Monday, October 13, 2008

QUÂN ĐỘI NGA - NGUỜI MÙ ... ĐI XE HƠI !

Một người mù… đi xe hơi!
The Economist

Đăng ngày 11/10/2008 lúc 00:20:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3175
Trong lúc các lực lượng thiết giáp Nga đang rầm rộ tiến vào Georgia tháng qua (Tháng 08.2008), một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến này là Tướng Anatoly Khrulyov. Vị tướng này đã bị thương vì những mảnh đạn và đã được sơ tán về hậu cứ. Nga đã mất đi người chỉ huy tối cao vì quân đội Nga không xác định vị trí của các đơn vị tham chiến phía Georgia. Quân lực Nga không có được máy bay trinh sát (không người lái) và ống kính nhìn xuyên màn đêm. Hệ thống truyền tin tồi đến nỗi các sĩ quan phải dùng điện thoại di động để bắt liên lạc. Phối hợp giữa bộ binh và không quân rất lệch lạc. Không lực Nga đã mất đi nhiều chiến đấu cơ (trong đo có một Tu-22, một loại máy bay oanh tạc có tầm chiến lược) và đã thả những loại bom thường thay vì những loại bom có thể điều khiển. Với những dữ kiện trên, việc quân đội Nga đã nhanh chóng đánh bại Georgia mới là điều đáng ngạc nhiên.
Ngay trước biến cố Georgia, Điện Cẩm Linh đã diễu võ giương oai bằng những phi vụ quân sự bay sát không phận của Châu Âu và Hoa Kỳ. Nga còn tổ chức những cuộc tập trận hải quân và công bố những chương trình chế tạo hàng không mẫu hạm hay thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo.
Có lẽ việc mà Thủ tướng Putin mệnh danh «cú đấm vào mặt» Georgia là một mưu đồ để chứng minh sự phục hồi của quân sự Nga. Nhưng hành vi này cũng đem ra ánh sáng dư luận thành quả rất khiêm nhường của những cố gắng tăng cường quốc phòng. Ngân sách quốc phòng đã tăng gấp đôi từ năm 2004. Tuy nhiên, số lượng này đã bị hao mòn vì nạn lạm phát. Dù sao đi nữa, chi phí quốc phòng Nga chỉ là một phần rất nhỏ nếu đem ra so sánh với Hoa Kỳ (Xem hình 1).
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/NGA_h1-2.jpg

Cấp lãnh đạo quân đội Nga đã thẳng thừng than phiền về những khuyết điểm. Tổng thống Dimitri Medvedev đã cho biết rằng cải tổ và tân trang quân đội sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ngày 26.09, ông Putin cũng tuyên bố sẽ tăng 27% chi phí cho an ninh quốc phòng trong năm tới.


Tuy nhiên hầu hết nguồn tài khoản này được dành riêng cho việc bảo trì khả năng «răn đe hạch nhân». Cần nhắc lại là trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, chính Tây Âu mới phải nương tựa vào vũ lực hạch nhân để cân bằng tương quan lực lượng trước sức mạnh chính quy của quân đội Liên Bang Xô Viết. Ngày hôm nay, tình hình đã đảo ngược 180 độ !

Mặc dù vẫn khá hơn là các binh chủng khác, số phận của lực lượng hạch nhân cũng không tránh khỏi thảm trạng mục nát hậu Xô Viết. Tuy đã được hạ thuỷ năm ngoái, chiếc tiềm thuỷ đỉnh đầu tiên của loại «tầu ngầm thế hệ Borey» hoàn toàn vô dụng (Xem chú thích 1).
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/NGA_ct1.jpg

Thật vậy, hệ thống hỏa tiễn đạn đạo tầm xa (liên lục địa) được trang bị cho loại « tầm ngầm thế hệ Borey» đã không đạt được mục tiêu mong muốn. Những thử nghiệm đã kết luận rằng, loại tên lửa này (mang tên Bulava) không tránh được sự truy lùng của hệ thống phòng chống hỏa tiễn (Xem chú thích 2).
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/NGA_ct2.jpg
Giới chức Tây phương cũng cho biết thêm rằng hỏa tiễn Bulava không thích hợp với các dàn phóng tên lửa.

Các chuyên gia ngoại quốc phỏng đoán rằng một phần ba ngân sách quốc phòng hoặc đã không dùng đúng đắn hoặc đã bị biến thủ. Bộ trưởng bộ Quốc phòng, ông Anatoly Serdyukov, vẫn tả xung hữu đột triệt tiêu tệ nạn tham nhũng ngay trong cấp lãnh đạo tối cao. Tuy nhiên, Alexander Golts, chuyên gia quốc phòng tại Mạc Tư Khoa, đã nhận định rằng Quân đội Nga là một lỗ hổng không đáy. Ngân sách quốc gia được đổ vào và biến đi không để lại dấu vết. Hệ lụy của tệ nạn này là những hành động quân sự mang tích cách phiêu lưu : Tuy không có khả năng hoạt động, một số chiến đấu cơ và chiến hạm đã đưọc gửi đi viễn chinh công tác.

Một thí dụ cụ thể là chiếc hàng không mẫu hạm Admiral Kuznetsov (một thời mang tên Tbilisi, thủ đô của Georgia). Từ khi được chế tạo vào năm 1985, chiếc Admiral Kuznetsov không ngừng được trùng tu hay sửa chữa. Chiếc hàng không mẫu hạm này đã hiếm hoi tham dự vào vài cuộc tập trận trên Đại Tây Dương và Địa Trung Hải từ cuối năm 2007 đến tháng 02.2008. Dưới con mắt của giới am tường sự việc, Nga chỉ thành công trong việc… tránh được những trục trặc kỹ thuật lúc tập trận. Chính vì vậy, lời tuyên bố chế tạo thêm năm hay sáu hàng không mẫu hạm vào tháng 07 vừa qua đã được đón nhận bằng thái độ chế nhạo. Nga không có những xưởng đóng tàu có thể thiết chế những mẫu hạm tương tự. Admiral Kuznetsov đã được chế tạo từ những xưởng tàu nay thuộc chủ quyền của Ukraine.

Nói như thế nhưng phải nhìn nhận rằng Nga cũng chế biến được những khí cụ hoàn chỉnh. Hệ thống phòng không là một thí dụ. Thật ra, nếu được tài trợ đúng mức, quân đội Nga có khả năng nâng cao sức mạnh cơ bắp đang teo tóp lại. Quân nhân chuyên nghiệp (được gọi là Kontraktniki) ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong hàng ngũ quân đội Nga. So với quân lính bị động viên và thường bị lăng nhục, giới chuyên nghiệp có kỷ luật hơn. Tuy chậm chạp, xu hướng vẫn là tiến đến một đội quân ít nhân lực hơn nhưng hoàn toàn chuyên nghiệp để thay thế hàng ngũ binh sĩ động viên với một quân số khổng lồ (1 triệu binh sĩ). Với hiện tượng nhân số hạ giảm, công trình hoán chuyển này ngày càng trở nên cấp bách.

Cần biết rằng, một phần áp đảo của lực lượng tham chiến tại Georgia là giới chuyên nghiệp. Nếu bỏ qua những vấn đề hậu cần, phải nhìn nhận rằng cách cư xử của binh sĩ chuyên nghiệp vẫn cao thượng hơn nhóm dân quân Nam Ossetia đã cướp phá các làng xã Georgia. Tại Georgia, có lẽ quân đội Nga đã tỏ ra thiện chiến hơn tại chiến trường Chechnya, một cộng hòa ly khai kề cận với Georgia mà ngày nay Nga đã tỏ ra thờ ơ. Thật ra, trong lực lượng được gửi đến Georgia, có sự hiện diện của tiểu đoàn Vostok. Tiểu đoàn này được thiết lập bởi những phần tử Chechnya thân Nga. Khả năng huy động hơn 20 000 binh sĩ đang thao dượt lúc hè về, để gửi sang Georgia cũng phần nào chứng minh khả năng của quân lực Nga.

«Quân đội Nga không hiện đại. Một số vũ khí hiện vẫn được sử dụng đã được cấp phát từ thập niên 60 hay 70. Nhưng đó không có nghĩa là họ không tiêu diệt được quý vị», đây là lời phát biểu của Pavel Felgenhauer, một nhà báo Nga chuyên về quốc phòng thuộc tờ Novaya Gazeta. Theo,nhận định của giới chuyên gia, có lẽ ngay cả với một quân đội Tây Âu chỉ thường thường bậc trung, Nga cũng khó có thể đứng ngang tầm. Nhưng Nga đủ khả năng khiến một số cộng hòa độc lập hậu Liên Xô láng giềng phải kinh hãi.

Một chính giới Hoa Kỳ đã suy luận rằng «chiến cuộc Georgia không chứng tỏ rằng Nga đã có được một quân lực hùng hậu hơn, tuy nhiên nó cho thấy sự quyết tâm dùng vũ lực lớn hơn xưa». Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần xét lại tầm nhìn về Nga. Nhưng theo chính giới trên thì cũng nên cẩn thận và «đừng để một tiên đoán tự nó trở thành sự hiện thực».

Đối với Tây Âu, đe dọa lớn nhất hiện nay là việc Nga thao tác nguồn xuất cảng dầu và khí đốt, là sách lược tước đoạt bằng biện pháp ngoại giao và là những cuộc dây dưa hoặc đi đêm với Iran, Syria và Venezuela. Một cuộc tổng tấn công trực tiếp đến từ Nga là mối nguy cơ xa vời. Một cách gián tiếp và ngày càng rõ nét hơn, mối quan ngại là việc Nga bán cho kẻ thù của Tây Âu những loại vũ khí tối tân nhất.
The Economist
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ


No comments: