Monday, October 13, 2008

BẢN CÁO TRẠNG về VỤ ÁN HAI NHÀ BÁO

Một bản CÁO TRẠNG thuộc hàng kinh điển trong hệ thống pháp luật XHCN-kính mời bà con cùng chiêm ngưỡng,rồi lưu vô sử sách để con cháu mai sau biết thương (mà chớ theo) thế hệ cha ông
Nguyễn Hữu Vinh
http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe

CÁO TRẠNG VỤ ÁN: “Cố ý làm lộ bí mật công tác” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”

VIỆN KIỂM SOÁT NHÂN DÂN .................CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
................TỐI CAO ....................................................Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
.........Số: 08 /VKSTC-V2 ................................................Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2008

CÁO TRẠNG

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SOÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ các Điều 36, 166 và 167 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Căn cứ Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 05/QĐ-ANĐT ngày 22/3/2007;
Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 31/ANĐT ngày 21/3/2008;
Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/ANĐT ngày 26/8/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

- Căn cứ Quyết định khởi tố bị can số 04/ANĐT ngày 12/5/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Phạm Xuân Quắc về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;
Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 10/ANĐT ngày 28/8/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Phạm Xuân Quắc về tội : “Cố ý làm lộ bí mật công tác”, quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự.

+ Căn cứ Quyết định khởi tố bị can số 03/ANĐT ngày 12/5/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Đinh Văn Huynh về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;
Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 11/ANĐT ngày 28/8/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Đinh Văn Huynh về tội: “Cố ý làm lộ bí mật công tác” quy định tại Điều 286 Bộ luật hình sự.

+ Căn cứ Quyết định khởi tố bị can bi can số 05/ANĐT ngày 12/5/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Nguyễn Việt Chiến về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;
Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 12/ANĐT ngày 28/8/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Nguyễn Việt Chiến về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự.

+ Căn cứ Quyết định khởi tố bị can bi can số 06/ANĐT ngày 12/5/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Nguyễn Văn Hải về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”;
Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 09/ANĐT ngày 28/8/2008 của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Nguyễn Văn Hải về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258 Bộ luật hình sự.

Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau:

Ngày 16/2/2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14) Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Đánh bạc”; đến ngày 06/01/2006, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội “Tổ chức đánh bạc” và quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Hưng, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC 26) Công an thành phố Hà Nội; Bùi Tiến Dũng nguyên Tổng Giám đóc Ban quản lý dự án 18- Bộ giao thông vận tải (PMU18); Vũ Mạnh Tiên, Phó Chánh Văn phòng PMU18; Lưu Mạnh Hoa, lái xe PMU18; Nguyễn Việt Bắc, Phó Tổng giám đốc công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, về hành vi: “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”. Tiếp đó, vụ án được khởi tố bổ sung tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ” xảy ra tại PMU 18.

Bị can Phạm Xuân Quắc khi đó là Cục trưởng C14, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được giao nhiệm vụ Trưởng ban chuyên án trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án PMU18; Đinh Văn Huynh là trưởng phòng 9 C14 được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức điều tra vụ án.

Quá trình điều tra vụ án, nhất là trong thời gian từ tháng 01/2006 đến tháng 6/2006 có những thông tin liên quan đến vụ án bị lộ, lọt ra ngoài được đăng tải trên một số tờ báo, có gần 1200 bài báo của 40 phóng viên có liên quan đến vụ án PMU18, trong đó nhiều tin, bài có nội dung sai sự thật. Nhiều tờ báo đồng loạt đưa các tin: Bùi Tiến Dũng đã dùng 500.000 USD tương đương 10 tỷ VNĐ chạy án, đưa tiền hối lộ cho gần 40 nhân vật quan trọng; Bùi Tiến Dũng thiết lập đường dây chạy án ; Tôn Anh Dũng (Dũng Huế) nhận 100.000USD để chạy án, Bùi Tiến Dũng đã “phân phát” 108 chiếc xe ôtô đắt tiền như thế nào; Các nhà thầu muốn trúng thầu phải lo lót “lại quả” từ 10 đến 15% giá trị gói thầu; 2,6 triệu USD tiền tham nhũng bị tung vào chiếu bạc, ăn chơi phè phỡn, xa hoa. Một số tờ báo đi vào khai thác đời tư , đưa nhiều tin, bài viết gọi là lối sống giàu sang, sa đoạ. Trong đó có nhiều tin, bài của Nguyễn Việt Chiến phóng viên báo Thanh niên, Nguyễn Văn Hải phóng viên báo Tuổi trẻ TP.HCM.

Các tin bài trên mang tính suy diễn chủ quan, không đúng bản chất sự việc, nhiều thông tin thổi phồng, bịa đặt gây dư luận xấu hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín một số cán bộ cao cấp trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, gây tâm lý hoài nghi một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước tình hình đó, một số cán bộ lão thành, đảng viên giàu tâm huyết đã gửi thư đến các cơ quan lãnh đạo Đảng kiến nghị lùi thời gian tổ chức Đại hội Đảng lần thứ X để chấn chỉnh nội bộ hoặc đưa nội dung vụ án PMU18 thành một nội dung cần thảo luận tại Đại Hội Đảng. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình đó gia tăng hoạt động chống phá, đòi thay các vị trí lãnh đạo trong bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước, kích động các hoạt động phá rối an ninh, trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ X của Đảng.

Là đơn vị trực tiếp điều tra vụ án PMU18, C14 phải có trách nhiệm trước những thông tin đăng trên báo chí không đúng sự thật, công khai những nội dung thông tin về vụ án đang điều tra, những thông tin ban đầu chưa được xác minh kiểm chứng của Cơ quan điều tra. Tuy nhiên trước tình hình đó C14 không có phản ứng nhắc nhở gì mà còn để các phóng viên tự do ra vào trụ sở cơ quan hoặc đến nhà riêng, gọi điện thoại, trực tiếp trao đổi thông tin với cán bộ điều tra, do đó nhiều nội dung thông tin vụ án PMU18 đang điều tra bị lộ, lọt, nhiều thông tin ban đầu đang phải xác minh, phải đảm bảo bí mật theo quy định của pháp luật bị đưa lên mặt báo, nhiều sự việc tuy có trong hồ sơ vụ án nhưng bị phóng viên thổi phồng, xuyên tạc, bình luận, suy diễn chủ quan, một số thông tin hoàn toàn do phóng viên bịa đặt.

Tình hình trên đây cho thấy ý thức bảo mật nghiệp vụ, kỷ luật cung cấp thông tin cho báo chí và kết quả điều tra vụ án PMU 18 của một số cán bộ điều tra bị coi nhẹ. Các phóng viên cũng đã khai nhận nguồn tin để viết bài vụ án PMU 18 chủ yếu được thu thập từ một số cán bộ C14 mà trực tiếp là Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh.

Kết quả điều tra, có đủ sơ sở xác định hành vi phạm tội của các bị can như sau:


1. Bị can Phạm Xuân Quắc


Phạm Xuân Quắc đã có quan hệ với các phóng viên, trao đổi và cung cấp các thông tin liên quan đến vụ PMU 18 như sau:

- Cung cấp thông tin cho phóng viên Nguyễn Việt Chiến và phóng viên Phạm Quốc Hợp về Bùi Tiến Dũng đã khai ra hàng chục nhân vật chạy án, sau đó Nguyễn Việt Chiến viết bài “Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng” đăng báo Thanh niên ngày 16/4/2006; Phạm Quốc Hợp viết bài “Vụ tham nhũng ở PMU 18…Bùi Tiến Dũng và đồng phạm khai có khoảng 10-20 cán bộ là đích ngắm chạy án” đăng trên báo Sài Gòn giải phóng ngày 17/4/2006. (BL 1224 – 1228; 1262 – 1265.)

- Thông tin Bùi Tiến Dũng dùng 500.000USD để chạy án: Đây là báo cáo của phạm nhân Nguyễn Văn Nhuận (được bố trí ở cùng buồng giam với Bùi Tiến Dũng) vào các ngày 16/2, 3/3, 15/3, 16/3/2006 gửi riêng cho Phạm Xuân Quắc nói về việc Bùi Tiến Dũng tâm sự dùng 500.000USD chạy án và danh sách số người đã nhận tiền chạy án. Khi nhận được các bản báo cáo này, Phạm Xuân Quắc không xác minh để đánh giá tính trung thực của báo cáo, không có tài liệu chứng minh và trên thực tế Bùi Tiến Dũng không thừa nhận có tâm sự với Nguyễn Văn Nhuận những thông tin này. Nhưng Phạm Xuân Quắc vẫn báo cáo cấp trên và cung cấp thông tin này cho các phóng viên: Hồ Phương (báo Công an TP.HCM), Đào Anh Tuấn (báo Đại Đoàn Kết) và sau đó phóng viên Đào Anh Tuấn viết bài “Triệu tập Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến” đăng trên báo Đại Đoàn Kết ngày 12/3/2006 có nội dung trên. Phạm Xuân Quắc cũng xác nhận thông tin này với phóng viên Tống Văn Thanh (báo Lao Động) khi Thanh gọi điện thoại để kiểm tra lại thông tin sau đó viết bài “Bùi Tiến Dũng đã xuất 500.000USD để chạy án “đăng trên báo Lao Động ngày 20/3/2006. (BL: 2257; 2398; 0845 – 0847, 0891 – 0896, 0911 – 0912, 0929 – 0932, 320b)

- Thông tin về tin nhắn và số lượng các cuộc điện thoại giữa Tôn Anh Dũng và ông Cao Ngọc Oánh khi Dũng ở Thái Lan cho các phóng viên: Nguyễn Như Phong (báo Công an Nhân dân); Trần Công Hùng (báo Tiền Phong); Trần Quang Huy (báo Tuổi Trẻ); Nguyễn Chí Long (báo Công an nhân dân); Tống Văn Thanh (báo Lao Động). Ngày 14/4/2006, báo Tiền phong đăng bài “tướng Oánh điện thoại gần 100 cuộc sang Thái Lan cho Dũng “Huế”; ngày 14/4/2006 báo Công an nhân dân đăng bài “Ông Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và “Dũng Huế” đã hợp tác với Cơ quan điều tra”; ngày 15/4/2006 báo Tuổi trẻ đăng bài “Khám xét nơi lưu trú của Dũng “Huế” tại Hà Nội”. (BL: 2274-2278; 2326-2327; 2423-2424; 2207-2208)

- Cung cấp thông tin cho phóng viên Phạm Quốc Hợp (báo Sài Gòn giải phóng), phóng viên Công Hùng (báo Tiền Phong) về 34 xe ôtô mà PMU18 cho mượn, có cái cho thẳng là hành vi hối lộ rất tinh vi, sau đó Công Hùng viết bài “Cơ quan điều tra nhận định : Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến có dấu hiệu “cố ý làm trái” đăng trên báo Tiền Phong ngày 23/3/2006 có nội dung PMU18 cho mượn xe “vô tội vạ”. (BL: 0859-0864; 2359; 2477; 3338)

- Ngày 03/3/2006 thông tin phóng viên Trần Đức Thọ số điện thoại của người mẫu Thảo Hiền, Anh Phương là những người tình của Bùi Tiến Dũng và ngày 20/3/2006 cung cấp thông tin về việc triệu tập Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến và sẽ bắt Nguyễn Việt Tiến vào ngày 21/3/2006. (BL: 2302-2319)

- Cung cấp thông tin về việc Bùi Tiến Dũng chủ động khai báo về các đối tượng nhận tiền chạy án hoặc “danh sách chạy án” cho phóng viên Quốc Hợp và phóng viên Trần Công Hùng. Ngày 27/3/2006 báo Sài Gòn giải phóng đăng thông tin trên bài “Cơ quan điều tra tiếp tục làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến” và Công Hùng đã viết bài “Bùi Tiến Dũng chủ động khai về các nhân vật chạy án” đăng trên báo Tiền Phong ngày 28/3/2006. (BL: 2469-2470; 2334)

- Cung cấp cho phóng viên Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh niên) thông tin về việc Nguyễn Đình Toản (Công an Quận Đống Đa) nộp cho cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an 9.000USD tiền chạy án và thông tin Nguyễn Việt Tiến bắt đầu khai nhận về tội thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái liên quan đến nhiều dự án. Nguyễn Việt Chiến viết bài đăng trên báo Thanh niên ngày 12/4/2006 trong đó có tin: “Nguyễn Việt Tiến bắt đầu khai…” và tin “Một trung tá Công an nộp lại CQĐT 9.000USD tiền Nguyễn Mậu Thôn”.

- Cung cấp thông tin sai sự thật cho phóng viên Nguyễn Như Phong (Báo công an nhân dân) về nội dung tin nhắn giữa ông Cao Ngọc Oánh nhắn tin cho Tôn Anh Dũng (Huế): “Anh hãy về cơ quan điều tra đầu thú nộp lại 30.000USD và nói là chưa đưa cho ai cả, chỉ có thành khẩn mới cứu được anh” và tin Tôn Anh Dũng (Huế) nhắn lại: “Em xin anh tha tội, dù chết em cũng không làm ảnh hưởng anh đâu”. Nguồn tin này được báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh đăng ngày 17/4/2006 (BL: 2274-2278).

Mặc dù bị can Phạm Xuân Quắc không thừa nhận cung cấp thông tin cho các phóng viên nhưng qua lời khai của các phóng viên và list điện thoại thể hiện các phóng viên có liên hệ, gọi điện thoại để hỏi thông tin, đồng thời với kết quả do C14 điều tra và băng nghi âm thể hiện bị can Phạm Xuân Quắc nắm được thông tin đã cung cấp thông tin về điều tra vụ án cho các phóng viên.

Bị Can Phạm Xuân Quắc khai rằng: Quá trình điều tra vụ án do không có báo cáo nên không nắm được các thông tin do báo chí nêu. Song căn cứ vào tài liệu điều tra có đủ cơ sở để bác bỏ lời khai của Phạm Xuân Quắc. Thực tế Cơ quan Cảnh sát điều tra đã cung cấp Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an số lượng 165 bài báo có đăng tải về vụ án PMU18, trong đó có nhiều bài báo có nội dung thông tin do C14 cung cấp. Trong các cuộc họp báo Phạm Xuân Quắc cũng đã cung cấp nhiều thông tin có liên quan đến vụ án, mặc dù đó chỉ mới là tài liệu ban đầu chưa được xác minh điều tra theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra còn thu thập được các tài liệu, báo cáo của Phạm Xuân Quắc gửi các cơ quan có thẩm quyền với nội dung phản ánh không đúng bản chất vụ án gây khó khăn cho việc tổng hợp thông tin chỉ đạo xử lý vụ án (BL: 0959-0960, 320b).


2. Bị can Đinh Văn Huynh:


Với chức vụ là Trưởng phòng 9/C14, được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức điều tra vụ án PMU18, Đinh Văn Huynh đã quan hệ, gặp gỡ các phóng viên và cung cấp thông tin vụ án đang điều tra cho các phóng viên, cụ thể:

- Nhiều lần các phóng viên đến phòng làm việc nắm thông tin về kế hoạch làm việc hàng ngày của các Điều tra viên tham gia điều tra vụ án PMU 18, kế hoạch hỏi cung, bắt khám xét, triệu tập, lấy lời khai các đối tượng trong vụ án, nội dung và địa điểm xác minh… Các phóng viên Trần Công Hùng (báo Tiền Phong), Đinh Công Tiến (báo An ninh thủ đô) và Nguyễn Chí Long (báo Công an nhân dân) đều khai đã được Đinh Văn Huynh cung cấp các thông tin này. (BL: 2234; 2322-2323)

- Ngày 20/3/2006, Đinh Văn Huynh trực tiếp hỏi cung Bùi Tiến Dũng về thông tin số tiền Bùi Tiến Dũng đã được sử dụng để chạy án(500.000USD); Ngay sau đó, Hồ Phương (báo Công an TP.HCM) đã gọi điện thoại cho Đinh Văn Huynh để hỏi về số tiền Bùi Tiến Dũng chạy án thì được Đinh Văn Huynh xác nhận. Ngày 21/3/2006, Hồ Phương đã viết bài đăng báo Công an TP. Hồ Chí Minh số tiền Bùi Tiến Dũng chạy án là 500.000USD tương đương 10 tỷ đồng Việt Nam. (BL: 2257; 2259-2261)

- Phóng viên Phạm Hồng Quân (Thông tấn xã Việt Nam) nhiều lần điện thoại cho Đinh Văn Huynh để hỏi về thông tin vụ án và đã được Đinh Văn Huynh cung cấp các thông tin, cụ thể:

+ Hồi 20h48’ ngày 03/3/2006 Phạm Hồng Quân gọi điện hỏi và được Đinh Văn Huynh xác nhận về việc đã có lệnh bắt Phạm Tiến Dũng về tội “Đưa hối lộ”. Sau khi hỏi thông tin trên, Phạm Hồng Quân đã viết bài: “Khởi tố bị can, bắt tạm giam Trưởng phòng kế hoạch PMU 18 Phạm Tiến Dũng về tội Đưa hối lộ”, đăng trên trang tin điện tử của Thông tấn xã Việt Nam ngày 03/3/2006. (BL: 2528)

+ Hồi 20h6’ ngày 09/3/2006 Đinh Văn Huynh cung cấp thông tin Viện kiểm soát tối cao đã phê chuẩn khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Phạm Tiến Dũng thời hạn 4 tháng. Phạm Hồng Quân đã viết bài: “Phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Tiến Dũng” đăng trên trang tin điện tử Thông tấn xã Việt Nam ngày 09/3/2006.

+ Hồi 20h59’ ngày 04/4/2006, Phạm Hồng Quân gọi điện hỏi và Đinh Văn Huynh đã xác nhận thông tin C14 có lệnh bắt, khám xét nhà ông Nguyễn Việt Tiến và cung cấp cho Quân về tội danh khởi tố ông Tiến là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, thời hạn tạm giam ông Nguyễn Việt Tiến là 4 tháng. Sau đó, Phạm Hồng Quân đã viết bài: “Bắt tạm giam ông Nguyễn Việt Tiến”, đăng trên trang tin điện tử của Thông tấn xã Việt Nam ngày 04/4/2006. (BL: 2528)

- Ngoài ra, Đinh Văn Huynh còn tổ chức điều tra xác minh cả những việc không thuộc nhiệm vụ được giao, sau đó cung cấp cho báo chí đăng tải về việc Tôn Anh Dũng móc nối chạy án cho ông Lâm Đợi, Giám đốc Bưu điện Thừa Thiên Huế (trong vụ án Nguyễn Lâm Thái) cụ thể: Ngày 29/3/2006 Tôn Anh Dũng từ Thái Lan về Việt Nam đến đầu thú tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, ngày 01/4/2006 Đinh Văn Huynh trực tiếp đến trại tạm giam lấy lời khai Tôn Anh Dũng về việc Dũng chạy án cho ông Lâm Đợi. Ngày 17/4/2006, báo Tiền phong đã đăng bài với tiêu đề “Điều tra việc Dũng Huế chạy án một tỉ đồng” trong đó có nội dung Tôn Anh Dũng đã thông qua một lãnh đạo thuộc Tổng cục Cảnh sát chạy án cho một Giám đốc Bưu điện tỉnh miền Trung với giá 01 tỷ đồng. Phóng viên Trần Công Hùng đã được Đinh Văn Huynh cung cấp thông tin trên để viết bài. (Bl: 0853-0858; 2514).

Mặc dù bị can không thừa nhận đã cung cấp thông tin về điều tra vụ án PMU 18 cho báo chí, nhưng Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ list điện thoại của 13 phóng viên các báo, trong đó có 178 cuộc điện thoại gọi đến số máy di động của Đinh Văn Huynh hỏi về thông tin vụ án để viết bài, qua việc liên hệ, gặp gỡ của Đinh Văn Huynh với các phóng viên (điện thoại, trao đổi thông tin), việc các phóng viên khai đã đến nơi làm việc, đến nhà riêng, gọi điện thoại và được Đinh Văn Huynh cung cấp các thông tin về vụ án PMU 18, xét thấy có cơ sở xác định hành vi cung cấp thông tin làm lộ bí mật công tác điều tra vụ án của Đinh Văn Huynh.

Cũng như Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh khai rằng: Trong quá trình điều tra vụ án do không có báo đọc nên không biết báo chí đăng tải những gì về vụ án PMU 18. Tuy nhiên khi Đinh Văn Huynh bị khởi tố, khám xét, bắt tạm giam, Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ nhiều báo cáo điểm tin, báo của Tổng cục Cảnh sát do Đinh Văn Huynh lưu giữ và Phòng 9/C14 cũng đã cung cấp 165 bài báo của 10 loại báo khác nhau, đồng thời theo lời khai của phóng viên báo Tuổi trẻ và báo Tiền phong trong thời gian điều tra vụ án PMU 18 các báo này đã tự nguyện cấp báo hàng ngày cho Đinh Văn Huynh.


3. Bi can Nguyễn Việt Chiến


Nguyễn Việt Chiến là phóng viên Báo Thanh niên được giao theo dõi về mảng thông tin nội chính. Trong thời gian diễn ra vụ án PMU 18, Nguyễn Việt Chiến đã viết và cùng các phóng viên khác viết 70 tin, bài. Mặc dù vụ án PMU 18 đang trong giai đoạn điều tra chưa có kết luận cụ thể về sai phạm của các bị can cũng như các đối tượng liên quan, nhưng trong các bài viết của mình Nguyễn Việt Chiến đưa thông tin sai lệch, không đúng sự thật, nhiều nội dung suy diễn chủ quan, phân tích, đánh giá và bình luận một cách phiến diện. Trong đó đáng chú ý là những thông tin liên quan đến tham nhũng, chạy án của Bùi Tiến Dũng và các đối tượng khác cụ thể:

- Thông tin về việc chạy án đã đăng trên Báo Thanh niên:

+ Bài: “Bùi Tiến Dũng đã dùng 500.000 USD để chạy án?” đăng ngày 20/3/2006, có đoạn viết “... Tối 19/3 số tiền mà Bùi Tiến Dũng dùng để chạy án lên tới 500.000 USD... Hiện tại cơ quan điều tra chỉ mới làm rõ được 50.000 USD và gần 1 tỷ đồng mà ba cá nhân đã dùng “chạy” cho Dũng. Cho đến ngày 19/3 đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng và những người liên quan đã hé lộ 3 mắt xích quan trọng... Qua lời khai của Dũng “Tổng” và Dũng “Con”, Cơ quan điều tra đã phát hiện thêm một số nhân vật khá quan trọng trong đường dây chạy án này và gấp rút tiến hành xác minh...” (BL: 0426).

+ Bài: “Cơ quan điều tra triệu tập Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến” đăng ngày 21/3/2006, có đoạn: “Cơ quan điều tra đã mở chuyên án làm rõ vụ Bùi Tiến Dũng cùng một số người khác dùng 500.000 USD chạy tội trước khi Dũng bị bắt giữ. Tổng số tiền chạy án mà Dũng (Tổng) và một số người khác huy động có thể lên tới con số 20 tỷ đồng... Cơ quan điều tra hiện đang có trong tay danh sách số người được Bùi Tiến Dũng giao tiền chạy án” (BL: 0427).

+ Bài: “Bắt giữ Nguyễn Mậu Thôn về tội chạy án cho Bùi Tiến Dũng” đăng ngày 24/3/2006, có đoạn viết: “Bùi Tiến Dũng đã giao nhiều tỷ đồng cho Nguyễn Mậu Thôn chạy án vì tin rằng cựu Cán bộ Công an này với bề dày kinh nghiệm sẽ tìm ra “cửa chạy”. Trong vụ chạy án với số tiền ban đầu là 500.000 USD (chưa kể số tiền nhiều tỷ mà các đàn em huy động) Bùi Tiến Dũng đã gõ khá nhiều cửa và nhớ tới một số nhân vật khá quan trọng” (BL: 0430).

+ Bài: “Đường dây chạy án tiếp tục hé lộ những mắt xích quan trọng” đăng ngày 25/3/2006 có đoạn viết: “Trong tổng số cả chục tỷ đồng được huy động để chạy án cho Bùi Tiến Dũng đã có khoảng 200.000 USD được trao đến tay một nhân vật khá đặc biệt” (BL: 0431).

+ Bài: “Để tránh bị cách chức, hôm nay Bộ trưởng Đào Đình Bình xin từ chức” đăng ngày 4/4/2006 có nội dung “Một nguồn tin cho biết, dính líu đến đường dây này cũng có không ít quan chức ở một số cơ quan Trung ương, một số cán bộ trong lực lượng bảo vệ pháp luật và cả một số người làm công tác báo chí. Nhiều người trong ngành đã ví đường dây chạy án của “con bạc triệu đô” này không kém gì đường dây chạy án cho trùm xã hội đen Năm Can trước đây” (BL: 0441).

Trên mục Box 6/4/2006 có nội dung: “Theo một nguồn tin, đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng nhắm tới ít nhất 03 quan chức cấp cao của một số Bộ, ngành với mưu đồ dùng uy thế của họ để can thiệp vào quá trình điều tra vụ án...”. “Được biết, trong vụ chạy án này Bùi Tiến Dũng đã có kế hoạch phân bổ khoản chi 500.000 USD cho nhiều hướng chạy tội: 200.000 USD nhằm vào những cơ quan bảo vệ pháp luật, 200.000 USD nhằm vào cơ quan hành pháp, còn 100.000 USD dành để chi cho những trường hợp phát sinh...” (Khi Bùi Tiến Dũng không còn khả năng trực tiếp điều khiển đường dây chạy án) (BL: 0443).

+ Bài: “Ông Nguyễn Duy Hồng Vụ trưởng Vụ 1A Viện KSND tối cao nói gì?” đăng ngày 8/4/2006, có đoạn: “Vụ Bùi Tiến Dũng dùng 500.000 USD chạy án đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước. Được biết, trong số tiền nửa triệu đô la này, Dũng dành 200.000 USD “nhắm” vào cơ quan hành pháp trung ương, 100.000 USD “nhắm” vào Cơ quan điều tra - Bộ Công an, 100.000 USD “nhắm” vào Vụ 1A Viện KSNDTC, còn 100.000 USD “nhắm” vào một số nhân vật khác” (BL: 0445).

- Thông tin về tham ô, tham nhũng đăng trên báo Thanh niên:

+ Bài: “Cuộc đối chất giữa ba quan chức” đăng ngày 10/4/2006, có đoạn: “Một nguồn tin cho hay, tại trại giam T16 của BCA, Dũng “Huế” vừa khai ra một số bí mật rất quan trọng liên quan đến đường dây chạy án. Do vậy, việc nhận diện sự thật trong các điều trần của ba quan chức cấp cao sẽ được làm sáng tỏ từ lời khai mới nhất của Dũng (Huế)” (BL: 0447).

+ Bài: “Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng” đăng ngày 16/4/2006, có đoạn: “Đáng lưu ý; Bùi Tiến Dũng đã có những lời khai “nóng nhất” về việc y đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật, trong đó có một số quan chức. Danh sách các nhân vật đã nhận tiền chạy án mà Dũng (Tổng) khai ra lên tới gần 40 người... Cho đến thời điểm này CQĐT chưa tiết lộ danh tính của gần 40 nhân vật quan trọng mà Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án” (BL: 0455).

+ Bài: “Bùi Tiến Dũng đã dùng 500.000 USD để chạy án?” đăng ngày 20/3/2006, có đoạn: “Cơ quan điều tra cũng phát hiện việc Bùi Tiến Dũng lợi dụng chức vụ Tổng Giám đốc PMU 18 của mình để gây sức ép với các nhà thầu chính ở một số công trình giao thông lớn phải chia việc cho các nhà thầu phụ (là doanh nghiệp sân sau của “Dũng)” (BL: 0426).

+ Bài: “Cơ quan điều tra triệu tập Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến” đăng ngày 21/3/2006, có đoạn: “Trước khi bị bắt, Bùi Tiến Dũng đã bí mật bay vào Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “cuộc họp chạy án” với sự tham gia của nhiều người để tìm cách tháo gỡ. Theo nhận định của số người này, nếu Dũng (Tổng) bị bắt giữ thì từ vụ án “con bạc triệu đô”, Ban chuyên án của Bộ Công an sẽ phanh phui ra đường dây tham nhũng lớn ở PMU 18 trong nhiều năm qua với hậu quả là một số quan tham lớn sẽ bị vạch mặt” (BL: 0427).

+ Bài: “Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến giải trình những gì với Cơ quan điều tra?” đăng ngày 22/3/2006, có đoạn: “Trong nhiều năm qua PMU 18 đã được Bộ GTVT “đặc cách” giao cho trách nhiệm quản lý thực hiện đến 20 dự án lớn (Tổng cộng 3.000 hợp đồng thầu) với tổng số vốn đầu tư tới hơn 32.882 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Hiện Cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh thông tin về việc các nhà thầu phải cắt tại 5% đến 15% tổng số vốn đầu tư của các dự án cho Bùi Tiến Dũng. (BL: 0428).

+ Bài: “Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến thừa nhận trách nhiệm nhưng đổ lỗi cho Bùi Tiến Dũng” đăng ngày 23/3/2006, có nội dung: “Cơ quan điều tra cho rằng, trong việc điều hành các dự án lớn ở PMU 18 đã có một đường dây tham nhũng xuyên suốt từ trên xuống dưới và những đơn vị muốn trúng thầu đã phải nghiễm nhiên hối lộ cho đường dây này từ 10% đến 20% tổng vốn đầu tư cho các công trình” (BL: 0429).

+ Bài: “Diễn biến mới nhất xung quanh vụ chạy án của Bùi Tiến Dũng” đăng ngày 9/4/2006, có đoạn: “Một số cán bộ điều tra cho biết, trong buổi lấy lời khai mới nhất vào hôm 7/4/2006. Sau khi biết tin Thứ trưởng Tiến bị bắt, Bùi Tiến Dũng đã có thái độ khác hẳn. Dũng đã chủ động khai ra những mối quan hệ, những quy luật làm ăn của PMU. Những chỉ đạo trước đây của Thứ trưởng Tiến và những vụ ăn chia theo giá trị hợp đồng của một số quan chức (BL: 0446).

Như vậy chỉ trong khoảng thời gian hơn 2 tháng (từ 2/3 đến 28/5/2006) Nguyễn Việt Chiến đã viết bài đăng báo một cách có hệ thống về nội dung chạy án, tình hình tham nhũng, lối sống của một số cán bộ, phần lớn nội dung không có thực trong hồ sơ vụ án PMU 18. Những bài viết, thông tin của Nguyễn Việt Chiến đăng trên báo đã làm cho người đọc nhận thức không đúng về bản chất vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, xâm phạm đến đời tư của nhiều người và của các bị can trong vụ án. Những thông tin không chính xác về vụ án đã tạo tâm lý hoài nghi trong một bộ phận người đọc về trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các Dự án cũng như phẩm chất lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên (BL: 1282 - 1287).


4. Bị can Nguyễn Văn Hải


Nguyễn Văn Hải là phóng viên Báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh được giao theo dõi, viết bài về vụ án PMU 18. Trong thời gian từ tháng 01/2006 đến tháng 6/2006, Nguyễn Văn Hải đã viết và cùng các phóng viên khác viết 33 tin, bài đăng trên báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung sai sự thật như:

+ Bài: “Vụ tiêu cực ở PMU 18: Dũng (Huế) nhận 100.000 USD để chạy án” đăng ngày 31/3/2006, có đoạn viết: “Đã có tài liệu cho thấy trong cùng một thời gian ở Hà Nội, Dũng (Huế) đã đứng ra thiết kế một cuộc gặp với 3 cán bộ “có cỡ” ở Cơ quan “Trung ương, trong đó có một người ở Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an để bàn tính việc gỡ tội cho Bùi Tiến Dũng. Số tiền Dũng (Huế) nhận để “chạy” cho Bùi Tiến Dũng được xác định là 100.000 USD, trong đó phần của Dũng (Huế) là 30.000 USD, phần của vị cán bộ cao cấp ở Tổng cục Cảnh sát là khoảng 60.000 USD, còn lại gần 10.000 USD là phần của Phó Trưởng Công an một phường nội thành Hà Nội cùng tham gia việc chạy án” (BL: 0611).

+ Bài: “Bộ Trưởng Đào Đình Bình nộp đơn từ chức” đăng ngày 4/4/2006, có đoạn viết: “Trong những ngày qua, một số nhân vật bị nghi ngờ “chạy án” cho Bùi Tiến Dũng đã phải giải trình với cơ quan chức năng về các mối quan hệ và hoạt động của bản thân trong thời gian Dũng (Huế) có mặt tại Hà Nội. Trong số này, có một cán bộ cao cấp của Tổng cục Cảnh sát, hai quan chức cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng của một cơ quan ngang Bộ. Ba người này đã có mặt tại bữa tiệc do Dũng (Huế) chủ trì ở khách sạn Melia trước khi Bùi Tiến Dũng bị bắt và mục đích của bữa tiệc này được xác định nhằm bàn việc chạy tội cho Bùi Tiến Dũng”. Cũng tại bài báo này Nguyễn Văn Hải đã đưa thông tin mô tả về hành vi ăn chơi sa đoạ của Bùi Tiến Dũng tại nhà hàng Phố Núi, có đoạn: “Mỗi khi Bùi Tiến Dũng dẫn khách đến, trong đó hầu hết là các đại gia, TR sẽ chọn những nữ tiếp viên ngon nhất đưa vào phòng ngủ để Dũng đãi khách, mỗi nữ tiếp viên chỉ phục vụ một khách và không được phép mặc quần áo, ngoại trừ một chiếc quần lót mỏng tanh, nếu khách đánh bài thắng sẽ thưởng bằng cách nhét tờ 100 USD hoặc 500.000 VNĐ vào quần lót của mỗi nữ tiếp viên, còn khách nào thua thì ngậm đầu nhũ hoa của nữ tiếp viên đứng gần nhất để giải đen. Cá biệt có vị khách nào thua đậm và muốn giải đen thì Bùi Tiến Dũng cho phép khách được quan hệ tình dục với nữ tiếp viên ngay tại chỗ...” (BL: 0617).

+ Bài: “Vụ tiêu cực ở PMU 18: Dũng (Huế) được vẽ đường khai báo” đăng ngày 17/4/2006, có đoạn: “Trong số các tin nhắn Dũng (Huế) nhận được và gửi đi trước khi bị bắt, có một tin nhắn được xác định từ một quan chức của Tổng cục Cảnh sát gửi tới Dũng (Huế) với nội dung: “Anh hãy về CQĐT đầu thú, nộp lại 300.000 USD và nói là chưa đưa ai cả, chỉ có thành khẩn mới cứu được anh lúc này”. Sau khi tin nhắn này được biết Dũng (Huế) nhắn lại cho vị cán bộ trên rằng: “Em xin anh tha tội, dù có chết cũng không để ảnh hưởng đến anh đâu” (BL: 0631).

+ Bài: “Bắt khẩn cấp Tổng Giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng” đăng ngày 21/1/2006, có nội dung “Thậm chí chỉ trong một tháng, Bùi Tiến Dũng đã thua hết 1,8 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng) (BL: 0562).
+ Bài: “Nhiều khuất tất ở PMU 18” đăng ngày 17/02/2006 có nội dung: “Danh sách các con bạc ngày một dài thêm lên đến 200 người”, “Một con bạc có thân thế đặc biệt trong bản danh sách này từng có trận bắt độ tới 500.000 USD” (BL: 0572).

+ Bài: “Làm rõ các doanh nghiệp sân sau của Bùi Tiến Dũng” đăng ngày 01/03/2006, có nội dung: “Trong danh sách những con bạc từng đặt cửa với Hưng có những cái tên rất bất ngờ, hiện tại cơ quan điều tra đang lưu ý trường hợp của Nguyễn Hồng Nhung, ca sỹ của Sao mai điểm hẹn trong bản danh sách này” và “Không chỉ có ca sỹ Hồng Nhung, trong danh sách những con bạc của Bùi Quang Hưng còn có tên của một số cá nhân đang hoạt động trong các cơ quan truyền hình, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước” (BL: 0580).

Bản thân Nguyễn Văn Hải đã thừa nhận những thông tin trên là sai sự thật do không thẩm tra xác minh tính xác thực của thông tin trước khi viết bài (BL: 1478 - 1481).

Như vậy trong quá trình viết bài về vụ án PMU 18, Nguyễn Văn Hải đã thu thập thông tin không phải từ cơ quan chức năng và không kiểm chứng, xác minh tính xác thực của nguồn tin đã viết bài, có nhiều nội dung sai sự thật, mang tính suy diễn, quy chụp, không đúng bản chất sự việc, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự nhân phẩm của một số cán bộ lãnh đạo và công dân. Nguyễn Văn Hải cũng đã thừa nhận nội dung trong các bài báo trên là không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân (BL: 1516 - 1517).

KẾT LUẬN

Đây là vụ án xảy ra trong lĩnh vực hoạt động điều tra và thông tin báo chí đối với vụ PMU 18, chủ yếu do những cán bộ được giao nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức điều tra vụ án và phóng viên các báo đã vi phạm các quy định của Luật báo chí và Chỉ thị số 11 CT/2002/BCA (V11) của Bộ Công an về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân. Các bị can Phạm Xuân Quắc, Đinh Văn Huynh trong thời gian được giao nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức điều tra vụ án, ngoài việc để các phóng viên tự do vào cơ quan, nắm được kế hoạch làm việc của Điều tra viên, các bị can còn trực tiếp quan hệ, tiếp xúc với phóng viên các báo tại phòng làm việc, tại nhà riêng, gọi điện thoại và đã tiết lộ thông tin liên quan đến vụ án cho báo chí đăng tải, trong đó đáng chú ý là thông tin không chính xác về kết quả điều tra, có những tài liệu chỉ là tài liệu ban đầu, chưa được thẩm tra xác minh nhưng vẫn cung cấp cho báo chí đăng tải. Việc làm đó đã diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra các bị can Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh còn sử dụng tài liệu chưa được thẩm tra xác minh để báo cáo thông tin sai sự thật lên cấp trên gây hiểu lầm trong nội bộ.

Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của phóng viên được các báo giao viết bài về mảng nội chính, khi nhận được thông tin từ Cơ quan điều tra hoặc từ các báo khác đã dựa vào đó đưa thêm những thông tin nhạy cảm không có thực và lợi dụng những thông tin đó để bình luận về các nội dung không có trong hồ sơ vụ án như: Nạn tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, chạy tội diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài nhất là dự án có nguồn vốn ODA đều bị rút ruột; Một bộ phận cán bộ tha hóa biến chất, ăn chơi sa đoạ dường như không bị pháp luật xử lý. Từ những thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị hoặc thông tin không chính xác trong thời điểm đang chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, các thế lực thù địch đã lợi dụng để hoạt động chống phá, xuyên tạc về Đại hội Đảng, làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị Đại hội. Cũng từ những thông tin báo đăng tải không đúng sự thật một số công dân đã khiếu kiện cơ quan báo chí vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân và yêu cầu báo chí phải bồi thường.

Hành vi của các bị can Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh đã vi phạm Điểm 3, Điều 1, Quyết định số 738/2003 ngày 06/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an và Chỉ thị số 11 CT/2002/BCA (V11) ngày 31/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và đã phạm vào tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại Khoản 2, Điều 286 Bộ luật hình sự.

Hành vi của Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã vi phạm Điều 6, Điều 10 Luật báo chí năm 1989, Điều 15 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí năm 1999 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ V thông qua ngày 12/6/1999 và Điều 5 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật báo chí và đã phạm vào tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân” theo quy định tại Khoản 2, Điều 258 Bộ luật hình sự”.

Đối với các ông: Nguyễn Công Khế, Nguyễn Quốc Phong, Huỳnh Kim Sánh, Đặng Thanh Tịnh, Nguyễn Quang Thông là những cán bộ có trách nhiệm của Báo thanh niên; các ông: Lê Hoàng, Bùi Văn Thanh, Dương Đức Đà Trang, Huỳnh Sơn Phước, Dương Thanh Truyền, Trương Quang Vĩnh là những cán bộ có trách nhiệm của báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình biên tập, duyệt bài đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, thiếu kiểm tra tính xác thực của thông tin do các phóng viên cung cấp, cho đăng tải liên tục trên báo các thông tin không chính xác về kết quả điều tra vụ án PMU 18 gây dư luận xấu trong xã hội. Báo Thanh niên còn đưa ra các bình luận thiếu trách nhiệm, gây phản cảm như: “Cần thay máu mới cho hệ thống lãnh đạo”, “Cơ chế quản lý giám sát của Đảng, hệ thống chính quyền cần được xem xét đổi mới”, “nhân sự cần phải cải tổ, điều tra cả các cấp cao hơn nữa, không chỉ dừng lại ở cấp Bộ trưởng”, v.v... Khi Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án hình sự, sử dụng biện pháp ngăn chặn đối với Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, các báo Thanh niên và Tuổi trẻ đã có phản ứng thiếu bình tĩnh với các bài viết có nội dung quá khích, thiếu tính xây dựng. Trong quá trình xem xét xử lý các vi phạm nêu trên, Bộ Thông tin và truyền thông đã thu hồi thẻ nhà báo của các ông Nguyễn Quốc Phong, Huỳnh Kim Sách, Dương Đức Đà Trang, Bùi Văn Thanh. Cơ quan điều tra đang tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ để có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm.

Kết quả điều tra có đủ chứng cứ kết luận về hành vi phạm tội của các bị can như sau:

LÝ LỊCH BỊ CAN

1. Bị can Phạm Xuân Quắc
Giới tính: Nam
Sinh ngày : 15/02/1946 Tại: Hải Dương
Nơi ĐKNKTT : số 70A, ngõ 83, Đào Tấn, Ngọc Khánh, Hà Nội.
Nơi ở : Số 70A, ngõ 83, Đào Tấn, Ngọc Khánh, Hà Nội.
Nghề nghiệp : Cán bộ nghỉ hưu.
Quốc tịch : Việt Nam; Dân tộc: Kinh
Đảng phái chính trị : Đảng viên ĐCSVN; (Đã tạm đình chỉ sinh hoạt)
Tiền án, tiền sự : Không
(...)
Bị khởi tố ngày 12/5/2008, hiện đang tại ngoại.
Đã có hành vi không chấp hành đúng quy định của Nhà nước, của ngành Công an về công tác bảo mật, cung cấp thông tin vụ án đang điều tra cho các phóng viên viết bài, vi phạm Chỉ thị số 11 CT/2002/BCA ngày 31/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi của bị can Phạm Xuân Quắc đã phạm vào tội: “Cố ý làm lộ bí mật công tác” quy định tại Khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự.

2. Bị can Đinh Văn Huynh

Giới tính: Nam
Sinh ngày : 17/8/1958 Tại: Thái Bình
Nơi ĐKNKTT : Số 5, Vọng Đức, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nơi ở : Số 5, Vọng Đức, Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nghề nghiệp : Cán bộ.
Quốc tịch : Việt Nam Dân tộc: Kinh
Đảng phái chính trị : Đảng viên ĐCSVN; (Đã tạm đình chỉ sinh hoạt)
Tiền án, tiền sự : Không
(...)
Bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 12/5/2008, hiện đang tạm giam tại Trại B14 - Bộ Công an.
Đã có hành vi không chấp hành đúng quy định của Nhà nước, của ngành Công an về công tác bảo mật, cung cấp thông tin vụ án đang điều tra cho các phóng viên viết bài, vi phạm Chỉ thị số 11CT/2002/BCA ngày 31/10/2002 của Bộ trưởng Bộ Công an, về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi của Đinh Văn Huynh đã phạm vào tội: “Cố ý làm lộ bí mật công tác” quy định tại Khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên trong quá trình điều tra thái độ khai báo của bị can quanh co, không thành khẩn đổ lỗi cho người khác.


3. Bị can Nguyễn Việt Chiến
Giới tính: Nam
Sinh ngày : 08/10/1952 Tại: Hà Nội.
Nơi ĐKNKTT : Phòng 414-E4-Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội.
Nơi ở : Số 43, ngõ 47A, đường Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Nghề nghiệp : Phóng viên.
Quốc tịch : Việt Nam. Dân tộc: Kinh
Đảng phái chính trị : Không.
Tiền án, tiền sự : Không.
(...)
Bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 12/5/2008, hiện đang tạm giam tại Trại B14 - Bộ Công an.
Đã có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, viết nhiều tin bài đăng tải trên báo không đúng sự thật, bình luận theo cảm tính, suy diễn chủ quan, gây dư luận xấu trong xã hội, xâm phạm nghiêm trọng uy tín của Đảng và Nhà nước, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Hành vi của Nguyễn Việt Chiến đã phạm vào tội: “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự.


4. Bị can Nguyễn Văn Hải
Giới tính: Nam
Sinh ngày : 16/6/1975 Tại: Thái Nguyên.
Nơi ĐKNKTT : Số 8B-A1- Tập thể Mỏ Địa Chất, xa Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
Nơi ở : Số 8B-A1- Tập thể Mỏ Địa Chất, xa Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội.
Nghề nghiệp : Phóng viên.
Quốc tịch : Việt Nam. Dân tộc: Kinh.
Đảng phái chính trị: Đảng viên ĐCSVN; (Đã tạm đình chỉ sinh hoạt)
Tiền án, tiền sự : Không
(...)
Bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 12/5/2008, hiện đang tạm giam tại Trại B14 - Bộ Công an.
Đã có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, viết nhiều tin bài đăng tải trên báo không đúng sự thật, bình luận theo cảm tính, suy diễn chủ quan, gây dư luận xấu trong xã hội xâm phạm nghiêm trọng uy tín của Đảng và Nhà nước, danh dự, nhân phẩm và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Hành vi của Nguyễn Văn Hải đã phạm vào tội: “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự. Trong quá trình điều tra Nguyễn Văn Hải đã có sự hợp tác với Cơ quan điều tra, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Hành vi phạm tội nêu trên của các bị can đã phạm vào các Điều luật sau đây của Bộ luật hình sự:

Điều 286. Tội Cố ý làm lộ bí mật công tác;...
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật công tác; hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định quy định tại Điều 80 và Điều 263 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. ...

Điều 258. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Từ các chứng cứ và tình tiết nêu trên.

QUYẾT ĐỊNH

Truy tố các bị can có lý lịch và hành vi phạm tội nêu trên ra trước Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử:

Đối với: Phạm Xuân Quắc và Đinh Văn Huynh về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác” theo quy định tại Khoản 2 Điều 286 Bộ luật hình sự.

Đối với: Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải về tội: “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại khoản 2 Điều 258 Bộ luật hình sự.

Uỷ quyền Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án này theo đúng quy định của pháp luật.

Kèm theo bản cáo trạng là hồ sơ vụ án được đánh số thứ tự từ 01 đến ..., bảng thống kê vật chứng và danh sách những người cần triệu tập ra tòa./.

Nơi nhận:
- VKSND TP Hà Nội;
- TAND TP Hà Nội;
- Cơ quan ANĐT BCA;
- Các bị can;
- Hồ sơ vụ án;
- Hồ sơ KSĐT;
- Lưu vụ 2

TUQ. VIỆN TRƯỞNG
KIỂM SOÁT VIÊN
Nguyễn Hồng Vinh

-----0-----

VIỆN KIỂM SOÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2008


DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI CẦN TRIỆU TẬP RA TÒA


VỤ ÁN: “Cố ý làm lộ bí mật công tác” và tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
1. Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập Báo Thanh niên.
2. Lê Hoàng, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Quốc Phong, Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên.
4. Bùi Văn Thanh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thanh niên.
5. Huỳnh Kim Sánh, nguyên Tổng thư ký Tòa soạn Báo Thanh niên.
6. Dương Đức Đà Trang, Trưởng văn phòng đại diện Báo tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
7. Trần Công Hùng, phóng viên Báo Tiền phong.
8. Đào Anh Tuấn, phóng viên Báo Đại đoàn kết.
9. Tống Văn Thanh, phóng viên Báo Lao động.
10. Trần Quang Huy, phóng viên Báo Tuổi trẻ.
11. Phạm Quốc Hợp, phóng viên Báo Sài gòn giải phóng.
12. Nguyễn Chí Long, phóng viên Báo Công an nhân dân.
13. Đinh Công Tiến, phóng viên Báo An ninh thủ đô.
14. Nguyễn Thiện Thuật, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
15. Phạm Hồng Quân, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
16. Hồ Phương, phóng viên Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh.
17. Lê Đức Vinh, cán bộ Cục C14 Bộ Công an.
18. Lê Thùy Dung, cán bộ Cục C14 Bộ Công an.
19. Nguyễn Như Phong, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân.
20. Trần Đức Thọ, phóng viên Báo Điện ảnh kịch trường.
21. Káp Thành Long, phóng viên Báo Thanh niên.
22. Trương Quang Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ, hiện là Trưởng văn phòng đại diện Báo Việt Nam Nét tại TP Hồ Chí Minh.
23. Lê Thanh Tâm, biên tập viên Báo Tuổi trẻ.
24. Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ.
25. Đỗ Văn Dũng, Tổng thư ký Tòa soạn báo Tuổi trẻ.
26. Dương Thành Truyền, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ.
27. Trần Việt Hưng, Thư ký Báo Thanh niên.

VỤ TRƯỞNG - KIỂM SÁT VIÊN
Nguyễn Hồng Vinh

No comments: