Friday, October 17, 2008

CÂU HỎI SAU PHIÊN XỬ HAI NHÀ BÁO

Câu hỏi sau phiên xử nhà báo
Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
15 Tháng 10 2008 - Cập nhật 11h54 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081015_question_mark.shtml
Hôm vừa rồi ở Hà Nội có một anh lái xe buýt phải trèo lên vỉa hè, húc đổ cây để dừng xe khi phanh hỏng đúng lúc gặp đèn đỏ.
Hôm nay phiên tòa ở Hà Nội đưa ra bản án 24 tháng cho hai nhà báo, một người tù giam, một người hưởng án treo.
Nếu coi hai nhà báo như anh tài xế nọ, xe họ lái có lẽ phải có đến một tá phanh.
Một bài viết thường qua nhiều khâu biên tập và phê duyệt mà trong đó thư ký tòa soạn và tổng biên tập là những cái phanh cuối cùng.
Ở những tờ báo trực thuộc các bộ, thậm chí bộ trưởng cũng tham gia vào khâu duyệt bài.
Vậy nên khi người ta chỉ điều tra và xét xử hai nhà báo câu hỏi đặt ra là liệu họ có phải chịu trách nhiệm toàn bộ như vậy hay không.
Một trong những người quản lý báo chí cao cấp đã được cho là phát biểu ngay sau phiên tòa rằng lãnh đạo báo chí phải chịu trách nhiệm chứ không phải phóng viên.

Ai đúng, ai sai?
Khi hai phóng viên của Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt, hai tổng biên tập Lê Hoàng và Nguyễn Công Khế đều nói họ 'bất ngờ' và không cho rằng hai phóng viên hay hai tòa báo làm điều gì sai.
''Chúng tôi không đồng tình khi cơ quan chức năng khởi tố bị can và bắt giam phóng viên như vậy,'' ông Lê Hoàng phát biểu hồi tháng Năm.
Về phía Thanh Niên, ông Khế nói báo này còn giữ băng ghi âm bằng chứng người cung cấp thông tin cho ông Nguyễn Việt Chiến viết những bài đăng trên báo Thanh Niên về vụ PMU18.
Nay tòa kết luận cả hai phóng viên đều có tội.
Vậy tòa đúng hay lãnh đạo báo đúng?
Số điện thoại di động của cả hai lãnh đạo báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ đều không liên hệ được sau phiên xử.
Về phía lý lẽ của tòa, quan tòa nói rằng phóng viên đã viết những thông tin mà sau này các điều tra viên kết luận là không đúng.
Tòa cũng nói phóng viên đã lấy nguồn từ cả những người không có tư cách phát ngôn của phía cảnh sát.

'Tù thay'
Nhớ lại vụ một phóng viên của BBC đưa tin sai cách đây vài năm, cả chủ tịch và tổng giám đốc của tập đoàn đã từ chức sau khi một bản báo cáo kết luận rằng BBC đưa tin 'không có cơ sở'.
Khi đó phóng viên Andrew Giligan nói chính phủ Anh biết chi tiết Iraq có thể triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt trong vòng 45 phút là sai nhưng vẫn đưa vào báo cáo cảnh báo của chính phủ.
Tổng giám đốc BBC khi đó, Greg Dyke, nói ông không chấp nhận những kết luận của Lord Hutton, người phụ trách điều tra, nhưng vẫn nhận trách nhiệm và từ chức.
BBC bị cáo buộc có lỗi nghiêm trọng trong hệ thống biên tập khi để phóng viên Andrew Giligan nói trực tiếp trên đài mà người chịu trách nhiệm về chương trình không được biết trước những gì anh sẽ nói.
Về phía lãnh đạo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ, họ tỏ ra kiên quyết bảo vệ phóng viên.
Một nguồn tin từ Tuổi Trẻ nói lãnh đạo báo sẵn sàng chịu mọi điều cho phóng viên Nguyễn Văn Hải, kể cả vào nhà giam thay nếu họ làm được.
Các nhà bình luận nói cả hai báo này đều né tránh những chủ đề nhạy cảm sau vụ hai phóng viên của họ bị bắt.
Blogger có tiếng Huy Đức viết hồi giữa tháng Chín về Tuổi Trẻ: ''Trong nhiều số liền, các tin quan trọng gần như đã được tờ báo này dùng nguyên văn bản tin phát đi từ Thông Tấn xã.
''Trong khi đó, các phóng viên lại đeo bám ''Hoa Hậu'' rất chặt.
Một nhà báo có tiếng khác về chống tham nhũng, Trần Đình Bá lo ngại cho cố gắng điểm mặt chỉ tên những người bòn rút tiền của người dân.
Ông nói: ''Tôi rất buồn, buồn cho bị can và buồn nhất là cho công cuộc chống tham nhũng hiện nay.''
Cả hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, cũng như các báo khác của Việt Nam gần đây viết khá thưa thớt về vụ một công ty của Nhật hối lộ quan chức giao thông thành phố Hồ Chí Minh tới hơn 800.000 đô la, vụ tham nhũng mới nhất bị phanh phui.



Hai Nhà Báo Và Một Lời Xin Lỗi
Osin's Blog
Friday October 17, 2008 - 03:01pm (ICT
http://blog.360.yahoo.com/blog-_Q78P6g5br89WVUa77qC3PG4?p=5935#comments

Những ai từng cầm lệnh “triệu tập” điều tra, mới thấy, sau 5 tháng ở tù mà vẫn giữ được thái độ trước Tòa như nhà báo Nguyễn Việt Chiến là một điều không dễ. Cũng con người ấy, khi làm thơ thì thật là duy cảm, khi làm bị cáo đã bản lĩnh hết mình. Những thông tin về PMU 18 bây giờ Tòa xác định là sai, nhưng khi viết, có lẽ, anh đã tin đấy là sự thật. Hai năm tù có thể là dằng dặc, cũng có thể là một “trải nghiệm” không chỉ có khổ đau, nhất là với một người biết rõ con đường đi mà mình lựa chọn.
Tôi cũng không nghĩ thái độ trước Tòa của nhà báo Nguyễn Văn Hải là vì “lượng khoan hồng”. Hơn 5 tháng trước khi bị bắt, trên blog của nhà báo Đức Hiển, Hải đã nói về những sai lầm này. Nhìn nhận những sai lầm trong nghề cũng là một hành động rất cần lòng dũng cảm. Đáng tiếc, phán quyết của Tòa, tạo ra hoàn cảnh quá khác biệt giữa hai người, đã để lại không ít ngậm ngùi cho dư luận và cho cả những người trong cuộc.
Cho dù tòa phúc thẩm (nếu có) sẽ đưa ra phán quyết thế nào; cho dù có những đánh giá khác nhau; thì mai đây, ai nghiên cứu lịch sử báo chí Việt Nam cũng sẽ phải lật lại trường hợp của hai anh Chiến, Hải. “Hồ sơ” của họ là một vụ điển hình, rất cần thiết được phân tích cả về “nghề” và luật.
Báo chí nhà nước đã không tường thuật chi tiết phiên tòa, phần cho thấy những thông tin mà báo chí đưa ra xung quanh vụ PMU hầu hết được xác định là “sai sự thật”. Không chỉ chịu điều chỉnh của Luật Báo chí, khi hành nghề, nhà báo cũng là một đối tượng của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, tất cả những hành vi mà Luật quy định như một tội danh (vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm công dân…), có thể áp dụng ở đây, đều bắt buộc phải xác định động cơ “cố ý”. Đưa tin sai sự thật rõ ràng là “lỗi”, nhưng để bị coi là có tội thì phải chứng minh các nhà báo, trước khi đăng, đã biết chắc những thông tin đó là sai. Ở đây, nhà báo Nguyễn Việt Chiến nói anh đã lấy tin từ một nguồn mà anh đã không nghi ngờ là “Ban Chuyên án”. Thượng tá Đinh Văn Huynh, cũng thừa nhận là đã “tiết lộ” những thông tin ấy cho các phóng viên theo dõi vụ PMU.
Tất nhiên, bị truy tố về tội danh được quy định tại điều 258 lại là một chuyện khác. Theo Cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, tội “Lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” vốn có nguồn gốc từ Luật Hình sự của Liên Xô, được Việt Nam “kế thừa” trong thập niên 80. Trong những năm 90, nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu bãi bỏ điều luật này, vì dân chủ và tự do thì hoặc có, hoặc không, hành vi nào mà luật chưa cấm thì người dân có quyền hành xử đương nhiên, chứ không thể đưa ra một quy định mơ hồ: “lợi dụng”. Tại Nga, sau khi Liên Xô sụp đổ, cho dù vẫn chưa thực sự có tự do dân chủ, người ta cũng đã phải bãi bỏ điều luật này. Tất nhiên, khi một tội danh vẫn còn ghi trong luật thì bổn phận của người dân vẫn phải chấp hành vấn đề là thủ tục tố tụng phải được tiến hành sao cho, khi phán quyết đưa ra, người dân có thể tin đấy là công lý.
Ngay cả với điều 258, cho dù “lợi dụng” là một hành vi khá mông lung thì “lợi ích của nhà nước và công dân” lại là một điều rất cụ thể. Lẽ ra, các luật sư của nhà nước và của các công dân được coi là có lợi ích bị xâm phạm ở đây như Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, như tướng Cao Ngọc Oánh… phải chứng minh quyền lợi của họ đã bị xâm phạm ra sao. Phần nào do báo chí gây ra, phần nào được “dựng lên” bởi “Ban Chuyên án”. Nếu như những thông tin đã nêu do các nhà báo bịa đặt thì áp dụng cho họ một tội danh hình sự là điều đương nhiên. Nếu như, các báo chỉ vô tình bị những người như tướng Quắc lợi dụng thôi thì những thiệt hại do thông tin sai, các báo sẽ phải bồi thường cho đương sự. Năm 2005, phóng viên Andrew Gilligan đã có một phóng sự điều tra dẫn lời một quan chức cao cấp nói rằng chính phủ Anh đã “thổi phồng nguy cơ vũ khí hủy diệt lớn của Iraq”. Bài báo đã gây điêu đứng cho chính Thủ tướng Tony Blair nhưng khi có kết luận những thông tin của BBC là sai thì ông Tony Blair chỉ “hoan nghênh một lời xin lỗi”. Không ai kỷ luật “quyền chỉ trích chính phủ” của Andrew Gilligan. Tuy nhiên, về phía BBC, khi cho phát những “điều tra” không được kiểm chứng như vậy, cả Chủ tịch và Tổng Giám đốc của BBC đều phải vì đạo đức của nghề mà xin từ chức.
Một quy trình tố tụng cho phép các luật sư chứng minh “lợi ích của Nhà nước và công dân” bị xâm phạm, đồng thời sẽ làm rõ những thông tin mà “Ban chuyên án” cung cấp cho các phóng viên về vụ PMU là “sai”. Người dân sẽ không nghĩ khi tướng Cao Ngọc Oanh đựơc thăng quân hàm, thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được tự do trong khi một thành viên của “Ban chuyên án” và hai nhà báo bị bắt giam là cú “phản đòn” của “tham nhũng”. Hậu quả của vụ PMU 18 càng cho thấy, tư pháp phải hết sức độc lập trong khi tiến hành tố tụng. Cấp ủy cũng rất dễ bị các ban chuyên án lũng đoạn khi mà những người như tướng Quắc một mặt thì “cung cấp thông tin sai sự thật cho phóng viên” nhằm tạo ra một áp lực chính trị từ nhân dân; một mặt “báo cáo thông tin sai sự thật lên cấp trên” khiến cấp ủy không có lựa chọn nào hơn là phải cho khởi tố.
Nếu tiến trình điều tra diễn ra độc lập, chắc chắn dù có chén gan trời, những kẻ như tướng Quắc cũng không thể dễ dàng khởi tố, bắt giam cho dù chỉ là một thường dân nếu như không có nhiều chứng cứ
Trước vành móng ngựa, các thành viên chủ chốt của “Ban Chuyên án” PMU 18 đã không đưa được bằng chứng nào cho thấy những thông tin tham nhũng mà họ “tung ra” khi “làm án” là có cơ sở. Thật cay đắng khi ở một quốc gia mà chống tham nhũng đang là một khao khát của người dân, có khi lại trở thành chiêu bài của các “phe”, các “cánh”. Tôi vẫn hy vọng Nguyễn Việt Chiến rồi sẽ được tự do. Rất tiếc, những thông tin mà anh nhận được từ công an là sai, nhưng hậu quả mà nó gây ra không hẳn là hoàn toàn tiêu cực. Báo chí phải có trách nhiệm với sự trong sạch của một quốc gia; chỉ trích các quan chức và truy tham nhũng đến tận cùng là chỉ dấu của một quốc gia dân chủ.
Tôi tôn trọng sự lựa chọn của hai nhà báo. Đối với Nguyễn Việt Chiến, có thể đấy là niềm tin của anh. Nhưng, thừa nhận sai lầm có lẽ cũng là niềm tin của anh Nguyễn Văn Hải. Những “thông tin sai sự thật” ấy đúng là bắt nguồn từ các ban chuyên án, nhưng “kiểm chứng” cũng là một việc mà các nhà báo phải làm. Trong những vụ án như Năm Cam, Tamexco, Minh Phụng …, không ai rõ các nhà báo đã có bao nhiêu phần trăm thực sự điều tra, bao nhiêu phần trăm nhận “mớm cung” từ các ban chuyên án. Có những ai đã từng lãnh án mà oan bởi ngòi viết chúng ta. Khi nhìn đồng nghiệp phải vào tù đúng là thật xót xa, nhưng, tôi nghĩ, các nhà báo cũng phải nhận rằng chúng ta vẫn còn nợ nhân dân một lời xin lỗi.


Ân xá Quốc tế kêu gọi thả nhà báo

17 Tháng 10 2008 - Cập nhật 07h03 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/10/081017_ai_nguyenvietchien.shtml

Tổ chức Amnesty International (Ân xá Quốc tế) kêu gọi trả tự do cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến, người bị tù hai năm vì tội 'lợi dụng quyền tự do dân chủ' liên quan tới các bài báo về vụ PMU18.
Trong thông cáo mới ra, Ân xá Quốc tế viết: "Ông phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện". Tổ chức nhân quyền có tiếng này liệt ông vào diện tù nhân lương tâm.
Trong phiên xử hai ngày 14 và 15/10, mà Ân xá Quốc tế gọi là "không công bằng", nhà báo Việt Chiến đã nhận án tù giam hai năm, tính từ thời điểm bị bắt là ngày 12/5/2008.
Ân xá Quốc tế nói ngay việc các phóng viên và ngoại giao đoàn phải theo dõi cuộc xử qua màn hình tại phòng riêng cũng là 'trái với tiêu chuẩn quốc tế'.
Tổ chức này nói công tố viên đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy các bài viết của ông Chiến đã làm hại cho nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam.
"Nguyễn Việt Chiến và các luật sư bào chữa đã đặt câu hỏi tại sao các băng ghi âm của ông với các quan chức công an điều tra cáo buộc tham nhũng đã không được mang ra làm chứng tại tòa."
Thông cáo của Ân xá Quốc tế viết: "Vụ xử ông Nguyễn Việt Chiến và ba bị cáo khác là một phần trong mẫu hình của chính quyền là dùng Luật Hình sự để bóp nghẹt tự do ngôn luận về những vấn đề bị cho là chính trị nhạy cảm ".
Tổ chức này cảnh báo rằng án xử đối với hai nhà báo cho thấy chính phủ Việt Nam đang "biến báo chí thành cơ quan tuyên truyền của nhà nước".
Bản thông cáo kết luận bằng kêu gọi Hà Nội bỏ các giới hạn quyền tự do ngôn luận và cải cách ngay lập tức các điều trong Luật Hình sự 1999 liên quan tới an ninh quốc gia để chúng phù hợp hơn với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế.
Sau hai ngày, Liên hiệp châu Âu cũng đã có phản ứng về kết quả vụ xử.
Thông cáo của Chủ tịch Ủy hội Liên hiệp châu Âu ngỏ ý tiếc về phán quyết của tòa và coi đây là "vụ tấn công vào quyền tự do ngôn luận đã được quy định trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, mà chính Việt Nam đã ký kết".

No comments: