Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Tư, 21 tháng 4 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/politics/dan-chu-va-doc-tai-04-21-2010-91716784.html
Báo chí trong nước có vẻ rất sốt sắng trong việc loan tải tin tức liên quan đến các vụ biểu tình rầm rộ tại Thái Lan gần đây. Người ta xem đó là một sự bất ổn về chính trị và từ đó, dẫn đến nguy cơ bất ổn về kinh tế. Ngấm ngầm đằng sau dường như có một lời nhắn nhe với dân chúng: Đó, thấy chưa, điều quan trọng nhất cho sự thịnh vượng của đất nước và bình yên cho người dân là sự ổn định về chính trị chứ không phải là chuyện đa đảng hay không. Mà về phương diện ổn định thì Việt Nam đang có thừa. Nhiệm vụ của mọi người, vì đất nước, là phải duy trì sự ổn định ấy.
.
Nhưng quan niệm ấy không có gì vững chắc. Đồng ý là từ năm 2006, sau cuộc đảo chính thủ tướng Thaksin Shinawatra, tình hình chính trị Thái Lan thật rối ren. Hết cuộc biểu tình này đến cuộc biểu tình khác. Cuộc biểu tình nào cũng quy tụ cả mấy chục ngàn người. Tháng 12 năm 2008, phe Áo Vàng (thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, PAD, chủ trương chống cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) chiếm sân bay Suvarnabhumi và sân bay Don Muang làm ảnh hưởng đến chuyện đi lại của hơn 230.000 hành khách và gây tổn thất khoảng 100 triệu Mỹ kim mỗi ngày. Bây giờ phe Áo Đỏ (thuộc phong trào Liên minh Dân chủ chống Độc tài, DAAD, ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) lại đổ xuống chiếm cứ khu thương mại Rajprasong ở Bangkok làm đình trệ mọi hoạt động kinh doanh và du lịch, gây tổn thất mỗi ngày đến cả mấy chục triệu Mỹ kim. Đồng ý.
Tuy nhiên cũng nên lưu ý: bất kể các sự lộn xộn và thiệt hại ấy, guồng máy hành chính của Thái Lan vẫn chạy đều; kinh tế dù gặp một số khó khăn, vẫn phát triển đều; dân chúng, dù gặp không ít phiền hà, vẫn được tự do phát biểu quan điểm; và riêng trong lãnh vực thể thao, điều nhiều người Việt Nam quan tâm, bóng đá Thái Lan vẫn tiếp tục đè bẹp Việt Nam như thường!
.
Tuy nhiên, để dễ thuyết phục, nên nhìn vấn đề rộng, ở tầm thế giới và có tính lý thuyết. Ở phương diện này, tôi nghĩ tôi nên nhường lời lại cho một người khác, có thẩm quyền hơn: Václav Havel, kịch tác gia, nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền nổi tiếng và tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc thời hậu-cộng sản.
Sinh năm 1936 tại Prague, trong một gia đình giàu có, Havel bị xếp vào thành phần có lý lịch xấu, và do đó, bị kỳ thị một cách nặng nề đến độ không được học cấp ba theo hệ chính quy. Là một kịch tác gia tài năng, nhưng tiếng tăm của Havel vang dội trên thế giới nhiều hơn tại Tiệp, nơi nhiều tác phẩm của ông bị cấm in và cấm diễn.
Từ giữa thập niên 1970, từ một người không mặn mà gì lắm với chính trị, Havel trở thành người sáng lập và phát ngôn viên của phong trào tranh đấu cho nhân quyền lấy tên là “Charter 77”. Từ đó, ông bị bắt nhiều lần và bị bỏ tù cả thảy gần 5 năm. Năm 1989, ông trở thành lãnh tụ của Diễn đàn Dân sự (Civic Forum), một thứ liên minh của các lực lượng đối lập. Chỉ trong vòng mấy tháng Diễn đàn Dân sự phát triển mạnh mẽ, với hàng triệu người ủng hộ, đủ sức để lật đổ chính quyền cộng sản, thực hiện cuộc cách mạng nhung (velvet revolution) một cách hoà bình. Tháng 12 năm đó, Havel được bầu làm tổng thống lâm thời của Tiệp. Năm sau, ông ứng cử và thắng một cách oanh liệt. Năm 1993, khi nước Tiệp bị tách ra làm đôi, Havel trở thành tổng thống nước Cộng hoà Séc. Năm 1998, ông lại thắng cử lần nữa. Như vậy, trong các lãnh tụ ở Đông Âu thời hậu cộng sản, Havel được xem là một chính khách cầm quyền lâu nhất, và cũng là người được yêu mến và kính trọng nhất. Ở ông vừa có sự nhạy cảm của một chính trị gia lại vừa có tính nguyên tắc và viễn kiến của một trí thức chân chính. Lúc mới lên làm tổng thống, bất chấp sức ép của dư luận, ông cương quyết từ chối ký lệnh cấm đảng Cộng sản, và bất chấp sức ép từ Trung Quốc, ông mời Dalai Lama đến thăm Tiệp Khắc.
Các bài viết cũng như các bài nói chuyện của ông được đánh giá rất cao và cũng có ảnh hưởng rất lớn trên thế giới. Bài nói chuyện của ông tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia Úc, ở thủ đô Canberra, vào ngày 29 tháng Ba năm 1995, rất gần với vấn đề chúng ta đang bàn. Bài này do Hoàng Ngọc-Tuấn trích dịch. Xin mời bạn đọc thưởng thức và thử liên hệ với tình hình Việt Nam hiện nay.
DÂN CHỦ VÀ ĐỘC TÀI
Václav Havel
[...]
Ngay cả một chính quyền dân chủ đang thối nát hay suy thoái vẫn một ngàn lần tốt hơn cái chính quyền hoàn toàn giả tạo do một chế độ độc tài áp đặt bằng bạo lực hay sự tẩy não.
Chế độ dân chủ là một hệ thống mở, và vì thế nó có khả năng cải thiện. Trong các phương diện của chế độ dân chủ, thì sự tự do cung ứng cái không gian cho tinh thần trách nhiệm. Nếu cái không gian này không được sử dụng đầy đủ, thì sự sai lầm ấy không phải do chế độ dân chủ tạo ra, mà chính nó lại là một thử thách cho chế độ dân chủ đương tại. Ngược lại, chế độ độc tài không chừa một chỗ nào cho tinh thần trách nhiệm, và vì thế nó không thể tạo nên một chính quyền thực sự. Thay vào đó, nó lấp kín mọi không gian khả hữu bằng cái chính quyền giả tạo của nhà độc tài.
Những kẻ có triển vọng trở thành những nhà độc tài đều rất giỏi canh chừng thời kỳ khủng hoảng chính quyền trong chế độ dân chủ. Nhân dân càng ít lưu tâm đến sự thử thách nẩy sinh từ chế độ dân chủ, thì họ lại càng ít thành công trong việc lấp đầy cái không gian mà chế độ dân chủ mang đến cho họ, và nhà độc tài, kẻ tự xưng là gánh vác cái trách nhiệm to tát nhất, lại càng lẹ làng tiến đến giành lấy cái không gian ấy và, cuối cùng, chiếm lấy nó trọn vẹn. Hitler, Lenin, và Mao đều là những ví dụ điển hình cho loại độc tài này. Chiếm trọn cái không gian khả hữu bằng một chính quyền hoàn toàn giả tạo, họ đã khoá chặt cái không gian ấy lại, huỷ diệt nó và, cuối cùng, huỷ diệt luôn chính nền dân chủ. Chúng ta đều biết điều này dẫn đến đâu: nó dẫn đến những cuộc tàn sát, hành hạ, nhục mạ. Nói tóm lại, trong lúc chế độ dân chủ xây đắp con đường dẫn đến việc tạo nên chính quyền thực sự, thì chế độ chuyên chính làm tắt nghẽn con đường ấy bằng một hàng rào ghê tởm, bằng cái bộ mặt méo mó kỳ quái của nhà cầm quyền như trong tranh biếm hoạ.
Những cơ hội để một cuộc cách mạng mang tính hiện sinh có thể thành công — như một lần tôi đã dùng lối ẩn dụ để diễn tả sự thức tỉnh của tinh thần trách nhiệm nhân bản sâu sắc — dưới chế độ tự do và dân chủ thì tốt hơn xa so với những cơ hội dưới một chế độ độc tài, nơi cái không gian duy nhất được trao cho bất kỳ ai muốn nhận lãnh trách nhiệm là một cái buồng giam trong trại tù.
Ta không thể bắt lỗi thế giới Tây phương là cứ bám lấy chế độ dân chủ. Vì, mặc dù chế độ dân chủ chắc hẳn có nhiều hình thức khác nhau, thế nhưng, hôm nay, nó vẫn là con đường duy nhất mở ra cho tất cả chúng ta. Các nước Tây phương chỉ có thể bị bắt lỗi vì họ không hiểu và không bảo vệ cái thành tựu tuyệt vời này một cách đúng mức. Bị cơn khủng hoảng phổ quát về đạo đức làm cho cóng róng, họ đã không thể sử dụng hết những cơ hội mà cái phát minh vĩ đại này đã mang đến, và không thể cung ứng một nội dung đầy ý nghĩa cho khoảng không gian mà chế độ dân chủ đã khai mở. Chính vì những sơ hở này mà một số nhân vật không lành mạnh, lúc này lúc khác, đã tàn phá chế độ dân chủ và gây nên hàng loạt những sự kiện kinh hoàng trên trái đất.
Chúng ta nên kết luận thế nào? Chúng ta nên kết luận rằng không có lý do gì để sợ chế độ dân chủ, hoặc xem nó như một hệ thống có khả năng lật đổ chính quyền và làm mọi sự tan nát. Có một phương thức khác dành cho những người muốn tránh sự sụp đổ này: họ có thể xem dân chủ như một thử thách để biểu lộ tình thần trách nhiệm và để giới thiệu — hay, đúng hơn, để khôi phục — cái tinh thần và ý nghĩa mà dân chủ đã sẵn có ngay từ lúc nó mới xuất hiện. Đây là một công tác của siêu nhân, nhưng trong hệ thống mở của chế độ dân chủ, nó có thể được thực hiện.
Trong những nền văn hoá nơi mà những gốc rễ của ý thức dân chủ chưa cắm sâu, hay nơi mà ý thức dân chủ vẫn chưa bén rễ — nơi mà một cá nhân tự do thì hoàn toàn vô nghĩa trong lúc nhà lãnh đạo có tất cả quyền năng — thì các nhà lãnh đạo thường vin vào những truyền thống quyền lực đã cũ xưa hàng thế kỷ để tiếp tục ngự trị, và cố gắng hợp pháp hoá cái luật lệ độc tài của họ bằng cách rêu rao rằng họ đang tiếp tục những truyền thống ấy.
...Họ vừa đúng vừa sai. Họ sai vì những gì họ trình bày như sự kế thừa những truyền thống lâu đời thì thực chất lại là sự phủ định những truyền thống ấy. Mặc dù cố gắng tái lập cái quyền lực tự nhiên mà họ tưởng có thể chiếm hữu trong những hệ thống văn hoá, họ lại thay thế nó bằng một quyền lực phản tự nhiên. Thay vì một quyền lực toát ra từ cái tài lôi cuốn đại chúng — một thứ năng khiếu đặc biệt tiềm tàng nơi nhà lãnh đạo và được đại chúng công nhận, một thứ quyền lực được bộc lộ bằng tinh thần trách nhiệm cao độ trước cái trách vụ tự đảm nhiệm của nó — họ lại lập nên một thứ quyền lực cực kỳ thô lậu của cái roi.
[...]
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ
.
.
.
No comments:
Post a Comment