Saturday, October 18, 2008

CHỈ TIÊU KINH TẾ : NHIỀU CON SỐ "HOẢNG"

CHỈ TIÊU KINH TẾ: NHIỀU CON SỐ “HOẢNG”
October 18, 2008
http://blog.360.yahoo.com/blog-calB7c8leuiQNqd4fyQ2Ua1yzA--?cq=1&bid=9803&yy=2008&mm=10

Buổi thảo luận tổ chiều 17/10 của đoàn ĐBQH TPHCM và tỉnh Đăk Lăk phải “phanh” bớt các ý kiến còn đầy sôi nổi khi các đoàn khác đã kết thúc khá lâu. Chỉ tiêu kinh tế xã hội đặt ra năm 2009 không dễ đạt trong khi tư duy chưa đủ để “thay máu”.

Tư duy kinh tế… thô sơ

Thực hiện các giải pháp chống lạm phát, cả nước phải “gò” mình với các chỉ tiêu giảm nhập siêu, thắt chặt tiền tệ, tiết kiệm chống lãng phí... “Tuy vậy, vấn đề nhập khẩu, đến phế liệu cũng vẫn nhập “rầm rầm” khiến cử chi bức xúc về trách nhiệm của đơn vị quản lý, cấp phép” - đại biểu Lê Thành Tâm (TPHCM) vào đề.

Ông Tâm đếm ngón tay chỉ ra hàng loạt ví dụ. Việc nhập khẩu thịt, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất hàng thay thế mà vẫn nhập, có trái với chính sách hạn chế nhập siêu? Cơ quan quản lý giải thích buộc phải nhập muối công nghiệp nhưng muối này có thể chế biến từ muối ăn để giải quyết thêm việc làm cho diêm dân?

Ông Tâm cau mày nói đến chuyện các văn phòng, công ty lớn nhỏ của Hàn Quốc tại TPHCM hoàn toàn dùng tivi, máy tính, điều hòa của LG, SamSung. Trong khi đó, chúng ta có mấy khi dùng hàng nội, chỉ nhăm nhăm mua đồ ngoại. “Làm sao vận động, thay đổi ý thức toàn dân dùng hàng sản xuất trong nước để vừa phát triển sản xuất vừa hạn chế nhập siêu”.

Chạm đến vấn đề tư duy làm kinh tế, đại biểu Nguyễn Lân Dũng “nổ” theo ngay. Ông Dũng cho rằng, nếu thực hiện quyết liệt và có tính cách mạng, Việt Nam đã có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các lĩnh vực sản xuất hiện vẫn chỉ làm theo những phương cách cũ, không chút gì đổi mới.

73,3% dân số Việt Nam hiện nay vẫn là nông dân, 23% trong số đó thuộc loại nghèo mà mức thu nhập tính ra chỉ 200.000 đồng/tháng. Cũng làm nông nghiệp nhưng một nước như Hà Lan “ngập” dưới biển thu 64 tỷ đồng/ha trong khi phấn đấu mãi, Việt Nam mới đạt 45 triệu đồng/ha. So sánh những con số gọi là “thảm hại”, ông Dũng góp ý, phải nghĩ đến chuyện lớn hơn - thay đổi hình thế kinh tế đất nước.

Vẫn chất giọng đầy ngữ điệu, đại biểu Nguyễn Lân Dũng làm phòng họp bật cười. Ông cho rằng, QH bàn mãi về ngân sách, nhắc khoản này, bỏ khoản kia thì cũng không thay đổi được nhiều “tổng cuối”. Phải nghĩ tới việc thay đổi nông nghiệp, thay đổi cả tư duy kinh tế bằng công nghệ.

Vay nợ chi tiêu hay “phá” tiền

Bàn cụ thể về các chỉ tiêu kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Bé nhận xét, trong 12 điểm chính đề ra trong nghị quyết của QH, năm nay có khả năng đạt được 4 - 5 nội dung, còn lại khó hoàn thành.
Theo ông Bé, mọi vấn đề sẽ tiếp tục “treo” nếu không quy trách nhiệm cụ thể đến từng thành viên Chính phủ. Tháng 4, giá gạo vọt lên 1.200 USD/tấn nhưng 2 tháng nay lại tụt thê thảm, chỉ còn 300 USD/tháng. Cá basa, cà phê, cao su cũng tương tự, Nhà nước hoàn toàn bị động, không can thiệp được gì thì quy chế trách nhiệm thế nào với dân?

Đại biểu Trần Đông Hà ước lượng, dự toán ngân sách giao cho thành phố năm nay còn 56.000 tỷ đồng, năm tới là trên 120.000 tỷ đồng, không dễ đạt. TPHCM với nguồn thu lớn như vậy, nơi có sự phát triển kinh tế năng động nhất cả nước nhưng tính lại, sau khi trừ hết các chi phí, nguồn còn lại cũng không đáng bao nhiêu.

Các dự án đều quá chậm chạp nên từ khi khai trường đến nay, cả thành phố ách tắc trầm trọng, tốc độ trung bình trong nội thị, ô tô chỉ đạt 10 km/h, xe máy thì “nhúc nhắc” lên được 15 km/h.
Đại biểu Hà kiến nghị làm sao để 2009, Chính phủ cho phép thành phố nâng cấp quỹ đầu tư phát triển đô thị lên thành công ty đầu tư tài chính phát triển Thành phố. Quỹ này đã quá hạn hẹp nhưng nhiều lần xin phép mở rộng vẫn chưa được duyệt.

Chủ tịch HĐQT Saigon Coopmart, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, tỏ ý lo lắng nhiều về các khoản bội chi ngân sách thời gian tới. Ông Hòa nêu một vài con số, năm 2008, Chính phủ phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu, năm 2009 dự kiến sẽ tiếp tục vay nợ 30.000 tỷ đồng từ hình thức này. Như vậy là sẽ càng tăng thêm áp lực bội chi ngân sách.

Số vay tính đến đầu năm 2009 sẽ đẩy lên 48.000 tỷ đồng. Nếu nhìn tổng quát, tỷ lệ bội chi 4,95% hiện nay chúng ta vẫn kiểm soát được nhưng về cụ thể, liệu có chịu nổi áp lực này, có nguồn khác để đi vay tiếp hay sẽ phải tính tới giải pháp nguy hiểm - phát hành thêm tiền.

Đại biểu Hòa đề nghị QH yêu cầu Bộ Tài chính giải trình trong kỳ họp này cũng như tính toán lại chính sách tài khóa 2009. “Phải cực kỳ nghiêm khắc và thắt chặt chi tiêu” - ông Hà chốt lại.

Một mối lo khác đặt ra là lạm phát và hệ quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát. Ông Hòa phân tích, chu kỳ tới của trung và dài hạn, có thể Việt Nam sẽ gặp kiểu lạm phát khác: tiền lưu thông không nhiều nhưng hàng hóa, sản phẩm lại ít , thiếu do hạn chế sản xuất nên giá cả vẫn bị đẩy lên.
.
Theo
Dân Trí ngày 18/10/2008

No comments: