Sunday, October 19, 2008

ĐỌC "GIÓ LẼ" của NGUYỄN NGỌC TƯ

Đọc “Gió lẻ…” (*) Nguyễn Ngọc Tư:
CẢNH BÁO VỀ SỰ DỐI TRÁ !

Cao Thoại Châu
Chủ nhật, ngày 19 tháng 10 năm 2008
http://thatsonchaudoc.com/banviet2/CaoThoaiChau/HoiKy/DocGioLeCuaNguyenNgocTu.htm Đọc “Cánh Đồng Bất Tận” dù có hơi ghê ghê về hai chữ “bất tận” của một lối viết rất mới soi mói tận ngóc ngách tâm can để lạnh lùng lật kèo những con người cứ tưởng là đồng chua nước mặn, tôi vẫn có thể nhận ra những gì tác giả để lại cho người đọc trong “cánh đồng” ấy. Nhưng với “Gió lẻ và 9 câu chuyện khác” thì quả là khá vất vả, dù bị mê hoặc bởi nhan đề bìa và chỉ mới dừng lại ở “Gió lẻ” (tr 123-172) thôi đã thấy là càng đọc càng thấy mình ... dại dột để bị lôi kéo vào những thế giới lạ lùng, bất ngờ vì … nó ở ngay quanh ta từ bao lâu chẳng biết! Trong cảm nhận của một người đọc, có thể được chia sẻ bởi những người đọc khác, tôi nghĩ đây là một truyện ngắn rất lạ lùng, sức quậy rất mãnh liệt với một kỹ thuật viết như những cú sút bóng đẹp mắt mà rất hiểm hóc.

Một chuyến xe nói là chở hàng đi bỏ mối mà sao đi hoài không thấy tới, trở thành căn nhà di động cho cô gái, nhân vật xưng “em” một đôi khi và đôi khi khác được tác giả xen vào đỡ lời, một anh tài, anh lơ. Quá giang chiếc xe, cô gái tất nhiên có tên nhưng chẳng ai biết kể cả cô, và rồi cô được người ta đặt tên là “Ái” do tiếng kêu bật ra khi ngón tay bị anh lơ đóng cửa làm kẹt mà kêu lên, rồi cái tên “Mỹ Ái” lại ra đời trên chuyến xe coi như vô định đó, như Lạc, như Lam trước kia.

Cô gái câm, mà là câm nín. Hồi sáu tuổi, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?” đó là lời cô gái nghe thấy cha nói với mẹ mình, người phụ nữ treo cổ chết sau đó, biết vì sao nhưng cô bé lại được nghe cha mình giải thích một cách đầy thương tiếc với mọi người rằng người vợ tuyệt vọng vì ung thư dạ dày! Trong ngày tang lễ mẹ mình, một bà nào đó hỏi người cha “Sao mấy ngày nay con bé không nói năng gì?” thì người đàn ông quay lại nhìn đứa con gái khốn khổ mà “… thoáng nhẹ nhõm. Sự câm lặng cần thiết cho những bí mật”. Đó là lần thứ nhất đứa bé lên sáu phát hiện ra nó bị tước đoạt quyền được nghe sự thật. Lần thứ hai xảy ra như thế này và với cường độ phản kháng mạnh hơn. Một thời gian sống với cặp vợ chồng già có cái tên ông Tám Nhơn Đạo, đêm nọ “bỗng dưng thấy mình bị ép chặt xuống tấm ván. Và một bàn tay lần vào áo em”, cô gào lên nhưng “Có thể bà (vợ ông Tám) cũng không biết đó là tiếng kêu của em vì nghe như tiếng chó tru, tiếng chim đêm thảng thốt, tiếng mèo gào trong bụi cỏ” - một sự tỉnh táo đến lạ lùng của một con người sống cạnh mà không sống được với loài người, giữa đôi bên không nối với nhau bằng sự thật. Ra khỏi nhà con người được gọi là ông Nhơn Đạo với tâm trạng dửng dưng tuồng như không có gì mất mát, nhưng khi một người đàn bà nào đó bảo “về với chị đi, không làm gì nhiều, mà chị lại trả công” thì sự ghê tởm lên đến cao trào, cô gái “bỗng thấy nghẹt thở, bởi đọc được điều gì đó không thật … bụng em quặn lên, cổ họng cong oằn, em nôn. Cơn nôn đầu tiên bắt đầu ở đó … Lúc đó em không biết nó sẽ lặp lại dai dẳng sau này, ở những nơi có đông người, nơi người ta vẫn hay nói dối”.

Cuộc lưu lạc ngày một dài thêm, một vài người đàn ông đến với cô, có kẻ dửng dưng như con đực tìm con cái mà lạ lùng cô bé không thích thú đã đành, lại còn không cảm thấy có gì bị xúc phạm “Giờ, một người đàn ông xa lạ đang lúi húi trên em, như con Cò thường lè lưỡi liếm để gọi em than thở chuyện đời nó. Lạ lùng, em không còn cái cảm giác ran khắp người. Giống như cảm giác đó đã chết. Từ khi nghe lại tiếng người, mùi người”. Buồn và lo lắng biết bao nhiêu cho những người nhạy cảm khi cuộc phản kháng của cô gái đã dẫn đến sự lạnh lùng này: “ Đôi khi những lời vô tình khiến em nhớ tới một vài thứ em đã mất (…) Chỉ nhớ là đã mất. Không tiếc nuối, không có ý định tìm lại. Giữa em và cơ thể em tồn tại vài mối liên hệ ít ỏi, lúc đói hay những cơn đau lúc em nôn. Một cơ thể bất động thì đi với ai cũng không quan trọng”. Và cô quên mất nhiều tiếng nói, cách nói của loài người, nôn ói và dửng dưng, ngôn ngữ mà cô dành để giao tiếp với thế giới xung quanh là tiếng con chim, con chó, con mèo. “Biết nước khóc chừng nào rồi?” là câu bỗng nhiên cô thốt lên khi ngó qua cửa kính nhòe nước mưa!

Câu chuyện được thể hiện theo bút pháp tượng trưng xen lẫn siêu thực, có lẽ là thích hợp bởi những nhân vật hầu hết đều đầy ắp một nội tâm không theo cái logique bình thường. Phải sống với sự dối trá,con người đã phản ứng lại bằng cách…quên (hay không muốn) nói tiếng loài người. Nhưng cuối cùng thì thì cả ba người tình cờ gắn với nhau trên chiếc xe đã thức dậy một tình yêu trong lòng. Ai yêu ai, ai được yêu và ai lỡ độ, không phải là điều quan trọng. Quan trọng là “Em hoang mang với một điều thuộc về con người mà em vừa mới biết”. Em biết rằng cả anh lơ và bác tài đều yêu em, cả em cũng thế! Đọc và thở ra nhẹ nhõm! Một cảnh báo khá mới và đắt giá.------------(*) “Gió lẻ và 9 câu chuyện khác”, tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ 2008.



"Gió lẻ" của Nguyễn Ngọc Tư và những điều ngoài ngôn ngữ.
post by vanchuong @ 29 September, 2008 11:21
http://vanchuong.vnweblogs.com/post/2192/95600

LƯƠNG HÙNG: Trong các ngõ hẻm hay lề phố Đinh Lễ khu Tràng Tiền(Hà Nội), bạn có thể mua Gió lẻ với giá 20.000 đồng/ cuốn, cho dù giá bìa là 32,000 đồng. Thế là giá quá... ưu ái cho bạntrong thời buổi lạm phát cao như thế này rồi đó! Hihihih...

"Gió lẻ" của Nguyễn Ngọc Tư và những điều ngoài ngôn ngữ.

Người bố nói một câu xúc phạm, người mẹ treo cổ tự vẫn và cô con gái 10 tuổi như ném trả tiếng nói lại cho loài người, cô câm hẳn và bỏ nhà đi lang thang cho đến ngày thành thiếu nữ rồi chết trong một tình yêu ngổn ngang. Gió lẻ là gió gì cũng không ai biết, gió năm ấy, năm kia hay năm nào cũng cũng không ai biết, cô gái như mang gió đi theo và thổi vào tất cả nơi nào, những ai cô gặp cái lạnh không thể lấp đầy của sự một mình trên thế gian. Hàng trăm, hàng ngàn chuyện đã xảy ra trên những ngày lang thang ấy được kể lại bằng giọng kể không đầu không cuối, tuỳ vào những liên tưởng bất chợt, như ký ức vậy, ký ức trở về đâu cần có đầu có đuôi ! Câu chuyện được kể không đơn tuyến, chính thủ pháp này đã khiến người đọc khó nắm bắt mạch chuyện từ đầu, thế nhưng một khi đã hiểu câu chuyện thì những ký ức, những mảng chuyện bất chợt này, như đứng độc lập và bản thân nó như một bài thơ ngắn đầy cảm xúc.

Với thủ pháp này truyện không còn những đoạn dẫn dắt, những câu chào mời, giới thiệu, tất cả như được cô đọng lại, tinh tế như những bài thơ đứng cạnh nhau. Và thực sự những chi tiết truyện là những cảm xúc thơ đúng nghĩa, tuy được trình bày dưới hình thức văn xuôi nhưng người đọc vẫn dễ dàng nhận ra nhịp điệu của thơ trong mỗi câu chữ. Trong những ngày Nguyễn Ngọc Tư viết Gió Lẻ, đồng thời chúng ta thấy trên blog của chị những chùm thơ văn xuôi thật đặc sắc.
"Những toa tàu trượt qua tôi trong sớm mai, dằng dặc gương mặt người ẩn hiện trong ô cửa tối, trong những hành khách kia, có thể có người tôi thương nhớ đã lâu rồi. Cái khao khát gặp nhau đã không còn hình dáng của khao khát nữa, nỗi nhớ không còn nhận biết đó là nỗi nhớ, tình yêu xưa cũng không chắc tình yêu. Chỉ cháy lên ý nghĩ, được nhìn lại gương mặt, nụ cười, ánh mắt và tay tôi đan vào những ngón tay khô..." (Nghĩ trong lúc tàu đi qua)
"Những ngày lang thang trên đất lạ, với tấm bản đồ rách rã, đôi khi tôi phải dừng lại hỏi đường
Ông ơi, lối đi này dẫn tới đâu, cháu muốn tới những thung sâu
Những bãi cỏ buổi sáng từng là chợ, họ bán mấy rau và tặng mấy hẹn hò
Ông già im lặng và ngón tay gầy quắt, vẽ cho tôi một con đường" (Hỏi đường)

Đọc Gió lẻ, tôi cứ hình dung Nguyễn Ngọc Tư như một mụ phụ thuỷ lần đầu nắm được sức mạnh của âm binh, chị tung bên này, hứng bên kia, hô phong, hoán vũ cái sức mạnh của ngôn từ mà chị đã bắt đầu nắm được. Chị không kể chuyện, nếu phải tóm tắt thì có thể kể câu chuyện trong ba dòng là xong (như tôi đã tóm tắt ở đầu bài), câu chuyện chỉ là cái cớ, để trong đó ngôn từ có thể biểu hiện được quyền lực rõ nhất của nó

Và bất ngờ, chính ở chỗ này, chị đã chạm đến điều sâu xa nhất, cổ xưa nhất và cũng là căn bản, nền tảng nhất của văn minh loài người, đó là: Ngôn ngữ !

Không có ngôn ngữ, con người sẽ vẫn mãi là động vật hoang dã không hơn con heo, con chó ta thấy hằng ngày. Kể từ khi có ngôn ngữ, con người bắt đầu có tư duy, và nhờ có tư duy con người đã có thể hiểu được những bước đi của Tạo hoá, thậm chí, đang âm mưu dần thay sự sáng tạo của tạo hoá ! Không có ngôn ngữ, con người không thể tư duy. Chúng chỉ có thể tư duy trong chiếc áo, lớp vỏ của ngôn ngữ. Và khi Descartes nói: "COGITO ERGO SUM - I think therefore I am - Tôi tư duy tức là tôi tồn tại" thì ta hiểu, ông không chỉ nói đến sức mạnh của tư duy mà còn là ý nghĩa nhân sinh của con người trong vũ trụ này.
Thế nhưng, kể từ khi có ngôn ngữ, con người cũng bắt đầu "tha hoá" và xa rời dần "bản thể" của mình. Đầu tiên là Lão Tử, cái chữ ĐẠO của ông đến bây giờ chúng ta vẫn không thể hiểu chính xác nó là cái gì, vì : "Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh". Giáo sư Nguyễn Huệ Chi giải điều này như sau: "Chân lý mà nhất là chân lý tối thượng, nó không phơi ra những đường, nếp, hình, khối... để cho giác quan chúng ta dễ dàng bám lấy. Thế nên thay vì giác quan, con người phải dùng đến một thứ siêu giác quan là lương năng để mặc khải chân lý. Mà lương năng chỉ thật sự sáng lên khi giác quan cùn lụt đi. Cho nên, phải làm ngược lại với quy trình thông tục của sự suy nghiệm, phải bắt cái tâm của mình, giác quan của mình trở nên tối tăm, ngu độn mới may ra có thể tiếp cận được chân lý"( Nguyễn Huệ Chi-Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein).

Và sau đó là Phật giáo. Kinh Lăng Nghiêm nói rõ TƯ LÀ NGHIỆP, sự tư duy là nghiệp chướng ! "Từ một niệm ( chữ "niệm" với nghĩa: ý nghĩ, tư duy, suy nghĩ) bất giác mà sinh ra sơn hà đại địa" , từ một ý nghĩ bất giác (không phải của bậc giác ngộ) mà sinh ra đất trời sông biển ! Vật lý học hiện đại, qua các bài viết của giáo sư Trịnh Xuân Thuận, đã chứng mình rằng không có một thực tại khách quan mà chỉ có một thực tại được quan sát, có nghĩa là thế giới là thế giới trong mắt mỗi người chứ không có thể giới tuyệt đối khách quan. Mà mắt mỗi người thì gắn liền với tư duy người đó. Mà tư duy thì lại gắn liền với ngôn ngữ.
Để hiểu cái ĐẠO của vũ trụ, Lão Tử bảo phải lìa ngôn ngữ, nhà Phật thì bảo phải lìa tri kiến (tức hiểu biết, kiến thức), dứt niệm, bặt tư duy (tức cũng lìa bỏ ngôn ngữ)

Trong "Gió lẻ", nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư (đến hết chuyện ta vẫn không biết cô tên gì ngoài cách gọi Cô gái câm !) không câm bẩm sinh từ bé mà cô "ném trả" tiếng nói lại cho loài người, cô sống và không cần đến tiếng nói, ngôn ngữ, và sự diễn đạt nữa, thậm chí cô buồn nôn với tất cả những lời nói âu yếm, ngọt ngào. Trong cái thế giới phi ngôn ngữ ấy, phi cái khái niệm trung gian là ngôn ngữ ấy, cô gái câm như hoàn toàn
hoà vào thiên nhiên và cô có thể nghe và hiểu được tiếng gió, tiếng của cỏ cây, của mây trời và của những con chim, con chó, con mèo cô gặp hằng ngày.

Cuộc trốn chạy vì nỗi sợ hãi cuộc sống loài người của cô gái ngày càng bị đẩy đi xa hơn; những cưu mang, chở che, dịu dàng nhất lại
ẩn giấu những cướp đoạt phi nhân nhất. Cô gái co mình lại đến độ cảm giác được máu chảy trong con người mình, một "khả năng kỳ dị" , nhưng thật ra đó là tín hiệu đầu tiên tác giả muốn nhắn gởi: "Tại sao người ta không nhìn thấy mình khi mình còn sống ?". Mà "Nhìn thấy mình" há không phải là mục tiêu tối hậu của Phật giáo đấy ư ? Hiểu được mình, nghe được mình, nhìn thấy mình, tâm ở trong thân... là điều các thiền sư vẫn luôn nhắm đến. "Gió lẻ" không chỉ là câu chuyện thương tâm, một tầm tư tưởng về nhân sinh thật lớn như đã được chạm đến.

Hẳn chúng ta còn nhờ tiểu thuyết "Barie" của nhà văn Bungary Paven Vêginốp, trong đó Ðôrôtêa, nhân vật chính, là một cô gái có khả năng tự bay lên và đêm đêm cô vẫn bay lượn trên bầu trời Xophia tuyệt đẹp. So với truyện này, "Gió lẻ" của Nguyễn Ngọc Tư, hay hơn nhiều. Nó hay không chỉ vì một cú pháp thấm đẫm chất thơ mà còn là một vấn đề, có thể Nguyễn Ngọc Tư chỉ vô tình, hoặc bằng trực cảm của một nhà văn, chị đã vô tình chạm đến điểm khởi sinh và cũng là điểm cuối cùng mà văn minh loài người bắt đầu và đến đích.

Dường như, tất cả đã thật chín, để đến một lúc nhân loại để lên mặt bàn, công và tội của ngôn ngữ.
Hồ Trung Tú

Phê phán về “Gió lẻ” của Nguyễn Ngọc Tư

Nguyễn Chí Hoan
18.10.2008
http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=14507&rb=0102

Từ bỏ việc kể chuyện kiểu “Cánh đồng bất tận”, trong cơn “Gió lẻ” này Nguyễn Ngọc Tư đi xa hơn trên chính cái cánh đồng đã có mùi vị hư vô yếm thế đó, tìm kiếm cái phi lí manh nha trong cái hiện sinh mà cô phát hiện lại với một chữ tình.

Bởi thế, đây là một truyện dựng nên để đuổi bắt ý tưởng, không phải là một chuyện kể theo đúng nghĩa; và theo đó, sự phi lí ở đây là điều không cần khám phá hay lý giải, vì nó biểu hiện ra như đã phi lý lồ lộ cả rồi.

Gió lẻ kể về những sự kiện gắn với một hình ảnh một cô gái không có tên tuổi, gọi là “em”.

Cô gái nhỏ là“em” đó mắc phải chứng “buồn nôn” mỗi khi nghe đàn ông tán tỉnh nói chuyện đực cái; rộng ra “em” buồn nôn khi phải chịu đựng những đám đông; và cuối cùng, thực ra là “em” không chịu được tiếng người.

Ðiều đó được kể như cái giả định xuất phát, xuất thân, tạo nên một hình ảnh mơ hồ gọi là nhân vật. Kể rằng “em” “hồi sáu tuổi” lấy dao cạo râu của cha để tỉa lông chó, khiến cha mắng mẹ “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?” và mẹ“em” liền vào buồng đóng cửa treo cổ tự sát. Kể rằng, sau đám tang, chứng kiến cái chết này và thấy cha nói dối mọi người về nguyên nhân vụ tự tử, “em” bỗng không nói năng gì nữa; rồi sau bỏ nhà ra đi.

Những trần thuật rời rạc đó dù sao cũng đủ cho hình dung một logic hiện thực, mang tính giai thoại: đứa trẻ với một bi kịch gia đình, một sang chấn tâm lý quá nặng nề và tai biến trở thành một chấn thương thực thể - mất tiếng nói, mất cân bằng tri giác. [Cái nền tảng hiện thực này còn được gia cố đáng kể: cũng bằng trần thuật rời rạc mô phỏng giọng nội tâm, kể rằng “em” trong khi đi “bụi” ngủ chợ được một ông già chăm nom, cho ăn, rồi “em” theo về, ở ngoài chòi, giúp việc, và rốt cục một buổi nọ “em” bị ông cưỡng hiếp, chính là cái ông gọi là “ông Tám Nhơn đạo” đó - bạn đừng cười! Bởi vì cái tên đó không đặt ra để gây cười đâu, mà là một phép đề dụ tiêu cực về “cái ấy” của từ tâm, và nó có ý kêu lên một câu kiểu như: “Hỡi con người, hãy cảnh giác!”]

Nếu coi “em” là nhân vật chính (có cách gọi nào khác không?) thì các giai thoại nói trên chính là tiền đề và cốt lõi hiện thực của một hình ảnh con người trong văn chương.

Cái tính hiện thực đó, với logic mà hiển nhiên luôn đi cùng với nó, giống như lực trọng trường đối với hư cấu văn chương như là dự định về một chuyến bay lên mặt trăng.

Ðể thoát khỏi sự ràng buộc (hay là: sự bảo đảm) của tính hiện thực đó, nhằm đạt đến một cảnh giới tinh thần cao hơn, truyện Gió lẻ cho thấy tác giả đã sử dụng cả hai phương pháp quen thuộc: một mặt thì tạo ra tình huống và mặt kia tạo ra nhận thức. Tình huống ở đây là chiếc xe tải đi chở thuê theo lối “du mục” cho các mối hàng ở những chợ tỉnh chợ huyện xa cách thành phố, với một “gã” lái độc thân chối bỏ mọi cảnh đoàn tụ và một lơ xe trẻ tên Dự theo xe chỉ để tìm “bà nội” của y đã bỏ nhà đi lang thang; về nhận thức thì hình ảnh “gió lẻ” chính là tượng trưng cho toàn bộ những gì là “em” - với đầy những cảm nhận bơ vơ, lạc lõng, xa lạ với con người, chối bỏ tiếng nói (vì tiếng nói chỉ là những lời dối trá và làm tổn thương người khác) để chỉ còn “nghe” những tiếng thiên nhiên, v.v…

“Em” có lẽ chưa hay một tấm lòng với tự nhiên mang tính luận đề như thế sẽ dẫn thằng vào hư vô, không cần đến những tình tiết phi lý làm gì.]

Cái tình huống tạo dựng của truyện này mang một vẻ đặc trưng không giấu diếm: ba kẻ cô độc tình cờ chấp nhận nhau trên một chiếc ô tô, lấy “những con đường” và việc đi vô định làm cứu cánh, đều “đi tìm” một điều gì không chắc đã thấy và nếu có thấy thì rồi cũng không biết sẽ ra sao, sẽ để làm gì.

Tôi xin nhấn mạnh tính chất lựa chọn cá nhân của tình huống này. Và sự nửa vời mơ hồ của nó.

Kể rằng “em” kiên quyết ở lì trên chiếc xe tải, không nói năng, không chịu xuống; vậy là em lựa chọn việc đi; cũng như kể rằng “em” đã kiên quyết không nói năng kể từ sau đám tang nguời mẹ, rồi sau đó rời bỏ ngôi nhà người cha…, tất cả những tình tiết đó đều có vẻ như những khởi đầu hứa hẹn cho một “cú nhảy” vào hiện sinh.

Với những cơn buồn nôn vì tiếng-ồn-người và với đầy những đoạn văn mô tả sự lắng nghe tỉ mỉ, “nghe” đến mức như một biệt tài biệt lệ (và đến mức gò bó đáng tiếc!) đối với cảnh vật thiên nhiên (mà thực ra rất cỏ vẻ chỉ “nghe” bằng các chi tiết tu từ; về sự đa dạng thiên nhiên đó, bạn sẽ nghe rõ hơn ở Đất rừng phương Nam)…, “em” cho thấy cả ý thức và thực thể của “em” đã trở nên trống rỗng, một sự trống rỗng của tự do, thoát tung ràng buộc.

Nhưng “em” lại buộc vào ràng buộc.

Bởi vì “em” cần chiếc xe, mà là xe tải, để thực hiện cuộc đi rõ ràng mang bóng dáng lưu đày… Và vương quốc là “chiếc Landu LT 1257” đó sao? “Em” ngự trị chiếc xe tải đó và ràng buộc “gã” lái xe cùng “anh tìm nội” – tức lơ xe tên Dự. “Em” lựa chọn hiện sinh trên xe tải, nên vô hình chung buộc phải có “gã” đã lựa chọn như vậy trước em và lơ xe tên Dự đang lựa chọn theo em.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế, xét theo logic hiện thực như đã nói ở trên, là rất hiếm về xác suất.

Xét về mặt hư cấu, sự trùng hợp ngẫu nhiên đó đã hợp thức hoá một bản sao về cái phi lý; đơn giản là biến nó thành một cái hợp lý “rành sáu câu vọng cổ”.

Dù Albert Camus đã chết trong một tai nạn ôtô thì cũng chẳng có lý do gì cho một kẻ lưu đày… hậu sinh như “em” cũng giật lấy vô-lăng cho “chiếc Landu” lao xuống cái vực phi lý.

Lựa chọn chết của “em” được hàm ngụ lý giải bằng tình yêu đối với “gã” lái xe, người đàn ông duy nhất trong truyện có một dáng vẻ hiện sinh” giống như “em”; và phải ngầm hiểu rằng “gã” yêu thương, chia sẻ phù hợp với mong muốn của “em”,… Và như vậy, đó là cái “em” đi tìm; mà để tìm điều ấy, cái tình người thật là người ấy, thì những cơn buồn nôn, kịch câm và chiếc xe tải v.v… có phải đã là quá nhiều không?

Mặc dù cái kết thức mơ hồ dở dang về ý tưởng đó, trên bình diện hiển ngôn, truyện Gió lẻ có hơi hướng hiện sinh rõ rệt, chỉ có điều nó tiêu dao về nơi ảm đạm.

Và đó là một sự lầm lẫn. Ðã từng có những phiên bản lầm lẫn và giải thích sai lệch như vậy, trong khi chủ nghĩa hiện sinh vốn là một tư tưởng mang tính tích cực và đấu tranh, một nỗ lực chống lại tha hoá; tư tưởng dấn thân thoát thai từ đó là một thí dụ.

Việc tìm kiếm những ý nghĩa có vẻ siêu hình thông qua một hư cấu có vẻ phi lí như Gió lẻ vẫn chỉ là chơi trò chơi ngôn từ khá phù phiếm vậy thôi.

© 2008 talawas

No comments: