Lê Thị Công Nhân, người con gái yêu của Mẹ Việt Nam
Viễn Đông
.
Có những lời hay, ý đẹp của các danh nhân vang vọng mãi trong văn học sử. Có những lời khẳng khái của các vị anh hùng vẫn mãi nổi trôi theo dòng sống của Dân Tộc. "Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc". Có những bài thơ của danh tướng cách đây vài thế kỷ mà mỗi lần ngâm lên vẫn rung động trái
tim của mọi người dân Việt. "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư, Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư". Và, "Bệ Hạ muốn hàng, hãy lấy đầu thần đi đã!"
Thế kỷ 21 này, tiếp theo truyền thống anh hùng của cha ông, cũng có những lời phát biểu đầy tính chất hào kiệt của các đứa con yêu quí của dân Việt. Như các lời phát biểu của Phạm Thanh Nghiên, Trần Khải Thanh Thủy, Hồ Thị Bích Khương khi bị công an Cộng Sản bắt giam. Như lời tâm sự của Lê Thị Công Nhân, người con gái yêu của Mẹ Việt Nam.
Trả lời trong cuộc phỏng vấn của người viết, sau khi hết hạn tù đầy, trở về với gia đình, Lê Thị Công Nhân cho biết cô rất không hài lòng khi nhiều người nói Lê Thị Công Nhân được "trả Tự Do". Cô nói: "Trả Tự Do ư? những từ đó hoàn toàn sai. Cá nhân tôi cũng như toàn thể công dân Việt Nam chưa bao giờ được Cộng Sản trả tự do cả!" Cô cho biết, sau ba năm tù, tinh thần cô vẫn vững, mặc dầu sức khỏe cô có yếu dần đi vì dinh dưỡng không đầy đủ và vì điều kiện khắc nghiệt của nhà tù, mặc dầu cô đã bị đầy đọa đến tận cùng địa ngục trần gian, khốn khổ nhất và bần cùng nhất. Hiện nay, tuy không còn trong bốn bức tường giam nữa, nhưng Công An vẫn theo sát quanh nhà, cô không được đi lại thung dung, và có cảm tưởng như vẫn ở trong một nhà tù lớn. Tuy thế, tinh thần cô lại mạnh mẽ hơn. Cô nói: "Việc Cộng Sản tống tôi vào tù là một sai lầm lớn của họ" Trước đây, tư tưởng cô tương đối ngây thơ, trong sáng, nhưng sau 3 năm tù, cô bình thản hơn, vững vàng hơn, và hoàn toàn đứng đắn. Cô đã học hỏi thêm rất nhiều trong thời gian tù đầy, đã hoàn tất những quan niệm còn thiếu sót về Cộng Sản khi trước. Cô không ân hận một chút nào,
và biết rằng con đường cô đã đi qua là hoàn toàn đúng. Vì thế, cô tiếp tục tranh đấu, chấp nhận những sự trù dập, khó khăn tiếp theo, chấp nhận chịu đựng ngay cả những trường hợp xấu nhất. Một điều nghịch lý là cô cảm thấy thích thú khi không biết có những sự trả thù nào của Đảng Cộng Sản đối với
cô trong một thời gian nữa.
Trả lời câu hỏi về nhận thức đối với xã hội, Lê Thị Công Nhân cho hay, đi tù một thời gian lâu, rồi về nhà, cô cảm thấy vui gia đình có nhiều thay đổi. Trước đây, gia đình cô vẫn yêu thương, đùm bọc cô, nhưng chưa thật sự hiểu và thông cảm những việc làm của cô. Nay thì họ đã chan hòa với cô, ủng hộ việc làm của cô một cách tuyệt đối, không có một chút băn khoăn nào. "Nói theo kiểu Cộng Sản, thì gia đình tôi bây giờ là một "gia đình cách mạng". Mẹ và con, chị và em đều công khai nói lên những ý nghĩ của mình trước công an không ngại ngần.
Với tình cảm xã hội cũng thế, cô vẫn tưởng là mọi người quen biết sẽ tránh xa cô, làm cô hơi tủi thân, nhưng ngược lại, mọi người đến thăm cô và tặng hoa cho cô rất nhiều. Cả những người xa lạ, đến và nói với cô: "Công Nhân không biết anh đâu! Công Nhân không biết chị đâu!" và họ đến với tấm chân tình, thẳng thắn và thoải mái. Trước đây hơn 3 năm, họ không dám nghĩ đến một ngày họ sẽ đến thăm Lê Thị Công Nhân, nhưng bây giờ, họ nói dõng dạc với mọi người là đi thăm và tặng hoa cho Lê Thị Công Nhân và cũng nhắc nhở thoải mái lý do tù đầy của Lê Thị Công Nhân. Như thế, Lê Thị Công Nhân cảm thấy
rằng, con người Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ hơn, quang minh chính đại hơn. Cô cũng vui vì mình không phải là ngôi sao văn học, nghệ thuật, giải trí nào, chỉ là một người bình thường mà được mọi người yêu quý một cách công khai. Cô khẳng định: "Như thế, con người đã biết vượt qua bóng tối của sự sợ hãi."
Về mặt xã hội, cô thấy có nhiều công trình xây dựng hơn, nhưng vẫn nhếch nhác, và cực kỳ lạc hậu. Đằng sau các công trình lớn đó, là khoảng cách giầu nghèo càng ngày càng tăng. Phụ nữ vẫn nghèo khó, vất vả. Chính các đài Truyền Hình cũng chiếu lên những cảnh nghèo khó đó.
Trả lời câu hỏi về dự án tương lai, Lê Thị Công Nhân cười vui, nói rằng: "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Cô đã chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, và Nhân Quyền, cô sẽ tiếp tục cuộc chiến đó. Cô đã tham gia Khối 8406, đã thành lập Đảng Thăng Tiến, cô vẫn không ngừng mục tiêu ấy, vẫn đấu tranh bất bạo động, chỉ bằng ngòi bút và lời nói, để góp phần buộc đảng Cộng Sản phải trở về vị trí một đảng chính trị bình thường như các đảng khác trên thế giới. Lê Thị Công Nhân xác định: "Tôi quyết hy sinh đến cùng, không hy sinh dang dở."
Đất nước đang lung lay, rừng vàng biển bạc đang mất dần vào tay ngoại bang, dân tộc đang bị phân hóa và biến chất, căn cước dân Việt ở cao nguyên, và chỏm cực bắc đang từ từ chuyển sang căn cước mang mầu đỏ Trung Cộng, thì những lời tâm huyết của Lê Thị Công Nhân, đứa con yêu quý của Mẹ Việt Nam sẽ
là ngọn đuốc soi đường cho lớp trẻ Việt Nam tiến lên, dành lại quyền làm người, quyền làm chủ mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động của mình, từ đó, tiến lên, gih lại nền Độc Lập Dân Tộc.
Tương lai của Việt Nam đang nằm trong tay những người trẻ có dũng khí, dám hy sinh cả sinh mạng như Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Hồ Thị Bích Khương, Trần Khải Thanh Thủy và những người trẻ khác, hiện đang bất đắc dĩ phải nằm trong tù, nhưng ánh sáng từ trái tim trong sáng của họ vẫn chiếu dọi qua các khung cửa nhà tù, đến mọi nơi trên thế giới.
.
.
.
No comments:
Post a Comment