Monday, October 20, 2008

PHỦ NHẬN THÀNH TỰU TRIỀU NGUYỄN LÀ KHÔNG THOẢ ĐÁNG

[Chính sự không khách quan, không công bằng đã dẫn đến cả một thời chúng ta nhận thức sai về triều đại Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. GS Đinh Xuân Lâm kể một câu chuyện mà nghe xong, chúng ta có thể cười, cũng có thể là rơi nước mắt: Mấy chục năm trước, đã có một nhà lãnh đạo cao cấp nói: “triều Nguyễn là phản động triệt để”. Vì thế, tất cả các nghiên cứu, các bài giảng lịch sử thời Nguyễn đều quán triệt tư tưởng này. Thầy giáo Đinh Xuân Lâm lúc bấy giờ, khi giảng bài có nói trời nói biển gì thì nói, nhưng khi kết luận lúc nào cũng có câu “triều Nguyễn là phản động triệt để”]
Đây là một đoạn trong bài báo “Cần đánh giá đúng công, tội triều Nguyễn”. "Nhà lãnh đạo cao cấp" chính là ông Lê Duẩn. Trong một bài báo, ông Đinh Xuân Lâm đã nói rõ tên tuổi tổng bí thư rồi, tại sao báo Tổ Quốc còn giấu nhỉ ? Hay là Bộ 4T đã xếp ông Lê Duẩn vào danh sách những vấn đề "nhạy cảm" ?http://www.diendan.org/thay-tren-mang/can-111anh-gia-111ung-cong-toi-trieu-nguyen/view)


Cần đánh giá đúng công, tội triều Nguyễn
12:58 ngày 19/10/2008
http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/11153.ts?ccat=71
(Toquoc) - Gần 400 năm tồn tại, để lại cho đất nước Việt Nam hình dáng lãnh thổ hôm nay, những di sản văn hoá đã được cả thế giới công nhận, những thành tựu khoa học, văn hoá nghệ thuật đồ sộ…. triều Nguyễn xứng đáng được nhìn nhận lại, được xem như bất kỳ một triều đại phong kiến nào của đất nước ta, có thịnh có suy.
>> Phủ nhận thành tựu triều Nguyễn là không thỏa đáng

Nói như Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi trao đổi với phóng viên Tổ Quốc: “Không làm rõ và đánh giá đúng công, tội của triều Nguyễn là chúng ta có tội với lịch sử. Không phải là ý muốn của bất cứ ai”.
Hơn 500 đại biểu tham dự Hội thảo khoa học về vương triều Nguyễn có lẽ cũng đã đủ để nói lên tầm cỡ lớn nhất từ trước tới nay của một cuộc hội thảo về chủ đề này. Thanh Hoá- mảnh đất phát tích của triều Nguyễn cũng đã làm rất tốt vai trò của chủ nhà trong việc tổ chức.

Không chậm hay sớm mà thời cơ đã chín muồi
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội thảo mới chỉ có gần 2 giờ thảo luận theo từng tiểu ban nhưng có thể nói, tất cả những vấn đề tâm huyết về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX mà mỗi nhà nghiên cứu, mỗi nhà sử học đem đến hội thảo đã bắt đầu “hâm nóng” hội trường.
Sau đổi mới hai mươi năm, mới có một cuộc hội thảo nhìn nhận lại công tích nhà Nguyễn, theo GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là “Sớm hay muộn là điều rất khó trả lời. Đây là vấn đề đặt ra khá nóng bỏng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng điều gì cũng cần có quá trình của nó. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu, đây là thời gian mà những kết luận của mỗi nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã chín muồi. Có những vấn đề sẽ được thống nhất kết luận. Có những vấn đề khiến chúng ta xích lại gần nhau cũng có những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử này. Tôi chỉ có một mong muốn và cũng là một yêu cầu: Chúng ta hãy làm lịch sử với thái độ khách quan, trung thực, công bằng.”
Chính sự không khách quan, không công bằng đã dẫn đến cả một thời chúng ta nhận thức sai về triều đại Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. GS Đinh Xuân Lâm kể một câu chuyện mà nghe xong, chúng ta có thể cười, cũng có thể là rơi nước mắt: Mấy chục năm trước, đã có một nhà lãnh đạo cao cấp nói: “triều Nguyễn là phản động triệt để”. Vì thế, tất cả các nghiên cứu, các bài giảng lịch sử thời Nguyễn đều quán triệt tư tưởng này. Thầy giáo Đinh Xuân Lâm lúc bấy giờ, khi giảng bài có nói trời nói biển gì thì nói, nhưng khi kết luận lúc nào cũng có câu “triều Nguyễn là phản động triệt để”.
Những quan niệm đó đã đi vào sách giáo khoa, ảnh hưởng đến nhận thức chung của cả xã hội, cả thế hệ trẻ bây giờ. Điều đó đã khiến việc nhận thức lại, nhìn nhận lại công và tội của triều Nguyễn trở thành một đòi hỏi bức thiết của xã hội mà các nhà sử học cần đáp ứng. Bởi vì, suy cho cùng, để dẫn đến nhận thức sai về triều Nguyễn, trách nhiệm trước hết thuộc về những người làm sử.

Những vấn đề cần nhìn nhận
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ với chúng tôi: “Hiện nay, chúng ta có đủ cơ sở để nghiên cứu và đánh giá đúng về triều Nguyễn. Đây là thời đại gần với thời đại của chúng ta nhất. Ngay Bác Hồ cũng là người từ thời Nguyễn. Có những điều kiện rất gần. Có những người của triều Nguyễn đã tham gia chế độ của chúng ta như: Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Huỳnh Thúc Kháng… Chúng ta có đầy đủ điều kiện để đánh giá. Và cần khách quan thừa nhận, triều Nguyễn tội cũng có nhưng công thì rất to lớn.”
Trên quan điểm “Khách quan, trung thực, công bằng”, các nhà khoa học sẽ bàn thảo để làm sáng tỏ các vấn đề:
Thời kỳ các chúa Nguyễn bắt đầu từ năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương xứ Thanh vào nhậm chức Trấn thủ xứ Thuận Hoá rồi năm 1570 kiêm Trấn thủ Quảng Nam. Vương triều Nguyễn khởi đầu từ khi chúa Nguyễn Ánh sáng lập vương triều năm 1802. Giữa thời kỳ chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn có thời kỳ Tây Sơn tính từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 1771 cho đến 1802. Sự cảm tính trong việc nâng cao giá trị của triều Tây Sơn đã dẫn đến việc phủ nhận nhà Nguyễn- kẻ thù của Tây Sơn.
Trên quan điểm “Khách quan, trung thực, công bằng”, các nhà khoa học sẽ bàn thảo để làm sáng tỏ các vấn đề:
Thứ nhất là nguyên nhân và trách nhiệm của triều Nguyễn trong thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong đấu tranh chống Tây Sơn, thời gian bị thất bại nặng nề ở trong nước, Nguyễn Ánh cầu viện vua Xiêm, đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia Định năm 1784 rồi ký Hiệp ước Versailles năm 1787 với Pháp. Hành động của Nguyễn Ánh cần được đánh giá một cách công minh. Vì sao lại cầu viện Xiêm chứ không phải Trung Hoa? Đây là những vấn đề còn gây băn khoăn trong nhiều người.
Thứ hai là công lao thống nhất đất nước, mở mang bờ cõi lãnh thổ. Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh bại quân Trịnh, làm chủ cả nước. Nhưng do mâu thuẫn mà 3 thủ lĩnh Tây Sơn đã lập ba chính quyền. GS Phan Huy Lê cho biết: “Năm 1960, 1963, có 2 quan điểm cực đoan đối lập nhau. Một bên phủ định công lao thống nhất đất nước của Tây Sơn, một bên phủ định công lao của Nguyễn Ánh. Gần đây đã có sự xích lại gần nhau của hai quan điểm này: Tây Sơn có công lao to lớn nhưng chỉ tạo cơ sở cho sự thống nhất quốc gia. Nguyễn Ánh là người hoàn thành nhiệm vụ đó”. GS Đỗ Bang cho rằng: “Trước đây, các bộ sách giáo khoa lịch sử của các cấp học đều phê phán Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh do tham quyền cố vị mà gây hoạ chia cắt đất nước và nội chiến. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Cuộc chiến Trịnh- Nguyễn là một trong những động lực tự cường để các Chúa Nguyễn không ngừng mở mang bờ cõi về phía Nam. Trên lãnh thổ đó, là một di sản văn hoá gồm cả vật thể và phi vật thể đồ sộ. Những di sản đó một phần đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam với những di tích, kiến trúc, thành luỹ, lăng mộ…. Tất cả đã hoà đồng vào di sản dân tộc góp phần tạo nên bản sắc và bản lĩnh dân tộc, sức sống và sự phát triển đất nước.
Hội thảo cũng đi vào nhìn nhận và đánh giá những cống hiến tích cực trên nhiều phương diện của triều Nguyễn, đặc biệt là các thời thịnh đạt của triều đại này như Gia Long, Minh Mệnh và Thiệu Trị.
Bài: Cẩm Hà
Ảnh: Xuân Nghĩa



Phủ nhận thành tựu triều Nguyễn là không thoả đáng
23:28 ngày 17/10/2008
http://www.toquoc.gov.vn/tin-tuc/11008.ts?ccat=5
(Toquoc)- “Sau khi đất nước đổi mới, chúng ta có thời gian để nhìn nhận một cách khách quan hơn, và thấy rằng việc đánh giá, nhìn nhận chưa thỏa đáng đối với những thành tựu của triều Nguyễn là chưa phù hợp vớichứng cứ lịch sử” - GS Phan Huy Lê bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Tổ Quốc trước thềm Hội thảo quốc gia về triều Nguyễn- sẽ diễn ra tại Thanh Hoá ngày 18, 19/10 tới, GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, đơn vị đồng tổ chức hội thảo đã cho biết.

- Thưa GS, đã có gần 20 cuộc hội thảo về nhà Nguyễn trong gần chục năm qua nhưng có thể nói đây là một cuộc hội thảo lớn nhất từ trước tới nay cả về phương diện tổ chức và tư liệu khoa học. Vì sao lại cần một cuộc hội thảo tầm cỡ như vậy?
+ Trong suốt thời kỳ đổi mới, các nhà nghiên cứu đã có cả một quá trình tìm hiểu. Năm 90 có cuộc hội thảo ở Hội An rất lớn. Ở Nam bộ có nghiên cứu về việc nhà Nguyễn mở mang đất nước. Có khoảng 20 cuộc hội thảo tương đối có quy mô, có sự tham gia của các nhà khoa học. Trường đại học Huế, trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế là những nơi đã có rất nhiều nghiên cứu về nhà Nguyễn và cũng đã tổ chức rất nhiều hội thảo. Đặc biệt là hai trường Đại học Sư Phạm Hà Nội và Đại học sư phạm TP HCM rất có nguyện vọng nhìn nhận lại nhà Nguyễn để giảng dạy trong nhà trường. Tất cả các cuộc hội thảo đó là bước chuẩn bị tích cực nhưng chưa đủ để thay đổi nhận thức của giới sử học và chưa có những kết luận chung, chưa đưa ra những điểm kết luận hoàn toàn gặp gỡ nhau của những nhà nghiên cứu, những nhà sử học. Xu hướng chung là phải có cái nhìn khách quan, trung thực, có phương pháp nhìn nhận mới với triều Nguyễn. Đó là một nhu cầu chính đáng và bức thiết của lịch sử.\

- Vì sao bây giờ chúng ta mới nhìn nhận lại về Nhà Nguyễn? Những đánh giá trước đây về Nhà Nguyễn có gì sai không, theo GS?
+ Trong thời kỳ đất nước chiến tranh, công việc nghiên cứu gặp nhiều hạn chế. Xuất hiện khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn đặc biệt là triều Nguyễn làm mất nước. Đó là triều đại bị xem là chuyên chế, phản động nhất trong lịch sử phong kiến đất nước. Đáng tiếc là thái độ đó đã bị đưa vào sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học… trở thành nhận thức chung của xã hội. Bối cảnh lịch sử có tác động đến thái độ của nhiều nhà sử học. Trong thời kỳ cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, khi nhìn lại lịch sử, bất cứ hành động nào xúc phạm hay đi ngược lại ý chí của dân tộc đều bị phê phán. Điều đó đã ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về triều Nguyễn. Sau khi đất nước đổi mới, chúng ta có thời gian để nhìn nhận một cách khách quan hơn, và thấy rằng sự phủ nhận những thành tựu của triều Nguyễn là không thoả đáng và chưa phù hợp với lịch sử.
Vì thế, đánh giá đúng về triều đại nhà Nguyễn là cần thiết. Cần một cuộc gặp gỡ của các chuyên gia để nhìn nhận lại, sự phê phán với triều Nguyễn đã đi vào sách giáo khoa, ảnh hưởng đến nhận thức của thế hệ trẻ nên cần thay đổi. Điều đó là đòi hỏi bức xúc của xã hội, cần một thái độ công bằng, công minh đối với lịch sử dân tộc.
Cần một cuộc gặp gỡ tầm cỡ quốc gia là vấn đề đã được đặt ra nhiều năm nay. Viện Khoa học Lịch sử đã nghĩ đến vấn đề này và rất may mắn đã được lãnh đạo Tỉnh Thanh Hoá nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ đăng cai tổ chức.

- Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ của giới sử học mà còn của lịch sử. Được biết có rất nhiều các tham luận của các GS, các nhà nghiên cứu quốc tế về Việt Nam, về triều Nguyễn. Xin GS cho biết, những đánh giá chung của họ về triều Nguyễn như thế nào?
+ Hội thảo lần này có sự tham gia của 8 vị chuyên gia, GS hàng đầu về lịch sử Việt Nam của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp và Nga.
Trên thế giới đã có 2 luận án Tiến sĩ về nhà Nguyễn được đánh giá là suất sắc. Đó là luận án của ngài Tsubol (nay là GS giảng dạy tại Nhật Bản), luận án mang tên “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” nghiên cứu về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, luận án này bảo vệ năm 1982.
Một luận án nữa của chị Natalia (người Australia) bảo vệ năm 1992 là một công trình nghiên cứu rất công phu về “Lịch sử Kinh tế xã hội Đàng Trong thế kỷ XVII- XVIII”. Mới đây là năm 2003, GS Choi Bunz Wook- Hàn Quốc (trường Đại học INHA) đã làm luận án về thời Minh Mạng.
Những luận án suất sắc của các nhà nghiên cứu đã tạo cơ sở khoa học cho các nhà nghiên cứu chúng ta rất nhiều. Nhìn nhận chung của họ đều rất khách quan, đánh giá rất cao thành tựu của nhà Nguyễn trên các phương diện như: Định hình lãnh thổ đất nước trong việc mở mang bờ cõi. Phát triển kinh tế xã hội. Và họ đều có chúng nhận xét, nước Việt Nam hiện đại thừa hưởng nhiều và trực tiếp từ triều Nguyễn những bài học quản lý đất nước.
Công lao mở mang bờ cõi đất nước xuống phía Nam của triều Nguyễn là không thể phủ nhận

- Là người chủ trì hội thảo, theo GS, hội thảo lần này sẽ chú trọng điều gì?
+ Cuộc hội thảo diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 450 năm ngày chúa Nguyễn Hoàng vào Nam dựng nghiệp (1558-2008) theo tôi là điều rất hay.
Chủ đề của hội thảo rất có ý nghĩa, không nghiên cứu riêng về triều vua nào mà nhìn nhận nhà Nguyễn trên cả 3 thế kỷ. Với cái nhìn khách quan để thấy được nhà Nguyễn đã làm được gì, và những hạn chế. Theo tôi, triều đại nào cũng có những hạn chế, những thành tựu, đã đến lúc nên nhìn nhận với một tư duy khách quan và khoa học, đổi mới trong tư duy sử học. Chúng tôi phê phán cái nhìn cực đoan, phiến diện, phủ nhận tất cả. Nhưng cũng cần cảnh giác trong cái nhìn đổi mới lại quá tô hồng. Đứng về khoa học mà nói là không khách quan, vì vậy, trên những nghiên cứu mới nhất, Viện Khoa học lịch sử sẽ đưa ra cái nhìn mới, khách quan về triều đại này.
Hội thảo có 91 báo cáo: chia ra 3 tiểu ban để làm việc theo nhóm gồm: Tiểu ban hội thảo về Thời kỳ các chúa Nguyễn; Tiểu ban hội thảo về Thời kỳ vương triều Nguyễn thế kỷ XIX và Tiểu ban hội thảo về Di sản văn hoá Nguyễn.
Trong 1 ngày, các tiểu ban sẽ làm việc và thảo luận với nhau rồi đưa ra kết luận, sau đó sẽ có một buổi thảo luận chung của hội thảo và đưa ra kết luận chung.
Trong báo cáo đề dẫn tôi có lưu ý, tập trung vào những vấn đề lớn, định hướng chung trong nghiên cứu thảo luận từ đó tạo nhận thức mới để sửa đổi sách giáo khoa phổ thông, giáo trình Đại học, nhìn nhận và bảo tồn phát huy di sản văn hoá của thời kỳ này. Đó là ý nghĩa thực tiễn của hội thảo.

- Vâng, xin cám ơn GS và chúc hội thảo thành công tốt đẹp!
Cẩm Hà ( thực hiện)

No comments: