Thursday, April 15, 2010

GIỮA HOA KỲ và TRUNG QUỐC (báo TỔ QUỐC số 85)

Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Báo Tổ Quốc
Đăng ngày 15/04/2010 lúc 00:00:00 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4751

Thư tòa soạn bán nguyệt san Tổ Quốc số 85 (15/4/2010):

Đang có nhiều dấu hiệu khiến người ta tự hỏi phải chăng Việt Nam đang tìm cách gia tăng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ và giảm thiểu sự lệ thuộc vào Trung Quốc? Đây là điều mà mọi người mong đợi từ lâu. Giữa Mỹ và Trung Quốc sự chọn lựa là hiển nhiên.

Trước hết là hiển nhiên trong chiều sâu. Không thể có chọn lựa đồng minh với Mỹ và thù địch với Trung Quốc. Chúng ta không có lợi gì để gây hấn với một nước láng giềng khổng lồ mạnh hơn hẳn ta về mọi mặt. Vả lại Mỹ và Trung Quốc không thù địch mà còn hợp tác với nhau. Chúng ta phải có quan hệ hữu nghị với cả hai. Vấn đề chỉ là đặt ưu tiên vào đâu. Và nếu hiểu như thế thì chọn lựa phải có của Việt Nam cũng rất hiển nhiên.

Mỹ là cường quốc số 1 trên thế giới, vượt rất xa mọi nước khác về mọi mặt. Những ai đánh cuộc trên sự suy yếu của Mỹ là đánh cuộc liều lĩnh chống lại quốc gia năng động và sáng tạo nhất trái đất. Thế áp đảo của của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phải giảm đi do sự kiện nhiều nước khác cũng đang và sẽ còn tiến lên sau khi đã ít nhiều chấp nhận khuôn mẫu Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ cũng vẫn sẽ là cường quốc số 1 của thế giới trong suốt thế kỷ này, nghĩa là trong suốt cuộc đời của những người có mặt hiện nay, và sẽ không có vấn đề lớn nào của thế giới có thể được giải quyết mà không có tiếng nói của Hoa Kỳ. Như vậy quan hệ hữu nghị và hợp tác với Hoa Kỳ là chọn lựa khôn ngoan, bắt buộc. Nhưng không phải chỉ có thế. Thị trường Hoa Kỳ là thị trường lớn và đầy hứa hẹn. Trong năm 2009 thặng dư ngoại thương của Việt Nam với Hoa Kỳ là 8 tỷ rưỡi USD, con số này có thể tăng gấp mười trong vòng một hai thập niên. Điều còn quan trọng hơn là những gì chúng ta có thể học hỏi ở người Mỹ. Họ đứng đầu thế giới trong mọi bộ môn khoa học kỹ thuật; cách làm việc thẳng thắn, lương thiện, thực dụng của họ cũng là một mẫu mực. Hợp tác với họ cũng là một hợp tác an toàn. Mỹ là một cường quốc không gian, hàng hải và thương mại tìm kiếm các đối tác kinh tế chứ không dòm ngó đất đai của các nước khác, mong muốn các đối tác của mình giầu mạnh thêm để gia tăng buôn bán chứ không mong họ yếu nhược để có thể chèn ép.

Ngược lại Trung Quốc vẫn còn vẫn còn nặng văn hóa đế quốc và nông nghiệp thèm đất và lấn đất, nhìn các nước láng giềng một cách bệnh hoạn như là hoặc chư hầu, hoặc đối thủ. Chúng ta cũng không có gì để học hỏi Trung Quốc về khoa học và kỹ thuật. Mô thức kinh tế của Trung Quốc –mô thức tìm kiếm tăng trưởng tối đa như là một cứu cách bất chấp môi trường và công bằng xã hội– cũng không phải là một mẫu mực để noi theo. Nó sẽ dẫn đến bế tắc và đổ vỡ. Trung Quốc sẽ lâm vào khó khăn sớm hơn nhiều người có thể nghĩ. Một nhức nhối khác: trong năm 2009 nhập siêu của nước ta với Trung Quốc lên tới 11 tỷ rưỡi USD, gần bằng tổng số thâm thủng mậu dịch của ta. Sau cùng áp lực của Trung Quốc mà nhiều người nhìn như một đe dọa cũng sẽ giảm đi chứ không tăng lên nếu Việt Nam có hậu thuẫn của thế giới, đặc biệt là của Hoa Kỳ.

Sự chọn lựa là hiển nhiên. Tất cả vấn đề chỉ là quyền lợi đất nước có phải là quan tâm chính của những người có quyền lấy quyết định hay không.

Ban biên tập

.

Trang nhà: www.to-quoc.net
Liên lạc:
toquocmagazine@yahoo.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Xin mời bấm vào đây để xem toàn bộ tờ báo
http://vietvungvinh.org/images/stories/201001/File/To-quoc-85.doc

.

.

.

No comments: