Wednesday, April 14, 2010

BA LAN : BỎ CỘNG SẢN , và THÀNH CÔNG

Ba Lan: Bỏ Cộng Sản, và thành công

Ngô Nhân Dụng

Tuesday, April 13, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=111384&z=7

Trong khi dân chúng Ba Lan trải qua một tuần lễ tang tóc thì chúng ta có dịp nhìn lại thành tựu của nước này trong 20 năm qua, sau khi rũ bỏ chế độ cộng sản. Ông Tổng Thống Lech Kaczinsky, ông Thống Ðốc Ngân Hàng Trung Ương Slawomir Skrzypek, mấy vị tướng lãnh và nhiều nhà lãnh đạo tử nạn trong chuyến máy bay oan nghiệt đã ra đi, nhưng họ để lại cho nước Ba Lan những di sản đáng hãnh diện.

Ba Lan hiện đang là một nền kinh tế phát triển tốt nhất ở Âu Châu; năm ngoái đã tăng trưởng 1.7% trong khi GDP trung bình của 28 quốc gia dùng đồng Euro bị giảm hơn 4%, và tất cả các nước khác đều suy thoái. Sự thành công của Ba Lan là nhờ một hệ thống ngân hàng vững chắc không bị lôi cuốn vào cơn khủng hoảng tài chánh thế giới; ngân sách quốc gia chỉ thâm thủng nhẹ trong khi giới đầu tư quốc tế sẵn sàng mang tiền đến cho chính phủ Ba Lan vay. Và điều đáng hãnh diện nhất là 20 năm sau khi tự giải thoát khỏi chế độ cộng sản, các định chế chính trị dân chủ đã bén rễ ngày càng bền chặt, sau một tai nạn thảm khốc khi nhiều nhà lãnh đạo dân sự và quân sự cùng qua đời một lúc, mà guồng máy chính trị của quốc gia tiếp tục điều hành một cách bình thường theo đúng các thủ tục dự trù trong hiến pháp.

Vị chủ tịch Hạ Viện (Sejm) đã nhận xử lý thường vụ chức quốc trưởng và tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử sớm để chọn người làm tổng thống. Phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương đã lên làm quyền thống đốc. Mặc dù có mấy vị tướng lãnh tử nạn nhưng quân đội đã chính thức cải chính tin sẽ có những biện pháp đặc biệt vì tình trạng khẩn cấp, hay hoãn thi hành hiến pháp lấy lý do an ninh bị đe dọa. Năm 1922, một thủ tướng Ba Lan, ông Gabriel Narutowicz cũng chết vì một tai nạn máy bay khó hiểu, sau đó quốc gia đã rơi vào hỗn loạn với các cuộc đảo chính, và đưa tới một chế độ quân phiệt.

Cái chết của gần 100 nhân vật ưu tú nước Ba Lan khiến người ta phải nhớ tới cuộc tàn sát 22,000 sĩ quan quân đội Ba Lan tự do ở Katyn vào năm 1940 do lãnh tụ Cộng Sản Stalin chủ mưu. Lực lượng sĩ quan này quy tụ những thành phần trí thức giường cột của nước Ba Lan lúc đó, với hàng chục ngàn nhà trí thức, giáo sư, luật sư, kỹ sư, bác sĩ, vân vân, đã bị động viên trước đó. Stalin đã tiêu diệt những người con ưu tú của nước Ba Lan để mở đường cho đảng Cộng Sản Ba Lan cướp chính quyền sau này và biến quốc gia thành một chư hầu của Nga. Tại nạn tuần qua cũng làm mất của Ba Lan những đứa con ưu tú nhưng đã khiến cả nước đoàn kết với nhau trong tang tóc. Nhiều người Ba Lan tỏ ý nghi ngờ tai nạn này có vẻ một âm mưu ám sát do mật vụ Nga thi hành; nhưng nói chung cả quốc gia đã cư xử một cách đứng đắn, báo chí không ai đổ tội cho chính quyền Nga.

Ðiều gì đã giúp nước Ba Lan tạo được một hình ảnh ổn định và trưởng thành đáng kính như vậy? Ðó chính là do các vận động chính trị và kinh tế của 38 triệu người dân trong 20 năm qua đã tạo nên những nền tảng vững chắc. Các định chế quốc gia đóng đúng vai trò của mình. Các nhà chính trị tôn trọng “luật chơi dân chủ” và những người dân biết bầy tỏ ý kiến qua lá phiếu tự do. Chủ trương kinh tế thị trường không còn dính đến kinh tế cộng sản cũ đã giúp dân giàu nước mạnh thật sự. Ba Lan là một tấm gương cho thấy khi người dân một nước đã quyết tâm từ bỏ chủ nghĩa cộng sản thì họ xây dựng được một quốc gia vững mạnh về kinh tế và chính trị.

Năm 1989, khi một người thuộc Công Ðoàn Ðoàn Kết đứng ra lập chính phủ đầu tiên không cộng sản vào Tháng Tám, đảng Cộng Sản Việt Nam đã tổ chức biểu tình trước tòa đại sứ Ba Lan ở Hà Nội để hô khẩu hiệu ủng hộ đảng Cộng Sản Ba Lan, chống lại vụ “cướp chính quyền” của “lực lượng thù nghịch” tay sai tư bản! Lúc đó, nhân viên tòa đại sứ đã ra yêu cầu nhóm người biểu tình giải tán, giải thích rằng việc chuyển giao quyền hành này là nguyện vọng của nhân dân Ba Lan chứ không có “thế lực thù nghịch” nào tạo ra cả. Tháng Mười Hai năm đó, Quốc Hội Ba Lan cởi trói cho nền kinh tế khỏi chế độ tập thể quốc doanh; xóa bỏ dấu tích cộng sản trong quốc hiệu, đổi tên nước thành Cộng Hòa Ba Lan. Tháng Giêng năm sau, đảng Cộng Sản Ba Lan đã tự ý giải tán, đổi tên thành một đảng Dân Chủ Xã Hội. Sau đó họ còn hóa thân vài lần nữa biến thành một Liên Minh Tả Phái (SLD). Ðảng SLD đã hai lần được các cử tri tín nhiệm đưa lên cầm quyền trong những năm 1993 và 2001, nhưng rồi lại bị người dân bỏ phiếu gạt ra khỏi chính quyền vào những năm 1997 và 2005.

Nhìn vào kết quả các cuộc bầu cử trên (hai lần nghiêng sang tả, hai lần ngả sang hữu) người ta có thể thấy các cử tri Ba Lan rất dễ thay đổi. Có người sẽ “lo lắng” là nền chính trị xứ này “không ổn định” theo lối cộng sản cũ. Nhưng trái lại, chính trị Ba Lan rất ổn định, nhờ người dân đã trưởng thành trong lối sống tự do. Chính vì người dân được tự do chọn lựa người cầm quyền, và sử dụng quyền tự do đó một cách thẳng thắn, không kiêng dè, họ thay đổi chính quyền một các dễ dàng, cho nên chính trị trở thành ổn định. Nhân dân Ba Lan có thể tự mình thí nghiệm với các chương trình trị quốc khác nhau, với các nhóm chính khách thuộc các đảng khác nhau. Năm 2005, đảng Luật Pháp và Công Lý (PiS) với chủ trương khuynh hữu và bài Nga của anh em cố Tổng Thống Kaczinsky thắng thế, vì dân chúng đã chán chính phủ cánh tả SLD tham nhũng. Nhưng hai năm sau đảng PiS lại thua trong cuộc bầu cử Quốc Hội, vì họ thất bại về kinh tế, đảng Diễn Ðàn Công Dân (PO) lên lập chính phủ mới. Nhiệm kỳ của Tổng Thống Kaxzinsky vẫn kéo dài cho hết năm nay, cho nên trong hai năm qua giữa ông tổng thống PiS và Thủ Tướng Donald Tusk thuộc đảng PO luôn luôn xung đột! Ðây lại là một tình trạng bình thường trong một chế độ dân chủ tự do, mọi người đều tôn trọng hiến pháp và luật pháp. Chính sách kinh tế cởi mở và chủ trương ngoại giao hòa hoãn với lân bang của đương kim Thủ Tướng Tusk thành công, cho nên đảng này hy vọng sẽ đưa được người lên thay thế cố Tổng Thống Kaczinsky trong cuộc bầu cử sắp tới, người đó chính là vị quốc trưởng xử lý thường vụ hiện nay.

Kinh nghiệm Ba Lan cho thấy khi người dân một quốc gia quyết tâm từ bỏ cộng sản độc tài để xây dựng dân chủ, người ta đã thành công. Chính nhờ can đảm dứt khoát bỏ chủ nghĩa cộng sản và chế độ chuyên chế do Stalin lập ra mà các lãnh tụ đảng Cộng Sản Ba Lan năm 1989 đã mở đường cho quốc gia họ bước vào một thời kỳ mới. Năm 1988 khi đảng Cộng Sản đưa kinh tế Ba Lan vào bế tắc, các công nhân Ba Lan theo Công Ðoàn Ðoàn Kết tổ chức đình công và biểu tình suốt từ Tháng Tư, đảng Cộng Sản Ba Lan đã cải tổ luật bầu cử thay vì tham quyền cố vị đến cùng. Họ tự tước bỏ độc quyền của đảng cộng sản, cho dân chúng được tự do bầu Thượng Viện và một phần ba Hạ Viện (Sejm). Chính Quốc Hội mới đó đã đưa Tướng Wojciech Jaruzelski lên làm chủ tịch nước vào Tháng Bảy năm 1989. Một tháng sau, ông đã mời một nhà báo, trong nhóm lãnh đạo Công Ðoàn Ðoàn Kết ra lập chính phủ mới. Ðến nay, ông Jaruzelski vẫn còn được nhiều người dân Ba Lan kính trọng, chứ không bị xử tử hình và bị nguyền rủa như lãnh tụ cộng sản ở Rumani.

Bên cạnh một nền chính trị tương đối ổn định, điều đáng ca ngợi ở Ba Lan là nền kinh tế sinh động. Trong lịch sử nước Ba Lan, người dân chưa bao giờ giàu như hiện nay. Sau 40 năm dưới chế độ cộng sản, kinh tế Ba Lan đã đi tới kiệt quệ, từ 20 năm qua các chính quyền đã thay đổi, thí nghiệm nhiều chính sách khác nhau nhưng đều hướng về thị trường hóa tối đa. Mặc dù có những khúc quanh, nhưng sau cùng người ta vẫn tìm ra con đường tốt nhất. Ông Bộ Trưởng Tài Chánh Jacek Rostowski cho biết trong năm 2009, lợi tức theo đầu người của người Ba Lan đã tiến nhanh vượt bực, từ tình trạng bằng một nửa (50%) tiến lên bằng 56% lợi tức bình quân của Liên Hiệp Âu Châu. Ba Lan hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ sáu ở Âu Châu. Ðầu năm nay, trong lúc chính phủ Hy Lạp đang lo phá sản và không đi vay nợ được phải nhờ Âu Châu cứu trợ, thì chính phủ Ba Lan vì được tín nhiệm đã vay được ba tỷ Euro, hơn 4 tỷ đô la Mỹ, với lãi suất thấp.

Nhờ vay nợ dễ dàng, Ba Lan đang cải thiện hệ thống đường xa lộ và hỏa xa, thay thế những di sản hạ tầng cơ sở mục nát thời cộng sản để lại, chuẩn bị cùng Ukraine tổ chức Giải Túc Cầu Âu Châu vào năm 2012. Trong các năm qua, Ba Lan đã bước những bước dài cải tổ hệ thống hành chánh, vì các chính quyền dân chủ không sợ dân mà tin tưởng dân, kính trọng dân. Sau khi chế độ hộ khẩu được bãi bỏ, chính sách gia cư thay đổi đã giúp các công nhân di chuyển, đổi chỗ ở và nơi làm việc trong nước một cách dễ dàng hơn. Chính phủ đã giản dị hóa thủ tục, các công dân có quyền làm bản tự khai các giấy tờ của mình (oswiadczenia) thay vì phải đi xin chưởng khế (giống như công an phường) thị thực công chứng (zaswiadczenia). Nhờ lối làm việc mới đó mà đời sống kinh tế của người dân bình thường được khai thông nhanh chóng hơn. Ông Bộ Trưởng Rostowski nói, “Chúng tôi cứ giả thiết là người dân nói sự thật, cho đến khi nào có bằng chứng là họ nói dối. Trong quá khứ, chế độ cộng sản nghĩ theo lối ngược lại.”

Nếu nước Việt Nam thay đổi chế độ, từ bỏ chủ nghĩa cộng sản như dân Ba Lan đã làm, thì trong vòng mười năm đến 20 năm, chúng ta cũng sẽ tiến không kém gì nước Ba Lan. Bởi vì không có lý gì mà người dân Việt Nam lại thua kém dân Ba Lan.

Ngô Nhân Dụng

.

.

.

No comments: