Saturday, October 18, 2008

NHÀ VĂN TRUNG QUỐC SỢ BAN TUYÊN HUẤN

Nhà văn Trung Quốc sợ Ban Tuyên Huấn
16 Tháng 10 2008 - Cập nhật 15h28 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture/story/2008/10/081016_hajin_chinese_censorship.shtml
Nhà văn nổi tiếng người Hoa nay định cư tại Mỹ, Cáp Kim (Ha Jin), nhận xét tại Trung Quốc, Ban Tuyên huấn Trung ương có quyền uy chỉ kém Quân ủy Trung ương.

Viết trên tạp chí The American Scholar, ông Cáp Kim, từng giành giải Sách Quốc gia Mỹ 1999, nhấn mạnh phải gỡ bỏ cái ách kiểm duyệt thì Trung Quốc mới nuôi dưỡng được nhân tài.

Kinh nghiệm cá nhân


Nhà văn kể lại bốn năm trước, ông ký hợp đồng in năm cuốn sách với một nhà xuất bản Thượng Hải, gồm bốn tiểu thuyết và một tập thơ.
Các tác phẩm của Cáp Kim đều được viết bằng tiếng Anh từ khi ông sang Mỹ năm 1984.
Người biên tập ở Thượng Hải cho hay hai tiểu thuyết nổi tiếng, The Crazed và War Trash, không thể in được vì một cuốn nói về sự biến Thiên An Môn, một cuốn nói về Chiến tranh Triều Tiên.
Cáp Kim tâm sự khi ông được yêu cầu đích thân dịch các bài thơ từ Anh ngữ sang Hoa ngữ, ông cũng đã định tự kiểm duyệt.
"Thật buồn khi nhận ra tôi sẽ phải bỏ đi những bài thơ hay hơn để tập sách có thể in ở Trung Quốc. Kết quả là tôi không thể dịch toàn tâm toàn ý. Đến nay, tôi chưa dịch được bài nào, dù hạn chót là tháng Năm 2005."
Khi nhà xuất bản gửi tập sách đầu tiên của Cáp Kim cho nhà chức trách, nó bị ách lại.
Một năm sau, tác giả được biết nhà xuất bản đã thôi luôn dự án dịch sách của ông.

Sợ và ghét

Cáp Kim viết tiếp: "Văn phòng mà các nhà văn, nghệ sĩ và nhà báo Trung Quốc sợ và ghét nhất là Ban Tuyên huấn Trung ương."
"Ngoài Quân ủy Trung ương, không phòng ban nào có quyền lực bằng phòng này.”

Nhưng trong mấy năm gần đây, thỉnh thoảng lại có những sự thách thức Ban Tuyên huấn.
Một trường hợp nổi tiếng là ông Tiêu Quốc Tiêu, giáo sư báo chí ở Đại học Bắc Kinh.
Năm 2004, ông đăng bài trên internet, "Thảo phạt Ban Tuyên huấn", nói rằng "nếu cứ chấp nhận sự hoành hành vô lối của Ban Tuyên Huấn TW, tiếp tục gây tai họa cho đất nước, thì không chỉ riêng nó vĩnh viễn rơi xuống địa ngục, mà sự nghiệp cải cách vĩ đại của Trung Quốc sẽ tan thành mây khói.”

Tiêu Quốc Tiêu là một trong số ít dám thách thức Ban Tuyên huấn
http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2008/08/20080807144116tieuquoctieu203152.jpg

Ông không bị "kỷ luật" ngay, nhưng khi ông sang Mỹ, Đại học Bắc Kinh tuyên bố ông đã "tình nguyện bỏ việc".

Một người khác, nhà văn Trương Di Hòa, viết một cuốn sách về các ngôi sao ngành ca kịch Opera quá cố năm 2007.
Trong sách, bà mô tả nổi khổ của tám ngôi sao từ sau 1949, khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền.
Nữ sĩ Trương Di Hòa đã viết thư đòi Ban Tuyên huấn xóa lệnh cấm sách, thậm chí nộp đơn kiện ra tòa, mặc dù đơn không được nhận.

Vì sao hai người này không bị trừng phạt nặng hơn, ví dụ như tù tội như trong quá khứ?
Nhà văn Cáp Kim giải thích có ba lý do.
"Thứ nhất, Đảng Cộng sản, dù bề ngoài hùng mạnh, đã trở nên mong manh và yếu ở bên trong. Không đảng viên nào tin vào lý tưởng cộng sản nữa...Nói cách khác, đảng không còn có thể dùng niềm tin vào ý thức hệ để biện minh cho hành động, vì vậy những thách thức của Tiêu hay Trương có thể làm giới chức rơi vào thế phòng thủ."
"Thứ hai, cả Tiêu và Trương thuộc về giới tinh hoa, mà nhà chức trách không muốn chọc giận. Sau Thiên An Môn, đảng có thái độ khá hòa hoãn với trí thức...Bằng cách không trừng phạt nặng Tiêu và Trương, đảng tránh chọc giận tầng lớp tinh hoa. Đất nước dễ kiểm soát hơn nếu các bộ óc Trung Hoa không hợp tác với quần chúng nổi loạn."
"Thứ ba, Tiêu và Trương có nhiều mối quan hệ trong nước và bên ngoài, và họ dễ được công chúng chú ý...Nếu một công dân bình thường dưới đáy xã hội, một trong những thảo dân, viết thư phản đối, chúng ta có lẽ không bao giờ nghe thấy tiếng vang, chứ đừng nói là biết về số phận người ấy."

Tự kiểm duyệt

Theo Cáp Kim, tại Trung Quốc, người biên tập sách thường bị trừng phạt nặng hơn là nhà văn.
Nhưng ngày nay, ngay cả người biên tập cũng không bị kỷ luật thường xuyên như trước đây.
Nếu Ban Tuyên huấn muốn cấm sách, họ chỉ cần buộc nhà xuất bản ngừng phát hành và hủy bản in.
Nó khiến nhà xuất bản mất vốn liếng, và chỉ riêng thiệt hại kinh tế đã đủ làm đa số nhà xuất bản ngại ngùng cho ra những cuốn sách nhạy cảm.
Cáp Kim viết tiếp: "Tự kiểm duyệt là điều cần thiết cho đa số nhà văn Trung Quốc."
Đa số họ là hội viên Hội Nhà văn; một số nhận lương của hội, còn đa số làm việc cho các tổ chức của nhà nước.
Mao Trạch Đông từng nói nếu trí thức không nghe lời, "chúng ta không cho chúng thức ăn".
Tác giả nhận định kiểm duyệt không chỉ làm nghệ thuật Trung Quốc kém phát triển, mà nó còn khiến sự sáng tạo nói chung bị kìm hãm.
"Khủng hoảng giáo dục đã là chủ đề nóng ở Trung Quốc suốt nhiều năm. Vì sao nhiều sinh viên đi thi thì giỏi, nhưng kém trong suy nghĩ phân tích? Vì sao nhiều sinh viên kém sáng tạo hơn các bạn ở phương Tây?"
Nhà văn nói "sự thiếu vắng môi trường tự do, bao dung đã cản ngăn sức phát triển tri thức của sinh viên và giáo viên."

TRANG NGOÀI BBC
Bài của Cáp Kim
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài.

XEM THÊM :

Gặp người ‘thảo phạt Ban Tuyên huấn TW’
07 Tháng 8, 2008 Thế giới

TIÊU QUỐC TIÊU - NGƯỜI "THẢO PHẠT BAN TUYÊN HUẤN TRUNG ƯƠNG"
Friday August 8, 2008 - 08:30am (EDT)

No comments: