Báo chí người Việt hãy viết bằng sự thật!
Lê Nguyên Hồng
Thành viên Khối 8406 Việt Nam
Tháng Tư 15, 2010
Lời tác giả:
Đây là bài viết có tựa đề nguyên bản là “Thư Độc Giả Gửi Tòa Soạn Các Báo Trong Nước” của Lê Nguyên Hồng, đã được đăng tải trên một số trang báo điện tử như baotoquoc.com; doithoại.com; namuctuanbao.net vv… Nhưng hiện nay do các Websiter này từng nhiều lần bị Hacker tấn công đánh sập, do vậy đã mất bản lưu. Nay nhân dịp kỷ niệm Lễ Hội Đền Hùng và ngày Quốc Hận 30/04, xét thấy bài viết vẫn còn nguyên tính thời sự, tác giả đã biên soạn lại đôi chút, và gửi giới thiệu trên các diễn đàn phi cộng sản.
Kính gửi Tòa soạn các báo trong nước như: Tuổi trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Tiền Phong, Công An Nhân Dân vv…
Tôi là một độc giả thường xuyên của báo chí nói chung, báo chí trong nước nói riêng, và nhu cầu đọc gần như là không thể thiếu trong ngày. Nhu cầu đọc báo của tôi chỉ đứng sau nhu cầu ăn uống và sinh hoạt cá nhân khác mà thôi, vì vậy, tôi cho mình là một kẻ nghiện ngập báo chí thì có lẽ cũng không sai.
Thưa Qúy Vị!
Trong 34 năm qua, cứ vào dịp tháng 4 Tây Lịch người Việt Nam chúng ta có hai ngày kỷ niệm lớn, một cổ và một kim, đó là Hội Đền Hùng (ngày chính hội) vào ngày 10/03 Âm Lịch và ngày 30/4 – Ngày chính thức được coi là ngày mà thể chế Cộng Hòa tại Miền Nam Việt Nam hoàn toàn thất thủ trước vũ lực của chế độ Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam.
Năm nào cũng vậy báo chí, đặc biệt là báo chí của nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) cũng dành nhiều trang, bài về lễ hội Đền Hùng. Điều đó rất tốt ở chỗ nó góp phần quảng bá giáo dục văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, khơi sâu lòng yêu thương quê hương đất nước… Và cũng vì Lễ Hội Đền Hùng còn là dịp nghỉ ngơi vui chơi du lịch ngắn ngày cho hàng chục vạn đồng bào ta cả ở trong nước và nước ngoài…
Năm nay bắt đầu từ ngày 26/3 hàng trăm tờ báo trong nước trong đó có các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, Công An Nhân Dân vv… đã đồng loạt đưa tin về lễ rước Linh Vị Quốc Tổ Hùng Vương từ tỉnh Phú Thọ về Quận 9 và về Suối Tiên Sài Gòn. Việc rước Linh Vị Hùng Vương là một việc làm mang ý nghĩa tâm linh tuy nó có vẻ rất mơ hồ, nhưng về ý nghĩa nhân văn và văn hóa thì tôi không phản bác! Điều đáng nói ở đây là tiếp sau đó trong các ngày 04 và 05/04 các báo lại tiếp tục chạy tít: “Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dâng hương tại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương” và nhiều bài viết khác về Hội Đền Hùng cũng sử dụng câu “Lễ Giỗ Quốc Tổ”…
Trước hết ta hãy cùng nhau nói về ngày giỗ:
Theo truyền thống từ thời cổ Trung Hoa chịụ ảnh hưởng bởi thuyết Âm- Dương và thuyết Luân Hồi, cho rằng con người sau khi qua đời thì sẽ xuống Âm Phủ và sống tiếp một giai đoạn nữa dưới cõi âm. Ở cõi âm ấy con người vẫn có cuộc sống như trên trần thế, cho nên những người sống cho rằng người chết vẫn cần ăn uống, may mặc?! Họ thường “làm ma” cho người chết rất tốn kém, có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng. Và để bày tỏ tình cảm của người sống với người đã khuất, ghi nhớ công ơn và nghĩa tình khi còn sống của họ, người ta đã nhớ ngày kỷ niệm ngày qua đời của một ai đó bằng việc tổ chức một đám giỗ trùng vào ngày tháng người đó qua đời trong mỗi năm kế tiếp. Như vậy không thể dùng chữ “Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương” vì từ “Quốc” nghĩa là một quốc gia hoặc là một đất nước, mà một đất nước thì không thể có ngày qua đời được, nên không thể có ngày gọi là “Quốc Giỗ”!
Nếu hiểu câu nói “Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương” theo nghĩa khác đó là giỗ ông tổ của một đất nước (tất nhiên là theo truyền thuyết Vua Hùng thôi!) thì hoàn toàn phản khoa học và duy lý, bởi vì đã là truyền thuyết thì rõ ràng là không có tính thuyết phục về mặt lịch sử.
Truyền thuyết chỉ là một câu chuyện không có thực, hoặc đã được tô vẽ thêm nhiều chi tiết, thậm chí có thể hoàn toàn là hoang đường ví dụ như câu chuyện “Bọc Đẻ Trăm Trứng” trong đó có Vua Hùng chẳng hạn! Một câu hỏi được đặt ra là: Liệu có ai, kể từ các nhà khoa học đến những người dân cày, dám cho rằng có một người nào đó lại được nở ra từ một trái trứng (trong một bọc 100 trứng) hay không? Vậy đây chỉ là câu chuyện mê tín tức là tin những điều không thể nhìn thấy, không thể kiểm chứng bằng những luận cứ khoa học. Đặc biệt là chuyện Hùng Vương chưa có bằng chứng nào về Khảo Cổ Học!
Bản thân những ngôi đền riêng rẽ trong quần thể Đền Hùng như Đền Giếng, Đền Trung, Đền Thượng cũng chỉ mới được bắt đầu khởi công xây dựng vào thế kỷ XV, và tiếp tục hoàn thiện vào nhiều năm sau, đến thế kỷ XIX mới xong về cơ bản. Trước đây khu vực núi Nghĩa Lĩnh chỉ có duy nhất một ngôi chùa cổ đó là Thiên Quang Thiền Tự xây dựng vào khoảng thế kỷ XI mà thôi…
Về ngày 10/03 Âm Lịch thì theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ra đời khoảng năm 1479 dưới thời vua Lê Thánh Tôn là bản văn đầu tiên đưa câu chuyện truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân và Vua Hùng vào chính sử cũng không hề đề cập gì đến ngày này. Theo suy luận từ Nông Lịch cày cấy ở Miền Bắc thì tháng ba (Âm Lịch) là lúc mọi dư hương của ngày tết Nguyên Đán đã qua, cái lạnh cũng đã hết, mưa phùn rét mướt không còn. Tháng ba là lúc nông nhàn, ruộng đang chờ nước mưa trong những tháng tới:
“Tháng Chạp là tháng trồng khoai.
Tháng giêng trồng Đậu,
Tháng hai trồng cà,
Tháng ba cày vỡ ruộng ra…”
Về thời tiết thì tháng ba là lúc có khí hậu mát mẻ bầu trời thường quang đãng khô ráo: “Thanh Minh trong tiết tháng ba”…, thời tiết như vậy thật là lý tưởng cho việc tổ chức lễ hội, nên vua Lê Thánh Tôn mới tùy ý chọn ngày 10/3 làm ngày mở Hội Đền Hùng, chứ hoàn toàn không phải là làm… “đám giỗ” của Vua Hùng.
Có hai bộ sử khác của nước ta đó là Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu viết năm 1272 và Đại Việt Sử Lược của một tác giả khuyết danh viết trong thế kỷ 14 (đời Nhà Trần) đều không nói gì đến Lạc Long Quân và Âu Cơ cũng như cha và mẹ nào khác của Vua Hùng…
Sau này Ngô Sĩ Liên soạn bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng thẳng thắn đưa ra lời bình ở chương viết về đời Hồng Bàng (2879-258 TCN) như sau: “ Cái thuyết 50 con lên núi 50 con xuống biển, biết đâu không phải là thế? Còn chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh thì rất là quái đản! Tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại nghi ngờ thôi!”.
Câu chuyện về các hoa văn trên Trống Đồng cổ được cho là mô tả lại sinh hoạt của thời Hùng Vương, nhưng tất cả chúng thì đều được tìm thấy tại các địa danh khác như Hà Nam (trống đồng Ngọc Lũ), Thanh Hóa, Hòa Bình (trống đồng Đông Sơn, Đồng Đậu vv…), Yên Bái (thạp đồng Đào Thịnh). Những địa danh này đều cách xa Đền Hùng hàng trăm km đến vài trăm km, đó là một quãng đường quá xa xôi đối với sự đi lại của con người thời cổ! Hơn thế nữa hầu hết các trống đồng và thạp đồng đã khai quật được, thì đều có vị trí nằm dọc theo triền các con sông. Như vậy có thể suy luận ra rằng: Những sản phẩm đồ đồng đó có liên hệ đến việc phân phối sản phẩm theo đường giao thông tự nhiên, đó là đường sông giữa các quốc gia thời cổ.
Có những chuyện thần thoại và huyền thoại khác cũng được coi như có thật như câu chuyện Thánh Gióng. Chuyện Thánh Gióng đã ăn sâu vào trí nhớ của người Việt ta đến nỗi đã được nhân dân lập hẳn đền thờ, thờ Thánh Gióng, thậm chí có ngôi làng được đặt tên là Làng Gióng. Những câu chuyện dân gian đó đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam, và đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Lễ hội Đền Hùng cũng vậy!
Trước đây khoảng hơn 20 năm thôi, người ta chỉ nghe người dân nói là “Hội Đền Hùng”, “Hội Hùng Vương” hoặc là “Giỗ Tổ Hùng Vương” thì hoàn toàn có lý. Vì ở khu đồi núi giao thoa giữa miền núi và đồng bằng như khu vực núi Nghĩa Lĩnh- Phong Châu- Phú Thọ, thì trên con đường di cư hướng về đồng bằng tìm nơi sống tốt hơn bằng nghề trồng trọt. Tại một nơi có địa hình thuận lợi như Đền Hùng, chắc chắn phải có Người Việt Cổ từng sinh sống, Như vậy có thể có một Ông Tổ của một tộc người nào đó từng sống ở đây thật. Nhưng dù vậy, một tộc người cổ nào đó vẫn không thể là đại diện cho tất cả 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam! Nhất là từ phía bắc Miền Trung trở vào đến hết Miền Nam- Nơi mà chỉ cách nay vài trăm năm trở lại, không hề là của nước Văn Lang, Âu Lạc, Đại Cồ Việt, Đại Việt vv…
Cái gọi là “Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương” của ĐCSVN đã biến ngày “Hội Đền Hùng” thành ngày “Giỗ Tổ Hùng Vương” và nay thì thành “Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương” một cách rất là ngoạn mục!
“Ngày hội” mang tính chất và ý nghĩa văn hóa mở rộng, còn “ngày giỗ” (tất nhiên là có cúng bái) là một ngày mang tính (hoạt động) mê tín dị đoan. Nếu xét về khía cạnh nghiên cứu mà nói, thì chuyện biến một lễ hội thành một ngày giỗ, đã thu hẹp hoàn toàn ý nghĩa tôn vinh văn hóa của một lễ hội! Vậy mà ĐCSVN còn đang hô hào các tỉnh thành “góp giỗ” cho “Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương” thì thật là quá sức tưởng tượng?!
Ngày giỗ là một kỷ niệm buồn! Bởi vậy cho nên người ta thường nói là “vui như ngày hội”, “vui như ngày tết” chứ có bao giờ nói là “vui như ngày giỗ” đâu! Ví thử như có ai đó nói câu “vui như ngày giỗ” thì chắc chắn sẽ bị xem là “dở” là “khùng”. Thế mà người ta dám áp đặt điều đó cho một đất nước, thì thật quả là họ đã xem thường kiến thức và tri thức của nhiều thế hệ người Việt Nam!!!
Đây là cách chính trị hóa một lễ hội truyền thống của nhân dân Việt Nam! Họ – ĐCSVN dù có đang là những nhà cầm quyền của đất nước cũng không có quyền làm như vậy!
Chính một tài liệu dùng để “giáo dục văn hóa theo nếp sống mới” của Ban TTVHTƯ đã nói về ngày giỗ như sau:
“Ngày giỗ ta cần họp mặt nhau
Hương hoa viếng mộ nhớ thêm sâu
Chớ bày ăn uống ruồi no miệng
Hình thức phô trương chẳng đẹp đâu!”
Thưa Qúy Vị!
Tôi biết lối đi của báo chí nước ta hiện nay do nhà cầm quyền CS khống chế, cho nên mọi bài báo đều phải thể hiện phương châm “báo chí là cơ quan ngôn luận của ĐCS”. Câu nói: “Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương” có lẽ là một phát minh mỵ dân mới của một vị quan to nào đó cỡ trung ương ĐCSVN mà ra. Thế là báo chí chộp lấy để lấy lòng, “tâng công” cho ý tưởng thắt chặt tình đoàn kết theo kiểu “đoàn kết là biết nghe lời” để vì tình dân tộc người dân đừng chống lại Đảng (CS), “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”vv…
Mặt khác, nhà cầm quyền CSVN đang cố tạo ra một sự phồn vinh giả tạo trên đất nước, tạo nhiều hoạt động vui chơi giải trí để vừa là dịp thu lợi lớn (tất nhiên là cơ hội tham nhũng cũng lớn), vừa để người dân quên đi những bất công, những ngược đãi, bạc đãi mà họ đang phải chịu đựng từ kẻ gây ra cho họ đó chính là ĐCSVN, mà tôi sẽ nói tiếp một ý nhỏ về một vài câu chuyện trong chiến tranh nhân ngày 30/4 nữa…
Kính thưa các nhà báo mà ngòi bút đang hàng ngày bị quản chế, mất tự do!
Để kích động nhân dân Việt Nam lao đầu vào “cuộc tự sát tập thể” kinh hoàng nhất trong lịch sử kết thúc vào ngày 30/4/1975 ĐCSVN đã dùng sách vở, báo chí tuyên truyền kích động vào lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc (con Lạc cháu Hồng) với hàng trăm hàng ngàn câu chuyện “anh hùng” theo trí tưởng tượng của những người cầm bút dối trá, đứng đầu là Tố Hữu với câu thơ:
“Ôi tuổi chín, mười cũng biết hy sinh
Tôi bị thương rồi để tôi nằm lại”
Rồi tiếp đến là câu chuyên “em bé đuốc sống” Lê Văn Tám. Trước đó là một loạt các câu chuyện “thần thoại” khác trong thời kỳ chống Pháp như “Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng”, “Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo”, “La Văn Cầu tự chặt cánh tay bị thương” vv… Ngày nay, chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút và trên cơ sở áp dụng khoa học hình sự thì biết ngay rằng đó là những câu chuyện bịa đặt hoàn toàn, hoặc gần như hoàn toàn …
Một câu chuyện dối trá và bạc đãi khác có thể sẽ mãi mãi bị lịch sử chôn vùi xảy ra trong chính ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập, nếu không có một bằng chứng bằng hình ảnh và nhân chứng sống kể lại, đó là câu chuyện chiếc xe tăng số 390.
Suốt 20 năm sau tức là đến năm 1995 người ta vẫn cho rằng ông Bùi Quang Thận là người lái chiếc xe 843 húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập rồi ông Thận leo lên cắm cờ trên nóc Dinh. Bản thân ông Bùi Quang Thận là người trong cuộc thì biết rất rõ là ai đã lái xe húc đổ cánh cổng ấy, và ai đã mở đường vào trong DĐL trước ông ta… Cả thế giới đều biết đến ông Bùi Quang Thận như một vị anh hùng, một chứng nhân (theo tôi là bất đắc dĩ) của lịch sử. Nếu không có sự dũng cảm của nhà báo nữ người Pháp Mulder dám đứng đối diện trong cự ly gần với xe tăng đang sẵn sàng nhả đạn, để chụp bức ảnh về chiếc xe tăng đầu tiên xông vào DĐL. Thì sự thật là chiếc xe tăng khác do một chỉ huy khác điều khiển – Xe số 390 mới chính là chiếc xe vào DĐL đầu tiên sẽ không được chứng minh…
Như Qúy Vị đã biết thì ông Bùi Quang Thận đã trở thành “ngôi sao” và có lẽ cũng vẫn sẽ trở thành ngôi sao, nếu ông ta trung thực nói rằng “tôi không phải là người lái xe húc đổ cánh cổng của Dinh Độc Lập” nhưng ông ta đã không làm như vậy ! Ở đây tôi không có ý nhấn mạnh về một “anh hùng nói dối” là ông cựu đại tá Bùi Quang Thận, tôi muốn nói về sự bất công dành cho ông Vũ Đăng Toàn và kíp lái xe trên xe tăng số 390 của ông…
Khi nhà báo Mulder trở lại Việt Nam và công bố bức hình chụp chiếc xe đã húc đổ cánh cổng chính của Dinh Độc Lập, sau đó người ta mới dò tìm tung tích của kíp lái xe này. Các nhà báo, nhà quay phim đã sững sờ chua xót khi tận mắt chứng kiến ông Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe tăng 390) đang đi gác đầm cá thuê, Nguyễn Văn Tập (lái xe) đang đi Đánh Dậm (một lối đánh bắt tôm cá theo cách cổ sơ), Ngô Sĩ Nguyên (pháo thủ 1) đang chạy xe lam. Lê Văn Phượng (pháo thủ số2) đang làm nghề hớt tóc dạo. Tất cả họ đều đang sống trong nghèo đói lam lũ cực khổ, bởi sự thiếu trung thực của ông Bùi Quang Thận và sự bạc đãi của thể chế chính trị do ĐCSVN cầm quyền!
Nhận định về sự việc này, nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi nghe một ý kiến phát biểu nói rằng: “Chuyện VNCH đã bị sụp đổ rồi thì xe nào vào trước xe nào vào sau đâu có gì quan trọng!” ông đã trả lời như sau:
“Lúc này đúng là như vậy, nhưng nếu 100 năm sau cháu chắt ta chúng giỏi hơn ta, phương tiện chúng nhiều hơn ta, chúng phát hiện ra ta đã nói dối (biết mà không nói) thì chúng không chỉ đặt câu hỏi là chiếc xe tăng nào, mà chúng có thể đặt một câu hỏi lớn vào cái thể chế mà chúng ta trao chuyền cho chúng, vào cả cái sự nghiệp mà chúng ta đã làm…”
Giải thích tại sao những người như trung tướng Trần Độ đã phải viết ra “Nhật Ký Rồng Rắn”, thiếu tướng Nguyễn Nam Khánh, thiếu tướng Nguyễn Tài, và hàng trăm hàng ngàn cán bộ đảng viên lâu năm đã phải ly khai với ĐCS? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Họ đã nhận ra bộ mặt thật dối trá, đặc biệt dối trá và vô ơn bạc nghĩa của chế độ Cộng Sản!
Thưa Qúy Vị!
Có bao giờ Qúy Vị nghĩ rằng rồi sẽ đến lượt mình, chính mình chứ không phải ai khác sẽ dám viết một cách thẳng thắn và trung thực như nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo Nguyễn Việt Chiến, nhà báo Điếu Cày? vv..
Có bao giờ Qúy Vị nghĩ rằng báo chí không thể cứ “đi theo lề” dù đó là “lề trái” hay là “lề phải” mà phải đi “theo đường” – Một con đường tự do thênh thang rộng mở vốn được dành cho nghề nghiệp của mình, bởi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận?
Tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng cũng tự nguyện cầm bút. Tôi nghĩ rằng là nhà báo thì thái độ trung thực và thẳng thắn phải đặt lên hàng đầu, chúng ta hãy viết những gì chúng ta nghĩ chứ không viết theo suy nghĩ của kẻ khác. Độc giả sẽ là người đánh giá chính xác nhất về năng lực và tâm huyết của quý vị!
Tôi cầu mong cho sức mạnh của báo chí sẽ luôn đơm hoa kết trái nhiều những hoa thơm quả ngọt như sự đa dạng và phong phú vốn có của cuộc sống!
Sự công bằng và trung thực ắt sẽ chiến thắng!
Cảm ơn Quý Vị!
Kính thư!
Lê Nguyên Hồng
Thành viên Khối 8406 Việt Nam
.
.
.
No comments:
Post a Comment