Sunday, April 18, 2010

NÔNG DÂN MẤT ĐẤT MẤT RỪNG MÀ CÒN BỊ PHẠT TÙ

QUẢNG TRỊ: NÔNG DÂN ĐÃ BỊ MẤT ĐẤT, MẤT RỪNG MÀ CÒN BỊ PHẠT TÙ

Báo Tiền Phong ngày 7/4/2010 đưa tin: “Ngày 6-4, TAND huyện Gio Linh, Quảng Trị mở tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Quốc Vinh cùng đồng phạm về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng. Phiên tòa đã gây sự chú ý cao của nhiều người dân ở Quảng Trị.”

HĐXX đã tuyên án tù cho 13 người, trong đó, những người bị mức án nặng nhất là: Dương Quốc Vinh 33 tháng tù giam; Hoàng Hải Dương 30 tháng tù giam; Dương Đức Lệ 24 tháng tù giam; Nguyễn Văn Vấn 20 tháng tù giam; Dương Đức Lấn 18 tháng tù giam.

“Đầu dây mối nhợ” vụ án này, theo Tiền Phong, ngày 5/9/2009, tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang (Gio Linh), “hơn 50 người dân bị kẻ xấu xúi giục đã tràn ra trồng tràm hoa vàng trái phép trên diện tích 15 ha đất đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp phép cho Cty TNHH Thống Nhất khai thác titan. Trước đó, “nhóm người này đã có hành vi trồng dứa dại, ngăn cản xe chở vật liệu, và lấp 60 m hố móng tường rào, xô đổ 16 m tường của Cty TNHH Thống Nhất”, “số đối tượng đã làm bị thương anh Nguyễn Phước Nhất, Giám đốc Cty TNHH Thống Nhất và hai nhân viên bảo vệ Trần Đình Lâm, Trần Đức Hoàng”.

Đọc đến đây, tôi thấy vụ “xô đổ 16m tường rào” này sao có cảm giác khôi hài giống vụ án 8 giáo dân Thái Hà (Hà Nội) hồi năm 2007. Gio Linh một thời khét tiếng là bãi chiến trường, là căn cứ địa cách mạng, nhân dân trung dũng kiên cường một lòng theo Đảng Cộng Sản đánh duổi Mỹ - Ngụy kia mà. Thời buổi bây giờ ngày càng văn minh tiến bộ mà dân Gio Linh (Quảng Trị) dễ bị “kẻ xấu xúi giục” đến thế sao?

.

“Không có lửa sao có khói”, “Một nửa sự thật không phải là sự thật”, nghi ngờ tính trung thực của bài báo, tôi bỏ ra chút công tìm kiếm thì thấy cái gọi là “kẻ xấu xúi giục” nó trần trụi, đau đớn như thế này đây:

.

“Hàng chục hộ dân thôn Cang Gián, xã Trung Giang, Gio Linh đang kêu cứu bởi những cỗ máy khai thác titan khổng lồ của Công ty TNHH Thống Nhất đang dần dần nuốt chửng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hàng chục ha rừng chắn bão, thậm chí hàng chục ngôi mộ và làng mạc ở đây cũng có nguy cơ biến mất.

Theo tỉnh Quảng Trị, trong số 156,83 ha mà Công ty TNHH Thống Nhất được cấp phép có tới 61,7ha rừng phòng hộ chắn cát ven biển không thể chuyển đổi. Đồng thời, 61,7ha rừng này không hề nằm trong diện tích đất do UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan…

Điều đáng nói là trên diện tích đất rừng mà Cty TNHH Thống Nhất chuẩn bị khai thác có rất nhiều mồ mả, đặc biệt là mộ liệt sĩ. Bà Phạm Thị Cam, 80 tuổi, đau đớn nói trong nước mắt: “Vì sợ phần mộ của 2 con là liệt sĩ sẽ bị cuốn theo các dàn máy hút lọc titan nên tui đã ký vào đơn khiếu nại” (Trích bài trên trang nhà của Kiểm Lâm Việt Nam).

“61,7ha rừng này không hề nằm trong diện tích đất do UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT cấp phép cho Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan”. Đất không thể tự trên trời rơi xuống hay con người tự đẻ ra được, vậy diện tích đất mà Công ty Thống Nhất đang đưa máy vào xúc ầm ầm là đất ở đâu? Không cần thông minh lắm cũng biết đó là đất của 13 nông dân đang bị án tù kia, “của đau con xót”, họ muốn bảo vệ mảnh đất của mình nên mới ra nông nỗi.

“Trở lại vấn đề 19 hộ dân thôn Cang Gián gửi đơn khiếu nại và tố cáo việc Công ty TNHH Thống Nhất khai thác titan làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con. Ông Dương Quốc Vinh, một người dân thôn Cang Gián cho biết, ngày 23-12-2008, lãnh đạo UBND xã Trung Giang đã triệu tập các hộ dân nói trên tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết việc khiếu nại, đồng thời thuyết phục để Công ty TNHH Thống Nhất tiếp tục khai thác titan trên địa bàn. Tuy nhiên, bà con phản đối kịch liệt nên các cán bộ này hứa sẽ xin ý kiến tỉnh rồi trả lời sau, trong khi đó các cỗ máy của Công ty TNHH Thống Nhất vẫn tiếp tục tiến vào khu vực rừng phòng hộ.

“Để đủ hàng bán sang thị trường Trung Quốc, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải vận chuyển titan thô đã cày nát 3km đường liên xã chạy qua địa bàn thôn, các em học sinh đến trường chỉ còn cách ngồi trên lưng để bố mẹ cõng!”, ông Vinh cho biết thêm.

Ông Trương Xuân Toài, 76 tuổi, ở Cang Gián bức xúc: “Nếu Công ty TNHH Thống Nhất tiếp tục khai thác titan trên địa bàn thì không bao lâu nữa bà con chúng tôi không chỉ mất hết đất canh tác hoa màu mà hàng chục ngôi mộ cha ông, tính mạng và tài sản của cả ngàn người dân cũng bị sóng biển cuốn trôi”.

Tháng 9/2008, một học sinh lớp 9 người thôn Cang Gián không may bị ngã xuống hố khai thác titan của Công ty Thống Nhất ở xã Gio Mỹ (Gio Linh) và tử vong.

Không riêng gì địa bàn thôn Cang Gián, hiện các xã ven biển bãi ngang hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị) có gần chục công ty đang khai thác titan, với hàng trăm giàn khoan khổng lồ cắm sâu vào lòng đất để hút cát, lọc “vàng đen”. Hằng ngày những dàn khoan này “nhả” ra môi trường cả vài ngàn mét khối nước thải có hóa chất độc hại; để lại những bãi “chiến trường” ngổn ngang, những cái hố sâu hoắm và những cồn cát trắng cao ngất” (SGGP ngày 11/02/2009)

.

Ai cũng biết Quảng Trị là vùng đất khô cằn sỏi đá, thiếu gạo ăn nhưng thừa thiên tai lũ lụt. Nhiều dòng sông thuộc hai tỉnh Hà Nam và Quảng Trị ô nhiễm đến mức trâu bò uống nước ở đây lăn ra chết, tôm cá bị tiêu diệt, cây cỏ hai bên bờ héo úa...

.

Báo Dân Trí nói rằng “Bị công nhân nhổ bỏ số cây trồng trái phép trên đất của doanh nghiệp, trên 30 người dân đã tràn vào trụ sở Công ty TNHH Thống Nhất hành hung công nhân và tấn công luôn cảnh sát cơ động khi lực lượng này có mặt”. “Đất của doanh nghiệp”, đọc lên tôi nghe chua chát làm sao. Doanh nghiệp này ra đời từ thời gian nào? Chắc chắn không thể có trước năm 1986 là năm khởi đầu chủ trương đổi mới của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh. Doanh nghiệp này đã làm gì để có đất? Khai hoang chăng? Be bờ lấn biển chăng? Doanh nghiệp khai hoang,lấn biển trongthời gian bao lâu mà có được đến mấy chục hecta đất? Nhưng những người nông dân-bị cáo ấy họ đã canh tác, đã sống trên mảnh đất này từ bao đời rồi, cha ông họ đã từng đổ xương máu để bảo vệ mảnh đất ấy rồi. Mồ mả Liệt sĩ vẫn còn đó mà con cháu Liệt sĩ thì không giữ được mảnh đất đang lưu giữ dòng máu, nắm xương Liệt sĩ.

.

Tôi chợt nhớ đến đoạn nhân vật Chí Phèo vác dao đến nhà Bá Kiến mà gào lên thống thiết, đau đớn: “Tao muốn làm người lương thiện! Bá Kiến cười ha hả: - Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ. Hắn lắc đầu: - Không được! Ai cho tao lương thiện?”. Đẩy người nông dân đến đường cùng rồi bảo người ta hãy “lương thiện”, làm sao mà “lương thiện” được khi bị tước đoạt tài sản, tước đoạt quyền làm người kia chứ? Vậy là Chí Phéo văng dao vào đâm chém Bá Kiến túi bụi rồi tự sát, nếu không tự sát, nhất định Chí Phèo cũng “ra Tòa” như những nông dân Gio Linh (Quảng Trị) này.

Người dân lo sợ mất rừng phòng hộ nên chống lại việc khai thác titan của Công ty Thống Nhất là lẽ đương nhiên. Thật đau lòng khi thấy có kẻ vô lương thản nhiên làm giàu trên xương máu và nước mắt của người nông dân lại được ra Tòa với tư cách “người bị hại”, còn những người nông dân bị mất đủ thứ kia lại là “bị cáo”.

Đáng buồn hơn khi có những tay bồi bút viết về họ - nạn-nhân-nông-dân như những kẻ tội đồ xấu xa “phá hoại sản xuất”. Tôi không quen biết họ, nhưng tôi cảm thông và chia sẻ nỗi đau đớn của họ, bởi tôi biết rõ, mảnh ruộng, vườn rau, rừng cây… đối với họ thiêng liêng và quý giá đến thế nào.

Nông dân đã mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ (sẽ bị bão lụt tàn phá), mất làng mạc, mất mồ mả ông bà mà còn phải gánh thêm án tù vì “gây rối trật tự công cộng” thì oan này kêu đến trời chưa thấu. Than ôi! Khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã hô vang trong mấy mùa Nghị quyết rồi cũng chỉ thế này thôi!.

Tạ Phong Tần

.

.

.

No comments: