Tuesday, October 14, 2008

BẠN NGHĨ GÌ VỀ MỐI LIÊN QUAN GIỮA HAI BẢN TIN DƯỚI ĐÂY ?

Nguyễn Xuân Hùng - Chủ tịch HĐQT Viethaus:
"Tâm hồn Việt giữa lòng Berlin"
Lao Động Cuối tuần số 33 Ngày 17/08/2008 Cập nhật: 2:35 AM, 17/08/2008
http://www.laodong.com.vn/Home/Tam-hon-Viet-giua-long-Berlin/20088/102343.laodong

(LĐCT) - Cái tên Hùng "râu" vốn đã không xa lạ với cộng đồng người Việt tại Berlin, bởi anh đã là một trong những chủ doanh nghiệp thành danh trên đất Đức, nhưng mấy năm nay cái tên ấy càng được biết đến nhiều hơn vì anh là tác giả chính của "Nhà Việt - Viethaus" - Trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hoá và du lịch Việt Nam tại Berlin.

>> Hương vị Việt giữa Berlin

Chủ tịch HĐQT Viethaus Nguyễn Xuân Hùng.
http://www.laodong.com.vn/Uploaded_LAODONG/thutrangn/20080815/Hung1.jpg

Nắng hè Berlin như rót mật trong chiều muộn một ngày cuối tháng 7 tại Viethaus, nơi tôi đã may mắn được tiếp chuyện Hùng "râu". Qua Đức hơn 20 năm, khuôn mặt lãng tử, bộ tóc dài, cặp mắt tinh nhanh và giọng nói đậm chất Bắc không pha trộn, trông anh có dáng vẻ nghệ sĩ nhiều hơn là doanh nhân thành đạt. Nhắc đến Viethaus, anh nói say sưa không dứt về "đứa con" tâm huyết suốt mấy năm trời của mình và cộng sự trong một dòng mạch cảm xúc tự hào, hãnh diện xen lẫn những trăn trở, suy tư.

- Ý tưởng Viethaus khởi nguồn từ đâu, thưa anh?

- Thực ra nếu nói là mong muốn thì bắt đầu thì từ rất lâu rồi. Nhưng ý tưởng thực sự xuất phát từ cách đây 4 năm khi tôi gặp anh Nguyễn Quốc Danh - Giám đốc Công ty Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) - trong Liên hoan Bia quốc tế tại Berlin. Cả tôi và anh Danh đều nhận thấy người Việt mình bên này cũng như các doanh nghiệp Đức đều rất kỳ vọng vào sự trao đổi thương mại giữa hai bên, nhưng nếu để họ tự xoay sở sẽ chỉ là những cuộc làm ăn nhỏ lẻ, manh mún.

Trong khi đó, tiềm năng của doanh nghiệp trong nước cũng rất lớn, Châu Âu lại là một thị trường rộng nên không có lý do gì mà doanh nghiệp ta đứng ngoài cuộc. Đấy là phần bề nổi, còn phần chìm, trước đó, tôi cứ canh cánh trong đầu một băn khoăn thế này, không biết có đúng không: Sự thực thì văn hoá Việt cũng như hàng hoá Việt chưa tạo được hình ảnh tốt ở thị trường này. Muốn hàng Việt thâm nhập vào thị trường Châu Âu, mà trước hết là qua thị trường Đức thì hàng Việt phải được nhìn nhận bằng con mắt khác, đẳng cấp khác.

Muốn làm được điều đó, văn hoá phải đi trước. Khi người ta có "say" một nền văn hoá nào đó, người ta ắt sẽ phải nhớ đến con người, sau đó có thể người ta sẽ nếm thử những món ăn, uống thử một chai bia, tiếp theo là dùng thử hàng hoá. Nếu làm được như thế, không có lý gì mà hàng Việt không có chỗ đứng ở thị trường Châu Âu.

- Từ ý tưởng đến khi có được một cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay chắc hẳn phải là một chặng đường gian nan?

- Xây cái mới bao giờ cũng khó hơn là cải tạo cái cũ. Chúng tôi bắt đầu từ con số 0 nên bạn có thể hình dung được khó khăn biết nhường nào. Cả công ty H.M.SKY của tôi lúc đó cùng với SASCO đã đồng cam cộng khổ điều hành cả một công trình lớn như thế này. Những xa cách về địa lý, về sự khác biệt trong thủ tục giữa hai bên, rồi quá trình xây dựng đề án, nhân sự... quả là khó khăn. Ngay như nói chuyện tìm địa điểm cũng không đơn giản.
Lúc đầu chúng tôi chỉ thuê được một diện tích nhỏ ở đây qua một môi giới người Đức. Sau đó, chúng tôi nghĩ cách để thuê nốt những nhà xung quanh. Đặc biệt, hồi đó ở khu này có một nhà hàng Tây Ban Nha và một công ty du lịch rất nổi tiếng. Họ kiên quyết không chịu nhượng bộ và còn định kiện chúng tôi ra toà. Nhưng rồi mọi việc cũng ổn thoả, chúng tôi đã thuê được cả diện tích mặt bằng gần 5.000m2 này trong trong thời gian 35 năm để làm một mô hình tổng hợp gồm nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội thảo, spa...

Cũng may đây là vị trí đắc địa, nằm ngay khu trung tâm, đầu não của Berlin. Ngay đằng sau là Bộ Ngoại giao Đức, xa hơn chút nữa là tháp truyền hình, rồi rất nhiều sở ngành khác xung quanh...

- Anh định lôi kéo người Đức với cách bài trí nhà hàng cũng như phong cách ẩm thực đậm chất Việt?

- Tất nhiên rồi. Tôi muốn mọi thứ ở đây phải thấm đẫm tâm hồn Việt, toát lên tất cả sự sang trọng nhưng thanh tao như văn hoá Việt. Đó là lý do vì sao tôi lấy hình tượng hoa sen, vốn đã rất quen thuộc với người Việt Nam làm ý tưởng chủ đạo trong mọi thiết kế của Viethaus. Giàu chất Việt nhưng phải hiện đại, đó mới là cái khó. Bạn nhìn bức tranh gỗ kia có thấy quen thuộc không? Hẳn là rất quen phải không, vì nó lấy mẫu từ hoa văn Lăng Khải Định, ngoài ra còn có các hoa văn của 56 dân tộc Việt Nam.

Tôi cũng đang trong giai đoạn hoàn tất khu spa rộng 700m2. Spa ở đây sẽ là một thế giới hoàn toàn khác biệt với phong cách Châu Âu. Tôi sẽ dùng 3 hương liệu chính đặc trưng cho Viethaus. Thứ nhất là hoa nhài vì hoa nhài là loài hoa thanh khiết của người Việt, loài hoa dùng ướp trà rất thơm ngon, nó toát lên sự tinh tế và sang trọng một cách kín đáo. Thứ hai là hoa đại. Việt Nam rất gần với đạo Phật, con người Việt luôn có xu hướng tìm về sự tĩnh lặng, bình yên sau những xô bồ của đời sống thường nhật, hoa đại là biểu tượng hoàn hảo. Thứ ba là hoa hồng, loài hoa không thể thiếu của tình yêu, của vẻ đẹp người phụ nữ, rất được ưu ái ở Châu Âu.

Tôi sẽ phải vận chuyển liên tục hoa nhài và hoa đại từ Việt Nam sang để khu spa lúc nào cũng ngập tràn trong không gian của mùi hương hoà trộn, quyến rũ, tạo nên sự khác biệt mà không spa nào ở đây có được. Tháng 9 tới, spa mới chính thức đưa vào hoạt động, nhưng tôi tin chắc nó sẽ thành công.

"Tôi rất nể phục anh Hùng. Tôi thấy dường như anh ấy đã đặt cược cả phần đời tiếp theo của mình vào Viethaus - chị Đoàn Thị Mai Hương, Phó giám đốc SASCO kiêm Chủ tịch hội đồng giám sát Viethaus, nói về cộng sự của mình - Tôi phải công nhận rằng anh ấy là một người tự hào và say mê văn hoá Việt Nam".

- Về những gì làm được, anh đánh giá thành công của Viethaus ở mức độ nào?

- Tất nhiên chúng tôi mới bước trên những viên gạch đầu tiên của cả một chặng đường dài trước mắt. Mục tiêu chính của Viethaus là phải kinh doanh có hiệu quả để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn xác định rằng xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hoá và du lịch cũng là nhiệm vụ quan trọng không thể tách rời. Theo như tính toán, nếu mọi việc thuận lợi, Viethaus sẽ hoàn vốn trong 6 năm đầu và có lãi trong những năm về sau. Liên hoan Bia quốc tế hàng năm có thể là một minh chứng cho những thành công ban đầu của chúng tôi.

Năm nay là năm thứ 8 chúng tôi đứng ra tổ chức, giúp doanh nghiệp bia Việt Nam quảng bá tại Đức. Những năm trước, gian hàng của Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những gian hàng ấn tượng nhất vì diện tích rộng, lượng khách tham quan đông, có nhiều hoạt động phong phú, và đặc biệt là đồ ăn, bia Việt Nam được quảng bá.

Tôi nhớ có năm trong lễ hội bia, hơn 6.000 chiếc nón lá đã được bán ra cho du khách. Cả một khu vực rộng lớn trắng xoá nón lá Việt Nam. Vui và cảm động lắm. Bia Sài Gòn sau nhiều năm tham gia đã có sản lượng tăng đáng kể ở khu vực thị trường Châu Âu, đặc biệt là trên đất Đức. Ngoài ra, cứ lúc nào người Việt sang Berlin tìm đến với Viethaus như tìm về ngôi nhà thân thuộc của mình là chúng tôi cũng đã cảm thấy thành công rồi.

- Không phải là không có những khó khăn đã qua và những khó khăn sẽ tới, có lúc nào anh nản chí, buông xuôi?


- Tôi không nản chí cũng không buông xuôi, vì giấc mơ của tôi đã thành công được bước đầu. Tôi chỉ việc bước tiếp những bước còn lại. Nhưng đôi khi tôi cũng thấy buồn. Buồn vì nhiều khi bị hiểu sai, nhiều khi có những thông tin đồn đại lệch lạc. Quảng bá xúc tiến văn hoá không phải là nhiệm vụ chính của doanh nghiệp, chúng tôi chỉ chung tay gánh vác. Chúng tôi cũng phải đối mặt với việc phải kinh doanh có lời để tồn tại.

Doanh nghiệp có cố gắng đến mấy cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ. Nhiều khi tôi cũng buồn vì thấy như mình đơn thương độc mã, những nỗ lực của mình không mấy được quan tâm. Nhiều khi tôi tự hỏi, tôi tốn công, tốn sức lực, tốn chất xám để làm gì? Do đó, điều mong muốn nhất của chúng tôi bây giờ là được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng.

Dứt mạch tâm sự, anh Hùng thư thái chơi piano hai bản nhạc mà anh thích nhất, một bản về Hà Nội và một bản anh nói là trích đoạn trong nhạc phẩm "My Way". Anh kể lần nào dẫn khách nước ngoài vào tham quan, anh cũng chơi đoạn nhạc này và giải thích "my way" có nghĩa là con đường anh đã lựa chọn, đó là Viethaus. Đối với anh, Viethaus là một giấc mơ mà anh thường xuyên mơ tới và hôm nay giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Còn với tôi thì sự ra đời của Viethaus chính là quả ngọt của công sức lao động không mệt mỏi của những người Việt luôn mang trong mình một chữ "Tâm".

Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư, văn hoá và du lịch Việt Nam tại Berlin "Viethaus-AG" là liên doanh giữa Công ty dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO) và Công ty H.M.SKY (Việt Nam) tại Đức. Đây là liên doanh đầu tiên của Việt Nam tại Đức chính thức đăng ký hoạt động theo pháp luật hai nước.Ngày 6.3.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong dịp đến thăm Viethaus đã nói đây là một mô hình mới trong việc xã hội hoá phát triển các trung tâm văn hoá, xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài và cần được nhân rộng ra các nước khác. Đại sứ Việt Nam tại Đức - ông Trần Đức Mậu - cũng cho rằng sự có mặt của Viethaus sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của hơn 90.000 người Việt Nam đang sống và làm việc tại Đức, đúng như slogan của Viethaus: "Tâm hồn Việt Nam trong tái tim Berlin".

Vân Anh thực hiện



Bắt tiếp viên hàng không chuyển 335 ngàn euro lậu

03/10/2008 13:31
http://www.hanoimoi.com.vn/vn/12/182617

Một “đại gia” tại Đức nhờ Hải (tiếp viên hàng không) mang về Việt Nam giúp số tiền 335.000 euro để thanh toán gấp cho một số đối tác kinh doanh tại Việt Nam.

Ngày 2/10, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Hải (36 tuổi, HKTT số 61A Đinh Tiên Hoàng, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước đó ngày 12/9, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Hoàng Hải về hành vi "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", xảy ra tại Cửa khẩu Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh…

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Hoàng Hải khai nhận: Hải quen thân với vợ chồng Hùng, Thủy (cư ngụ tại Đức), Hùng là Tổng giám đốc Công ty Viethaus AG và Thuỷ làm việc tại một đại lý bán vé máy bay và dịch vụ du lịch tại Đức.

Trong chuyến công tác làm nhiệm vụ tiếp viên cho chuyến bay lộ trình Hà Nội - Đức - TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, thời gian nghỉ tại Đức, Nguyễn Hoàng Hải có liên lạc điện thoại hỏi thăm vợ chồng Hùng, sau đó Thuỷ hẹn gặp Hải tại khách sạn và gửi Hải mang về Việt Nam giúp số tiền 335.000 euro.

Thủy nói cho Hải biết mục đích số tiền này là để thanh toán gấp cho một số đối tác kinh doanh tại Việt Nam, khi về đến Việt Nam thì em của Thuỷ sẽ liên lạc qua điện thoại với Hải để nhận tiền. Tiền được Thuỷ bỏ vào một số phong bì dán kín.

Do có mối quan hệ thân thiết nên Hải nhận mang về giúp Thuỷ số tiền trên. Trong số 335.140 euro bị Hải quan kiểm tra phát hiện có 140 euro là tiền của Hải. Hành vi sai phạm của Nguyễn Hoàng Hải rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý trước pháp luật.

Theo Công an Nhân dân, VTC News

No comments: