Thursday, October 2, 2008

NHỤC NHÃ TRONG TỰ HÀO hay TỰ HÀO TRONG NHỤC NHÃ ?

Hội Đồng Giám Mục VN:
Các tu sĩ không vi phạm luật Giáo Hội
DCVOnline

01-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5531
Tranh chấp đất đai ở Việt Nam: Các tu sĩ không vi phạm luật Giáo hội

BĂNG CỐC, Thái lan - Hội đồng Giám mục Việt Nam xác nhận những vị tu sĩ địa phương liên quan đến chuyện tranh chấp đất đai với nhà nước ở Hà Nội đã không vi phạm luật lệ gì của giáo hội, sau khi nhà nước thỉnh cầu hội đồng giám mục xử trí những tu sĩ này.

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã thỉnh cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam “nghiêm khắc xử lý và theo luật giáo hội với” Tổng Giám mục (TGM) Ngô Quang Kiệt ở giáo phận Hà Nội vùng với những linh mục khác là Lm Nguyễn Văn Khải, Lm John Nguyễn Ngọc Nam Phong, Lm Matthew Vũ Khôi Phùng và Lm Joseph Nguyễn Văn Thật, là những tu sĩ của dòng Chúa Cứu thế ở giáo xứ Thái Hà.

Hôm 23 tháng Chín, ông Chủ tịch Thảo đã yêu cầu Hội đồng Giám mục “thuyên chuyển” TGM Kiệt và đưa dòng Chúa Cứu thế ra khỏi địa hạt của giáo phận này. Viên chức nhà nước cũng đã truy tố năm tu sĩ nói trên về tội kích động giới tu sĩ và giáo dân vi phạm luật pháp, gây rối loạn xã hội và đã tổ chức những buổi cầu nguyện bất hợp pháp.

Trước đó, trong hai ngày 21 và 22 tháng Chín, ông chủ tịch UBND Thảo cũng đã ra thông báo cảnh cáo TGM Kiệt và những tu sĩ của dòng Chúa Cứu thế “ngưng ngay các hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không, sẽ bị xử lý theo quy định của Luật.” Ông Thảo hăm dọa.


Hôm 25 tháng Chín, Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm, nơi mà tòa khâm sứ hiện đang tranh chấp tọa lạc, đã phạt tòa TGM 1.750.000 đồng Việt Nam (khoảng 106 đô-la) vì tội đã dựng một thánh gía và một tượng đức Mẹ trong khuôn viên tòa khâm sứ cũ. Nhà nước cũng đã cho người dọn đi hết những biểu tượng tôn giáo ra khỏi khu vực đó cùng đêm.

Sau khi xem xét những trường hợp này, “Chúng tôi thấy rằng những tu sĩ này đã không hành xử ngược lại Luật Giáo hội,” các giám mục xác nhận điều này trong lá thư gởi cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm thứ Năm tuần rồi ngày 25 tháng Chín.

Lá thư này được ra đời trong buổi họp thường niên hai lần một năm của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được ký bởi giám mục Pierre Nguyễn Văn Nhơn của giáo xứ Đà Lạt, cũng là chủ tịch Hội đồng Giám mục hiện nay. Buổi họp của hội đồng được tổ chức hôm 22 đến 26 tháng Chín, ở tòa giám mục Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, cách Hà Nội 1.630 cây số về hướng Nam.

Các giám mục trong buổi họp này cũng đã trình bày quan điểm của họ về những vấn đề của đất nước qua bản thông báo dài hai trang đi kèm với lá thư. Họ nhấn mạnh luật đất đai không công nhận quyền tư hữu, tệ nạn tham nhũng, tính không trung thực trong hệ thống thông tin nhà nước, và sự lan tràn dối trá trong mọi lãnh vực, ngay cả trong lãnh vực giáo dục. Họ cũng cảnh cáo sự gia tăng việc sử dụng vũ lực để giải quyết chuyện tranh chấp đất đai và những vấn đề khác, mà theo họ những điều này sẽ gây bất công trong xã hội.

Hội đồng Giám mục gợi ý luật liên quan đến tài sản nên được tu chính để người dân có quyền tư hữu những gì thuộc về họ, trong lúc thừa nhận những trách nhiệm xã hội đi kèm. “Đó sẽ là tiền đề căn bản để giải quyết hoàn toàn những tranh chấp tài sản và bất động sản của người dân, và phát triển đất nước,” họ nói.

Những nhà lãnh đạo giáo hội cho rằng tin tức về tòa khâm sứ đang còn tranh chấp đã bị bóp méo bởi báo chí nhà nước, và họ kêu gọi nhưng người làm tin tức trong ngành truyền thông hãy tôn trọng sự thật và nên thận trọng khi tường thuật tin tức và hình ảnh, đặc biệt là những tin liên quan đến danh dự và uy tín của những cá nhân và cộng đồng. “Chỉ khi biết tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự làm tròn chức năng thông tin và giáo dục của mình để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh,” họ nói thêm.

Nhận thấy rằng người Việt Nam có truyền thống trân trọng sự hòa thuận và thương mến lẫn nhau, Hội đồng Giám mục đã bày tỏ lòng mong muốn rằng tất cả mọi người hãy chấm dứt sự bạo động ngay cả trong hành động lẫn lời nói. Mà cũng không nên nhìn vào chuyện tranh chấp đất đai này qua lăng kính chính trị hay tội phạm.

“Một giải pháp thỏa mãn sẽ được đạt đến, chỉ qua sự đối thoại thành thật, cởi mở và thẳng thắn, trong ôn hòa và kính trọng lẫn nhau,” họ tuyên bố.

Hội đồng giám mục cũng gởi lá thư này kèm bản thông báo của họ đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Ủy ban Tôn giáo nhà nước, Bộ Ngoại giao và dòng Chúa Cứu thế địa phương. Lá thư và bản thông báo này được tường thuật là đã được đọc trong những buổi lễ Mass hôm Chủ Nhật ngày 28 tháng Chín trên toàn quốc, các phó bản đã được phát cho các giáo dân.

Nhiều tu sĩ và giáo dân ở miền Nam đã bày tỏ cho UCA News hay là họ đánh gía cao những quan điểm tích cực và trong sáng của Hội đồng Giám mục và sẽ tiếp tục cầu nguyện cho giáo phận Hà Nội và chính quyền sở tại tìm kiếm một giải pháp tốt đẹp để giải quyết những tranh chấp này trong tương lai gần.

Linh mục thuộc dòng Francisco, Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo, 71 tuổi, nói với UCA News hôm qua thứ Ba rằng các giám mục đã đưa ra những gợi ý thực tiễn, tích cực và xây dựng. “Nếu nhà nước lắng nghe và xem xét nghiêm chỉnh, những góp ý trên chắc chắn sẽ giúp mang đến một sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững cho đất nước.”
© DCVOnline

Nguồn:(1)
Vietnam land dispute: clergy did not violate Church laws. Indian Catholic, by UCAN, 1 October 2008

Nhục Nhã trong Tự Hào, hay Tự Hào trong Nhục Nhã?
Khuyết Danh

Thông Tấn Xã Vàng Anh - Khuyết Danh
http://blog.360.yahoo.com/blog-hli5sBg5br_WkOVlrouYKCekYqLVZw--?cq=1&p=898

Kể từ khi TGM Ngô Quang Kiệt trong lời phát biểu UBND TP Hà Nội ngày 20.9.2008 đã dùng đến hai từ “nhục nhã”, nghành truyền thông khắp nơi lại xảy ra hiện tượng “đất bằng dậy sóng” khi một chuyện đáng lý ra không quan trọng cho lắm lại được thổi phồng lên đển mức gây căm phẫn trong lòng nhiều người một cách không cần thiết. Kèm theo những phản ứng về lời phát biểu của mọi người đối với từ “nhục nhã” là từ “tự hào” luôn được giới trẻ, và cả những người không còn trẻ lắm, nhắc tới. Tôi tự hỏi hai từ này đối với tôi có ý nghĩa gì, và ý nghĩa của hai từ này đối với tôi có vững vàng trong mọi trường hợp đối với mọi cá nhân hay chúng “xuôi theo thời vụ” để làm tuấn kiệt như chúng đã được dùng cũng như tôi đã được nghe và thấy trong mấy ngày qua. Tôi lắng nghe người ta phát biểu đã nhiều rồi, thôi thì tôi cũng xin mạn phép được phát biểu về hai từ này. Và sẵn đây bàn luôn vài chuyện chẳng trên trời mà cũng chẳng ngay dưới đất, chỉ có đều lơ là một chúng là chúng đập vào mặt thiếu điều muốn ná thở. Và cũng xin nhắc luôn là xưa nay, những người không thích đọc những gì tôi viết thường bảo rằng tôi “ngang như cua”. Trong ý nghĩa này, tôi xin cảnh báo với các bạn là tôi có ý định viết bài viết này theo kiểu “ngang như cua”. Ai đọc xong, có ý định đi hai hàng, chuyện ấy tôi không chịu trách nhiệm nhé.

“Tự Hào” và “Nhục Nhã” đối với tôi.
Tôi không tự hào vì mình là người Việt Nam và tôi cũng chẳng thấy nhục nhã gì khi mình là người Việt Nam. Tôi chẳng tự hào hay nhục nhã gì khi có người nghĩ tôi là một nhà dân chủ, cũng như khi có người cho tôi là một kẻ thân cộng. Tôi chẳng thấy nhục nhã gì khi mọi người biết tôi là một kẻ vô thần. Và cũng chẳng tự hào gì khi biết rằng mình không lệ thuộc vào thần thánh nào.
Bởi vì sao? Bởi vì hai từ “tự hào” và “nhục nhã” đối với tôi rất hạn chế ở mức độ cá nhân. Và ở mức độ cá nhân, chúng cũng đủ nặng nề khi muốn đạt đến hoặc khi phải dùng đến. Tôn giáo, đoàn thể, dân tộc, văn hóa, dân chủ, thân cộng… tất cả đều là những từ chung chung để gom lại mà nói. Hai từ này đối với tôi không có ý nghĩa khi chúng được dùng để “gom cả đám mà nói” vì lúc nào trong đám đó cũng có người cảm thấy tự hào, người cảm thấy nhục nhã vì nhiều lý do khác nhau.
Nếu phải thu gọn lại để mà viết xuống, thì tôi chỉ tự hào với bản thân mình khi tôi làm một chuyện tôi nghĩ có ích và nhận được một lời cảm ơn. Và tôi chỉ thấy nhục nhã khi mình không dám nói lên những gì mình nghĩ, phải cuối gầm mặt mà đi, phải thục đầu vào dưới cát mà sống. Dù sao đi nữa, hai từ này khi nói ra lời, tôi không tránh khỏi việc phát biểu một cách đầy cảm tính.

Tôi nghĩ gì về từ “nhục nhã” của Cha Kiệt
Nguyên văn đoạn phát biểu của Cha Kiệt có chứa hai từ này là như sau:

"Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế. Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng."

Theo quan điểm của tôi, đây là một lời phát biểu nặng cảm tính mà Cha Kiệt trong lúc bức xúc đã dùng đến. Cha sơ xuất khi dùng từ vì không những Cha đại diện “chúng tôi” và còn đề cập đến “hộ chiếu VN”, nói một cách khác là “quyền công dân Việt Nam”. Dù ý tứ thế nào đi nữa thì cách dùng từ này sẽ khiến nhiều người bức xúc theo.

Ý của Cha Kiệt muốn nói như thế nào thử hỏi tôi khỏi cần giải thích thêm vì nguyên văn đoạn trích lời phát biểu đã giải thích rõ hai từ “nhục nhã” mà Cha đã dùng đến. Tôi không phải là tín đồ đạo Công Giáo, cũng không phải người chán ghét đạo Công Giáo, cho nên tôi dễ chấp nhận Cha như một con người bình thường. Và đối với một người bình thường, khi bức xúc sử dụng một từ nặng cảm tính là chuyện thường tình. Huống chi Cha đã nói trọn ý một cách trôi trãi trong đoạn văn với nhiều câu tiếp theo. Tôi cũng không có oán thù gì với Cha để suy thêm ra ý đồ gì trong lời nói đó để bôi nhọ.

Hơn thế nữa, nếu bạn đồng ý với tôi về ý nghĩa của hai từ Tự Hào và Nhục Nhã, thì bạn sẽ thấy rằng Cha Kiệt có nhiều lý do để tự hào với bản thân mình hơn khi cha đã can đảm đề đơn khiếu nại và dõng dạc phát biểu ý tưởng của mình trước UBND. So với nhiều người trong chúng ta thường cúi mặt trước uy quyền và thế lực, chúng ta có nhiều lý do để cảm thấy nhục nhã cho bản thân hơn.

Thế tạo sao có nhiều bức xúc?
Đài truyền hình và báo chí cùng các blog đã trích dẫn lời phát biểu của Cha Kiệt vỏn vẹn ở mỗi câu:
“Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi cảm thấy nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam.”
Thân trong nghành truyền thông, tất cả mọi người đều phải biết sống với chữ. Và họ không thể nào không biết trước câu nói đầu trong đoạn trích dẫn này là một câu nhạy cảm đối với người Việt. Nhưng đài truyền hình và báo chí, kể cả các bạn blogger không ngần ngại cắt xén để cùng nhau bôi nhọ Cha Kiệt.

Đây là một hành động quấy động quần chúng, khích động lòng dân nhằm gây nên phản cảm đối với Cha Kiệt. Ai cũng rõ cha Kiệt là nhân vật then chốt trong sự kiện tranh chấp đất Tòa Khâm Sứ giữa giáo phận Thái Hà và chính quyền địa phương. Và cũng không ai lạ gì sự e dè của chế độ độc Đảng đối với sức mạnh của sự đoàn kết. Điển hình là chuyện đàn áp Pháp Luân Công trong chế độ CS của Trung Quốc. Bôi nhọ được thanh danh Cha Kiệt là bước đầu của một cuộc đàn áp tôn giáo nhằm trừ đi mối hậu hoạn về sau. Bất cứ tinh thần đoàn kết nào không có sự đồng ý của chính quyền đối với Đảng cũng là một mối lo âu. Từ việc sinh viên biểu tình phản đối TQ xâm chiếm lãnh thổ đến việc tụ họp cầu nguyện của đồng bào Cao Nguyên.

Có nhiều bạn lý luận rằng xây một công viên vẫn ích lợi hơn một Tòa Khâm Sứ, việc này tôi không phủ nhận. Nhưng đó là chuyện quyết định xây cất trên một miếng đất trống. Chứ hiện nay thì Tòa Khâm Sứ còn đó. Của ai? Cho ai? Được cấp từ bao giờ? khi giải phóng có nằm trong kế hoạch quy hoạch đất đai nào không? Có giấy tờ nào chứng minh không? Còn rất nhiều câu hỏi luật pháp cần phải trả lời, nhưng chính quyền vẫn cứ ỡm ờ sử dụng truyền thông xoay tròn vấn đề sang các đề tài khác. Và còn bao dung cho những cá nhân khác trong xã hội dẫm đạp lên niềm tin của người khác bằng cách đổ rác bẩn, mắm tôm, mỡ dầu, phá phách, v.v… Đồng thời lại đòi hỏi người khác tôn trọng niềm tin vào Đảng và Bác của mình, sao phi lý đến thế? Khi tất cả trở thành một sự kiện nóng, việc bôi nhọ một cá nhân then chốt trở thành tất yếu.

Về hai chữ “tự hào”
Kèm theo những sự phản đối lời phát biểu của Cha Kiệt là những khẩu hiệu “tự hào”. Nào là “tự hào là người Việt”, “tự hào dân tộc Việt”, “tự hào mình là người yêu nước”. Thử hỏi các bạn đang cảm thấy tự hào rằng các bạn đã làm gì cho đất nước để có thể dùng đến hai từ “tự hào”? Hay đơn giản chỉ dùng đến cái tự hào của người khác để làm điều tự hào cho chính mình? Theo quan niệm của tôi, đó là một hình thức vay mượn không cần hỏi, chẳng cần trả, một niềm tự hào trống rỗng. Cha ông ta gầy dựng bờ cõi để chúng ta bảo vệ, đắp bồi… chứ chẳng phải để chúng ta ngồi đó “tự hào”, hô khẩu hiệu.

Hơn nữa, người Việt và người da đen có khác gì. Những thứ tự hào dân tộc đã đem lại gì cho nhân loại ngoài hai Thế Chiến tàn khốc. Những thứ tự hào tôn giáo đã gieo rắc bao nhiêu kinh hoàng, chết chốc đến những người thuộc tôn giáo khác. Những thứ tự hào nhân loại đã giúp cho ta cái cớ để sống cuồng sống vội như thể thiên hạ là của riêng ta, và con người và thú rất khác nhau. Nếu chúng ta ngưng tiến hóa với tư duy xói mòn; đồng thời, nếu các loài vật có thể tiến hóa một cách tự nhiên, thì thêm vài chục triệu năm nữa loài người có còn tự hào nổi hay không?

Nếu chúng ta chưa làm được gì, thì so với những người đang làm rất nhiều chuyện, ai tự hào hơn ai, và ai nhục nhã hơn ai. Hai từ này là những cảm xúc cá nhân, hãy nên giới hạn chúng ở mức cá nhân. Khi phát thành lời, từ “tự hào” sẽ khiến chúng ta trở thành kiêu căng, ngạo mạn; và từ “nhục nhã” sẽ khiến chúng ta trở nên nhu nhược và cảm thấy mình thấp kém, yếu hèn. Khi nghĩ đến chúng, hãy cùng nhau phân vân: Chúng ta đang tự hào trong nhục nhã, hay chúng ta đang nhục nhã trong tự hào? Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ bạn sẽ giống như tôi, sẽ không muốn nghĩ đến chúng nữa.
KD.

No comments: