Saturday, April 10, 2010

BÀN VỀ TÍNH ÍCH KỶ CỦA GIỚI TRÍ THỨC VIỆT NAM

Cảm ơn Nguyễn Hưng Quốc

Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Huế.

Thứ Bảy, 10/04/2010

http://danluan.org/node/4662

Bàn về tính ích kỷ của giới trí thức thời nay mà điển hình là quan niệm sống chết mặc bay tiền thày bỏ bị.

Đọc bài Một dân tộc vô cảm của Nguyễn Hưng Quốc, tôi mới vỡ lẽ ra rằng anh đã đúng… nhiều, rất nhiều điều. Cái đúng nhất, đáng phải trăn trở nhất là sự vô cảm về chính trị ấy bắt nguồn từ đâu, do đâu và, sẽ đi đến đâu?

.

1. Khi tôi viết để mong mỏi rằng góp một cọng cỏ xanh cho xanh hơn màu xanh điệp trùng của đất nước, tôi nhận được vô số những cái trề môi và những châm chọc từ rất nhiều điệp khúc đại loại như bẻ nạng chống trời, có ăn thua gì đâu, đánh cái cối xay gió… Lâu dần thành quen. Họ đúng. Tôi sai. Ít ai chịu nghĩ rằng sự vô trách nhiệm của mỗi một cọng cỏ trí thức ấy đang mỗi ngày tiếp tay, doping cho sự vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm lèo lái vận mệnh quốc gia. Chỉ nhìn thấy cái mũi của mình, thân xác mình và túi tiền của mình là cội nguồn tạo nên sự hư hỏng toàn diện xét về nghĩa dân tộc, cộng đồng. Bổn phận công dân và giá trị của sự tốt lành được bao biện (chính xác là ngụy trang) cho cái tôi hèn nhát, không dám phản kháng bởi “chấp hành”, từ lâu đã trở thành thuộc tính của giới trí thức được “sinh ra” từ cả ngàn năm nô lệ. Tôi có một người bạn thân kể câu chuyện rằng có lần, Hồ Bất Khuất (bạn học với bạn tôi) trách sao không “chửi’ đời “cho vui”. Bạn tôi nói rằng vì con còn nhỏ, lỡ có chuyện gì, biết tính sao? Tôi nghe, cười rồi, buồn. Hầu hết bạn bè tôi đều nghĩ thế nên cái ác lộng hành. Tại sao không một ai chịu nghĩ rằng nếu sự vô cảm là tội ác thì làm sao cái ác có thể hoành hành?

.

2. Đôi khi tôi mỏi mong rằng tại sao những người có trách nhiệm không nhìn thấy những mô hình mạnh giàu của những quốc gia tiên tiến để rồi học hỏi người, sáng tạo cho mình một lỗi đi thích hợp? Càng gần đến lúc nghe chân ngựa về, chốn xa (Trịnh Công Sơn), tôi càng thấy rằng mình thật ngây thơ và khờ dại. Nếu theo mô hình tốt ấy, sự hưng thịnh kia thì cá nhân lãnh đạo chẳng có gì nhiều. Họ biết mà không làm đó thôi. Sự vô cảm chỉ là cách nói. Sự ích kỷ mới đích thực là vị thánh tông đồ của cái mà ta tạm gọi là “u mê, lầm lạc”. U mê lầm lạc cái nỗi gì mà ai cũng giàu lên chót vót? Dân tình khốn khổ mà quan chức nào cũng đi xe có giá cả tỷ đồng? Nếu có lương tâm, nếu vì dân thật sự thì không bao giờ ta nghĩ mình phải giành phần bánh nhiều hơn. Ảo tưởng chăng? Không hẳn. Không bao giờ có sự bình đẳng, đó là nguyên tắc. Tôi đã từng đọc như soi vào từng chữ câu Every men are created (by The Creator – chúng tôi mở ngoặc) equal trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Rất nhiều sách báo ở Việt Nam dịch là: Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tai họa, Trời ơi. Câu viết đó của Thomas Jefferson bất tử đời đời bởi ông đã minh định rất rõ ràng rằng “cái khoảnh khắc mà Đấng Sáng Tạo đã sáng tạo nên mỗi chúng ta” là bình đẳng. Và hết. Có nghĩa là lúc cha mẹ chúng ta gặp nhau. Chỉ giây phút đó mà thôi. Vì thế, nếu có phần bánh nhiều hơn là do tài năng của sự bất bình đẳng. Có điều, nếu đó là tài năng được vận dụng trong một môi trường hợp pháp, thì phần hơn là chấp nhận được. Sự giàu có quá mức của nhiều quan chức ngày nay nói lên rằng điều mà K. Marx đã nói: “Mọi sự giàu có (quá đáng) đều bất hợp pháp” đã trở thành gậy ông đập lưng ông. Câu hỏi thật dễ: Muốn chống tham nhũng sao không mở cuộc điều tra các vị sống bằng lương (không nói lái) tại sao có đủ tiền cho con cái du học tự túc ở nước ngoài? Không cần học bất kỳ lớp nghiệp vụ điều tra nào, bảo đảm, tôi sẽ phanh phui ra ngay những điều khuất tất.

.

3. Sự ích kỷ tàn tệ là đặc trưng của nền Văn minh Việt hiện nay (có tự lâu rồi nhưng phát tác nhiều hơn, thời nay). Câu thành ngữ “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ bị” nghe sao mà hả hê, ai oán đến tận cùng. Không phải ngẫu nhiên mà thành ngữ, tục ngữ Việt Nam đã “đề cao” một cách tự nhiên nhiều thói hư tật xấu đến thế. Chúng có nhiều vô số: Lựa gió bẻ măng; Nốt mưa đấy (đái) ra mấn (váy); Qua truông trật lọ cho khái; Gắp lửa bỏ tay người; Ném đá dấu tay; Thọc gậy bánh xe; Qua cầu rút ván; Ngậm máu phun người; Lở cho loét luôn; Ăn cây nào rào cây ấy; Ăn cơm chúa múa tối ngày; Đâm bị thóc chọc bị gạo; Nói láo ăn tiền; Thùng rỗng kêu to; Miệng quan trôn trẻ; Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan; Sống lâu lên lão làng; Ba anh thợ da bằng Gia Cát Lượng (!!!); Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy; Qua sông nên phải lụy đò/ Tối trời nên phải lụy o bán dầu; Bèo dạt mây trôi; Ném đá dấu tay; Làm đĩ chín phương…

Những câu trích dẫn trên phản ánh rằng sự ích kỷ chính là cội nguồn của sự chậm trễ, trì trệ của dân tộc Việt Nam hiện nay. Nếu mỗi người chỉ bớt đi một chút cái lẽ “chỉ vì mình” thì vận mạng dân tộc không thể nguy nan như bây giờ. Tôi thuộc vào lớp người “bi quan”: Tôi luôn nghĩ rằng sẽ có một khi nào đó, Trung Quốc thấy “được” là họ sẽ chiếm hết Trường Sa và rồi, từ trên rừng đầu nguồn…

Dù sao, ông Nguyễn Hưng Quốc nói về sự vô cảm cũng không khác nhiều lắm so với tính ích kỷ. Sự bàng quan của đại đa số trí thức trước thời cuộc quả là điều rất, rất buồn. Bạn bè thân thiết với tôi, cứ 10 người thì cả 10 khuyên tôi nên im lặng? Tôi chỉ cười và trả lời rằng, có lẽ nên thế. Nhưng, im lặng sao nổi khi bất công gào thét còn nỗi đau của người dân thì quằn quại và không đo nổi những day dứt, mỗi ngày? Bao giờ trí thức hết vô cảm, thì lúc ấy, dân tộc sẽ không còn vô cảm nữa. Một danh nhân đã nói rằng khi mà trí thức tham tiền, quân nhân sợ chết và quan chức lọc lừa thì đó là dấu ấn chính xác để khẳng định về cái lẽ suy đồi…

Sự vô cảm về chính trị của dân chúng – thực ra là của giới trí thức, nói lên rằng cái “bản năng” sống quỳ, sống uốn chính là nguyên do làm cho nước ta tụt hậu mãi hoài. Chừng nào cái “bản năng” đau buồn ấy chưa được đào thải; thì chừng đó, lý trí tỉnh táo vẫn chỉ là bài hát của thiên nga, xót xa lẽ sống chết mặc bay để chỉ nhớ đời cua cua máy, đời cáy cáy đào; chấp nhận cả chuyện cốc mò cò xơi vì ăn cỗ đi trước, còn lội nước, bao giờ chẳng theo sau?

Huế, 10.04.20120. Tel: 0914.079.210.

Tin liên quan

Nguyễn Hưng Quốc - Một dân tộc vô cảm (08/04/2010)

Kép Tư Bền - Người dân Việt Nam rất quan tâm tới chính trị (10/04/2010)

.

.

.

No comments: