Wednesday, October 22, 2008

SAN SẺ TÀI SẢN Ở NƯỚC MỸ

San sẻ tài sản ở nước Mỹ
Ngô Nhân Dụng

Tuesday, October 21, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=85828&z=7

Nghị Sĩ Barack Obama nói, rồi Nghị Sĩ John McCain nhắc lại, hai chữ trong tiếng Anh “wealth spreading” đã được lập đi lập lại nhiều lần trong hơn một tuần lễ. Hai chữ này có thể dịch sang tiếng Việt là “đem trải rộng (spread) tài sản (wealth) ra,” hoặc “phân bố, san sẻ, chia sớt tài sản,” nếu muốn quá khích dịch là “san bằng tài sản!” Tùy theo ý người dịch muốn, nó có nghĩa tốt hay xấu. Ngày hôm qua, bà Thống Ðốc Sarah Palin đã gắn cho ông Obama nhãn hiệu một “wealth spreader,” người đem chia tài sản (của quý vị cử tri yêu quý, những người đóng thuế!)

Câu chuyện bắt đầu khi một cử tri, ông Joe Wurzelbacher chất vấn ông Obama tại sao định giảm thuế cho mọi người mà lại không cắt cho những người lợi tức từ 250,000 đô la một năm trở lên. Ông Joe trở thành nổi tiếng, và câu trả lời của ông Obama cũng vậy. Ông Obama nói, “Ðem tài sản san sẻ ra sẽ ích lợi cho tất cả mọi người.” Ông McCain bắt được câu đó, ông không ngần ngại gọi ý kiến của ông Obama là một thứ “Chủ nghĩa xã hội!” Nghe phát sợ!

Không phải người Việt đã sống qua chế độ cộng sản mới cảm thấy ghê sợ cái tên chủ nghĩa xã hội, người Mỹ nghe thấy tên gọi đó cũng ghét. Cộng Sản ở Trung Quốc làm, rồi Cộng Sản Việt Nam bắt chước, cả phong trào cải cách ruộng đất, tòa án nhân dân, đấu tố chỉ nhắm mục đích là cướp tài sản của các địa chủ rồi đem san sẻ lại cho các bần cố nông theo đảng Cộng Sản. Nhưng cuối cùng là Ðảng ôm trọn gói tài sản cả nước, biến toàn dân thành những đứa ở làm công cho đảng! Bây giờ đảng chịu nhả bớt ra nhưng vừa nhả vừa tiếc, vẫn cắn lại!

Mấy chữ “san sẻ tài sản” được truyền đi nhanh và rộng trong một tuần lễ trong cuộc tranh cử, khiến cho hãng thông tấn AP ngày hôm qua phải phổ biến một bài phân tích, được rất nhiều nhật báo ở Mỹ đăng lại trong số báo ra ngày hôm nay. Họ viết tựa đề: “San sẻ tài sản? Nước Mỹ đã làm từ lâu rồi!” Bài của AP xác định rằng nước Mỹ đã có một “truyền thống tái phân phối (họ dùng động từ redistribute) những tài sản khổng lồ qua các chính sách thuế khóa và chi tiêu của chính phủ.”

Ðiều này đúng. Kể từ năm 1913 khi chính phủ liên bang bắt đầu đánh thuế lợi tức cá nhân. Các đại biểu quốc hội Mỹ bắt chước những chính sách thuế khóa đã thi hành ở nhiều nước Âu Châu, gọi là “thuế lũy tiến,” (progressive). Người có lợi tức cao đóng cho chính phủ một tỷ lệ cao trong lợi tức của mình, gọi là suất thuế; người lợi tức thấp đóng thuế với tỷ lệ thấp hơn. Càng giầu thì suất thuế càng cao, càng nghèo suất thuế càng giảm.

Những người cộng sản thế kỷ trước thường chỉ trích chế độ thuế khóa này. Họ nói chế độ tư bản dùng chính sách thuế lũy tiến để tiếp tục đàn áp giai cấp công nhân! Lấy tiền nhà giầu phát cho nhà nghèo là cốt cho họ khỏi nghe theo cộng sản dụ mà nổi lên lật đổ chế độ tư bản!

Nhưng những người ủng hộ lối đánh thuế lũy tiến lý luận rằng thuế má là góp tiền cho quốc gia, để quốc gia có thể cung cấp những tiện nghi, vật dụng chung (thí dụ đường, cầu, phi cảng) và dịch vụ chung (thí dụ, hệ thống đổ rác, quân đội, cảnh sát giữ an ninh, trật tự) cho mọi người dân cùng hưởng; nhưng trong một nước thì người giàu thường được hưởng nhiều hơn người nghèo. Có người cả đời không dùng đến phi trường, có người mỗi tuần dùng một lần! Cảnh sát giữ an ninh cho ông có 5 chiếc xe trong nhà, bảo vệ cho ông nhiều hơn bà hàng xóm chỉ có một chiếc xe!

Hơn nữa, cách tổ chức kinh tế của quốc gia trên nguyên tắc tạo cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người, nhưng thế nào cũng sinh ra sẵn những bất công. Thí dụ, một cậu sinh viên lớn lên ở New York vừa học xong đại học vào làm cho ngân hàng đầu tư, có thể được trả 300,000 đô la một năm. Anh ta vẫn được hưởng cơ hội cao hơn một thanh niên cùng tuổi lớn lên ở một làng nông nghiệp tại Kansas, ra trường rồi chỉ kiếm được 25,000 đô la một năm! Có phải vì anh thanh niên ở Kansas lười biếng hơn hay dốt nát hơn chăng? Không phải, chỉ vì họ sinh ra và lớn lên ở hai chỗ khác nhau! Hệ thống kinh tế, xã hội, pháp luật đưa đến tình trạng không công bằng đó; chính sách thuế khóa làm giảm bớt những bất công loại này, khó tránh được nhưng nên tránh. Gọi đó là san sẻ tài sản cũng được!

Người Mỹ đã chấp nhận hệ thống thuế lũy tiến đó từ hàng trăm năm nay. Hai người hiện giầu nhất nước Mỹ là Warren Buffett và Bill Gates đều chống chính sách cắt giảm thuế cho người lợi tức cao của Tổng Thống George W. Bush hồi năm 2003. Ở nhiều nước tư bản khác như Anh Quốc, Canada, Thụy Ðiển, chế độ thuế khóa còn buộc người kiếm nhiều tiền đóng suất thuế cao hơn ở Mỹ nữa. Ðó đúng là thu tiền của người giầu, đem tiền dùng chung cho cả nước hưởng; nếu cần thì phát cho người nghèo gọi là trợ cấp xã hội. Trợ cấp xã hội ở Mỹ còn thấp hơn ở những nước như Anh, Hòa Lan, Canada, vân vân; và sau cuộc cải tổ thời ông Clinton số người lãnh trợ cấp xã hội đã giảm bớt 60%.

Thuế lợi tức cá nhân là nguồn thu cao nhất trong các số thu của chính phủ liên bang Mỹ. Hiện nay những người kiếm nhiều tiền nhất nước Mỹ, 5% trên cao đóng góp hơn một nửa số thuế lợi tức mà liên bang thu vào. Còn 40% người dân Mỹ ở dưới thấp, những người nghèo nhất, không phải đóng một xu thuế lợi tức nào cả, dù họ có làm việc và được trả lương, chỉ vì lương thấp quá. Ðó là lý do những người giầu Mỹ vẫn than phiền họ bị nhà nước tư bản bóc lột!

Tuy những người giầu nhất nước Mỹ bị “bóc lột” như vậy, nhưng trong thời gian qua lợi tức của lớp người này vẫn tăng nhanh hơn người nghèo. Các nhà nghiên cứu thường chia dân số làm 5 tầng, từ giầu nhất đến nghèo nhất. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Ưu Tiên Ngân Sách (CBPP) ở Washington thì trong 10 năm qua lợi tức của những gia đình thuộc 20% dân số Mỹ nghèo nhất đã giảm mất 2.5%. Trong khi đó những người thuộc tầng lớp 20% giầu nhất thì lợi tức đã tăng hơn 9%! Người trung lưu, tức là một phần năm dân với lợi tức ở tầng giữa, có 40% ở trên và 40% dưới họ, thì lợi tức chỉ tăng lên được 1.3%. Tầng lớp một phần năm nghèo nhất kiếm 18,120 đô la một năm, còn tầng ở trên cao nhất có lợi tức 132,130 đô la!
Nếu chia dân số thành 20 phần, mỗi phần 5% thì sự chênh lệch còn cao hơn nữa. Lương bổng lợi tức những người thuộc tầng 5% giầu nhất cao gấp 12 lần những người thuộc 5% nghèo nhất. Trong hơn 25 năm qua những người thuộc nhóm trên đã “tăng lương” được 108,000 đô la còn những người thuộc nhóm dưới chỉ tăng được dưới 1000 đô la! Hiện tượng nhà giầu giầu thêm, người nghèo nghèo hơn diễn ra qua các đời tổng thống Cộng Hòa cũng như Dân Chủ.

Nhưng khi nói đến sự chênh lệch giầu nghèo ở Mỹ, có 2 điều chúng ta nên nhớ. Thứ nhất là ở nước Mỹ người ta “di động” từ một tầng lớp nghèo sang lớp giầu hơn hay là ngược lại, chứ không đứng yên trong một lớp. Theo một cuộc nghiên cứu từ năm 1996 mà ông ben Bernanke nhắc đến trong một bài thuyết trình về chênh lệch giầu nghèo, thì cứ 5 năm lại có một nửa người đổi cách xếp hạng, từ tầng này đổi sang tầng khác, cao hơn hoặc thấp hơn. Ông cũng cho biết càng lâu thì sự chuyển dịch càng nhiều hơn chứ không cố định. Ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ còn phân tích thấy nguồn gốc của sự chênh lệch về lợi tức ở Mỹ, thấy rằng nguyên nhân chính là khả năng kỹ thuật, do học vấn mà ra! Ông Bernanke thấy mỗi lần có những thay đổi lớn về kỹ thuật, trong tin học cũng như trong ngành tài chánh thì có sự thay đổi trong sự chênh lệch lợi tức; vì những người chạy theo kịp sự thay đổi kiếm được nhiều tiền hơn!

Ðiều này khác hẳn tình trạng ở các nước “kém khai hóa,” cho hấy một đặc điểm khác trong cảnh giầu nghèo ở Mỹ. Ở những nước đang mở mang, người giầu chiếm hết của cả nước, ở nước giầu không như vậy. Nhưng điều tệ hơn là những người giầu ở các nước nghèo thường làm giầu nhờ lũng đoạn cơ cấu xã hội, chính trị, chứ không thuần túy nhờ biết cạnh tranh về kinh tế với cơ hội bình đẳng.

Nhà kinh tế Martin Wolf đã nêu thí dụ một trong những người giầu nhất thế giới là ông Carlos Slim, năm ngoái có lúc là người giầu nhất, ông người Mexico. Năm 2007 ông Slim có tài sản 59 tỷ Mỹ kim, còn ông Bill Gates ở Mỹ chỉ có 56 tỷ. Ðiều đáng chú ý là tài sản của ông Slim lớn bằng 6.6% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa của nước Mexico; còn gia tài của ông Gates chỉ đáng 0.4% GDP của nước Mỹ. Có lẽ vì vậy mà dân Mỹ biết các ông Gates và Buffett giầu nhưng không cảm thấy ganh ghét họ! Ông Wolf cho biết trong số 100 người được coi là giầu nhất thế giới có hai nước đông nhất, 39 người Mỹ và 14 người Nga. Ở Mỹ, tài sản của 39 vị tỉ phú này chỉ lớn bằng 4.5% tài sản của cả nước tạo ra trong một năm (tức là GDP). Còn ở Nga, 14 vị tỷ phú của họ chiếm 26% tài sản một năm mà cả quốc gia tạo được. Cách kiếm tiền, tức là cách làm giầu ở các nước tự do dân chủ khác với các nước độc tài hoặc nửa độc tài.

Ở các nước “đang phát triển” thì các định chế kinh tế, chính trị còn chưa được tự do dân chủ, cho nên những người giầu lợi dụng kiếm tiền dễ dàng hơn. Cách kiếm tiền giản dị nhất là đút lót xin cơ hội độc quyền, hoặc ăn chia, hối lộ. Còn bọn tỷ phú ở các nước đã tiến bộ, với hệ thống pháp luật công khai, minh bạch thì họ phải kiếm tiền cực nhọc hơn! Cũng nhờ cơ chế tự do dân chủ cho nên người ta dễ di động từ tầng lớp dưới lên tầng trên, đẩy nhiều người khác từ tầng trên tụt xuống tầng dưới!

Mặc dù xã hội Mỹ công bằng hơn ở Nga hay ở Mexico, các công dân Mỹ có cơ hội tương đối công bằng hơn nhiều nước khác, nhưng người Mỹ vẫn luôn luôn đặt câu hỏi tại sao hệ thống xã hội của họ vẫn còn gây ra cảnh chênh lệch về lợi tức và tài sản rất nặng như vậy. Một lý do là chính sách thuế khóa. Hệ thống đánh thuế là do con người đặt ra (trả cho César!) cho nên không thể nào hoàn hảo. Trong xã hội lại có nhiều nhóm người với những nhu cầu và quyền lợi khác biệt nhau, khó lòng đặt ra một hệ thống làm tất cả mọi người vui lòng!

Cho nên trong cuộc tranh cử hiện nay, chúng ta sẽ còn nghe Nghị Sĩ John McCain tiếp tục chỉ trích Nghị Sĩ Barack Obama về ý tưởng “san sẻ tài sản” từ những người kiếm 250,000 đô la một năm trở lên sang những người lợi tức thấp hơn! Năm 2001 và 2003 Tổng Thống George W. Bush đã giảm thuế cho mọi người, những người giầu được giảm nhiều hơn. Năm nay ông McCain muốn tiếp tục chính sách đó, còn ông Obama muốn thay đổi. Hai ứng cử viên đều hứa sẽ giảm thuế. Nhưng người nào lên làm tổng thống Mỹ năm tới cũng sẽ phải lo làm sao thu đủ thuế trước đã, vì khi kinh tế xuống thì thuế cũng xuống theo!

Không ai có thể áp đặt chính sách thuế khóa cho cả nước, chỉ có dân chúng Mỹ nắm quyền quyết định, bằng lá phiếu của họ. Và người dân một nước dân chủ tự do thì có quyền thí nghiệm với một chính sách thuế khóa, rồi thấy nó không được như ý, 4 năm sau họ đổi ý kiến, đó cũng là chuyện bình thường! Sống dưới chế độ tự do dân chủ nó sướng như vậy!

No comments: