Tuesday, October 14, 2008

ĐẢNG DÂN CHỦ và ĐẢNG CỘNG HOÀ CÓ GÌ KHÁC NHAU ?

Tìm hiểu sinh hoạt chính đảng tại Hoa Kỳ:
Đảng Dân Chủ và Cộng Hoà có gì khác nhau?
Định Nguyên
Đăng ngày 14/10/2008 lúc 03:39:39 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3183

Trong cuộc sống thường ngày, nếu không bị cảnh sát “hỏi thăm sức khoẻ”, đi hầu toà, đi DMV, hoặc tới các cơ quan công quyền nạp đơn xin các loại giấy phép, trợ cấp…, người ta có cảm tưởng nước Mỹ không có chính quyền, không ai có ý thức chính trị, không ai “ơn Bác, ơn Đảng” dị hợm kiểu vẹm, ai muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, đi đâu thì đi chả thấy “công an khu vực”, “tổ dân phố”, chính quyền phường, xã để mắt dòm ngó gì cả. Nhưng khi đến kỳ bầu cử, nhất là bầu cử Tổng Thống, sinh hoạt chính trị lại được nhắc đến. Nhắc đến bầu cử là nhắc đến Cộng Hoà và Dân Chủ, hai chính đảng đã và đang luân phiên cầm quyền từ bấy lâu nay. Nhân mùa bầu cử Tổng Thống năm nay, do tò mò, người viết cố gắng tìm hiểu hai đảng nầy để chia sẻ cùng bạn đọc, rất mong có sự trao đổi để học hỏi thêm.
Đảng Cộng Hoà hiện nay có tên là “Republican Party”, dấu hiệu (logo) là con voi với ba ngôi sao (trước đây, có nơi dùng con chim đại bàng, eagle), có “nick name” là “Grand Old Party” (G.O.P).
Đảng Dân Chủ có tên là “Democratic Party”, trước đây có dấu hiệu là con gà trống (rooster) nhưng logo hiện nay là con lừa (donkey). Tuy đảng Dân Chủ chưa bao giờ công khai công bố dấu hiệu nầy nhưng họ vẫn dùng.

Lịch sử hình thành
Tuy hiện nay có tên khác nhau, logo khác nhau, chủ trương đường lối khác nhau nhưng cả hai đảng nầy trước đây là con một nhà. Tuy con một nhà nhưng họ không phải là song sinh, không phải là hai người anh em ruột, không phải hai thực thể khác nhau mà chỉ là một thực thể, MỘT NGƯỜI thôi! Sau đó, “người” nầy “phân thân” để thành “hai người” như hiện nay. Nói rõ ra, cả hai đảng nầy trước đây đều là thành viên của một đảng chính trị có tên kép là: “DEMOCRATIC-REPUBLICAN PARTY”, gọi tắt là Republican (không phải Republican hiện nay). Theo thời gian, vì khác quan điểm, khác chính kiến…, họ tách đôi và “chia gia tài”, một bên nhận “Democrat”, bên kia lấy “Republican”!

Biểu hiệu của đảng Dân Chủ
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/AmericanDemocratic.jpg

Vào đầu thập niên 1790, để chống lại đường lối chính sách của đảng Federalist Party (đảng chính trị mạnh nhất vào thời ấy) về kinh tế và ngoại giao, Thomas Jefferson (*) và James Madison (*) thành lập đảng Democratic-Republican. Đảng nầy chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ, đòi hỏi nhân quyền và dân quyền, ủng hộ quyền của các tiểu bang, chống lại hệ thống ngân hàng quốc gia và những thế lực giàu có… Thời gian đầu họ sinh hoạt lỏng lẻo nhưng đến năm 1800 họ đã nắm được quyền lực. Sau chiến tranh 1812 (giữa Mỹ và Anh), đảng đối lập của họ (Federalist Party) tan rã, đảng Democratic-Republican trở thành Democratic Party (bỏ từ Republican) do sự quyết định của người kế vị Tổng Thống James Monroe (*) là John Quincy Adams (*). Vào thời gian nầy, bên cạnh Democratic Party còn có đảng Whig Party, một đảng ít người biết và thường thiên về thương mại. Tuy thế, đảng nầy đã song hành và đối lập với đảng Dân Chủ cho đến thời kỳ nội chiến (1861-1865), sau đó vì chia rẽ nhau nên lần lần tan rã. Năm 1850, vì bất mãn đảng mình ủng hộ các đạo luật “Fugitive Slave Law” (đòi hỏi những phần tử nô lệ đã tẩu tán phải trở về chủ cũ) và “Kansas-Nebraska Act” (thành lập hai vùng đất Kansas và Nebraska, cho phép cư dân hai nơi nầy có quyền quyết định, qua đầu phiếu, nên duy trì hay bãi bỏ chế độ nô lệ) để lấy lòng các tiểu bang miền Nam (nơi chủ trương duy trì chế độ nô lệ), những người Dân Chủ chống chế độ nô lệ rời khỏi đảng Democratic Party. Sau đó, cùng với những người trong đảng Whig cũ, họ thành lập Đảng Cộng Hoà.
Như thế, về mặt lịch sử, tuy cùng là thành viên của Democratic-Republican trước đây (1792), nhưng đảng Dân Chủ đã chính thức tách riêng sinh hoạt độc lập trước (1828). Hai mươi sáu năm sau (1854) Đảng Cộng Hoà mới xuất hiện. Vì trung thành với chủ trương ban đầu của đảng mẹ Democratic-Republican nên đảng Cộng Hoà tự cho mình là “Grand Old Party” (G.O.P). Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng, tính đến nay, đảng Cộng Hoà đã có 19 đời tổng Thống, trong khi đảng Dân Chủ chỉ có 13 người.


Khác biệt giữa Cộng Hoà và Dân Chủ
Hai đảng có những sự khác biệt căn bản sau đây:
Đảng Cộng Hoà bao gồm những thành phần bảo thủ (conservatives) trong khi đảng Dân Chủ là đất dụng võ cho những người chủ trương phóng khoáng (liberals) về mặt xã hội.
Đảng Cộng Hoà chú trọng đến CON NGƯỜI trong khi đối tượng phục vụ của đảng Dân Chủ là XÃ HỘI.
Đảng Cộng Hoà coi trọng mạng sống con người, dù con người đang trong thời kỳ thai nhi, họ cấm phá thai (pro-life). Đảng Dân Chủ tuy không khuyến khích sự phá thai nhưng ủng hộ sự lựa chọn của mỗi người (pro-choice), ai muốn phá hay giữ thai là quyền của mỗi cá nhân. Về đồng tính luyến ái đảng Cộng Hoà chống triệt để trong khi đảng Dân Chủ thì cũng “pro-choice”! Chuyện nầy, quan điểm của đảng Cộng Hoà phù hợp với giáo luật các tôn giáo, gần gủi với văn hoá và phong tục người Việt Nam nói riêng, các nước Đông Nam Á nói chung.

Biểu hiệu của đảng Cộng Hoà
http://i259.photobucket.com/albums/hh294/bquangnam/Americam-Republican.jpg

Đảng Cộng Hoà muốn có một chính phủ (trung ương) gọn nhẹ. Thay vì thành lập các cơ quan nhà nước kềnh càng để lo cho dân, họ ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập các cơ quan bất vụ lợi vì, họ nghĩ, những cơ quan nầy sẽ giúp đỡ những người nghèo hiệu quả hơn chính phủ. Đảng Dân Chủ ngược lại, chủ trương có chính phủ lớn mạnh hơn, đủ sức để quản lý và chăm sóc tất cả mọi lãnh vực đời sống của người dân.
Đảng Cộng Hoà chủ trương thị trường súng đạn tự do, ai muốn mua và giữ vũ khí cũng được (ngoại trừ thành phần tội phạm). Hội NRA (National Rifle Association) bao gồm những người Cộng Hoà giàu có và thế lực. Đảng Dân Chủ muốn hạn chế, kiểm soát việc lưu hành và xử dụng súng trong xã hội. Nhưng cho đến nay họ vẫn chưa thực hiện được.
Đảng Cộng Hoà muốn dành ngân sách tối đa cho quốc phòng trong khi Đảng Dân Chủ muốn dùng tiền cho những mục đích an sinh xã hội.
Đối với các xung đột quốc tế, đảng Cộng Hoà thiên về giải pháp quân sự trong khi đảng Dân Chủ chủ trương giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao trước. (Có lẽ vì thế mà Đảng Cộng Hoà được tiếng là chủ chiến và Đảng Dân Chủ mang tiếng là chủ bại chăng?). Điều trớ trêu là nước Mỹ qua hai cuộc Thế Chiến I và II lại do ba tổng Thống Dân Chủ lãnh đạo và điều binh khiển tướng. Thế Chiến I (1914-1919) nằm trong nhiệm kỳ của Tổng Thống Woodrow Wilson (DC, 1913-1921). Thế Chiến II (1939-1945) lại rơi vào thời điểm của hai Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (DC, 1933-1945) và Harry S. Truman (DC, 1945-1953), người đã ra lệnh ném hai trái bom nguyên tử xuống đất Nhật để chấm dứt cuộc chiến. Nhiều người nghĩ rằng, đối với đảng Cộng Hoà đánh đấm là “nghề của chàng” nhưng không hiểu sao, họ lại chống đối Tổng Thống Woodrow Wilson khi ông nầy tham gia Thế Chiến Thứ Nhất. Một điều khó hiểu nữa là ngay từ đầu, họ lại chống đối sự thành lập khối NATO và vai trò của Hội Quốc Liên (League of Nations) do Tổng Thống Wilson vận động thành lập.
Đảng Cộng Hoà chống chương trình y tế công cộng. Họ ủng hộ sự lựa chọn cá nhân, dựa vào chế độ bảo hiểm y tế tư của các hảng xưởng, công ty…Đảng Dân Chủ cho rằng bảo hiểm y tế không phải là một đặc ân (privilege) mà là một thứ quyền phải được bảo đảm (right) nên chính phủ phải quan tâm. Cả hai đảng khi tranh cử đều hứa không biết bao nhiêu lần. Nhưng thực tế là, từ trước đến nay có hàng triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Chủ trương của hai ứng viên Tổng thống hiện nay như thế nào? Ông McCain (CH) hứa nếu là cá nhân thì sẽ nhận được $2,500.00 dolars. Nếu là gia đình, mỗi gia đình được $5,000.00 (năm ngàn) dollars từ nguồn tiền mà ông gọi là “tax credit” để tự mua bảo hiểm từ các công ty tư. Ông Obama (DC) thì phát biểu những ai đã có bảo hiểm bất cứ dạng nào đều giữ nguyên trạng. Những người chưa có bảo hiểm sẽ được chính phủ Liên Bang lo liệu. Bên nào nghe cũng hấp dẫn cả nhưng chưa biết có thực hiện được không hay chỉ là những lời hứa khi tranh cử như từ trước đến nay.
Cũng như y tế, về giáo dục đảng Cộng Hoà chủ trương tư nhân hoá. Họ không ủng hộ hệ thống trường công lập, đã từng lên án hệ thống nầy cũng như tổ chức công đoàn (Union) của ngành giáo chức. Thậm chí trước đây nhiều người Cộng Hoà đã chống đối sự hình thành của Bộ Giáo Dục (The United States Department of Education) khi bộ nầy được thành lập vào năm 1979. Trong khi Dân Chủ “pro-choice” về vấn đề phá thai và đồng tính luyến ái thì Cộng Hoà “pro-choice” về vấn đề giáo dục. Họ chủ trương cấp tín phiếu (vouchers) cho học sinh để học sinh có thể chọn theo học bất cứ trường tư nào họ muốn.
Đảng Cộng Hoà có truyền thống giảm thuế cho mọi người để khuyến khích dân chúng mạnh dạn chi tiêu, mua sắm. Họ cho rằng sự tiêu dùng của người dân sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển tốt hơn là sự chi tiêu của chính phủ. Đảng Dân Chủ ngược lại, họ tin tưởng rằng chính phủ phải đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu sự nghèo đói và bất công xã hội. Để có thể làm chuyện nầy, họ chủ trương tăng thuế. Theo đúng chủ trương của đảng mình, ứng cử viên Tổng Thống của đảng Cộng Hoà hiện nay John McCain, giống hệt chính sách của ông Bush, chủ trương giảm thuế cho tất cả mọi người (kể cả người giàu) trong khi ứng viên của đảng Dân Chủ Barack Obama tuyên bố sẽ không tăng thuế cho bất cứ người nào có thu nhập $250,000.00 (hai trăm năm chục ngàn) trở xuống, và tăng thuế những ai có thu nhập trên số ấy (nhắm vào người giàu). Song song với sự giảm thuế, đảng Cộng Hoà chống sự tăng lương cho công nhân, viên chức vì như thế sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn của các ngành nghề. Nếu đòi tăng lương, chủ nhân của những ngành nầy sẽ sa thải công nhân, giảm các dịch vụ cung cấp, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt kinh tế. Chính sách của đảng Dân Chủ ngược lại, thay vì giảm thuế và giữ mức lương cố định, họ chủ trương tăng lương để giúp đỡ giới lao động nghèo. Khi giới nầy có thu nhập khá (nhờ tăng lương) họ cũng sẵn sàng mua sắm để thúc đẩy kinh tế.
Phần lớn người Cộng Hoà tin rằng sinh hoạt của con người không ảnh hưởng lớn đến bầu khí quyển và trái đất. Nếu có hiện tượng gọi là “global warming” thì đó là chuyện tự nhiên của đất trời, không phải hoàn toàn do con người làm ra. Nếu áp đặt những điều luật khắt khe để bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt kinh tế. Ngược lại, Đảng Dân Chủ tin rằng, ngoài thiên nhiên, chính sự sinh hoạt bừa bãi của con người đã làm cho trái đất nóng dần, bầu khí quyển trở nên ô nhiểm. Công trình nghiên cứu của cựu Phó Tổng Thống Al Gore (DC) đã chứng minh điều nầy. Năm ngoái Ông ta đã được giải Nobel về công trình nầy. Quan điểm của phía Cộng Hoà đã dần dần thay đổi trước những công trình nghiên cứu khoa học và sức ép từ quốc tế. Vào tháng 7 năm 2008, Chính phủ của Tống Bush đã phải chấp nhận, dù trên nguyên tác, phải có hành động cần thiết trước sự thay đổi khí hậu của quả địa cầu.
Sự khác biệt giữa hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ còn nhiều, trong phạm vi một bài báo không thể kể hết được. Dù đây chỉ là những điều căn bản nhưng thiết nghĩ cũng có thể giúp cho những ai chưa có dịp tìm hiểu sinh hoạt chính trị Mỹ biết thêm về chủ trương của hai chính đảng nầy. Vả lại, đường lối của hai đảng nầy không phải lúc nào cũng nhất quán. Có nhiều trường hợp, tùy theo tình hình chính trị, quân sự, kinh tế…của quốc gia, họ phải thay đổi để hợp tác với nhau.
Đảng Dân Chủ mang tiếng là “thủ phạm” của các chương trình trợ cấp xã hội. Nhưng vào năm 1996, dưới thời của Tổng Thống Bill Clinton (1993-2001) họ phải thực hiện việc cải tổ Welfare (Welfare Reform) đòi hỏi những người nhận trợ cấp phải có việc làm bán thời gian. Chương trình nầy của phía Dân Chủ đã được đảng Cộng Hoà ủng hộ mạnh mẽ.
Đảng Cộng Hoà chủ trương một nền kinh tế gọi là “laissez-faire economics”, chính sách kinh tế để mặc cho tư nhân vận hành, chính phủ không nên đóng một vai trò uốn nắn nào cả. Dân Chủ ngược lại, chủ trương chính phủ phải để mắt vào tất cả mọi sinh hoạt của quốc gia, kể cả kinh tế. Vụ khủng hoảng kinh tế Mỹ hiện nay, Tổng Thống George W. Bush, đã “tạm quên” truyền thống Cộng Hoà, hành động như một người Dân Chủ: ông can thiệp mạnh mẽ, kêu gọi quốc hội chuẩn thuận ngân sách 700 tỷ để cứu nguy các hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán đang sụp đổ. Ông đã bị đa số các dân biểu, thượng nghị sĩ Cộng Hoà chống đối, kết án ông là: “đầu hàng Dân Chủ”! May nhờ sự ủng hộ đông đão của phía Dân Chủ, Dự luật mới được thông qua.
Căn cứ vào lịch sử, từ khi mới thành lập, Đảng Cộng Hoà là “đội ngũ tiên phong” giải phóng chế độ nô lệ nên đã thu hút được đa số người da đen. Nhưng qua thời gian, không hiểu tại sao, hiện nay người ta nói rằng Đảng Cộng Hoà là đảng của người da trắng, của những người, những thế lực giàu có, không còn mấy người da đen ủng hộ. Đảng Dân Chủ lúc đầu lập trường chao đảo, khi ủng hộ chủ trương giải phóng nô nệ, khi muốn duy trì nó (như tinh thần hai đạo luật “Fugitive Slave Law” và “Kansas-Nebraska Act” nêu trên), nhưng hiện nay họ được coi là đảng của người thiểu số, được đa số người da đen và các nhóm dân thiểu số ủng hộ, ngoại trừ người Việt Nam và Phi Luật Tân. Theo tài liệu, đa số người Việt Nam tại Mỹ, nhất là những người già thế hệ thứ nhất, bầu cho Đảng Cộng Hoà trong khi các sắc dân Á Đông khác như Nhật, Tàu, Ấn Độ, Đại Hàn…lại phần lớn bầu cho Dân Chủ. Các thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay lại có khuynh hướng ủng hộ Dân Chủ.
Dư luận tôi nghe được: “khả năng quốc phòng Đảng Cộng Hoà có ưu thế hơn Đảng Dân Chủ, nhưng Đảng Dân Chủ lại điều hành về kinh tế tốt hơn Đảng Cộng Hoà”, không biết đúng hay sai; nhưng nhìn vào lịch sử, không hiểu xui xẻo thế nào mà hai cuộc khủng hoảng kinh tế đều rơi vào hai ông Tổng Thống Cộng Hoà. Cuộc khủng hoảng thứ nhất gọi là “Great Depression” xảy ra vào cuối thập niên 20s, đầu thập niên 30s, dưới thời Tổng Thống Cộng Hoà Herbert Clark Hoover (1929-1933). Cuộc khủng hoảng hiện nay nằm trong nhiệm kỳ thứ hai của đương kim Tổng Thống George W. Bush, cũng Cộng Hoà! Trong thời kỳ Tổng Thống Herbert C. Hoover hệ thống ngân hàng của Mỹ cũng lung lay sụp đổ chẳng khác gì tình trạng hiện nay dưới thời Tổng Thống Bush. Sau “Great Depression”, đảng Dân Chủ đã lấy lại White House, với kế hoạch “New Deal” qua bốn nhiệm kỳ liên tiếp của Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt (1933-1945), có một không hai trong lịch sử Mỹ, đã cải tổ sâu sắc mọi sinh hoạt của chính phủ Mỹ, chấn hưng được nền kinh tế Mỹ từ đó cho đến nay. Trong thời gian nầy, đảng Dân Chủ đã thiết lập những chương trình Welfare và Social Security để giúp người nghèo và giải quyết vấn đề an sinh xã hội mà cho đến nay chúng ta đang được hưởng.
Tình hình nước Mỹ hiện nay trông tương tự như thời Thế Chiến II. Bên cạnh chiến sự khó khăn tại Iraq và A Phú Hãn, tình trạng kinh tế Mỹ cũng đang trên bờ vực thẳm, đa số người dân ít nhiều đang bị thiệt hại. Sang năm, dù ông John McCain hay Barack Obama làm chủ Toà Bạch Ốc, liệu họ có đủ tài năng để vừa giải quyết chiến tranh vừa cứu vãn nền kinh tế Mỹ một cách vẻ vang như Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã làm trong suốt cuộc Thế Chiến II không?

Định Nguyên(Nguồn tài liệu: Google, và Wikipedia)
(*) Các vị trên sau nầy đều trở thành Tổng Thống Mỹ thuộc đảng Democratic-Republican, không phải Cộng Hoà hay Dân Chủ bây giờ. Thomas Jefferson là Tổng Thống thứ ba (1801-1809), James Madision, Tổng Thống thứ tư (1809-1817), James Monroe, Tổng Thống thứ năm (1819-1825), John Quincy Adams, Tổng Thống thứ sáu.

No comments: