộn ràng suốt mấy ngày. Sau đó, vợ chồng dắt díu nhau về nguyên quán [ quê chồng ] theo lịnh công an ký trong giấy ra trại.
Ai cũng nói cuộc đời của tôi khổ đã tận, bắt đầu cam lai. Tôi tin vậy. Tôi đã nghèo quá sức, cực quá sức, còn sợ gì? Huống chi bây giờ tôi đã có chồng tôi kề cận!
Mặc dù trong giấy ra trại ghi là: Về nguyên quán. Nhưng chồng tôi còn e ngại tụi VC địa phương trong quê nhà nhớ thù xưa vì hồi đó ba chồng tôi không chịu nghe lời tụi nó bắt buộc chồng tôi phải bỏ học ở Sài Gòn đem về quê làm du kích! Quá chán ngán tụi nó, nhưng sợ bị trả thù và mong muốn muốn chồng tôi yên tâm tiếp tục sự học. Ba chồng tôi phải quyên sinh bằng thuốc ngủ [ Thời chiến tranh, Bến Tranh là vùng sôi đậu ]
Biết chắc chắn về quê nhà sống không yên thân với đám Ủy ban xả, nên tôi tốc xuống Cần Thơ, lót tay hối lộ 5 chỉ vàng để ty công an tỉnh Hậu Giang đóng cái mộc khác, kế bên cho phép về thành phố!
Mới chân ướt chân ráo, tiền đâu chúng tôi mua nhà? Người em họ có ngôi nhà trống trước trống sau, tuềnh toàng không mái bỏ hoang, kêu cho. Mừng quá, bà con xúm lại đổ đất đắp nền, lợp lá, tuy nhà bếp quá hẹp, ẩm ướt chỉ đứng được một người, nhà vệ sinh càng đơn giản hơn, không có cửa… Với bốn bàn tay và cái khiếu trời cho, không bao lâu vợ chồng tôi biến ngôi nhà trở nên sạch, gọn, mát mắt lạ thường.
Mấy tuần lể, vợ chồng con cái âu yếm mặn nồng, nhàn nhả thật vui, nhưng cơm áo gạo tiền bắt chúng tôi đối đầu với thực tế. Với bản tánh nhạy bén, tôi thấy chổ ở của mình có lợi thế về mua bán hàng quán thức ăn, vì nhà ngay chợ, gần trường học, lũ học trò qua lại mỗi buổi sáng. Nghe tôi đề nghị nấu nồi cháo huyết là ít vốn nhất, dễ nấu nhất, chồng tôi thấy hợp lý, chạy ngay về quê mượn nồi, tô, bàn ghế nhỏ cùng nhiều thứ thứ lỉnh kỉnh để đủ khai trương “ Nồi cháo huyết vĩa hè” ngay đầu hẻm.
Mấy ngày đầu cháo bán mau hết. Mấy ngày sau bán ế hơn, hao củi quá, không lời. Mấy ngày kế tiếp ăn cháo thay cơm, lúc đầu chồng húp vợ khen ngon, ăn thêm vài ngày nữa, hai đứa con nuốt không nỗi. Chồng tôi có vẻ xót xa cứ thở dài.
Sáng hôm sau, phụ xong mấy việc lặt vặt, anh nói về vườn xin ít củi, rồi đạp xe đi. Trời sẩm tối thì anh về mặt đỏ lựng vì nắng nhưng cười hí hửng, ngoài bó củi ra anh còn có ít bánh trái cho con. Rồi ngày nào anh cũng đi, khoảng đâu tuần lể, anh không còn đem bánh trái về, mà bưng nguyên… một thùng kem vô đãi mấy mẹ con ăn vì… bán ế! Tội nghiệp chồng tôi lén vợ đi bán kem, lắt chuông leng keng đạp khắp cùng làng cuối xóm.
Rồi tiếp theo, ngày nào cũng ăn cháo ế, kem ế. Chịu hết nỗi. Hai vợ chồng tôi bàn nhau giải nghệ! Vài ngày sau, tôi chuyển sang nghề bán sương sáo.
Ngày nhỏ, tôi tuy không lá ngọc cành vàng, nhưng vì không mẹ, nên tôi được cả họ hàng bên ngoại bù đắp tình thương nâng niu tôi như quả trứng, gửi tôi vào học những trường đạo mắc nhất Sài Gòn và dĩ nhiên tôi chưa biết thế nào là cực khổ ! Lập gia đình, tuy không giàu có, nhưng với bằng đại học, tôi có một nghề khả dĩ giúp tôi thảnh thơi đủ mặt.
Cuộc đổi đời cũng là một cuộc đổi thay lớn thật khốc liệt của một đời người, mà chúng tôi không thể nào lường trước. Tuy sống trong chế độ cs, nhưng trong lòng tôi không bao giờ thoả hiệp, vì vậy tôi cũng có suy nghĩ đến việc ra đi. Tuy có nhiều cơ hội đem con trốn ra khỏi nước. Tuy có lần đã đi rồi, sẳn sàng rồi, đang nằm ém chờ tại một cù lao rồi… Nhưng tôi áy náy không yên…
Cuối cùng tôi tâm niệm, vợ chồng vinh nhục cùng hưởng cùng chia, tôi nhất quyết, không bao giờ bỏ lại chồng tôi một mình.
[ Chuyến đó các con chị Xương tới đảo bình an ]
Chuyển qua nghề bán sương sáo, đở phải nấu nướng, ít vốn, lời nhiều. Những khi chồng tôi có nhà, không phải đi thủy lợi đào kinh. Anh dậy sớm chở mấy khuôn [ổ ] sương sáo người ta nấu sẳn về cho tôi ngồi xắt bán ngoài chợ. Khi anh vắng nhà, dù mưa gió cũng phải chổi dậy, đạp xe mê man trong hơi gió khoảng 5 cây số vào tận lò mua một bội [ cần xé nhỏ ] gồm 3 ổ sương sáo nặng khoảng 20 ký rồi chở về.
Đêm nào trời mưa đường trơn trợt, xe không đạp được, tôi vừa đẩy xe vừa kèm cho xe không ngã, có khi kềm không nỗi vì nặng quá, xe ngã nhào, mấy ổ sương sáo đổ lăn ra nát bét.
Tôi là vợ, là mẹ thường phải giật gấu vá vai, khi các con càng lớn, nhu cầu càng cao, nên thiếu trước hụt sau, nhiều lúc anh đâu hiểu…Cứ như vậy, tôi vật lộn với gian khổ từng ngày với tất cả sự nhẩn nại và an ủi - cực nhọc mà vợ yêu chồng, chồng yêu vợ, âu yếm nhau, an ủi nhau, tôn trọng nhau thì sá gì cực khổ. Nhưng thực tế “ Vợ chồng nghèo trăm sự khó” cái khó thêm cái nhục bị phân biệt đối xử trong xả hội Cọng Sản thì đời sống mới thật hãi hùng – Chúng tôi bị liệt vào thành phần có lý lịch xấu, sống cô thế, bị chính quyền theo dỏi mỗi ngày và dĩ nhiên không hề được luật pháp bảo vệ… Vì phải sống trong thắc thỏm lo sợ bắt bớ… chồng tôi càng xuống tinh thần cộng thêm những tin tức bạn bè trốn ra khỏi nước, càng khiến chồng tôi bắt đầu nao núng, nóng nảy và cảm thấy bực bội chán nản trong đời sống tối tăm vô vọng!…
Anh bắt đầu câu mâu với tôi những chuyện không đâu [ vì nếu không đổ trên đầu tôi thì anh đổ đâu ] có khi sợi tóc anh chẻ làm ba làm bốn và lạ, vợ chồng cải cọ thì anh toàn nói những câu tệ bạc! Tôi không giận anh, nhưng thất vọng! Những lời chê tôi tràn họng, tuy có xé nát tim tôi, có khiến tôi đau đớn như con thú mang đầy thương tích, nhưng vì thương anh, thông cảm cảnh anh sa cơ ngã ngựa, cảnh anh bị dồn tới đường cùng, mà tôi hết sức nhịn. Yêu chồng, nhịn, tha thứ có gì là quá đáng ? Tôi bắt đầu nghĩ đến ly dị và tự tử. Ý tưởng tự tử lớn hơn, mạnh hơn lúc nào cũng thôi thúc trong đầu.
Hôm đó, chuyện rất nhỏ, có lẽ anh mệt hay bất ý gì đó ngoài đường. Khi chở đôi nước về tới nhà [ nhà không có nước máy, và thường xuyên bị cúp ] anh dằn thùng nước trước mặt tôi, gằn giọng phũ phàng “ Nước chở cực, liệu mà xài !”
Giọt nước bất mản vừa lúc tràn ly. Tôi ngỡ ngàng nhìn anh tuyệt nhiên không nói câu nào, rồi đi tìm một góc ngồi Im lìm, lòng tê tái. Suốt tám năm trời, một lòng chung thủy, lưng cỏng hai con, đèo núi nào tôi cũng trèo qua, suối sông nào tôi cũng lội không thèm than thở. Anh tù đày, tôi thương, không bỏ. Anh bán cà rem, hay sửa xe đạp tôi cũng không chê. Nhưng anh như thế này tôi không chịu nỗi ! Tôi cảm thấy trái tim tôi như rơi xuống một cái vực không đáy, cứ rơi, rơi mãi, tôi cảm thấy chới với…Người chồng tiết tháo, nhân cách lẫm liệt ngày nào của tôi đâu? Người chồng si tình yêu vợ vời vợi một trời của tôi đâu? Suy nghĩ hồi lâu, tôi thấy mình bất lực, cái cảm giác bất lực mới thật là dễ sợ!
Chồng tôi vốn trung hậu, có lẽ thấy mình quá đáng, lỡ lời, anh theo xin lỗi xí xoa làm hoà.
Đêm đó, tôi chậm rải uống từng viên, từng viên, từng viên...Tôi đếm đúng 20 viên thuốc ngủ, rồi bình thản nằm xuống kéo mền lên đắp!
HAI MƯƠI NĂM SAU
Tôi gần như cả đời không có mẹ. Không hưởng được hạnh phúc có cha có mẹ, chính vì vậy mà tôi quyết tâm tạo một đời sống có đủ cha đủ mẹ cho con mình đến thành nhân, thành thân, chi mỹ…
Bây giờ, tôi có thể miệt mài viết, miệt mài vẽ…Nhưng trong cuốn tạp bút “Cuối Cùng” xuất bản năm 2009 - nhà văn lừng lẫy Vỏ Phiến phán “Chuyện sáng tác có gì đáng nói?”.
Cuộc đời vốn chỉ là phù ảo. Không phải tôi đang lộn nhào lẽ đó vào những bài viết trong mảnh đời còn lại của tôi sao?
. thụyvi
.
.
.
No comments:
Post a Comment