Monday, April 19, 2010

MỘT XÃ HỘI VÔ CẢM

Một xã hội vô cảm

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Hai, 19 tháng 4 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/mot-xa-hoi-vo-cam-04-19-2010-91527384.html

Mấy tháng vừa qua, cư dân mạng không ngớt xôn xao về các cảnh nữ sinh đánh nhau một cách tàn nhẫn. Hầu như ai cũng thấy điều này: học sinh đánh nhau là chuyện khá bình thường; nữ sinh đánh nhau tuy không bình thường nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Người ta chỉ ngạc nhiên trước thái độ bình thản dửng dưng của các nữ sinh khác cũng như của những người qua lại bên đường. Không ai can thiệp. Đã đành. Họ cũng không có chút cảm xúc nào cả. Giận dữ? Không. Thương cảm? Không. Quan tâm? Hình như cũng không.

Nhớ, trước đó nữa, cũng được tung lên internet, cái video clip quay cảnh một ông bố chồng trói ngược hai cánh tay đứa con dâu rồi vất ra ngoài đường. Lăn lóc như một con heo. Chỉ có đứa con nhỏ là khóc bên mẹ. Cái cảnh ấy khiến một số nhà văn và nhà báo xúc động và lên tiếng trên các blog của mình. Nhưng báo chí chính thống thì im lặng. Và xã hội nói chung, cũng im lặng.

Rồi cảnh một bà già bị mấy con chó trong đồn điền cà phê cắn chết trước sự dửng dưng của nhân viên bảo vệ đồn điền. Sau đó, sự dửng dưng của báo chí chính thống. Và, xã hội.

Tội ác ở đâu cũng có. Những cảnh thương tâm ở đâu cũng có. Nhưng làm thế nào để giải thích được những sự vô cảm lạ lùng của những người đang tận mắt chứng kiến tội ác và những cảnh thương tâm mà vẫn thờ ơ và dửng dưng như thế?

Mà hình như không phải chỉ có người dân mới thờ ơ hay dửng dưng vô cảm. Ngay giới lãnh đạo cũng thế.

Còn nhớ, năm 2008, mưa lũ tràn ngập thành phố Hà Nội. Đường nghẽn. Điện tắt. Nhìn đâu cũng thấy nước mênh mông. Thiệt hại về tài sản vô kể. Thiệt hại về nhân mạng cũng có. Vậy mà, đã không có vẻ gì đồng cảm với dân chúng, ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành uỷ Hà Nội, lại chê trách là dân chúng “bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.” (
http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xahoi/2008/11/15656.html) Câu nói ấy khiến cho một nhà phê bình đồng thời cũng là một dịch giả vốn, bình thường, hiếm khi bàn chuyện chính trị xã hội, phải phá lệ viết hẳn một bài, mở đầu bằng câu : “Chỉ riêng câu nói của ông bí thư thành ủy Hà Nội đã xứng đáng cho ông nhận từ mỗi người dân sống trong các khu bị ngập lụt mấy ngày vừa qua một cái gì đó. Tùy tâm mỗi người thôi: hoặc một cái tát, hoặc một cái nhổ etc.”

Một cái tát hoặc một cái nhổ dành cho Phạm Quang Nghị vì ông bày tỏ sự vô cảm bằng một lời nói. Có điều nên nhớ biểu hiện chính của sự vô cảm không phải là lời nói. Mà là sự im lặng. Im lặng trước sự lạc hậu. Im lặng trước sự nghèo đói. Im lặng trước những bất công trong xã hội. Im lặng trước những sự nhục nhã mà người dân, cụ thể là những ngư dân bị Trung Quốc hành hung hoặc bắt bớ. Im lặng. Nhìn đâu cũng thấy im lặng. Từ những người có chức tước và quyền hành cao nhất nước.

Không thể không ngạc nhiên. Về phương diện lý thuyết, đảng cộng sản lúc nào cũng đề cao sự thương cảm trước những bất hạnh của con người cơ mà? Ở cuối cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế”, Trần Văn Thuỷ có nhắc lại một câu nói nổi tiếng của Karl Marx: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại mà chăm chút bộ lông của mình”. Về phương diện truyền thống, người Việt vốn được xem là hay quan tâm và giúp đỡ nhau lắm mà? Ca dao, tục ngữ, cổ tích, văn học, và cả kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày cũng cho chúng ta thấy, ngày xưa người ta sống thực sự là có tình.

Vậy mà tại sao bây giờ lại thế?

Tôi nhớ một kỷ niệm trong chuyến về thăm Việt Nam lần đầu sau 11 năm ở ngoại quốc.

Lần ấy, năm 1996, từ Úc, tôi về thẳng Hà Nội. Trên đường từ phi trường Nội Bài về trường Đại học Ngoại Ngữ ở Phú Xuân, chiếc xe buýt bị dừng lại, kẹt cứng, ở một ngã ba. Có tai nạn xe cộ. Ngồi trên xe, nhìn xuống, tôi thấy một thanh niên nằm sóng soài giữa đường. Chiếc xe gắn máy ngã bên cạnh. Trên đầu anh thanh niên có vết máu. Anh nằm yên, lâu lâu chân tay lại giật giật mấy cái. Chung quanh anh, nhiều, thật nhiều người đứng xem. Đúng là xem. Không ai làm gì cả. Họ đứng chật trên đường, làm nghẽn cả giao thông. Nhưng không ai làm gì cả. Họ chỉ nhìn. Nhiều người nói chuyện, bàn tán, chỉ chỏ. Không ít người vừa nói vừa cười. Tôi để ý: tuyệt đối không có ai làm gì cả. Có lẽ họ chờ công an tới. Có thể họ… Tôi không biết. Ngồi trên xe, tôi đi từ ngạc nhiên đến đau xót. Tự nhiên loé lên ý nghĩ: Hình như người mình hơi… ác.

Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Một lần, tôi kể với bạn bè nghe. Em của một người bạn của tôi, từ Việt Nam sang, giải thích: Mọi người bất động vì ngại. Ngại gì? Ngại bị hiểu lầm là định… móc túi người bị nạn. Tôi ngạc nhiên: Thật vậy sao? Em người bạn trả lời: Thật. Anh kể, cách đây một thời gian ngắn, trong một tai nạn xe cộ, anh bị ngất xỉu trên đường. Đến lúc tỉnh dậy, thấy mình nằm trong bệnh viện, anh giơ tay định xem giờ: đồng hồ biến mất; thò tay vào túi định lấy cái điện thoại di động: chiếc điện thoại biến mất. Rờ tay vào túi quần: cái ví tiền và giấy tờ cũng biến mất. Tưởng bác sĩ hay y tá cất đâu đó trong thời gian anh bất tỉnh. Nhưng hỏi, không ai biết cả.

Nếu đó là một lời giải thích, chúng ta thấy gì đằng sau lời giải thích ấy? Trước hết là cảm giác sợ bị nghi ngờ. Điều đó cũng có nghĩa là nghi ngờ người khác. Và, quan trọng hơn, nghi ngờ vào công lý. Vì nghi ngờ nên ai cũng thủ. Thủ thế và thủ thân. Thủ quá thành mặc kệ. Thói mặc kệ ấy kéo dài lâu khiến người ta thành những kẻ bàng quan trước mọi bất hạnh và mọi sự thương tâm.

Cuối cùng thành những kẻ vô cảm.

Nghĩ cũng đáng buồn. Phải không?

.

.

.

No comments: