Tuesday, October 7, 2008

COI CHỪNG NGHE LÉN

Coi chừng nghe lén
Trần Khải
06-10-2008
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=5545

Nhà nước nào cũng có tay nghề nghe lén, vì đây là một công cụ để bảo vệ chế độ. Tuy nhiên, khi nghe lén trở thành một cái gì xâm phạm tới quyền giữ gìn tư riêng của người dân thường, đó lại là điều không cần và không nên. Thế nhưng, chính phủ Trung Quốc đã đưa nghệ thuật nghe lén tới mức siêu đẳng: xâm nhập vào cả mạng truyền thông của các công ty viễn thông Hoa Kỳ để nghe lén, bất kể các chuyện trao đổi điện tử đó có là chuyện chính trị hay là chuyện thầm kín uyên ương, và nghe hàng loạt, nghe mọi người, nghe đủ thứ… mà không cần một tòa án nào cho phép. Thậm chí, nghe lén cả sang quốc gia khác là chuyện thường.

Các bản tin quốc tế vừa loan rằng hãng Skype, một công ty viễn thông qua mạng thuộc đại công ty eBay Inc, tiết lộ hôm Thứ Năm rằng TOM Online Inc, công ty sở hữu đa số trong liên doanh với Trung Quốc có tên là TOM-Skype của hãng Mỹ Skype, đã theo dõi và lữu giữ một số tin nhắn của người sử dụng dịch vụ viễn thông này mà hãng Skype không hề biết. Nói đơn giản, công ty đối tác tại Trung Quốc của hãng viễn thông Hoa Kỳ này đã sử dụng nghiệp vụ công an nghe lén với khách hàng của hãng Mỹ này, một công ty hiện cũng cho sử dụng điện thoại qua Internet.

Bản tin Reuters viết rằng hãng Skype đã xin lỗi sau khi có một bản tin nói rằng dịch vụ viễn thông này đã theo dõi các cuộc “hội thoại bằng chữ” (text chats) bằng các “từ khóa” (keywords) và lưu giữ các cuộc hội thoại này cùng với nhiều triệu hồ sơ về người sử dụng dịch vụ trong các máy điện toán, mà các máy này dễ dàng tiếp cận với bất kỳ ai, kể cả với chính quyền Trung Quốc.

Sếp của Skype cho hay eBay “rất quan tâm”Nguồn: p2pnet.net
http://www.dcvonline.net/php/images/102008/Skype_cn.jpg

Bản tin viết rằng Jennifer Caukin, một phát ngôn nhân của hãng Skype, sở hữu thiểu số của liên doanh TOM-Skype, thú nhận có vụ xâm phạm quyền giữ kín tư riêng trong các máy chủ của dịch vụ TOM Online và nói “bây giờ đã sửa chữa xong.”

Tuy nhiên, bà nói rằng hãng Skype cần thảo luận thêm với TOM sau khi hãng khám phá ra liên doanh đã thay đổi chính sách “giữ kín tư riêng” mà không có thuận ý từ Skype hay là cho biết trước nhằm cất giữ một số cuộc truyền th ông của khách hàng.

Bà Caukin nói rằng không phải là chuyện ngạc nhiên khi “chính phủ Trung Quốc có thể đang nghe lén các cuộc truyền thông vào và ra nước này.”

Vậy rồi bên phía hãng Trung Quốc nói gì? Bản tin Reuters ghi thêm rằng TOM Group, công ty mẹ của hãng đối tác liên doanh với Skype, đưa ra bản văn nói ngắn gọn rằng, “Là một công ty Trung Quốc, chúng tôi tuân thủ theo luật lệ tại Trung Quốc, nơi chúng tôi hoạt động kinh doanh. Chúng tôi không có lời bình luận nào khác.”

Bản tin trên là lời báo động cho rất nhiều người hoạt động dân chủ tại Việt Nam, vì mạng viễn thông Skype trước giờ là nơi nhiều người ở VN sử dụng vì được tin tưởng là an toàn, bí mật…(1)

Trong khi Trung Quốc bày trò nghe lén, thì nhà nước CSVN vẫn cứ “nghe vô tư,” không cần lén lút gì. Cứ nhớ lại nhiều năm nay giữa Hà Nội, đã thấy các máy ảnh, máy quay phim, máy thu âm, công an xe ôm bao vây khắp các điểm nóng, như nhà hay nơi gặp gỡ của những người hoạt động dân chủ, và cả các tu sĩ “được quan tâm.”

Ngắn gọn, trong khi Bắc Kinh suy tính tìm các “phần mềm nghe lén” hay là áp lực các công ty viễn thông để “nghe lén giùm,” thì nhà nước Hà Nội làm công khai, khỏi lén lút gì… Đó là lý do mà nhà nước Hà Nội lập thêm một cơ quan mới có tên là “Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử” để xiết tới khu vực thông tin cuối cùng chưa bị kiểm soát là các “blogs” trên mạng. Và như thế, cơ quan mới này sẽ nghe công khai mọi thứ, khỏi lén lút gì, mà lại thêm cả khu vực blogs.

Bản tin trên báo Hà Nội Mới hôm 02/10/2008 viết, trích:
…Sáng 02/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp báo ra mắt hoạt động của Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và thông tin điện tử.

Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chức năng nhiệm vụ cơ bản của Cục là giúp Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng quản lý nhà nước và nội dung và kỹ thuật trên các lĩnh vực phát thanh và truyền hình (PT, TH), hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên môi trường điện tử, đặc biệt là trên mạng Internet.

Đồng thời, Cục cũng là cơ quan tham mưu của Bộ trưởng trong công tác quy hoạch, định hướng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động trong sự nghiệp phát triển PT, TH và thông tin điện tử theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước… (…)

Ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng cho biết, trước mắt Cục đang tập trung vào một số công việc chủ yếu như xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao công tác quản lý báo chí, PT,TH ; Nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành, tập trung vào dịch vụ TH cáp nói riêng, TH trả tiền nói chung; Xây dựng quy chế tổ chức, triển khai một số hoạt động sự nghiệp PT, TH trình Bộ chủ quản ban hành và sẽ thực hiện từ năm 2009…"

Cục sẽ sớm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quản lý thông tin trên mạng Internet, bao gồm quy định về quản lý blog cá nhân, quyết định về quản lý trò chơi trực tuyến thay thế Thông tư liên tịch đã ban hành" - Ông Hải nhấn mạnh về một trong những nhiệm vụ khó khăn trước mắt của Cục, liên quan đến những lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm hiện nay."
(hết trích)

Như thế là tới một con ruồi bay cũng không lọt nổi mạng lưới công an mạng này? Bản tin trên nói là kiểm soát TH (truyền hình), PT (phát thanh), báo chí… và bây giờ là quản lý cả “quy phạm pháp luật quản lý thông tin trên mạng Internet, bao gồm quy định về quản lý blog cá nhân, quyết định về quản lý trò chơi trực tuyến…” Nghĩa là kiểm duyệt cả blog, cả trò chơi trực tuyến… và mọi thứ.

Nếu công an như thế trước giờ, hẳn là không chỉ các người hoạt động dân chủ riêng phải lo ngại. Mà cả các cán bộ gộc trong trung ương đảng cũng đã bị theo dõi. Biết đâu chừng, những chuyến đi chơi du hí của các quan lớn trong chính trị bộ CSVN ở Hồng Kông, Macau, Bangkok, Thượng Hải… với các nàng tuyệt sắc mặc “xường sám” đều đã bị quay lại, thu giữ cả hình ảnh nóng lẫn lời thì thầm trong đêm…Coi chừng, hồ sơ nghe lén này có thể không chỉ công an Hà Nội đang có, mà có thể cả công an Bắc Kinh cũng đã có một bản riêng của họ.
Trần Khải

Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập, chú thích và minh hoạ.
DCVOnline – (1) Nart Villeneuve Giám đốc Nghiên cứu Kỹ thuật của Citizen Lab, đại học Toronto, cũng là người đưa đề nghị dự án psiphon giúp người dùng internet vượt tường lửa cho hay chính phủ Trung Quốc đã chận, lọc và lấy thông tin của người dùng TOM-Skype. TOM-Skype là đối tác của Skype tại Trung Quốc mà chủ nhân là tỉ phú Li Ka-shing. Báo cáo của Nart Villeneuve (Breaching Trust: an analysis of surveillance and security practices on China’s OM-Skype platform) cho biết TQ lấy đủ IP, bí danh, và cả số điện thoại để bàn cùng nội dung, ngày giờ của những thông tin trao đổi qua bàn phím (text chat) của bất kỳ người sử dụng (gọi hay nhận) dịch vụ TOM-Skype. Người ở Việt Nam sử dụng Skype không bị theo dõi như người sử dụng TOM-Skype ở Trung Quốc trừ khi nhận những cuộc gọi từ người dùng TOM-Skype.(Nguồn: Chinese government spying on Skype users của Iain Thomson tại San Francisco).

BBC
TQ theo dõi lén dịch vụ Skype

03 Tháng 10 2008 - Cập nhật 04h08 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/10/081003_china_spy_skype.shtml

Các nhà nghiên cứu nói giới chức Trung Quốc theo dõi và kiểm duyệt các tin nhắn sử dụng dịch vụ internet Skype.
Citizen Lab, một nhóm nghiên cứu của Canada, cho hay đã phát hiện một kho dữ liệu chứa hàng ngàn từ vựng thuộc loạii 'tế nhị' mà Trung Quốc chặn lại.
Kho dữ liệu có thể truy cập rộng rãi này có cả các thông tin cá nhân của thành viên Skype.
Skype nói chưa bao giờ che dấu việc các đối tác Trung Quốc của họ lọc dữ liệu, nhưng quan ngại về tình trạng vi phạm an ninh trang mạng.
Các chuyên viên của Citizen Lab tại đại học Toronto cũng cho biết đã phát hiện ra môt hệ thống theo dõi khổng lồ chuyên việc chọn lọc và trữ các thông tin lấy từ các cuộc gọi cũng như dịch vụ nhắn tin trên internet.
Kho dữ liệu có chứa 150.000 tin nhắn và cuộc gọi trong có các từ như "dân chủ" và "Tây Tạng" cũng như các câu liên quan tới giáo phái Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc.
Phúc trình của Citizen Lab mang tựa đề 'Vi phạm lòng tin' viết: "Những tin nhắn cùng với hàng triệu thông tin liên quan tới cá nhân đang bị lưu giữ trên các servers không an toàn".
Họ nói rằng chỉ cần có username là có thể nhận dạng những người đã gửi tin hoặc nhắn tin qua internet.

Tuân thủ quy định
Skype hoạt động tại Trung Quốc dưới tên Tom-Skype, một liên doanh có sự tham gia của eBay và công ty TOM-Online của Trung Quốc.
Citizen Lab nói rõ ràng là Tom đã tham gia "theo dõi một cách tràn lan mà không tôn trọng an toàn và bí mật riêng tư của những người dùng Skype".
Họ cũng đặt câu hỏi về mức độ hợp tác của Tom Online và Skype với chính phủ Trung Quốc trong việc theo dõi các cuộc gọi và nhắn tin.
Thế nhưng chủ tịch Skype Josh Silverman nói việc theo dõi của chính phủ Trung Quốc là điều ai cũng biết, và Tom Online "tuân thủ các quy trình và quy định của luật pháp Trung Quốc".
"Các quy định này bao gồm yêu cầu phải theo dõi và ngăn chặn các tin nhắn có chứa các từ khóa mà nhà chức trách Trung Quốc cho là không đúng đắn."
Ông Silverman cũng nói chính sách của Tom Online là chặn các tin nhắn nhạy cảm để xóa chúng đi, và ông sẽ điều tra xem tại sao lại có việc lưu giữ các thông tin đó lại.
Tuy ngày càng nhiều người sử dụng internet tại Trung Quốc, nhà chức trách vẫn duy trì việc chặn các website có nội dung tế nhị về chính trị.
Các công ty internet phương Tây như Google, Microsoft và Yahoo đều đã bị chỉ trích là ngả theo yêu cầu khắt khe của Bắc Kinh.

No comments: