Bác sỹ Hồ Hải: LẦN CHẠY GIẶC ĐẦU ĐỜI
Cần hiểu chữ "giặc" theo đúng nghĩa của nó.
**
Bác sỹ Hồ Hải
Ba mươi lăm năm là một nữa đời người Việt, nếu tính theo tuổi thọ trung bình của người Việt là 72,8 theo thống kê năm 2009. Thêm một khoảng thời niên thiếu trước đó cũng đủ làm một đời người bước đến cái dốc bên kia của cuộc đời. Cuộc đời thật ngắn, mới mà đã xế chiều. Nhưng cuộc đời cũng rất dài với những biến động quanh ta. Đặc biệt, với những tuổi thơ với những tháng ngày bom đạn. Loạt bài viết này nhằm điểm lại một chút quá khứ, một chút hiện tại rất thật để cho tôi, cho bạn và cho mai hậu.
LẦN CHẠY GIẶC ĐẦU ĐỜI
Trong cuộc đời của tôi có 2 lần chạy giặc. Nếu không vì hoàn cảnh gia đình thì đã có 3 chứ không phải là hai mà tôi sẽ kể sau đây.
Ông bà Ngoại tôi chỉ có má tôi là "hủ mắm treo đầu giàn" theo đúng nghĩa câu tục ngữ mà dân quê tôi thường dùng để ám chỉ nhà chỉ có con một, mà là con gái. Dù ông bà ngoại tôi sinh ra 3 mặt con, nhưng hai cậu tôi đều chết vì bệnh lúc còn đỏ hỏn. Nên chúng tôi ở với Ngoại và quê Ngoại tôi ở làng Quang Minh, thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Theo thầy tôi, dân Bình Định chủ yếu là dân mở cõi từ miệt Thanh-Nghệ vào Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh và thời nhà Hồ thất thế. Nên người dân quê tôi còn bản tính cần cù, tiết kiệm đến keo kiệt của vùng đất ông cha lắm thiên tai, dịch họa.
Làng tôi ở ven Đầm Thị Nại, con đầm mà theo truyền thuyết trong cuốn "Nhân vật Bình Định" của một nhà giáo sử học Đặng Đức Siêu ghi lại rằng: nó có 2 cửa thông ra biển Đông. Một cửa ở phía Bắc gọi là Ngả Thử ở vùng quê của Xuân Diệu. Một cửa ở phía
Thời đệ nhất Cộng Hòa, quê tôi rất bình yên. Dân trong làng ngày ngày đánh cá trên Đầm và trồng lúa, sống thanh thản. Nhà ban đêm ngủ cửa mở tông hốc chẳng ai thèm trộm. Khi nền đệ nhất Cộng Hòa bị lật đổ vào ngày 01/11/1963, tất cả bắt đầu thay đổi. Ngày là của lính Cộng Hòa, đêm quê tôi là của những người vận sắc phục màu đen đi len lỏi vào từng nhà kêu gọi đóng góp cho mặt trận. Lúc đó còn quá nhỏ, tôi chưa hiểu và cũng không biết là mặt trận gì? Sau này mới biết đó là mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt
Má tôi, chuyên đi buôn hàng nông sản từ quê xuống Qui Nhơn. Ngày ấy Qui Nhơn là một thung lũng hình tam giác, được bao quanh giữa biển, Đầm Thị Nại và núi, cũng chỉ có dân chài. Thị trấn Bình Định mới là nơi sầm uất, vì nó nằm trên trục lộ giao thông của cả nước mà người Pháp tạo ra. Sau khi lính Mỹ vào miền Nam, họ phát hiện Qui Nhơn là một cảng nước sâu, nhưng kín gió. Họ biến cái thung lủng ấy trở thành phố thị. Và cảng Qui Nhơn là một cảng quân sự cho cuộc chiến Nam Bắc Việt.
Năm 1965 là năm quyết định cho lần chạy giặc đầu đời của tôi. Tôi còn nhớ, năm ấy một đêm 30 âm lịch, các ông mặt trận về làng, đến gõ cửa từng nhà, lùa hết người lớn trẻ nít lên Đình làng. Ở đó, tôi đã thấy có 5 người bị trói cả tay lẫn chân quặt ra sau nằm sóng soải. Trong số đó tôi chỉ biết một ông thôn trưởng thường đến nhà Ngoại tôi uống rượu và đánh bài. Tâm trí trẻ thơ ngày ấy tôi có biết gì. Chỉ thấy một hàng ghế được rọi sáng bằng ánh đèn măng sông với nhiều ông, bà sắc phục bà ba đen. Họ đọc tuyên cáo gì đó. Sau tuyên cáo họ cho cả 5 người vào những chiếc cối giã gạo và họ giã cho đến chết. Xong đâu đấy chúng tôi được cho về nhà.
Sau đêm ấy, đêm nào tôi ngủ cũng gặp ác mộng la hét suốt đêm. Má tôi bàn với ông bà Ngoại là phải xuống Qui Nhơn để ở. Nhưng ông bà tôi không đi vì lúc đó xuống Qui Nhơn biết làm ăn gì mà sống. Trong khi ở đây, ông bà tôi là người đầu tiên dùng thuyền có gắn máy nổ để đưa khách từ quê xuống Qui Nhơn mỗi ngày 2 lượt.
Nhưng rồi cũng một đêm sáng dậy, tôi không còn thấy má mình đâu nữa. Ông bà Ngoại tôi phải giải thích với tôi là má tôi đi buôn bán xa,.sau ba ngày tôi không thấy má. Hình như sau một tuần má tôi về. Sau ngày đó ông bà tôi quyết định để má tôi xuống Qui Nhơn sinh sống. Ông bà còn ở lại. Khi lớn lên má tôi bảo các người mặt trận nghi ngờ má tôi làm liên lạc cho chính quyền Cộng Hòa sau mỗi chuyến đi buôn nông sản từ quê xuống Qui Nhơn, nên họ bắt má tôi đi học tập ở An Lão. Họ buộc má tôi phải làm giao liên cho họ, nếu không thì hãy nhìn tấm gương của những người đã bị giã gạo đêm đen tối đó. Má tôi nghĩ, mình là dân chỉ biết kiếm ăn, con còn nhỏ, ông bà chỉ có một mình má, nên má không thể theo ai mà bỏ ông bà. Thế là má bỏ quê xuống phố.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu thế nào là giặc như đúng nghĩa của nó. Hồi đó tôi cứ hỏi má tôi thế nào là giặc. Má tôi đánh tôi và không cho tôi được nhắc đến từ đó nữa. Má tôi bảo: "Con chỉ cần biết má phải chạy giặc để có một cuộc sống an bình và lo chuyện học hành cho con. Con còn nhỏ không nên biết nhiều về nó làm gì. Hiểu chưa?"
Từ đó, tôi lớn lên nơi phố thị. Mỗi ngày đi học ở một trường gần nhà, trường tiểu học cộng đồng mang tên một chí sĩ yêu nước của nhà Nguyễn không gặp thời, Ông Nguyễn Trường Tộ. Trẻ con hay quên, rồi những cơn ác mộng với những tiếng chày giã và tiếng rên siết, máu bắn tung tóe cũng qua đi. Tôi chân sáo đến trường với mỗi ngày một buổi với sinh hoạt định kỳ mỗi tuần được cho đi xem ciné hoặc xem cải lương một lần, nếu trong tháng được lên cột cờ nhận bảng danh dự và được vào nhóm đại diện của trường để hát quốc ca đầu tuần thượng cờ và hát đoạn cuối quốc ca cuối tuần để hạ cờ.
Lần chạy giặc đầu đời đưa tôi từ đứa trẻ quê không biết đèn điện là gì. Chỉ biết đèn măng sông đánh cá của làng chài. Từ đứa trẻ đi học cuốc bộ mỗi ngày cả gần 5 cây số đường làng, ruộng lúa. Tôi được đổi đời xuống phố thị sống với đèn điện, xem ciné và biết máy hát đĩa với những cái đĩa nhựa to với những tài tử cải lương và nhạc rock của Beatle.
Đúng là cuộc đời chẳng biết đâu là họa mà đâu là may. Nên, họa cũng không nãn mà may cũng đừng kiêu. Tôi sẽ trở lại với cuộc sống thị thành và lần chạy giặc thứ hai.
Asia Clinic, 14h15' ngày 17/4/2010
http://bshohai.multiply.com/journal/item/201/201
.
.
.
No comments:
Post a Comment