Thursday, April 8, 2010

HỒNG LƯỢNG CÁT và SỰ BÀNH TRƯỚNG DÂN SỐ TRUNG QUỐC

Hồng Lượng Cát và sự bành trướng dân số của Trung Quốc

Đỗ Anh Thơ

08/04/2010 12:10 chiều Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=18399

Hơn một trăm năm trước, thế giới đã báo động về nạn “hoàng họa” tức là sự bành trướng dân số của Trung Quốc. Thật vậy, đầu đời Thanh, vào năm thứ 8 đời Thuận Trị (1651), theo sổ sách, Trung Quốc có hơn 10 triệu suất đinh. Như vậy, ước tính dân số suýt soát 60 triệu. Khoảng hơn 100 năm sau, vào năm Càn Long thứ 55 (1790), bất chấp dịch bệnh, chiến tranh, đói kém… dân số Trung Quốc vẫn lên tới 300 triệu người, tức là tăng gấp năm lần. Chính trong thời gian này ở Âu Châu, Manthus (1766- 1834 người Anh) đề ra thuyết nhân mãn. Theo thuyết này, dân số tăng theo cấp số nhân, còn của cải vật chất thì tăng theo cấp số cộng. Ông đề nghị hạn chế sinh đẻ và chủ trương thông qua chiến tranh, lao động cực nhọc, dịch bệnh… để giải quyết nạn nhân mãn. Thuyết này rất phản động vì đã cổ vũ cho chiến tranh và không biết rằng chính nghèo đói, dân trí thấp là nguyên nhân chủ yếu làm cho người ta đẻ nhiều thêm. Cùng sống đồng thời với Manthus, ở Trung Quốc có Hồng Lượng Cát[1] cũng từng điều trần lên vua Gia Khánh (1799) về vấn đề giảm bớt dân số, gần như Malthus, nhưng đã bị bắt giam vào ngục. Lúc này nhà Thanh vẫn chỉ chủ trương bành trướng dân số, lấn chiếm đất đai, “Hồ Quảng lấp Tứ Xuyên” (vùng Tứ xuyên, Hồ Bắc, Quý Châu) và “Hồ Quảng lấp Miêu Cương” (Vân Nam, Quý Châu, Tân Cương, Quảng Tây). Chủ trương này nhanh chóng trở thành sự bành trướng dân số, Hán hóa các bộ tộc ít người. Nó biến thành cái gậy, lưng ông đập lưng ông, đối với Mãn Thanh.

Đất đai của bộ tộc Mãn Châu (nơi phát tích Thanh triều) nhanh chóng bị con bạch tuộc Hán nuốt chửng, cùng với đất người Mông, Hồi, Tạng, Miêu… Con bạch tuộc hay con khủng long đó, cứ lớn dần với diện tích lên tới khoảng trên 9 triệu cây số vuông và dân số lên trên 400 triệu vào năm 1949, đầu chính quyền Mao Trạch Đông. Đến nay mới qua 60 năm, nó bùng nổ lên tới 1,3 tỷ. Mặc dù có chính sách nghiêm ngặt là mỗi người dân chỉ được đẻ một con, nhưng theo dự báo, ngưỡng dân số thay thế của Trung Quốc có thể tới 1,5- 1,8 tỷ vì 30 năm nữa Trung Quốc mới thoát nghèo, mà mỗi năm dân Trung Quốc tăng khoảng 6-8 triệu người. Hiện Trung Quốc đã có hàng trăm triệu người già và hàng chục triệu thanh niên không kiếm được vợ.

Tuy vậy, mộng bành trướng từ thời Tần Thủy Hoàng vẫn chưa chấm dứt. Họ vẫn ấm ức rằng với quy mô 9 triệu km2 đất liền mà Trung Quốc chỉ có hai biển nhỏ là Hoàng Hải và Đông Hải, chưa đầy 1,5 triệu km2, lại bị nhiều nước chắn trước mặt như Nhật bản, Hàn Quốc. Như vậy là không tương xứng.

Bởi vậy, con bạch tuộc Trung Quốc đang học theo thuyết Alfred Thayer Mahan (1840-1914 người Mỹ) về hải quyền và Douhet (1869-1930 người Italy) về không quyền của đầu thế kỷ 20, đang tung vòi xuống Biển Đông, hòng liếm hết thềm lục địa Việt Nam, Philippine, Malaysia…

Họ vẫn chưa thấy rằng sau chiến tranh lần thứ 2, quy luật phát triển của các nước đã thay đổi. Nhiều đế quốc thắng trận lẫn thua trận đều đã tỉnh mộng bành trướng, thế giới không còn như thời kỳ thực dân đế quốc nữa. Những nước có quy mô dân số nhỏ và vừa phải (cỡ 50 đến 100 triệu dân) phát triển bền vững hơn các nước lớn có hàng tỷ dân (như Trung Quốc, Ấn Độ) rất nhiều. Nghĩa là quy luật to chưa phải là mạnh; càng to, môi trường càng bị tàn phá nhiều hơn. Ở các nước nhỏ và vừa đó đến nay, trừ châu Phi, họ đã đạt được quy mô dân số thay thế (tỷ lệ sinh 1,1 tỷ lệ chết 0,7) bằng cách đẻ 1-2 con, đẻ muộn (sau 35 tuổi đối với nam, 30 tuổi đối với nữ) và kéo dài tuổi thọ đồng thời duy trì được sức lao động mãi cho tới tuổi 70-75 nên vấn đề dân số già không ảnh hưởng lắm đến phát triển kinh tế. Hơn nữa, để giải quyết nạn thiếu lao động, họ chủ trương mở cửa dân nhập cư có điều kiện và đẩy mạnh việc sử dụng robot thay thế người.

Phân tích như vậy để thấy cái gót Achille của Trung Quốc là vấn đề dân số, khiến cho đất nước này không thể đi lên theo nền kinh tế trí thức, tốn ít lao động, nguyên liệu, năng lượng, ít chất thải, bảo vệ môi trường… mà cả thế giới văn minh đang hướng tới. Nói khác đi, mô hình kinh tế tự mình là trung tâm, với sức ỳ nặng 1,3 tỷ người (tương lai không xa sẽ lên trên 1,5 tỷ), với bao nhiêu dân tộc bị đồng hóa do bị chiếm đất… là một mô hình kinh tế mà các nước có lợi thế về dân số, đất đai… như Việt Nam[2] không thể noi theo, vì nó sẽ không bao giờ có thể cất cánh được, theo kịp xu hướng phát triển của thời đại: Thời đại ngoại ngữ hóa, tin học hóa, đại học hóa lao động, thời đại nông công nhân áo trắng, sử dụng computer, robot chứ không phải là búa liềm thô sơ.

Hình như ở Trung Quốc dang có rất nhiều cái đầu nóng, không thấy sự tuyệt chủng do to quá kích cỡ của khủng long, chưa thấy bài học thất bại của phát xít Đức – Ý – Nhật, Anh, Pháp, Liên Xô… vẫn không muốn xuống thang, vẫn tiếp tục âm mưu bành trướng quyết một trận thư hung với Mỹ nên tự nó có nguy cơ nổ bùng, biến thành lò lửa, chiến tranh như thuyết Malthus để tàn sát hàng chục hàng trăm triệu dân mình với các nước quanh vùng để đạt cả hai mục đích là giảm sức ép dân số và chia chác thêm đặc quyền kinh tế.

Sự thực là khi chưa có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh, Mao Trạch Đông đã từng có chủ trương làm bá chủ thế giới bằng bom nguyên tử cho dù phải hy sinh đi một nửa số dân.

Nhân loại đã thấy rõ cái kịch bản này. Nhưng khốn khổ thay cho những con cá khờ dại vẫn cứ lượn lờ quanh những cái vòi bạch tuộc độc, màu sắc rực rỡ, tưởng đó là bãi san hô vô hại.

© 2010 Đỗ Anh Thơ

© 2010 talawas


[1] Hồng Lượng Cát (洪亮吉 1746-1809), tự Quân Trực 君直 và Trĩ Tồn 稚存, hiệu Bắc Giang 北江 và Cánh Sinh 更生, người Dương Hồ (nay là Thường Châu, Giang Tô), đỗ tiến sĩ năm 1790 (Càn Long Canh Tuất), làm ở Hàn lâm viện và Sử quán; do có nhiều điều trần không hợp ý với vua Gia Khánh nên bị bỏ ngục, sung quân đến Y Lê (Tân Cương), 5 năm sau, tuổi già mới được cho về.

Ông đồng thời là một nhà thơ, với bài thơ nổi tiếng:

吳梅村祠題壁

寂寞城南土一丘,
野梅零落水雲愁。
生無木石填滄海,
死有祠堂傍弇州。
同谷七歌才愈老
秣陵一曲淚俱流。
興亡忍話前朝事,
江總歸來已白頭。

Phiên âm: Ngô Mai Thôn từ đề bích

Tịch mịch thành nam thổ nhất khâu,
Dã mai linh lạc thủy vân sầu.
Sanh vô mộc thạch điền thương hải,
Tử hữu từ đường bạng Yểm Châu.
Đồng Cốc thất ca tài dũ lão,
Mạt Lăng nhất khúc lệ câu lưu.
Hưng vong nhẫn thoại tiền triều sự,
Giang Tổng quy lai dĩ bạch đầu.

Chú thích:

- Ngô Mai Thôn: tức Ngô Vĩ Nghiệp (1609 – 1672), thi nhân cuối triều Minh đầu triều Thanh.

- Thương hải: tức Thương hải hoành lưu hoặc Thương hải biến vi tang điền, chỉ việc biến đổi, loạn ly. Sinh vào thời ly loạn nên Ngô Vĩ Nghiệp (Ngô Mai Thôn) tuy có tài có chí
nhưng không thể làm đá gỗ lấp được biển xanh.

- Yểm Châu: nay là huyện Thái Thương 太仓县, Giang Tô 江苏, có ba ngọn núi liên tiếp nhau gọi là Thượng Yểm, Trung Yểm và Hạ Yểm, nên vùng này được đặt tên là Yểm Châu.

- Đồng Cốc thất ca: bảy bài ca (thơ) về Đồng Cốc của Đỗ Phủ, ý nói thơ của Ngô Vĩ Nghiệp có hơi hám như thơ Đồng Cốc của Đỗ Phủ.

- Giang Tổng: văn học gia đời Trần Hậu Chủ, làm đến chức thượng thư, sau triều Trần bị nhà Tùy diệt, cộng tác với nhà Tùy đến già mới được về.

Dịch:

Đề vách nhà thờ Ngô Mai Thôn
Nam thành lạnh vắng đất bên đồi
Mai hoang rơi rụng nước mây sầu
Sống không gỗ đá chèn biển lớn
Thác có từ đường giáp Yểm Châu
Bảy bài Đồng Cốc thêm tài góp
Một khúc Mạt Lăng khắp lệ rơi
Vẫn nhắc triều xưa dù thịnh mất
Giang Tổng khi về đã bạc đầu

Phan Lang (dịch)

[2] Việt Nam ta có 33 vạn km2 đất liền với thềm lục địa hàng chục vạn cây số vuông. Hướng ra biển Đông rộng khoảng 1 triệu km2, hàng năm được rừng ngập mặn và phù sa bồi đắp gần chục km2 là một thế mạnh Núi và Biển trời cho, dù khí hậu có nóng lên thì ta vẫn còn điều kiện cất cánh. Ta chỉ cần có những cái đầu tỉnh táo, biết đặt lợi ích dân tộc và con cháu mai sau lên trên hết.

.

.

.

No comments: