Thursday, April 8, 2010

KỶ NIỆM 4 NĂM THÀNH LẬP KHỐI 8406

Kỷ niệm 4 năm thành lập Khối 8406

Gia Minh, biên tập viên RFA

2010-04-08

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/How-pro-democracy-bloc-8406-flourishes-in-spite-of-crackdown-GMinh-04082010101717.html

Ngày 8 tháng 4 năm 2006 là thời điểm ra đời của Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam, gọi tắt là Khối 8406.

Ngày này đã trở thành mốc thời gian đáng nhớ đối với những người Việt quan tâm đến tình hình dân chủ - nhân quyền. Mặc dù chính quyền Hà Nội không công nhận và thẳng tay đàn áp những thành viên công khai hoạt động của Khối này, nhưng phong trào vẫn tồn tại. Vậy yếu tố gì giúp cho một phong trào bị chính quyền Hà Nội đặt ra ngoài vòng pháp luật có thể trụ vững như thế?

.

Thành viên tăng, ủng hộ mạnh

Số người đầu tiên ký tên vào Bản Tuyên ngôn dự do dân chủ năm 2006 được công bố vào ngày 8 tháng 4 năm đó chỉ 118; tuy nhiên theo những ghi nhận của Khối này thì đến nay con số người Việt ghi danh tham gia lên đến nhiều ngàn người.

Linh mục Phan Văn Lợi, một trong bốn thành viên đại diện lâm thời của Khối 8406, cho biết về tình hình phát triển của khối này như sau:

“Khối 8406 không phải một đảng phái mà là một phong trào quần chúng, gồm những người ý thức được vấn đề tự do dân chủ. Họ can đảm xưng tên để cùng dấn thân đòi lại quyền ‘tự do - dân chủ’ đó cho dân tộc Việt Nam. Họ không phải đảng viên của một đảng phái nào với cao vọng chính trị mà chỉ có một tấm lòng, tha thiết với vấn đề tự do - dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam.

Chính tấm lòng đó giúp họ dấn thân: tất cả những thành viên Khối 8406 bị tù , nhất là trong những vụ xử cuối năm 2009 và đầu năm 2010, không nhận tội. Người ta thấy video nhận tội của một người là ông Trần Anh Kim; thế nhưng khi ra tòa thì ông đã phủ nhận hoàn toàn và cho rằng làm việc chính đáng. Họ chứng tỏ được khí phách của họ. Khí phách đó khiến đồng bào ngưỡng mộ và sự gia nhập càng ngày càng đông.

Khối 8406 tiếp tục phát triển bởi dựa vào Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam. Tuyên ngôn đó đưa ra những nhận định chính xác về tình hình đất nước, nêu lên được đòi hỏi tự do - dân chủ của dân tộc và đề ra chương trình đòi hỏi tất cả mọi quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội cho dân tộc Việt Nam.”

Ngoài những người Việt có lòng yêu nước ghi danh tham gia Khối 8406, một số người nước ngoài cũng chính thức ủng hộ. Chỉ hơn một tháng sau khi Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam được công bố, thì Nhóm Hiến chương 77 của Tiệp Khắc ra thư ngỏ ủng hộ Khối 8406. Tiếp đến có 50 dân biểu Hoa Kỳ cũng lên tiếng chính thức hậu thuẩn cho Khối 8406 tại Việt Nam. Đến tháng 12 năm 2006, gần 40 dân biểu và thượng nghị sĩ Australia ra thư ngỏ ủng hộ cho khối này.

.

Thành quả đạt được

Dựa trên tôn chỉ đưa ra, trong thời gian bốn năm qua, Khối 8406 thực hiện được những gì? Linh mục Phan Văn Lợi tổng kết:

“Trong bốn năm qua, Khối 8406 đưa ra 30 kháng thư để góp phần hướng dẫn dư luận. Chúng tôi có bốn lần treo biểu ngữ một cách minh nhiên tại Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình để gây ý thức cho đồng bào (ngoài ra thành viên Phạm Thanh Nghiên còn treo biểu ngữ tại nhà nhưng sau đó tin này loan ra khắp nơi).

Từ 2006 đến năm 2008, chúng tôi đưa ra chín lời kêu gọi, trong đó có ba lời kêu gọi quan trọng: lời kêu gọi toàn dân mặc áo trắng ngày mồng một và 15 làm ngày ‘dân chủ cho Việt Nam’. Chúng tôi kêu gọi toàn dân tẩy chay bầu cử năm 2007, đang có kế hoạch sắp đến đây cũng sẽ kêu gọi tẩy chay bầu cử quốc hội năm 2011. Một lần kêu gọi trưng cầu dân ý để người dân có thể bày tỏ ý kiến về chế độ. Trong bốn năm qua có 40 thành viên của Khối chịu án tù ngắn hay dài hạn.

Để khai dân trí như lời cụ Phan Chu Trinh nói, chúng tôi ra hai tờ báo do các thành viên Khối 8406 đảm trách: ‘Tập san Dân chủ’ (14 số) và Bán Nguyêt san Tự Do Ngôn Luận’ (96 số). Ngoài ra có nhiều thành viên Khối 8406 tham gia Tờ Tổ Quốc ( 84 số). Khối 8406 cũng lập một tủ sách đấu tranh để giúp cho người dân ý thức về vấn đề của đất nước, chúng tôi đã ra 24 tập để tặng cho người dân.”

Một thành viên của Khối 8406, cô Nguyễn Thu Trâm từ Bình Dương cho biết hoạt động của bản thân khi tham gia Khối trong thời gian qua:

“Suốt quá trình hoạt động đấu tranh tôi thường hay giúp đỡ dân oan, viết bài phổ biến trên mạng. Qua việc nhờ anh chị em khác đưa tin tức, và bản thân cũng phổ biến tin tức cũng liên lạc được các bạn sinh viên học sinh. Các em này rất ủng hộ, tỏ ra không sợ, và cho biết đã viết blog, viết bài đưa lên mạng.”

.

Có chính nghĩa

Luật sư trẻ Huỳnh Văn Đông đưa ra nhận định:

“Một mâu thuẫn lớn nhất được thấy từ lâu nay là mâu thuẫn giữa pháp luật và thực tiễn của nền tư pháp Việt Nam. Pháp luật Việt Nam có những qui định cho phép công dân được quyền tự do lập hội; tham gia đảng phái; chính trị; tự do tín ngưỡng…

Nhưng trong thực tế có những người bị bắt (có người được thả ra sau khi chấp hành xong hình phạt) không hề bị cho là tham gia các tổ chức hay đứng ra thành lập tổ chức đó mà vì một điều khác. Tuy vậy, người ta thấy rõ ràng bản chất vấn đề nằm ở chỗ: tham gia thành lập hoặc tham gia tổ chức ngoài Đảng Cộng Sản.

Hiến pháp không cấm và có thể vận dụng nói công dân có quyền làm những điều gì mà pháp luật không cấm, vậy tại sao những người tham gia Khối 8406 hoặc những tổ chức khác lại chịu những thiệt thòi như vậy.

Tôi muốn nói giữa thực tế và pháp luật của Việt Nam có độ chênh nhau mà Việt Nam không muốn giải quyết.”

Chị Hạnh, một người không phải thành viên của Khối 8406, có ý kiến về tổ chức này:

“Những người đó cũng đòi hỏi dân chủ, những việc làm của Khối 8406 cũng đúng. Mỗi người một lý tưởng, suy nghĩ và làm theo lý tưởng đó, chung qui cũng lo cho dân tộc Việt Nam thôi.”

.

Lịch sử cho thấy từng có nhiều phong trào yêu nước bị chính quyền bóp chết ngay khi mới hình thành; tuy nhiên chính lòng yêu quê hương nồng nàn giúp cho phong trào không thể bị tận diệt mà vẫn lan tỏa đến lúc giành được mục tiêu đề ra.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: